Ngọc Hư Cung – Cung Thiên điều khiển khắp Tam Giới
* Nguồn gốc
– Ngọc Hư Cung có tên gọi khác là Cung Ngọc Diệt Hình. Là Thiên Cung được kết tụ bởi khí chất thanh khiết của Thượng Giới.
– Cung này trắng sáng hư ảo, như sương khói ở Bạch Ngọc Kinh, thuộc tầng Hư Vô Cao Thiên trong Cửu Trùng Thiên.
– Đây là Thiên Cung nắm quyền trị thế, điều khiển khắp cả Tam Giới. Chưởng Quản nơi đây chính là Đức Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn. Ngài chính là vị Cha Lành, Đức Đại Từ Phụ của muôn vạn loại sinh linh.
– Gọi là Ngọc Diệt Hình Cung vì nơi đây mọi thứ hư huyễn sẽ được diệt trừ tận gốc, phơi bày hết thảy những hư huyễn tà mị mà chân hồn bị vướng mắc chưa thấu hiểu minh bạch. Bản chất Cung điện này cũng hư ảo, có thể ẩn hiện trong mây lành ngũ sắc, có khi biến hiện thành dạng giống vị Linh Thú Kỳ Lân rồi di chuyển chớ không có ở yên một chỗ.
….…..
* Hình dạng và tính chất đặc trưng
– Cung này giống nhiều Cung khác trên Bạch Ngọc Kinh cõi Niết Bàn, toàn bộ Cung điện từ tường vách, mái vòm, trụ cột, mặt sàn… đều là một màu trắng hơi ngà như mây trời lãng đãng. Màu ấy trông giống màu trắng xà cừ, có thể ánh lên các màu khác nhau trong dải màu cầu vồng khi có ánh sáng màu sắc khác di chuyển ở gần hoặc chiếu rọi vào đấy.
– Cả Ngọc Hư Cung cũng là một linh thể sống động, các phù điêu hình ảnh trên tường đều có thể biến hóa hư ảo, vi diệu vô cùng.
– Hai bên tả hữu của Ngọc Hư Cung có hai đài rất cao, tỏa ra khí chất đặc trưng mang hai tính Âm Dương rõ rệt là Lôi Âm Cổ Đài và Bạch Ngọc Chung Đài.
– Nhìn từ ngoài vào cổng chính, cả công trình trông giống như một Linh Thú Kỳ Lân đang nằm nghỉ.
– Xung quanh các cửa vào chánh điện Ngọc Hư Cung có chư vị linh thú làm hộ pháp, đa phần là Kim Mao Hẩu, Bạch Hạc và Tứ Linh.
– Ngọc Hư Cung là nơi triều nghi hội họp chư Thần Thánh Tiên Phật để định quyết các vấn đề hệ trọng trong Tam Giới.
– Trong các dịp Lễ, hai Đài Lôi Âm Cổ và Bạch Ngọc Chung sẽ được ngân vang những tiếng chuông, hồi trống cùng với các bài kệ khánh chúc Đại Đạo phổ độ chúng sinh, Tam Giới cát tường.
– Vào những dịp Lễ, cả ba vị Tam Tôn Khởi Nguyên là Đức Đại La Thiên Đế Thái Cực Thánh Hoàng, Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Hồng Quân Lão Tổ đều xuất hiện nơi Ngọc Hư Cung này.
– Kiến trúc chánh điện Tòa Thánh Tây Ninh được xem là bản sao nhỏ bé của Ngọc Hư Cung nơi Thượng Giới. Tòa Thánh này lúc xây dựng được Đức Lý Giáo Tông giáng cơ chỉ điểm vẽ tới đâu thì công thợ xây tới đó.
– Ở Linh Giới cõi Địa Cầu này, khu vực Tòa Thánh Tây Ninh hiện tại là nơi quy tụ chư linh có tu tập khắp địa cầu khi thoát xác. Dù người thuộc tôn giáo nào đi nữa, hễ có tu, có thể được dẫn duyên đến các cõi giới tu tập đặc biệt, hay là đi lên Cửu Trùng Thiên, Cực Lạc Thế Giới thì đều sẽ đến tập kết ở tại khu vực Tòa Thánh Trung Giới.
– Khi về đến Ngọc Hư Cung, chơn hồn được dẫn đến Cung Bắc Đẩu (Bắc Đẩu Cung) do nhị vị đồng chấp chưởng là Đức Nam Tào và Đức Bắc Đẩu. Ở đó có một cái bệ to lớn bằng bạch ngọc thanh khiết. Trên bệ có một quyển Thiên Thơ gọi là Vô Tự Kinh. Vì trong các trang sách của Kinh này, tất cả đều là trang trắng. Chơn hồn mở quyển Vô Tự Kinh này ra xem.
Lúc bấy giờ, từ trong trang sách Vô Tự Kinh này sẽ hiển hiện lên sự thật minh bạch hoàn toàn những ảnh tượng về nhân duyên nghiệp quả của họ từ quá khứ cho đến lúc ấy. Cùng với sự lựa chọn chuyển sinh thành dạng nào trong Tam Giới, thì sẽ có nghiệp quả tương ứng gì. Những nghiệp thiện và bất thiện họ từng gieo trồng trong các kiếp sinh, bấy giờ họ lựa chọn chuyển hóa vun trồng cho các nhân duyên ấy thì sẽ có những quả báo gì tương ứng.
Lúc ấy, họ lại đối diện với việc tâm tình, ý nguyện phát khởi mãnh liệt, động tình dữ dội. Các thân tộc trong Gia Tộc Thiêng Liêng của chân hồn ấy có mặt nơi đây để nhắc cho người ấy biết về những điều thiện họ đã từng gieo trồng, những nhân bất thiện cũng có thể chuyển hóa thành thiện lành nếu biết sám hối và có phương thức hồi hướng chuyển duyên rõ ràng.
Việc nhắc nhở này giúp các chân hồn không phải lựa chọn những kết quả bi thương, những sự chuyển sinh vào các đường dữ khi họ nhận thức về các tội lỗi của họ một cách sâu sắc và có hình thức tự kỷ luật phạt mình quá nặng nề.
– Nơi đây, nhị vị Chưởng Quản không can dự vào các sự việc diễn ra, họ chỉ ở đấy, lặng lẽ quan sát, hỗ trợ cho người ta nhìn thấu suốt được nhân quả tình duyên của mình trong các kiếp sinh đã trải qua.
Đặc biệt nơi Cung này, khi đối diện với nhân quả tình duyên, chân hồn có thể được diện kiến các vị Giáo Chủ của các tôn giáo mà mình đã từng tín tâm truy cầu tu học từ nhiều đời kiếp. Chẳng hạn như người ấy có khúc mắc về con đường tu học tinh tấn của bản thân, khi họ muốn lựa chọn chuyển sinh thành dạng gì thì có thể sẽ tiếp tục việc tu dưỡng và tạo lập công quả, thiện nghiệp ra sao.
– Cũng có những trường hợp đáng tiếc khi chân hồn ấy tu hành theo các pháp môn đã thất chân truyền, bị thay đổi bởi bàn tay và trí phàm. Do đó họ có nhiều công phu, công nghiệp theo cái đã bị sai lạc ấy. Từ lúc còn sống cho đến thời điểm xem Vô Tự Kinh. Họ tưởng rằng mình có công thiện nghiệp nhưng rốt cuộc lại là vô ích, không có quả lành, hoặc là họ đã vô tình gieo trồng nghiệp bất thiện mà không hay biết. Việc này có thể lấy ví dụ cụ thể như sau:
— Pháp môn tu tập A khuyến cáo người ta rằng sát sinh ăn mạng chúng sinh chính là cứu giúp chúng sinh ấy mau thoát khổ, nên người nào sát sinh nhiều sẽ mau chuyển sinh thành Thần Tiên. Tất nhiên việc như thế là sai. Vì sát mạng chúng sinh thì là việc dữ không phải việc thiện. Người dính vào sát mạng chúng sinh nhiều thì làm sao mà thành Thần Tiên được. Nhưng mà, vì người tu học ấy thiếu hiểu biết, tin răm rắp theo lời mị ngôn của tiền bối trong giáo phái họ. Rồi họ làm nghiệp dữ mà tưởng mình làm thiện, cuối cùng khi có duyên về đây thì hiểu ra mình bị lừa tu theo cái đã thất truyền bậy bạ. Họ có thể sinh lòng oán trách, từ đó muốn gặp vị Giáo Chủ của pháp môn ấy để đối chất vậy.
Đây là đang nói pháp môn vốn dĩ người sáng lập ban đầu là Chánh Đạo, hướng người tu luyện về Chân Thiện Mỹ, nhưng mà sau một thời gian thì bị thất truyền, bị thay đổi phương thức tu luyện, bị mạo danh…
Chớ mấy pháp môn mà người sáng lập hướng người ta làm việc dữ thì thiệt là hiếm có môn nhân nào về đến chốn này. Có chăng người nào may mắn dù thân trong cửa bàng môn tả đạo nhưng tâm trong sáng, giữ lòng hướng thiện mà không hành ác, lúc đó mới mong về được nơi đây.
– Sau khi xem Vô Tự Kinh ở Cung Bắc Đẩu xong rồi, hiểu được rõ thực hư trắng đen rồi, người ấy lại theo sắc chỉ của Ngọc Hư Cung, quay lại Ngọc Hư Cung để định phận cho mình.
….…..
*Ngọc Hư Cung trong kinh điển
Kinh Đệ Ngũ Cửu – Cửu Thiên Thập Nhị Kinh – Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Ánh hồng chiếu đường mây rỡ rỡ
Cõi Xích Thiên vội mở ải quan
Thiên Quân diêu động linh phan
Cả miền Thánh Vực nhộn nhàng tiếp nghinh
Đài Chiếu Giám Cảnh Minh nhẹ bước
Xem rõ ràng tội phước căn sinh
Lần vào Cung Ngọc Diệt Hình
Khai Kinh Vô Tự đặng nhìn quả duyên
Đắc văn sách thông Thiên định Địa
Phép huyền công trụ nghĩa hóa thân
Kị Kim Quang kiến Lão Quân
Dựa xe Như Ý oai thần tiễn thăng.
* Lưu ý quan trọng : bản Kinh Đệ Ngũ Cửu này nói về các việc ở tầng Xích Thiên, có nhắc về Cung Ngọc Diệt Hình, do việc xem duyên nghiệp ở Minh Cảnh Đài kết thúc thì chân hồn sẽ được cho biết rằng có chư vị dẫn về Cung Ngọc Diệt Hình này, sau đó định phận quả duyên của mình.
- Nếu chân hồn ngay tại Minh Cảnh Đài này, có sự quyết định chuyển sinh thì các vị Chánh Thần sẽ giúp đưa đến Cung Ngọc Diệt Hình.
- Nếu quyết định tu dưỡng tiếp tục, tinh tấn trên con đường về Cội Đạo thì sẽ đi đến các cảnh giới khác, tiếp tục học hỏi rồi sau này mới về Cung Ngọc Diệt Hình.
.………………….
Kinh Đệ Cửu Cửu – Cửu Thiên Thập Nhị Kinh – Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Vùng thoại khí Bát Hồn vận chuyển
Tạo Hóa Thiên sanh biến vô cùng
Hội Bàn Đào Diêu Trì Cung
Phục Sinh đào hạnh rượu hồng thưởng ban
Cung Bắc Đẩu xem căn quả số
Học triều nghi vào ở Linh Tiêu
Ngọc Hư Cung sắc lịnh kêu
Thưởng phong trừng trị phân điều đọa thăng
Nơi Kim Bàn vàn vàn nguyên chất
Tạo hình hài các bậc Nguyên Nhân
Cung Trí Giác trụ tinh thần
Hoàn hư màu nhiệm thoát trần đăng Tiên.
….……….
Kinh Tiểu Tường – Cửu Thiên Thập Nhị Kinh – Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Tịnh niệm phép Nhiên Đăng tưởng tín
Hư Vô Thiên đến thính Phật Điều
Ngọc Hư đại hội ngự triều
Thiều quang nhị bá Thiên Kiều để chơn
Bồ Đề Dạ dẫn hồn thượng tấn
Cực Lạc Quan đẹp phận Tây Quy
Vào Lôi Âm kiến A Di
Bộ Công Di Lặc Tam Kỳ độ sanh
Ao Thất Bửu gội mình sạch tục
Ngôi liên đài quả phúc già lam
Vạn linh trỗi tiếng mừng thầm
Thiên Thơ Phật tạo độ phàm giải căn.
….……………..
Cơ bút của Đức Lý Giáo Tông Đại Đạo
Phải giữ chơn linh đặng trọn lành
Ngọc Hư toàn ngự đấng tinh anh
Luật Điều Cổ Phật không chừa tội
Hình phạt Chí Tôn chẳng vị tình
Chánh trực kinh oai loài giả dối
Công bình vừa sức kẻ chân thành
Mũi kim chẳng lọt xưa nay hãn
Biết sợ xin khuyên cẩn thận mình
