ÍCH KỶ
Lâu nay ta vẫn hay nghe nói rất nhiều về cụm từ ích kỷ. Vậy
Ích kỷ là gì?
Ích kỷ tiếng Anh: selfish, sel-seeking, egoistic, egocentric
Một kẻ vị kỷ, ích kỷ không thể có những người bạn đích thực.
A selfish, egotistical person cannot make true friends.
Ích kỷ tiếng Trung:
- 自私 Zìsī = 小气 Xiǎoqì: Keo kiệt; 独 ; 利己; 益己
- 抠门 /kōu mén/ Rẻ tiền / keo kiệt
- 吝啬 /lìnsè/ Keo kiệt, bủn xỉn
Thế nào là tâm ích kỷ hay người ích kỷ ?
Ích kỷ là vì lợi ích của chính người đó.
Nghĩa là trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh thì người được gọi là ích kỷ, người đó chỉ nghĩ về phần được lợi của chính họ. Còn về cái phần lợi của người thì họ lại không quan tâm.
Ta thấy có một Vị tướng có nói một câu mà ta thấy rõ được sự ích kỷ của ông đó là:
« Người không vì mình thì trời chu đất diệt »,
một câu nói thật là ích kỷ.
Vậy với câu này ta nên sửa lại cho đúng là :
« Người mà sống không vì người khác là trời chu đất diệt »
Câu này mới đúng đạo lý, đúng nhân quả.
Vậy tại sao sống ích kỷ lại không tốt?
Như ta biết, nhân loại muốn tồn tại được trên thế gian thì đều phụ thuộc vào nhau, sống phụ thuộc lẫn nhau.
Lợi ích các bên nên được nghĩ cho nhau và chia đều.
Một ví dụ nhỏ cho ta dễ hình dung:
Ví như trong một bữa tiệc có mười lăm cái bánh bao và hai chai nước, mà có năm người tham dự. Trong năm người này, có một người ích kỷ, thiếu trí tuệ. Khi bắt đầu vào ăn tiệc, người này lấy cất vào bịch năm cái bánh để dành về nhà sẽ ăn tiếp vì bánh ngon. Và lúc đó anh lấy thêm bảy cái nữa bỏ vào tô để ăn ngay lúc đó. Còn phần nước thì mình anh lấy một chai.
Vậy thì trên bàn lúc này chỉ còn ba cái bánh và một chai nước chia cho bốn người.
Thì Quí Vị sẽ hiểu điều gì sẽ xảy ra với người ích kỷ này rồi.
Và người khác sẽ nhìn nhận đánh giá người đó thế nào?
Hơn nữa, người mà chỉ dành phần lợi cho mình mà không nghĩ đến phần của người khác thì dần dần sẽ trở nên nghèo cùng khốn khó và cô đơn.
Vì sao lại như vậy?
Vì không chia sẻ cho người, hưởng một mình thì tiêu hết phước.
Người không nhận ơn nghĩa của mình nên mất cái duyên với nhau và họ không có quý mến người đó nên thành ra bị cô đơn.
Chính vì vậy khi sống ta đừng nên sống ích kỷ mà nên sống ngược lại.
Một cụm từ khác thể hiện sự sống ngược lại là sống vị tha.
Vậy thế nào là sống vị tha?
Sống vị tha là sống vì người khác.
Về bản thân mình thì ta sống tiết kiệm, giản dị.
Nhưng về phần lợi cho người thì ta sống rất rộng rãi, luôn nghĩ cho người, quên cho mình.
Người sống được vậy thì được rất nhiều người yêu quý, tương lai sẽ giàu có, giàu về vật chất cả giàu về bạn bè, giàu về người yêu mến.
Đây phải nói là một thành công bước đầu của người tu đạo.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
Xem thêm : Ghen tị – Chìa khóa đến thành công chân thực
Cách nhận biết Tâm ích kỷ nơi tự thân
Có một bạn trẻ đã hỏi tôi rằng :
Thưa Thầy, cho con hỏi :
Thế nào là tâm ích kỷ?
Và có cách nào để có thể nhận biết là con đang còn tâm ích kỷ hay không ạ?
Trả lời :
Ích là có lợi.
Kỷ có nghĩa là mình, tự mình, chính mình.
Vậy tâm ích kỷ có nghĩa là khi đứng trước một cái gì có lợi ích thì tâm của người ấy liền nghĩ đến cái lợi cho chính người đó trước tiên, và từ suy nghĩ sẽ phát sinh thành hành động, mà muốn giành lấy.
Và khi giành về phần mình thì thường quên mất phần lợi cho người, của người.
Đây gọi là người ấy đang có tâm ích kỷ.
Và ngược với tâm ích kỷ, đó là tâm vị tha.
Vị tha là tâm vì người khác, cái gì cũng nghĩ cho người khác, luôn sống vì người khác.
Đây là tâm rất tốt, tâm quý mà rất ít người có được.
Vậy có cách nào để có thể nhận biết là
mình đang còn tâm ích kỷ hay không?
Xin trả lời là có.
Hãy xoay tâm trở lại và theo dõi quan sát chính bản thân mình.
Ví dụ như lúc mà Quý Vị đang rất đói bụng, và khi ấy Quý Vị có hai cái bánh rất thơm ngon, một cái thì to, còn cái kia thì nhỏ.
Đồng thời lúc ấy cũng có một người bạn khác tới, họ cũng chưa ăn gì và cũng đang đói.
Và người bạn ấy xin Quý Vị cái bánh.
Vậy lúc đó Quý Vị có cho không?
Tôi nghĩ là Quý Vị sẽ cho, nhưng mà là cho cái nhỏ, còn Quý Vị thì ăn cái lớn.
Ví dụ này nhiều khi Quý Vị không để ý, nhưng nó đang thể hiện là Quý Vị đang còn tâm ích kỷ đó.
Và những lợi ích trong cuộc sống không đơn thuần chỉ là cái bánh, hay cốc nước, mà là có rất nhiều lợi ích lớn như gia sản, tiền của, vàng bạc, hay chức vụ,…..v….v…
Và chính những cái lợi lớn này đã làm cho tâm ích kỷ của con người tăng lên .
Đây là mầm móng để nhiều người gieo tạo ác nghiệp, biến họ trở nên mất nhân cách, tổn giảm đạo đức cao quý.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB Tu học mỗi ngày –
Sự ẩn giấu của Lòng Ích Kỷ
Cách đây cũng mười mấy năm, khi đó tôi vẫn là người chưa đi con đường tu đạo như bây giờ.
Lúc ấy, tôi đang còn là một sinh viên, học tập và sống một cuộc đời như bao người bình thường khác.
Thời điểm đó, có một cô gái trẻ, cũng là sinh viên.
Cô này thì để ý, thương thầm tôi, nhưng tình cảm của cô ấy rất kín đáo, mà mãi sau này tôi mới biết.
Tôi thì chỉ xem cô như một người bạn bình thường và tình cảm ấy cũng giống như bao người bạn gái khác.
Lúc ấy, tôi thấy cô gái rất tốt, tốt quá đến nỗi tôi nghĩ :
« Ôi, người sao mà tốt vậy ta, thật hiếm gặp trên đời ».
Khi tôi bị bệnh, cô ấy lo tìm mua thuốc men, mà không chịu nhận tiền.
Rồi cô ấy hay mua đồ ăn sáng, ăn tối, mua trái cây mỗi khi đến phòng tôi chơi.
Và dường như ngày nào cô ấy cũng nhắn tin hay gọi điện.
Rồi Quí Vị nghĩ xem, thậm chí tiền gia đình gửi cho cô gái để ăn học thì cô cũng đưa và nhờ tôi cất dùm, khi nào cần thì cô mới lấy .
Thật sự là người quá tốt! Tôi nghĩ vậy.
Thế nhưng vào một lần nọ, tôi thấy cô ấy tỏ tình với tôi.
Nhưng tính tôi thẳn thắng, tôi nói là :
«Tôi không có tình cảm gì với bạn hết.
Tôi chỉ xem bạn như bao người bạn khác, xem chúng ta như những người bạn thân chơi với nhau.
Rất trong sáng, giúp đỡ nhau, và không bị ô nhiễm bởi tình ái ».
Quí Vị biết không. Khi cô ấy biết rằng tôi không có tình cảm với cô. Sau đó, tính cách tốt của cô với tôi trước đây giờ mất tiêu, không còn nữa.
Thậm chí những lúc tôi cần nhờ việc gì là bị lãng tránh, bị lờ đi, hay đưa ra lý do.
Cái tính tốt như hôm nào, chẳng qua nó là sự giấu mặt bên trong nó là lòng ích kỷ, là sự muốn có một lợi ích nào đó.
Sau này tu hành, tôi vẫn thường hay so sánh giữa tình cảm tốt ấy của cô gái với tâm từ bi của Chư Phật.
Tâm từ bi của Chư Phật Bồ Tát, đó là một tình cảm thiêng liêng và cao quý. Tình thương này giống như một người mẹ đơn thuần thương đứa con ngây dại của mình mà không hề có một sự lợi ích riêng tư hay cá nhân nào.
Tình thương ấy chỉ đơn thuần là tình thương mến, yêu thương từ ái, giúp đỡ nhau. Nó xuất phát từ một nội tâm từ ái, nhân hậu, đầy ắp từ bi giữa người với người hay với tất cả mọi sinh vật hữu tình khác mà không có sự phân biệt. Tình cảm ấy, nó khác biệt hoàn toàn với tình yêu nam nữ, ái luyến nam nữ.
Vì bản chất của tình cảm nam nữ, nó dựa trên sự ích kỷ, là sự sở hữu, chiếm hữu riêng tư, cá nhân. Và khi sự lợi ích ấy không còn, hoặc xuất hiện một cái gì khác, hay một ai khác tốt hơn, lợi hơn thì nó cũng rất dễ dàng bị đỗ vỡ, phá vỡ.
Do vậy, mỗi khi Quí Vị tốt với ai, hay giúp ai làm điều gì, hay là lúc ấy Quí Vị đang thực tập tu tâm từ bi.
Thì hãy luôn nhìn lại xem lòng tốt, tình cảm của mình, nó đang là thứ tình cảm ích kỷ, vụ lợi. Hay nó đang là tâm từ bi bình đẳng, không toan tính, không vụ lợi.
So sánh và kiểm soát được như vậy.
Thì tôi tin rằng, đạo đức, đạo hạnh và tâm từ bi của Quí Vị theo năm tháng sẽ lớn dần lên.
Tâm từ bi mà rộng lớn thì bản ngã sẽ bị thu nhỏ lại, sẽ hướng đến vô ngã, không còn cái ngã nữa.
Nghĩa là lúc ấy Quí Vị đang tiến về phía gần Phật.
Vì Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát lấy tâm từ bi làm bản thể.
Và niết bàn chính là sự ngộ ra được bản ngã không thật có.
Do đó, Quí Vị đừng để tình thương của mình bị kẹt trong sự ích kỷ, vị kỷ như đã nói trên.
Vì nó là thứ tình cảm của phàm phu, chứ không phải tình trong đạo.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày
Xem thêm:
- Thế nào là người thiện lương?
- Hào Phóng để khơi thông Dòng Chảy Thịnh Vượng
- Sống là biết cách cho và nhận
Các tìm kiếm liên quan đến tâm ích kỷ
- Sống ích kỷ là gì
- Trị người ích kỷ
- Ví dụ về tính ích kỷ
- Ích kỷ hại nhân
- Nguyên nhân của lối sống ích kỷ
- Sống ích kỷ chỉ biết mình
- Viết đoạn văn về tính ích kỉ
- Biểu hiện của người ích kỷ