Nguyên nhân nào khiến một người càng tu càng nghèo
Quý vị thấy trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều người tu, cả xuất gia lẫn tại gia, họ càng tu thì càng không có gạo nấu, tức rơi vào hoàn cảnh rất nghèo khổ, túng thiếu, bi đát,…..
Vậy nguyên nhân do đâu ?
Tôi nghĩ có thể do ba nguyên nhân chính sau đây :
Ba nguyên nhân chính
Thứ nhất : Hay đi thuyết pháp cho người nhưng nói sai chánh pháp
Do không hiểu chính pháp, hay hiểu chưa đúng.
Nên càng giảng pháp thì càng làm sai pháp, càng gieo điều tà kiến cho người, khiến tổn phước nên nghèo, thậm chí có thể phải gặp nhiều điều xui xẻo nữa :
Trường hợp này tôi gặp thực tế ngoài đời có một người chú ở gần nhà.
Chú này lúc trẻ thì mù chữ, nhưng sau đó gắng học cũng biết chữ, và tụng kinh được.
Nhưng học về Phật Pháp thì không có tới nơi tới chốn, biết một chút rồi cứ nghĩ mình giỏi hơn người, rồi sinh tâm tự hào, tự khen ngợi bản thân, và đi đâu cũng hay nói Phật Pháp cho người khác (dù người đối diện có muốn nghe hay không nghe).
Và tôi cũng nhiều lần nghe chú ấy nói rồi, giảng 10 điều thì sai hết 9 điều.
Quý vị thấy có nguy hiểm không ạ?
Nên chú này càng tu càng khổ ghê lắm, trong nhà lại hay gặp những điều xui xẻo nữa.
Thứ hai : Tu tuệ (huệ), nhưng không tu phước
Có rất nhiều người tu, họ chấp vào câu :
“Tụng kinh này được phước vô lượng”
sau đó chỉ ngồi tụng mà không có làm gì cả.
Nhưng thực ra câu này phải hiểu như sau :
Tụng kinh muốn được phước thì phải hiểu lời kinh, sau đó phải áp dụng vào thực hành để chuyển hóa tâm tính từ xấu ác thành hiền thiện, lại còn đem những điều học được áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Có như thế thì phước mới được tạo ra.
Ví dụ :
Phật dạy : Bố thí là nhân của sự giàu có.
Với người thực hành, thì họ áp dụng luôn :
Tức họ bỏ tiền của mình ra để đi cúng dường, phóng sanh, từ thiện,……
Đây chính là Tài Thí.
Và họ thấy bài đạo lý nào của Phật dạy mà hay, thì họ chia sẻ cho nhiều người biết.
Đây là Pháp Thí.
Trong cuộc sống , khi thấy ai đang bị rơi vào hoàn cảnh sợ hãi, lo lắng, tâm bất an,….
Thì họ làm mọi cách để giúp cho người kia vượt qua được tâm trạng đó.
Đây là Vô Uý Thí.
Và vì người này tu mà có hành thực tế, nên quả phúc nó mới trổ ra, khiến họ giàu.
Khác với một người, họ chỉ ngồi tụng kinh, đọc kinh, …. nhưng không chịu làm gì cả.
Phật dạy bố thí, nhưng họ tiếc của, lười biếng, tiếc công, …và không có chịu làm gì.
Mà cơm thì ngày nào cũng phải ăn, các nhu cầu vật chất thì ngày nào cũng sử dụng,…..
Vậy phước báu ở đâu ra, hay làm gì còn có dư mà giàu có được.
Nên thiền môn hay có câu :
“Một ngày không làm, một ngày không ăn”, là vậy.
Thứ ba : Tu nhưng không giữ giới mà còn phá giới, phạm giới
Khiến phước báu bị tổn nên nghèo
Nhiều người họ tu tại gia, tu thì tu nhưng nhậu thì nhậu, hút thuốc thoải mái như thường,
lại còn mê chơi game, mê cờ bạc, mê gái,……
Làm việc thì ít mà ham chơi thì nhiều.
Chỉ xét về mặt cờ bạc thôi thì họ cũng đã đổ nợ và bỏ trốn rồi.
Tức họ đã tự phá cái phước của chính họ, nên nghèo đói chính là quả, nó trổ ra như một điều tất yếu.
Ở trên chính là ba nguyên nhân cơ bản, khiến một người càng tu càng nghèo khổ.
Do đó khi nhìn một người tu mà quá nghèo khổ, thì quý vị hãy để ý xem coi họ có bị những điều tôi nói hay không.
Và hãy tự nhìn lại chính mình xem như thế nào?
Xem coi mình tu bao năm mà trong nhà đủ gạo nấu hay không?
Nếu không đủ thì cần phải nên xem lại….
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa