Nhân Loại đang ở đâu trong chu kì Thành-Trụ-Hoại-Diệt?
(Trích sách “Muôn kiếp nhân sinh“1- Tác giả: Nguyên Phong– phần 7)
…Tôi (Thomas) hỏi:
– Theo ông thì hiện nay nhân loại cần thức tỉnh học hỏi điều gì để có thể thích ứng với chu kỳ hiện tại?
Ông Kris trả lời từ tốn :
– Thật ra điều này rất rõ ràng, nhưng nhiều người không để ý đấy thôi. Ông hãy nhìn vào sự thay đổi của ngày và đêm. Ngày bắt đầu từ lúc rạng đông, rực rỡ vào buổi trưa, thoái hóa vào lúc hoàng hôn, và mất đi khi màn đêm xuống.
Đời người cũng thế, bắt đầu từ khi sinh ra, lớn lên, rồi già yếu và sau cùng là chết. Nếu nhìn rộng hơn nữa, sự phát triển của quốc gia cũng như thế.
Khi được khai lập là Thành, khi phát triển lớn mạnh là Trụ, rồi suy thoái là Hoại, và biến mất trên bản đồ là Diệt.
Tuy nhiên, các giai đoạn này kéo dài lâu hay chóng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Điều này chỉ có thể giải thích bằng luật Nhân quả.
Tôi ngạc nhiên:
– Tại sao lại là luật Nhân quả?
Ông Kris giải thích, giọng điềm đạm:
– Luật Nhân quả là một quy luật của vũ trụ. Một người hành động như thế nào sẽ tạo ra phản ứng ngược lại. Tất cả những gì ta làm sẽ quay lại chi phối chính mình, do đó mỗi người phải chịu trách nhiệm cho những việc mình làm. Đây được gọi là biệt nghiệp, hay nghiệp quả riêng của từng cá nhân.
Do sự thu xếp mầu nhiệm và phức tạp của nhân quả nên những người có nghiệp nhân giống nhau sẽ sống gần nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, và hưởng thụ hay chịu đựng cùng nhau.
Đây được gọi là cộng nghiệp, hay nghiệp quả chung của số đông. Cũng như thế, mỗi quốc gia đều có nghiệp quả riêng của nó. Những người được sinh ra hay sống trong cùng một quốc gia đều có mối liên hệ với nhau, hay cùng chung một cộng nghiệp.
Cộng nghiệp của một quốc gia không chỉ riêng cho con người, mà cho mọi sinh vật sống trong đó. Nếu nhìn vào thế giới ngày nay, ông có thể hỏi tại sao có người được sinh ra ở quốc gia này chứ không phải ở quốc gia khác? Tại sao có người được sinh ra ở một quốc gia hùng cường, giàu mạnh, hưởng mọi sự sung sướng trong khi người khác được sinh ra ở những nơi nghèo đói, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai triền miên?
Tôi muốn hiểu sâu hơn về điều này, bèn nói:
– Xin ông hãy giải thích cụ thể hơn nghiệp quả quốc gia diễn ra như thế nào.
Ông Kris từ tốn trả lời:
– Vào thuở sơ khai, con người tụ tập thành bộ lạc. Nhờ người lãnh đạo hay tù trưởng tài giỏi thì bộ lạc mới đứng vững, không bị những bộ lạc khác tiêu diệt.
Từ đơn vị như bộ lạc, sau thành làng xã, và trở thành quốc gia, là một tiến trình trải qua rất nhiều khó khăn và thăng trầm, hoàn toàn do tài điều khiển của những người lãnh đạo.
Một quốc gia được thành lập là do viễn kiến và sứ mạng của những người công thần có công xây dựng nên quốc gia đó. Nếu nhìn vào lịch sử, khi mới thành lập, quốc gia nào cũng đều có những bậc anh hùng hào kiệt, được sinh ra ở đó để xây dựng một quốc gia độc lập, với văn hóa riêng biệt theo điều kiện địa lý đặc thù.
Giai đoạn Thành là một khoảng thời gian đặc biệt, với rất nhiều người tài đến để xây dựng quốc gia đó. Không có những người này, quốc gia không thể tồn tại.
Những người này phải chiến đấu, khắc phục những khó khăn, từ thời tiết, khí hậu, địa thế, đến các loài thú dữ hay những quốc gia chung quanh, mới có thể thành lập được một quốc gia độc lập.
Nếu xét kỹ, ông có thể thấy sự nghiệp dựng nước của những người này lớn lao như thế nào. Tiếc thay, ngày nay không mấy ai nhớ được những việc đã diễn ra trong quá khứ, người đời sau lại hay phóng đại, thêm thắt chi tiết vào, nên con cháu họ coi đấy chỉ là những huyền thoại không có thật.
Sau giai đoạn Thành là giai đoạn Trụ. Lúc này cũng có rất nhiều nhân tài xuất hiện nhưng với nhiệm vụ là tổ chức, thành lập những cơ cấu kinh tế, văn hóa, điều kiện sống căn bản cho người dân để điều hành và phát triển quốc gia, đưa nó lên địa vị hùng cường.
Nhưng đây cũng là giai đoạn quyết định số phận của quốc gia. Tùy theo người lãnh đạo điều hành quốc gia như thế nào, hành động ra sao mà giai đoạn Trụ sẽ kéo dài lâu hay chóng.
Nói cách khác, tùy theo hành động (nhân) mà người trong quốc gia đó làm sẽ tạo ra các động lực ngược lại, chi phối quốc gia đó (quả). Mọi người đều phải chịu trách nhiệm cũng như hậu quả cho việc làm của họ (cộng nghiệp).
Nghiệp quả quốc gia rất phức tạp và khó giải thích vì có nhiều nguyên nhân, tốt cũng như xấu. Quốc gia nào cũng có đủ mọi loại người với các hành động khác nhau.
Có người xây dựng, có người phá hoại, có người lành, có người dữ, do đó dù đã gieo nhân nhưng đôi khi quả không đến ngay mà tiềm ẩn một thời gian nên nhiều người không tin vào luật Nhân quả nữa.
Thật ra đời người thì ngắn, luật Nhân quả thì phức tạp, kéo dài rất lâu, nhiều đời, nhiều kiếp, chằng chịt với nhau, không ai có thể biết khi nào nhân sẽ trổ quả. Tuy nhiên, đã gây nhân thì chắc chắn sẽ gặt quả, vì luật Nhân quả không bao giờ sai.
Ông Kris ngừng lại như để tôi suy nghĩ, rồi nói tiếp:
– Vì ông đã sống tại Ai Cập nên tôi lấy nước này làm thí dụ. Sử gia Herodotus của Hy Lạp khi qua Ai Cập đã ghi nhận về tình trạng lúc đó như sau: “Những chứng tích của nền văn minh huy hoàng khi xưa đã bị xóa bỏ hoàn toàn, chỉ còn những đền đài, lăng tẩm đổ nát, không người săn sóc. Tôi không tiếc cho những công trình kiến trúc bị bỏ hoang này, mà chỉ tiếc cho các công trình tâm huyết, các bí quyết kỹ thuật, tinh hoa tri thức của tiền nhân đã bị thất truyền, vì không ai học được những thứ này nữa.
Dân Ai Cập sống lầm than, khổ cực, chỉ làm những việc để sống qua ngày, không còn ai tha thiết hay nhắc nhớ gì về thời đại huy hoàng khi xưa nữa.
Ai Cập với những đồng ruộng màu mỡ nhờ phù sa sông Nile bồi đắp, cá tôm bơi lội từng đàn, với biết bao tài nguyên thiên nhiên mà nay người dân xứ này lại không đủ ăn. Tất cả mọi thứ đều đã bị thu góp mang về Nubia và Assyria.”
Lịch sử Hy Lạp viết rằng khi Herodotus đến đây, Ai Cập đã trải qua một thời gian rất lâu sống dưới ách đô hộ của Nubia, rồi Assyria, những quốc gia mà khi xưa các Pharaoh Ai Cập vẫn thường mang quân đi xâm lăng, chiếm đoạt tài nguyên, bắt nô lệ, và chém giết không gớm tay.
Tôi ngậm ngùi nghĩ đến hậu quả mà người dân Ai Cập đã phải trả trong thời gian gần hai ngàn năm sống dưới ách đô hộ của Nubia, Assyria, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, Anh và Pháp. Một nền văn minh huy hoàng như thế mà hoàn toàn bị tiêu diệt, chỉ còn lại những kim tự tháp và một số đền đài, lăng tẩm đổ nát như để nhắc nhở cho người dân về một quá khứ đã qua.
Ngày nay, phần lớn người Ai Cập cũng không biết rõ về nền văn hóa huy hoàng của tổ tiên họ mà chỉ coi đó là những giai thoại mơ hồ và chấp nhận văn hóa Ả Rập như là nền văn hóa chính. Ông Kris thong thả nói tiếp:
– Đối với những chính thể, các triều đại, ngay cả các công ty lớn cũng đều chịu ảnh hưởng của luật Chu kỳ. Tất cả đều trải qua giai đoạn thành lập, phát triển, suy thoái và tiêu vong.
Nhìn vào lịch sử, ông có thể thấy những triều đại vua chúa trên thế giới, ngày xưa có triều đại kéo dài hàng trăm năm, có triều đại chỉ tồn tại vài chục năm, tùy theo sự lãnh đạo và hành động của người cầm quyền nước đó.
Ngay cả các chính thể, hay các công ty lớn cũng thế. Có chính thể hay công ty tồn tại được vài chục năm. Có chính thể và công ty vừa thành lập ít lâu rồi suy sụp.
Ngày nay, với sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ và khoa học, đời sống con người cũng thay đổi rất nhanh. Do đó, sự tồn tại của các chính thể hay công ty cũng sẽ đổi thay nhanh hơn trước. Nếu quan sát, ông có thể thấy các chính thể và công ty lớn thuộc thế kỷ mười chín đã tồn tại được hơn một trăm năm. Qua thế kỷ hai mươi, đa số chỉ tồn tại được khoảng tám mươi năm hay ít hơn.
Nhưng qua thế kỷ hai mươi mốt, ông sẽ thấy ít chính thể hay công ty nào có thể tồn tại hơn năm mươi năm và sự tồn tại sẽ thay đổi theo thời gian, ngày một ngắn đi.
Ông Kris nhấn mạnh:
– Là thương gia về tài chính tại New York, chắc chắn ông biết rõ năm trăm công ty lớn nhất Hoa Kỳ của thế kỷ mười chín đều đã phá sản vào đầu thế kỷ hai mươi, chỉ riêng công ty General Electric là còn sống sót.
Hẳn ông cũng thấy thời đại huy hoàng của năm trăm công ty lớn nhất trong thế kỷ hai mươi – như công ty xe hơi, điện lực, điện thoại – cũng đã qua rồi, hầu hết những công ty này nếu chưa phá sản cũng sắp khánh tận để nhường chỗ cho những công ty công nghệ mới thành lập gần đây như Apple, Google, Microsoft, Amazon v.v…
Tôi gật đầu đồng ý:
– Điều ông nói rất hay và rất đúng. Là một chuyên gia về tài chính tại thị trường New York, tôi biết rất rõ những công ty này.
Hiện nay tất cả những công ty lớn nhất của thế kỷ mười chín đều không còn hiện hữu và hầu hết các công ty lớn nhất của thế kỷ hai mươi cũng đang ở trong tình trạng suy thoái và sắp phá sản. Theo ông, những công ty có tầm ảnh hưởng lớn hiện nay sẽ tồn tại được bao lâu?
Ông Kris mỉm cười:
– Mỗi công ty cũng có sứ mạng và nghiệp quả riêng, tùy theo tài điều khiển của người lãnh đạo và sự thay đổi thị trường, nhưng với chiều hướng thay đổi hiện nay, tôi không nghĩ một công ty nào có thể tồn tại quá bảy mươi năm. Nhân loại đang bước vào giai đoạn mà sự thay đổi sẽ diễn ra hết sức nhanh chóng và bất ngờ.
Tôi thắc mắc:
– Chúng ta vừa nói về công ty, còn các quốc gia hay chính thể thì sao? Liệu trong tương lai gần sẽ có sự thay đổi lớn nào không?
Ông Kris bật cười:
– Làm sao tôi có thể biết được? Tôi đâu phải là nhà tiên tri. Hiện nay chúng ta đang bước vào giai đoạn Hoại thì tôi nghĩ các quốc gia hay chính thể nào cũng sẽ suy tàn. Theo suy nghĩ của tôi thì khi xưa, trong giai đoạn Trụ, nhiều nước nhỏ hợp lại thành một nước lớn hay các khối lớn, thì trong tương lai sẽ có sự tan vỡ của những nước lớn hay các khối lớn thành những phần nhỏ. Vì theo chu kỳ, tất cả mọi sự, mọi vật khi đi đến giai đoạn Hoại thì sẽ tan vỡ.
Lịch sử để lại bài học rất rõ về quan niệm Chu kỳ nhưng mấy ai chịu để ý? Qua trải nghiệm về tiền kiếp, ông có thể thấy rõ sự suy tàn và hoại diệt của Atlantis và Ai Cập như thế nào rồi.
Trong tương lai, khi phục hồi khả năng hồi tưởng trở lại những tiền kiếp khác, ông sẽ biết rõ hơn nữa các giai đoạn lên xuống của từng chu kỳ quốc gia.
Tôi nghi hoặc, hỏi:
– Thế thì chỉ qua khả năng hồi tưởng, người ta mới biết được các giai đoạn đó hay sao?
Kris lắc đầu:
– Không hẳn thế. Nếu nhìn vào lịch sử gần đây, ông có thể thấy hậu quả phải hứng chịu của các quốc gia đang diễn ra khắp nơi trên thế giới.
Thí dụ như vào thế kỷ mười lăm, mười sáu và mười bảy, Tây Ban Nha phát triển mạnh mẽ, làm bá chủ thế giới với bao nhiêu thuộc địa chạy dài từ châu Mỹ, châu Phi đến châu Á.
Họ đã đi khắp nơi để chinh phục, để chiếm đoạt tài nguyên, tàn sát biết bao nhiêu dân lành vô tội. Các chiến thuyền của họ đi đến đâu thì gieo rắc nỗi kinh hoàng và dịch bệnh đến đó. Hầu hết những người da đỏ ở châu Mỹ, khoảng hai phần ba dân số, đều chết vì những dịch bệnh do người Tây Ban Nha mang vào.
Nhờ thế nên Tây Ban Nha mới chinh phục được châu Mỹ một cách dễ dàng. Họ thẳng tay tiêu diệt các nền văn minh cổ, thay đổi phong tục tập quán, ngôn ngữ, tôn giáo và đặt một nền móng cai trị hết sức tàn bạo cho những thuộc địa của họ.
Thế mà ngày nay nhiều sách lịch sử vẫn còn ca ngợi tinh thần khai phá, chinh phục và đồng hóa những dân tộc “man rợ, thiếu văn minh” này của Tây Ban Nha.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại những gì người Tây Ban Nha đã làm trong những thế kỷ trước và tự hỏi nhân loại đã học được điều gì?
Vào thế kỷ mười tám và mười chín, Tây Ban Nha bị suy thoái vì sự tranh chấp trong triều đình giữa vua chúa và giới quý tộc. Sự tiêu pha hoang phí của triều đình cùng việc áp đặt thuế má lên dân chúng đã gây tổn hại cho nền kinh tế nước này.
Nhân cơ hội, các thuộc địa nổi lên chống lại các đạo luật thuế quá cao, các nước Anh, Pháp xoay qua tấn công Tây Ban Nha để giành quyền lợi.
Các chiến thuyền xâm lăng và khai phá thuộc địa của xứ này đã bị Hải quân Anh bắn tan nát khắp nơi. Người dân xứ này đã phải trả giá cho những cuộc chiến, trên biển cũng như trên đất liền, với số thương vong rất cao.
Cuối cùng, Tây Ban Nha thua trận, phải đầu hàng, và chuyển giao hầu hết tài sản cướp bóc khi trước trong ngân khố cho nước Pháp để bồi thường chiến tranh, nhường lại hầu hết thuộc địa cho Anh và Pháp.
Ngày nay, Tây Ban Nha chỉ là một nước yếu kém so với các nước châu Âu khác. Ông có thể đặt câu hỏi hiện nay nước này đang ở giai đoạn nào? Người dân xứ này đã và đang trả nghiệp quả như thế nào? Và tương lai quốc gia này sẽ ra sao?
Tương tự như thế, ông có thể quan sát lịch sử của các quốc gia khác như Anh, Pháp, Đức, Ý trong thế kỷ mười tám, mười chín và hai mươi. Nước nào cũng phát triển huy hoàng với tài nguyên chiếm đoạt được từ các thuộc địa về làm giàu cho nền kinh tế của họ.
Dân chúng của họ hưởng thụ sự sung sướng qua chính sách xâm chiếm thuộc địa, bành trướng thế lực khắp thế giới, nhưng chuyện gì đã xảy ra trong hai trận Thế chiến vừa qua?
Người dân của họ đã phải chịu đựng những gì? Hiện nay tình hình những quốc gia này ra sao? Họ đang ở trong giai đoạn nào của chu kỳ? Tương lai của những quốc gia này như thế nào? Người ta đã học được gì qua bài học lịch sử này?
Nếu quan sát một cách vô tư, không thành kiến, ông sẽ thấy mọi quốc gia và toàn thế giới đều chịu sự chi phối của luật Chu kỳ và luật Nhân quả.
Thế giới là do nhiều quốc gia hợp thành. Mỗi quốc gia gồm nhiều gia đình tạo nên. Mỗi gia đình gồm có nhiều người tụ họp, vì thế mọi sự, mọi việc đều bắt đầu từ hành động của con người.
Nếu mọi người đều ý thức, biết rõ bổn phận, trách nhiệm thì gia đình được hòa thuận, quốc gia được thịnh vượng, và thế giới cũng được an lành.
Ngược lại, nếu mọi người không ý thức, chỉ lo sống ích kỷ, tham lam, tranh giành, chiếm đoạt thì gia đình sẽ xáo trộn, quốc gia sẽ suy vong, và thế giới sẽ trở nên loạn lạc.
Tóm lại, chỉ cần nhìn vào những người dân sống trong quốc gia đó hành động ra sao, thì ta có thể biết được quốc gia đó đang ở trong giai đoạn nào.
Tôi hỏi tiếp:
– Vậy điều gì sẽ xảy ra khi quốc gia bước vào giai đoạn suy hoại?
Ông Kris trả lời, vẻ mặt trầm ngâm:
– Quốc gia nào cũng trải qua các giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Diệt. Nếu đã thành lập ắt phải có lúc hư hoại, hủy diệt. Sau giai đoạn Trụ là thời kỳ Hoại. Lúc này cũng có rất nhiều người đến quốc gia này nhưng phần lớn đến với nhiệm vụ phá hoại những gì đã được thành lập trước đây.
Tùy theo những nghiệp quả đã được sắp đặt, những người này, phần lớn là những nạn nhân bị áp bức, bóc lột khi trước, đến để trả thù, hay đòi nợ.
Họ sẽ làm những việc hết sức tồi tệ, xấu xa, hay đưa ra những quyết định sai lầm, để đưa quốc gia này vào những lỗi lầm tai hại, không thể cứu vãn. Sau giai đoạn Hoại là đến giai đoạn Diệt.
Như ông đã biết, từ mấy ngàn năm trước, có nơi từng là quốc gia mà nay cả lục địa bị chìm sâu dưới biển, hoặc có nơi đang sống yên ổn bỗng bị động đất rồi cả quốc gia bị chôn vùi dưới lòng đất. Giai đoạn Hoại, Diệt diễn ra như thế. Ngay cả trái đất trước sau gì cũng đi đến giai đoạn suy hoại.
– Theo ông thì giai đoạn suy hoại diễn ra như thế nào?
– Theo sự hiểu biết của tôi thì vào những năm cuối cùng của một chu kỳ, trái đất sẽ trải qua nhiều biến cố lớn.
Một số do con người gây ra như chiến tranh hay sự tàn phá thiên nhiên. Một số khác là do sự thay đổi trên bề mặt địa cầu như địa chấn, núi lửa phun trào, bão tố, lụt lội hoặc các biến động ghê gớm khác.
Có thể sự thay đổi sẽ bắt nguồn từ đáy biển và tạo ra những cơn đại hồng thủy gây ngập lụt cả địa cầu, hoặc sự thay đổi bắt nguồn từ không gian khiến cho nhiệt độ trái đất biến chuyển thất thường, đất đai màu mỡ trở nên khô cằn, đồng ruộng biến thành sa mạc.
Sẽ có những trận cháy rừng khủng khiếp hay những trận hạn hán thay đổi điều kiện địa dư biến những nơi trù phú thành vùng hoang vu không thể sinh sống.
Người Hy Lạp thời cổ gọi quan niệm chu kỳ là “heliakos” gồm có một đại chu kỳ và nhiều tiểu chu kỳ (nhiều tiểu chu kỳ hợp lại thành một đại chu kỳ). Tuy nhiên, các hiền triết Hy Lạp viết rằng đại chu kỳ của trái đất cũng chỉ là một tiểu chu kỳ của Thái Dương hệ.
Nói rộng ra thì sự thay đổi trên địa cầu chỉ là một thay đổi nhỏ trong Thái Dương hệ, nhưng Thái Dương hệ mà chúng ta đang sống cũng chỉ là một phần của một hệ thống hành tinh trong vũ trụ mà thôi.
Toàn bộ hệ thống hành tinh, hàng triệu hệ thống, xoay vần trong vũ trụ, với những chu kỳ, những giai đoạn, sinh rồi diệt, diệt rồi lại sinh, kéo dài vô tận.
Phải chăng vì sở hữu một lượng kiến thức sâu xa về khoa chiêm tinh mà người xưa đã ý thức rõ rệt về sự thay đổi của mọi vật và có một nhân sinh quan rộng, thâm thúy hơn chúng ta ngày nay?
Các nhà tiên tri hay đạo trưởng trong các đền thờ cổ Hy Lạp đã viết rằng vào thời kỳ chuyển tiếp giữa hai chu kỳ, thế giới sẽ trải qua những thảm họa rất lớn.
Các tai ương thiên nhiên sẽ gia tăng mỗi ngày một mạnh. Lúc đầu thiên tai sẽ xảy ra ở một vài nơi, nhưng về sau sẽ xảy ra ở khắp nơi. Chính những thiên tai này sẽ góp phần vào việc biến đổi khí hậu, thời tiết, điều kiện địa dư và ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại, chi phối đời sống con người.
Dù xã hội có văn minh đến đâu, dù con người có khôn ngoan đến mấy, hay có chuẩn bị kỹ càng đến thế nào, họ cũng không thể chống lại những thiên tai này được. Không phải chỉ người Ai Cập hay Hy Lạp biết về quy luật Chu kỳ, mà từ ngàn xưa, người Ấn Độ và Trung Hoa cũng đã sở hữu những kiến thức hết sức uyên thâm về sự thay đổi trong vũ trụ.
Theo sách vở về khoa chiêm tinh Vrishaspati của Ấn Độ thì các đại chu kỳ ( mahakalpa ) kéo dài khoảng 4.320.000 năm. Mỗi đại chu kỳ chia làm bốn tiểu chu kỳ ( yuga ): chu kỳ Satya Yuga dài 1.728.000 năm, chu kỳ Tretya Yuga dài khoảng 1.296.000 năm, chu kỳ Dwapara Yuga dài khoảng 864.000 năm và chu kỳ Kali Yuga kéo dài 432.000 năm.
Cách tính toán của người Ấn Độ hết sức phức tạp và chi tiết, dựa trên những niên lịch chiêm tinh cổ. Nếu so sánh với niên lịch hiện tại thì con số có thể khác biệt một chút, nhưng theo sách này thì hiện nay chúng ta đang ở trong chu kỳ Kali Yuga, nghĩa là giai đoạn đi xuống hay Hoại, Diệt của đại chu kỳ hiện tại, trước khi chuyển qua một đại chu kỳ khác.
Theo các hiền triết Ấn Độ thì sự biến chuyển trên địa hạt vật chất và tinh thần luôn luôn tương ứng với nhau. Sự tiến hóa về tâm linh của nhân loại tương ứng với sự thay đổi trên địa hạt vật chất.
Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy có những thời đại mà các bậc vĩ nhân thay phiên nhau xuất hiện, hướng dẫn nhân loại làm điều tốt đẹp, ta thường gọi đó là thời đại hoàng kim.
Cũng có những thời đại mà những kẻ tiểu nhân xuất hiện làm những chuyện xằng bậy, xúi giục con người đè nén, áp bức, giết hại lẫn nhau, ta thường gọi đó là thời đại hôn ám.
Có thời đại con người sống thoải mái với thiên nhiên, thuận thảo với nhau, nhưng cũng có thời đại con người phá hoại thiên nhiên, chém giết lẫn nhau. Đã có những quốc gia hùng mạnh, đạt đến đỉnh vinh quang nhưng sau đó lại suy thoái. Đã có những nền văn minh rực rỡ, huy hoàng một thời gian, rồi suy tàn nhường chỗ cho nền văn minh khác xuất hiện.
Sự kiện này tái diễn không biết bao nhiêu lần trong lịch sử, lên rồi lại xuống, thắng rồi lại thua, vinh rồi lại nhục.
Theo tài liệu cổ với những phương trình toán học thì cứ mỗi một chu kỳ, vòng quay lại nhích lên trên một chút so với lần trước vì chu kỳ là một vòng xoáy trôn ốc chứ không phải là vòng tròn.
Điều này có nghĩa là nhờ sự học hỏi những bài học cần thiết để rút kinh nghiệm mà nhân loại tiến bộ hơn xưa. Do đó, họ sẽ đi từ những chu kỳ thấp lên chu kỳ cao hơn để tiếp tục học hỏi chứ không phải quay trở lại khởi điểm.
Mỗi chu kỳ đều có những bài học, những kiến thức mà mọi người đều phải học để có thể bước vào một chu kỳ sau với những bài học và kiến thức khác. Tuy nhiên, trên bình diện thấp, người ta vẫn thấy có những sự kiện xảy ra trong quá khứ được lặp lại vì nhân loại chưa học được bài học đó.
Bài học “lịch sử tái diễn” là một bi kịch lớn của con người. Vì không chịu học những bài học từ trước nên họ phạm đúng những lỗi lầm của tiền nhân.
Tuy nhiên, không một bài học nào có thể dạy con người hiệu quả hơn là sự đau khổ. Khi sung sướng thì không mấy ai biết nghĩ, nhưng khi gặp hoàn cảnh khổ đau, họ mới nghĩ đến nguyên nhân tại sao.
Khi mạnh khỏe, mấy ai quan tâm giữ gìn sức khỏe, chỉ khi mắc bệnh thì họ mới hiểu ra. Tất cả mọi sự, mọi việc, mọi hậu quả, đều do chính họ gây ra chứ không phải do ai khác. Họ có thể trách trời, trách đất, và trách tất cả mọi người nhưng trách móc không thể làm cho họ vơi đi nỗi khổ.
Chỉ có hiểu biết nguyên nhân thì họ mới học được rằng không có việc gì mà không để lại hậu quả. Do đó, trước khi hành động, con người phải biết nghĩ đến hậu quả của việc mình làm.
(Trích sách “Muôn kiếp nhân sinh“1- Tác giả: Nguyên Phong– phần 7)
Xem thêm:
6 lời khuyên của GS John Vu (Muôn kiếp nhân sinh) về đại dịch nhân quả
Nhân loại thời mạt pháp đáng thương lắm vậy…
Người không có niềm tin sâu rõ ràng vào Đạo Lý (bất luận tôn giáo), không có niềm tin và khiếp sợ vào nhân quả luân thường, thì phần đông thường có lối sống tàn bạo với chính bản thân và môi trường xung quanh.
Họ chỉ cần biết làm sao để thỏa mãn cho các nhu cầu cá nhân là được, không cần quan tâm đến những sự tồn tại khác có liên quan đến nhu cầu ấy.
Người cần gỗ để xây nhà hay buôn bán kiếm lợi, thì sẵn sàng chặt rừng đốn củi để thỏa thích cơn khát gỗ. Bất cần suy nghĩ có bao nhiêu sinh vật đang sống với mảnh rừng ấy sẽ phải khốn đốn lao đao, chẳng có nơi nương tựa, chẳng có nơi sinh sống và phải chết dần chết mòn cho đến khi tuyệt diệt giống loài vì chẳng còn môi trường sinh thái phù hợp. Và chính họ, con cái của họ cũng cần không khí thanh sạch từ rừng để được sống tốt ở đời.
Người cần cá để ăn, để bán kiếm lợi thì sẵn sàng đánh bắt lưới từ cá lớn cho đến cá bé lẫn cá mang thai giai đoạn sinh sản. Chẳng cần quan tâm đến việc ngày mai có còn con cá bé để thành cá lớn hay không, biển có còn trong xanh hay chỉ là biển chết.
Người ham ăn uống những món lạ độc thì sẵn sàng vì thỏa mãn cái ý thích quái dị ấy mà ăn tươi nuốt sống muôn loài, ăn trên nỗi đau của việc sống dở chết dở của những sinh linh nhỏ bé trên bàn ăn đầy những tiếng cười đùa sảng khoái khi nhìn thấy nỗi đau của kẻ khác. Từ việc ăn cá sống, tép nhảy, lẩu hải sản tươi sống, cho đến việc cắt đầu lột da, hay chiên chín phần thân rồi mà các sinh vật kia vẫn còn thoi thóp rồi rưới nước sốt lên để cơ thể nó phản ứng đau đớn giãy giụa trên bàn… Và người ta cười với điều ấy.
Các công ty, nhà máy xí nghiệp của nền công nghiệp hiện đại vì doanh thu, lợi nhuận khổng lồ mà xả chất thải ra môi trường mỗi ngày gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của muôn loài, trong đó cũng có con người.
Người ta nói chung… vì sự tiện dụng, tiện tay của mình thì sẵn sàng xả rác bừa bãi, biến thiên nhiên thành bãi rác công cộng mà chẳng có mấy người dọn sạch. Môi trường ô nhiễm, sinh vật thiên nhiên bị hủy diệt, loài người cũng dần bị hủy diệt vì ô nhiễm môi trường sống do chính mình gây ra.
Thiên tai hay dịch bệnh, chỉ đơn giản là những nhân bất thiện của số đông loài người đã gieo, chăm bón hàng ngày, hàng giờ vì chính nhu cầu bản thân, hoặc nhu cầu của cộng nghiệp trong gia đình, thân tộc của mình. Tất nhiên tới lúc gặt thì cũng phải gặt hái chung vậy.
Loài người, nếu không thay đổi thái độ sống với thiên nhiên môi trường, thì tự nhiên cũnng tự đào thải mình khỏi một cộng đồng cộng sinh trên mặt địa cầu này vậy…
…….
Thật không khó để nhìn thấy tận mắt các nguy hại của ô nhiễm môi trường, Mẹ thiên nhiên ngày càng tàn lụi. Chỉ cần ở nhà, ngồi gõ google các từ khóa ô nhiễm, rừng chết, biển chết, thiên tai… là có thể thấy ngay.
Chỉ là… liệu trong số chúng ta, có bao nhiêu người sau khi thấy, nghe, biết, nói về những điều như thế thì chúng ta thực sự hành động, nhấc mông lên và xắn tay vào thay đổi cuộc sống của chính mình trở nên có ý thức hơn về thái độ sống với thiên nhiên vậy…
Tam Giới Toàn Thư – 1766367650222463