Nhân quả của người có tinh thần bạc nhược
Hôm trước có cô gái tâm sự với tôi rằng :
“Cô là một người có tinh thần bạc nhược .
Hãy cho cô biết nhân quả hình thành tính cách này như thế nào?
Và cách chuyển hoá ra sao? “
Ta cùng đi vào tìm hiểu :
Bạc nhược nghĩa là gì ?
- Bạc là kém, ít, mỏng manh hay sơ sài.
- Nhược là yếu đuối, yếu kém, thiếu sự mạnh mẽ, kiên cường.
Vậy một người gọi là có tinh thần bạc nhược nghĩa là họ có tính cách yếu đuối, thiếu quyết đoán, nhiều khi ta thấy họ ít năng động, thiếu nhiệt huyết trong mọi việc.
Tính cách này vốn dĩ có, bởi chúng được hình thành từ những nhân quả sau:
Nhân quả của người có tinh thần bạc nhược
1. Lười biếng, không siêng năng trong công việc, trong lao động :
Như ngay từ lúc nhỏ, vì được cha mẹ cưng chiều, nên chẳng cho làm gì cả, không đụng tay đụng chân.
Rửa chén, quét nhà, lặt rau, giặt đồ,…toàn là cha mẹ, hay anh chị lớn làm.
Và cứ không làm gì hết vậy, coi chừng khi lớn lên sẽ trở thành người bạc nhược, thụ động.
2. Ít ham thích làm các công việc xã hội, từ thiện :
Phải luôn yêu thích làm việc, không những việc của mình, mà cả của xã hội cũng thích.
Người nào sống được như vậy thì phước báu sẽ có rất nhiều.
Phước nhiều thì tinh thần sẽ mạnh mẽ lên.
3. Thiếu tình thương với những chúng sinh khác ngoài của mình :
Tình thương rộng lớn, không vụ lợi, bình đẳng thì đó trở thành tâm từ bi.
Người có tâm đại từ bi, sẽ hành động trong tinh thần vô ngã, sống vị tha, người ấy tinh thần ắt sẽ mạnh mẽ vô cùng.
4. Tính thụ động này được tiếp nối qua nhiều kiếp sống :
Nếu tái sinh qua kiếp nào cũng vậy, cứ sống lười, thụ động.
Thì dần dần tính bạc nhược sẽ trở thành bản chất thâm căn cố đế, khó mà sửa đổi.
5. Không tự thấy những lỗi ấy để mà tự chỉnh sửa lối sống lại :
Không tự biết lỗi, cũng không gặp ai chỉ để điều chỉnh lối sống, nên tính cứ tiếp diễn mà không thay đổi.
Trên đây chính là năm lý do chính hình thành nên một con người có tinh thần bạc nhược, yếu mềm.
Vậy muốn thay đổi tính bạc nhược này phải làm sao?
Đó là phải hành động sống năng động tích cực trở lại như siêng năng trong công việc, từ những điều nhỏ nhất như lúc ăn cơm thì ta giành bới cơm, dọn cơm, rửa chén…
Đến nơi làm việc thì ta vất vả hơn người tí, làm mọi việc mà người khác chê như lau bụi, quét văn phòng, trưng hoa, ….
Tới chùa thì đi vào bếp phụ, quét rác, lá, hoặc vào nhà vệ sinh dọn, ….
Rồi mỗi ngày trong thời khoá tu cần thêm vào pháp tu quán tâm từ, rải từ tâm.
Để tăng tâm từ bi lên.
Sự thay đổi lối sống tích cực vậy, qua thời gian thì tính cách của Quý Vị sẽ thay đổi.
Sẽ mạnh mẽ hơn, kiên cường quyết đoán hơn, và sẽ không còn tính bạc nhược, yếu mềm nữa.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Đọc thêm ở: Tu học mỗi ngày trên Ô-Hay.Vn
FB Tu học mỗi ngày –