Nhân quả của người thoái chí tu tập, tu hành
Một người lúc trước thì tu tập tinh tấn, hăng hái như thích đi chùa, siêng ăn chay, hay làm việc thiện,….
Bỗng dưng một thời gian sau, người ấy không còn được như thế nữa, mà thay đổi dường như là hoàn toàn.
Đó là ham ăn mặn, thích ăn nhiều thịt, thậm chí còn ham mê nhậu, thích kết giao với bạn xấu, người xấu, rồi từ đó bỏ bê việc tu hành, tham sân si trỗi dậy.
Vậy thì nhân quả của người này là thế nào? Và tại sao lại có sự thay đổi lớn như thế?
Trường hợp này tôi thấy trong thực tế cũng có nhiều người bị chứ không phải không.
Và có rất nhiều nguyên nhân, cụ thể như :
1. Về nghề nghiệp người ấy đang làm :
Như lúc đầu người ấy thích tu theo Phật, nhưng qua thời gian vì còn phải làm việc ngoài đời để sinh sống.
Nhưng về bản chất công việc người ấy làm là bất thiện, nên sự bất thiện nghiệp sẽ tăng qua ngày tháng, và kéo người tu đó thoái chí, lùi về vị trí phàm phu, thậm chí có thể rơi xuống tam đồ khổ.
2. Động cơ ban đầu của việc đi chùa, hay tu hành :
Thường thì Quý Vị thấy, nhiều người lúc ban đầu, hay đi chùa thường mang theo những động cơ vị kỷ.
Như tôi ăn chay vì cầu nguyện để thi đậu, tôi ăn chay vì muốn con cái có chồng tốt, hay ăn chay là để làm ăn thành đạt…..
Nếu đánh cược với Phật như thế, mà lỡ ý nguyện không thành thì người ấy sẽ sinh tâm bất mãn mà thoái lui.
3. Học pháp chỉ để hí luận, tranh hơn thua :
Pháp Phật là để tu hành, để chuyển hóa khổ đau, mang lại an lạc.
Thế nhưng nhiều người học pháp chỉ để lấy bằng cấp, hoặc tranh hơn tranh thua, cho mình là giỏi, rồi tỏ ra tự hào.
Những hành động này sẽ làm người ấy bị tổn phước mà thoái lui.
4. Lười không lao động, chỉ đi chùa như đi du lịch :
Mỗi ngày trôi qua, chúng ta đều phải ăn cơm, phải uống nước,…
Mà những thứ này ở đâu ra ?
Chính là do phước của người ấy tạo ra.
Nên nếu đi chùa mà không lao động, không đóng góp gì cho đời, cho đạo, cho tha nhân thì thành «nhà báo đời».
Dần dần theo thời gian sẽ hết phước, và sẽ thoái chí tu hành, tâm sẽ bấn loạn, sẽ bất an trở lại.
5. Khinh chê nhầm Bậc Hiền, Bậc Thánh :
Hay bàn luận người này người nọ, chê trách người kia, cười Thầy nọ,….
Những hành động như thế là đang tạo nghiệp xấu, mà lỡ chê nhầm người có đạo đức tốt.
Thì người chê bị quả báo là các tâm xấu sẽ trổ ra như tâm ham ăn, tâm tham dục, sân hận,…v…v….
Và cuối cùng sẽ thoái lui trong tu tập.
6. Các tâm xấu ác không chú trọng để đoạn trừ, mà luôn cho mình tu tốt :
Người mà hay thích khoe mình, tự hào mình giỏi, hay hiểu biết nhiều.
Trong khi đó tham sân si và ích kỷ thì còn nguyên, thậm chí còn rất nặng.
Và nếu tu như thế, thì qua thời gian sẽ bị lui sụp, vì gốc lành của sự tu không có.
7. Thiện căn quá ít, mà bất thiện căn thì dày :
Ác nghiệp trong quá khứ (có thể trong kiếp này hay kiếp trước) thì dày, trong khi đó nhân lành thì mỏng.
Gặp người tốt dẫn dắt thì cũng ham tu, nhưng nếu gặp người xấu, hay không gặp ai khuyên thì lơ là, nhiễm đời, bỏ tu.
Trường hợp này cũng khá nhiều.
Và vẫn còn rất nhiều lý do thoái chí trong tu hành nữa, nhưng ở trên là những nguyên nhân cơ bản rồi đó Quý Vị.
Nên Quý Vị đừng để cho mình bị mất ý chí, hay thoái chí, hãy luôn giữ lửa trong tu hành.
Hôm sau nếu có duyên tôi sẽ bàn về đề tài «Cách giữ lửa nhiệt huyết tu và cách kết duyên bền chặt với Tam Bảo».
Để từ đó Quý Vị sẽ biết cách mà khắc phục việc thói chí, và củng cố bền cái tâm đạo của mình.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư Sĩ Nhuận Hòa