Tại sao người tốt lại hay gặp xui xẻo, bất hạnh?
Có rất nhiều người ở đời sống rất tốt, ở hiền, thân thiện, hòa nhã, hay sẵn sàng giúp đỡ, làm việc thiện.. được nhiều người xung quanh thương yêu, quý mến, nhưng lại hay gặp xui xẻo, khó khăn, khổ sở, bất hạnh (nghèo túng, đau ốm, chết trẻ, mất sớm…). Cho nên rất nhiều người đã thắc mắc:
- Vì sao làm người tốt mà vẫn khổ? lại hay gặp xui xẻo, khó khăn, bất hạnh (nghèo túng, đau ốm, chết trẻ, mất sớm…) ?
- Tại sao điều xấu lại đến với người tốt? còn kẻ ác lại may mắn, sống lâu.. ?
- Vì sao tạo nhân tốt nhưng chưa gặp quả tốt? làm việc thiện nhưng chưa gặp quả lành?
- Vì sao người lương thiện, hiền lành cả đời gặp nỗi buồn và trắc trở?
- Tôi là ‘người tốt’, cớ sao lại không được phúc báo?
- Tại sao cố gắng rất nhiều nhưng kết quả lại không tốt?
- Gặp đủ chuyện không may, tại ai?
- Cách tư duy về quả báo qua một sự việc như thế nào?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu để hiểu sâu hơn về điều này.
Sau đây là Bài giảng của Cố Hòa thượng Thích Thanh Từ
Nhân quả sai biệt
Ví dụ hồi xưa mình đã cư xử với người đó rất xấu, bây giờ thấy họ khó khăn mình giúp. Hồi xưa xấu 100%, bây giờ giúp mới 40,50%, mà nghĩ đã có ơn với người ta rồi. Khi thấy họ không thèm biết ơn, lúc đó mình tức tại sao giúp đỡ như vậy mà không biết ơn? Nhưng so với quá khứ mình xấu, cái tội cũ trả chưa đủ mà bây giờ đòi ơn, làm sao chấp nhận được? Cho nên tuy giúp mà người kia vẫn chưa thỏa mãn. Nếu hiểu được nhân quả chúng ta chỉ cười thôi, giận làm chi.
Ngược lại có những người mình giúp họ một chút thôi, mà họ rất biết ơn, rất nhớ mình. Vì ta không nợ họ, nên giúp một chút họ cũng thấy mình tốt. Hiểu vậy, khi giúp ai ít mà người đó nhớ ơn, muốn tìm cách đền đáp lại, chúng ta biết mình với người đó chưa có nợ nần cũ.
Còn người mình lo thôi là lo mà họ vẫn không thèm biết ơn, cũng không có gì trách, cười thôi. Hiểu được nhân quả như vậy quí Phật tử mới yên lòng tu. Nếu không nắm rõ lý nhân quả, chúng ta nhìn cuộc đời rất bực bội.
Phật tử nào tu hành khá, khi tạo nhân liền được hưởng quả. Như quí thầy quí cô hoặc Phật tử giúp ai, không nghĩ họ phải trả ơn mình. Thấy người khổ cứ giúp, khả năng tới đâu giúp tới đó, miễn họ bớt khổ là mình mừng, họ vui mình vui, như thế đủ rồi, không mong cầu chi hết.
Như vậy, nhân mình tạo ra là giúp người bớt khổ, được vui. Thấy người vui mình vui theo, đó là gieo nhân gặt quả liền. Nhân quả có ngay hiện đời, không trông đợi xa xôi. Cả ngày mình giúp người này vui, người nọ vui. Họ vui bao nhiêu mình vui bấy nhiêu. Rõ ràng tạo nhân liền có quả.
Nếu chúng ta trông chờ đền đáp, nhiều khi người ta đáp không như mình mong muốn thì dễ bực bội, hờn trách. Chỉ cần thấy người ta hết khổ được vui, mình vui theo đó là quả tốt rồi.
Bởi vậy Bồ-tát giúp tất cả chúng sanh mà không chán. Vì chúng sanh hết khổ được vui thì Bồ-tát vui rồi, đâu có chờ đợi.
Còn chúng ta giúp chúng sanh dễ chán lắm. Tại sao? Tại mình giúp ai thì muốn người ta biết ơn và đền ơn lại. Nếu họ không biết ơn đền ơn thì mình buồn, không muốn giúp nữa.
Bồ-tát thấy chúng sanh đang đói, đưa miếng bánh mì cho họ ăn. Ăn xong họ cười là Bồ-tát vui rồi, khỏi cần nghĩ gì.
Như vậy hai thái độ tạo nhân quả khác nhau, một cái mong có sự thù đáp, một cái không mong sự thù đáp dẫn tới hai kết quả khác nhau. Nhân quả không mong sự thù đáp là nhân quả của người biết đạo sâu xa. Tạo nhân quả như thế mới là lẽ chánh của người tu Phật.
Hòa thượng Thích Thanh Từ
Tại sao người nghèo khó mà lại gặp thêm nhiều sự bất hạnh?
Hôm trước có người hỏi rằng :
Nhân quả như thế nào với những người nghèo khó, khốn khổ, mà lại còn liên tục gặp thêm nhiều sự bệnh hoạn, tai ương và khốn khổ?
Ở bài viết hôm nay, tôi sẽ nói về vấn đề này.
Để trả lời được câu hỏi trên, tôi sẽ lấy một ví dụ về một người hàng xóm, gần nơi tôi ở.
Ông chú này bị cụt một chân, chỉ còn một chân, lại là một người nghiện rượu, mỗi ngày đều uống rượu, và gia đình thì cũng rất nghèo khổ.
Trong xóm làng, nếu ai mà thích ăn thịt gà, hoặc vào những ngày lễ tết, nếu gia đình người nào muốn ăn thịt gà mà sợ sát sinh.
Thế là họ đem gà lên nhà ông chú này, để ông làm thịt, sau đó những người kia lên lấy về nấu ăn ( Trường hợp này người đem gà lên chịu 7-8 phần nghiệp tội, ông chú giết chịu 2-3 phần tội).
Người trong xóm có quan niệm rằng :
Ôi, ổng bị cụt chân, chắc giết gà sẽ không bị ông trời quở phạt đâu, nên cứ đem cho ổng giết cho chắc.
Đây là quan niệm tà kiến.
Như Quí Vị thấy đó, ông chú bên trên là đã bị nghiệp tàn tật rồi (chắc chắn quá khứ cũng đã gieo ác nghiệp, như từng sát sinh, từng cắt chân chúng sinh, hay phá hoại đường xá,….).
Nhưng trong cuộc sống hiện tại, mặc dù đã nghèo khổ, tàn tật, nhưng chú lại tiếp tục tạo nghiệp xấu, như uống rượu, nghiện rượu, rồi ai nhờ cắt cổ gà thì làm liền, để có tiền sống và uống rượu.
Vậy thì Quí Vị thấy, một người khi đã rơi vào hoàn cảnh nghèo khổ rồi (tức là đang thiếu phước báu, nghiệp chướng lại dày).
Nhưng trong cảnh nghèo ấy, họ lại không biết tu dưỡng, không biết sống hướng thượng, lại còn tiếp tục gieo tạo nghiệp xấu, tích lũy ác nghiệp.
Chính vì gieo nhân như thế, nên khi trong cảnh nghèo khổ, bần cùng, thì những sự xui xẻo, những cảnh bất hạnh sẽ không buông tha, mà tiếp tục trổ quả, và đưa người ấy vào con đường của sự bần cùng và không lối thoát.
Và nhiều người khi bị rơi vào hoàn cảnh như vậy, họ đã ngước mặt lên trời mà than thân trách phận, thậm chí nói rằng ông trời không có mắt, không cho họ con đường sống.
Nhưng sao trời có thể can thiệp được, khi mà quá khứ mình đã tạo ra quá nhiều ác nghiệp, và kéo dài qua nhiều năm tháng như thế.
Do đó, với những người mà rơi vào hoàn cảnh như thế, thì các Bậc chân nhân thường khuyên dạy là hãy :
«Hãy buông bỏ đồ đao, lập địa thành Phật ».
Nghĩa là chính bản thân người ấy phải dừng tay tạo nghiệp ác lại, phải bỏ thói quen sống xấu ác.
Sau đó cần ăn năn sám hối lỗi lầm và bắt đầu gieo nhân thiện trở lại.
Chỉ có vậy, thì mới dần dần thoát ra được cái bất hạnh, cái xui xẻo và sẽ tiến gần về phía hạnh phúc an vui, nơi vắng bóng của những sự đau khổ.
Chứ ngoài ra không có con đường nào khác cả.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Xem thêm ở: https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/
FB: Tu học mỗi ngày
Là người tốt thì vẫn đầy đau khổ bên trong nếu…
Dù bạn là người tốt thì bạn vẫn đầy đau khổ bên trong nếu không có trí tuệ
Các bạn hãy tự suy nghĩ thêm. Con đường sống để lo, sống để hưởng, và sống để làm người tốt, liệu rằng trong ba con đường đó có thể giúp được tôi hạnh phúc thực sự không? Hay nó tiềm ẩn đầy đau khổ? Vì vậy tôi sẽ chọn con đường thứ tư, con đường trí tuệ bên trong.
Đức Phật dạy là: “Duy tuệ thị nghiệp”, nghĩa là chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp chính của mỗi người. Còn mọi thứ khác không phải trí tuệ đều dẫn đến đau khổ, không thể là sự nghiệp của mình. Nếu bạn còn đặt tình yêu, công việc, con cái, nhà cửa là sự nghiệp của mình, thì hãy suy nghĩ lại. Nếu không có trí tuệ thì tình yêu, tiền bạc, tên tuổi, danh tiếng có đem đến hạnh phúc cho mình và mọi người xung quanh hay không?
Những người ăn chay niệm Phật để làm người tốt vẫn chỉ là con đường thứ 3, chưa phải là con đường trí tuệ. Bất kể bạn là ai, làm ở vai trò nào như làm cha mẹ, làm sếp hay nhân viên, thì điều quan trọng nhất là có trí tuệ, các bạn vẫn có thể đạt được sự giác ngộ. Ngược lại nếu bạn tin rằng chỉ làm người tốt là hạnh phúc, thì hãy sống đi và cuộc sống sẽ dạy cho các bạn về đau khổ.
Đừng trách những người gây cho mình đau khổ, vì họ chưa đi tìm trí tuệ thì làm sao tránh khỏi gây đau khổ cho mình? Đừng nghĩ là mình tốt thì sẽ không gây đau khổ cho ai, khi mình còn chưa có trí tuệ. Chỉ khi nào bắt đầu đi tìm trí tuệ, thì bạn mới dần dần có hạnh phúc thực sự. Vì vậy, trước thời điểm đi tìm trí tuệ, dù bạn có tốt đến mấy thì bạn vẫn đầy đau khổ bên trong và hoàn toàn có khả năng gây đau khổ cho người khác.
– Trích trà đàm “Bạn sống để làm gì?”, Sài Gòn, 2017
Làm việc ác mà vẫn sung sướng – Tại sao?
Vì sao trên đời này có những người làm việc ác mà vẫn sung sướng?
Vì sao trên đời này có những người làm việc ác vẫn sung sướng, còn có người làm việc thiện lại sống khổ sở? Nhiều người nhìn thấy điều này mà cảm thấy bất bình trong tâm và cho rằng Thiên Địa không công bằng. Kỳ thực thì hết thảy những điều này đều là có nguyên do. Câu chuyện nhỏ sau đây sẽ giúp chúng ta liễu giải được phần nào.
Vào triều đại nhà Thanh (1644 – 1661), tại huyện Thuận Nghĩa, Bắc Kinh có một gia đình họ Cống rất giàu có. Tài sản trong nhà họ có hàng trăm mẫu đất, lừa ngựa hàng đàn. Cống gia có một người con trai tên là Cống Khánh Hữu. Vào năm Cống Khánh Hữu ra đời thì vợ chồng một người đầy tớ của nhà họ là Lý Đại cũng sinh được một cậu con trai. Hai vợ chồng Lý Đại đặt tên cho con trai là Lý Phúc.
Năm Cống Khánh Hữu lên 7 tuổi, gia đình họ Cống đã mời một thầy giáo giỏi đến dạy học cho cậu bé. Lý Đại thấy cậu chủ được học liền năn nỉ xin cho con mình được học cùng. Hai cậu bé Cống Hữu và Lý Phúc lớn lên cùng nhau, ban ngày cùng học, ban đêm cùng ngủ, thấm thoắt đã 14 năm.
Có một đêm, Lý Phúc đang ngủ rất say thì nằm mơ. Cậu mơ thấy trên trời có một cánh cửa to mở ra và lần lượt hai vị Thần xuất hiện. Hai vị Thần cùng đi vào thư phòng mà Lý Phúc và Cống Hữu vẫn ngồi học.
Sau đó một vị Thần chỉ tay vào Cống Hữu và hỏi vị Thần kia:
“Cậu bé này là như thế nào?”.
Vị Thần kia nói:
“Người này là người đại phú, đại quý, vào năm 17 tuổi, sẽ đỗ Tú Tài, năm 19 tuổi sẽ đỗ Cử Nhân, tương lai làm chức quan Nhị Phẩm, cả đời hưởng vinh hoa phú quý!”.
Vị Thần lại chỉ vào Lý Phúc và hỏi:
“Còn cậu bé này?”.
Vị Thần kia trả lời:
“Đây là một người nghèo khổ, cả đời nghèo khó và không có chút công danh nào!”.
Sau khi nói xong, hai vị Thần lại dần dần bay vào bên trong cổng trời và cổng trời lại đóng lại như lúc ban đầu.
Lý Phúc bừng tỉnh và thấy rất kỳ quái. Cậu liền đem những chuyện mà cậu chứng kiến trong mơ kể lại cho cha mẹ và mọi người.
Khi Cống Hữu 17 tuổi, quả nhiên cậu đỗ Tú Tài. Lúc này, Lý Phúc đã không còn học nữa mà ở nhà làm ruộng. Mặc dù Lý Phúc ở nhà làm ruộng nhưng trong lòng vẫn luôn để ý đến Cống Hữu. Lý Phúc biết rõ Cống Hữu có bản tính tàn nhẫn, cay nghiệt và làm nhiều việc ác. Vậy mà, kể từ sau khi đỗ Tú Tài, công danh của Cống Hữu vẫn không ngừng thăng lên. Thậm chí, Cống Hữu còn được làm quan lớn. Từ sau khi Cống Hữu làm quan lớn, ông ta lại ăn hối lộ, làm rối loạn kỷ cương và đối xử tàn độc với dân chúng.
Trong lòng Lý Phúc luôn nghĩ: “Chắc chắn Cống Hữu trong đời này sẽ gặp phải quả báo!”. Nhưng thật không ngờ, Cống Hữu sống đến tận 71 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, con cháu đông đúc, hơn nữa, ông ta còn tiên đoán trước được thời gian mình sẽ chết. Ông ta còn nói trước cho con cháu biết về ngày mình chết để gia đình chuẩn bị hậu sự.
Lý Phúc thì ngược lại, ông rất chăm chỉ làm việc, đối xử lương thiện với mọi người và còn thường xuyên giúp đỡ người khác. Trong lòng Lý Phúc luôn nghĩ rằng: “Mình phải được hưởng phúc còn Cống Hữu phải chịu báo ứng”. Nhưng trên thực tế, mọi chuyện lại hoàn toàn ngược lại nên trong lòng ông rất bất bình mà cho rằng Âm Ty Địa Phủ thiên vị. Thế là, ông quyết tâm đi theo Cống Hữu tới cùng để hiểu cho rõ nguyên nhân ngọn ngành.
Lý Phúc cũng báo cho con cháu biết ngày mình sẽ chết để gia đình lo việc hậu sự. Nhưng kỳ thực, ông không biết mình khi nào sẽ chết mà là dự tính khi nào Cống Hữu chết thì ông sẽ uống thuốc độc tự tử theo để cùng Cống Hữu đến gặp Diêm Vương. Không ngờ, Cống Hữu chết đúng vào ngày mà ông ta đã dự tính, Lý Phúc cũng uống thuốc độc và chết theo.
Lý Phúc vừa đi tới Địa Ngục thì gặp Diêm Vương ra nghênh đón Cống Hữu. Diêm Vương sau khi xem xét hết sự tình của Cống Hữu xong mới cho Lý Phúc vào. Diêm Vương nói: “Ngươi tại sao cũng tới đây?”.
Lý Phúc trả lời: “Tôi là vì muốn đi theo Cống Khánh Hữu mà đến. Người trên dương gian sợ quyền thế, cung kính trước nhà giàu. Tại sao Diêm Vương ở Âm Tào Địa Phủ mà cũng sợ quyền thế và người nhà giàu? Cống Khánh Hữu kia ở trên Dương Gian tàn độc, cay nghiệt, làm nhiều việc ác. Tôi nghĩ, ông ta ở trên Dương Gian đã không bị quả báo thì chắc chắn xuống Âm Phủ sẽ phải chịu cực hình. Nhưng thật không ngờ, Âm Phủ và Dương Gian lại là cùng một dạng”.
Diêm Vương nói: “Ngươi chờ một chút, ta sẽ nói cho ngươi hiểu rõ”.
Thế rồi, Diêm Vương lệnh cho một phán quan mang đến một cuốn sổ ghi chép sinh tử thiện ác. Sau đó Diêm Vương mở sổ ra và tìm trang ghi chép về Cống Hữu rồi nói:
“Nguyên nhân là ở việc, Cống Hữu kiếp trước đã làm rất nhiều việc thiện nhưng ở kiếp này làm nhiều việc ác khiến thiện công bị tiêu hao không ít. Nhưng Cống Hữu vẫn còn dư rất nhiều thiện công cho nên sang kiếp tới ông ta vẫn được hưởng phúc báo, chỉ là không được sung sướng bằng kiếp trước thôi. Còn ngươi, Lý Phúc ở kiếp trước không làm việc thiện cho nên kiếp này phải chịu khổ. Tuy nhiên, bởi vì kiếp này, ngươi đã một lòng hành thiện cho nên được hưởng cuộc sống đủ ăn đủ mặc, như vậy cũng coi như không có thiệt thòi rồi. Kiếp sau, ngươi sẽ được hưởng phúc cho những việc thiện đã làm ở kiếp này”.
Lý Phúc quỳ xuống và khẩn cầu Diêm Vương: “Tôi xin ngài cho phép tôi không phải uống ‘thuốc mê’ khi chuyển sinh lần tới này”. Diêm Vương đồng ý với thỉnh cầu của ông ấy.
Lý Phúc lại chuyển sinh cùng Cống Khánh Hữu. Bởi vì ông ấy không phải uống thuốc mê nên đã chứng kiến được hết thảy cuộc đời Cống Hữu. Cống Hữu sang kiếp sau vẫn được chuyển sinh vào một gia đình giàu có. Còn Lý Phúc được chuyển sinh vào một gia đình khá giả. Cống Hữu sau này lớn lên lại được làm quan đến chức Huyện trưởng nhưng vẫn đối xử tàn độc với dân chúng một cách không thương xót. Ông ta ăn hối lộ, vu oan cho người lương thiện là trộm cắp, vì bức hại khẩu cung mà khoét mắt dân lành…
Ở một vụ án khác, ông ta còn chặt mất hai chân của một người dân. Cống Khánh Hữu sống đến hơn 70 tuổi rồi nhiễm bệnh mà chết.
Lý Phúc bởi vì một lòng tu thiện nên linh hồn đã có thể tiến nhập được vào Âm Phủ. Lúc này ông thấy Cống Hữu bị chết nên ông liền ngồi ngay ngắn để linh hồn đi theo Cống Hữu xuống gặp Diêm Vương. Lý Phúc rất bất ngờ, bởi vì lúc này đã khác xa lúc trước, Diêm Vương tới gặp Lý Phúc trước, rồi sau đó mới hỏi tội Cống Hữu.
Diêm Vương xem xét thấy rằng Cống Hữu đã hưởng thụ hết thiện báo của kiếp trước, hơn nữa ở kiếp này khi làm quan đã khoét hai mắt và chặt hai chân của dân lành. Hai việc ác này không có thiện bù đắp nên phải dùng thân mà trả nợ. Thế là Diêm Vương phán Cống Hữu chuyển thế sinh ở một gia đình bần cùng, hai mắt bị mù và hai chân bị tàn phế. Hàng ngày, Cống Hữu đều lê bên đường cái ăn xin, khổ không thể tả.
Còn Lý Phúc nhìn thấy Cống Hữu có tam thế quả báo, trong lòng càng sợ đánh mất phương hướng bản tính mà bị đọa vào luân hồi nên đã kiên trì tu hành, độ mình độ người và cuối cùng công thành viên mãn, được thành chính quả, vĩnh viễn thoát khỏi nỗi khổ luân hồi.
Nhân quả nhanh chậm tùy duyên nhưng cuối cùng đều sẽ trổ quả!
Tìm kiếm có liên quan
- Tại sao người tốt lại khổ
- Tại sao người hiền lành lại chết sớm
- Tại sao ở hiền không gặp lành
- Ở hiền mà chẳng gặp lành
- Người tốt khó mãi sao
- Tâm con không ác nhưng số lại khổ
- Người tốt đôi khi cũng gặp chuyện xấu