Tâm chú Om Mani Padme Hum của Quan Âm Bồ Tát
Tu tập giữa đời thường chưa bao giờ lại nhiều phân tán như thời đại hiện nay giữa vô số phương tiện giải trí như: Tivi, điện thoại, máy tính, ipad…
Nếu không có một phương pháp thực sự mạnh mẽ làm nền tảng tu tập, hành giả sẽ bị cuốn trôi giữa dòng đời tấp nập, để rồi nhận ra một ngày đã trôi đi một cách quá nhanh chóng.
Hoa Sen Trên Lửa (HSTL) xin giới thiệu với các bạn phương pháp: Đọc tâm chú Quán Thế Âm Bồ-tát “OM MANI PAD ME HUM”; cách thức có thể giúp hành giả đạt được mọi ước nguyện và tiến nhanh trên con đường tu tập, giữa những vòng xoáy của luân hồi.
“OM MANI PAD ME HUM” là câu Tâm chú của Đức Quán Thế Âm Bồ-tát – vị Phật đại diện cho lòng đại bi của tất cả chư Phật. Tuy hôm nay chúng ta nghe về câu thần chú này, nhưng mấy ai biết rằng nó thật không dễ gì để biết đến.
Chúng ta có thể đọc lại cho chính xác theo phiên âm tiếng Tây Tạng “ÔM MA NI PÊ MÊ HUNG”.
Sự tích và ý nghĩa của Tâm chú Om Mani Padme Hum
Tạng ngữ đọc là Om Mani Pémé Hung hay Hán Việt đọc là “Án ma ni bát mê hồng”. Thần chú này tiêu biểu tâm đại bi và ân sủng của tất cả chư Phật, Bồ-tát, nhất là ân sủng của Quán Tự Tại, vị Phật của lòng bi mẫn. Quán Tự Tại (hay Quán Thế Âm) là hiện thân của Phật trong hình thức Báo thân, và thần chú của ngài được xem là tinh túy của lòng bi mẫn của chư Phật đối với hữu tình.
Nếu Liên Hoa Sanh là bậc thầy quan trọng nhất của người Tây Tạng, thì Quán Tự Tại là vị Phật quan trọng nhất của họ, là vị thần hộ mạng của dân tộc này. Có câu nói nổi tiếng là vị Phật của lòng bi mẫn đã ăn sâu vào tiềm thức Tây Tạng tới nỗi một hài nhi vừa biết nói tiếng “Mẹ” là đã biết đọc thần chú này, OM MANI PADME HUM.
- Âm nhạc tụng thần chú Lục Tự Đại Minh: https://www.youtube.com/watch?v=0Ix9yfoDHJw
- Video sự tích thần chú Lục Tự Đại Minh: https://www.youtube.com/watch?v=KUpJTydGYZo
SỰ TÍCH LỤC TỰ ĐẠI MINH ĐÀ LA NI
Có một lần, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang an trụ tại tu viện Anathapindika (Cấp Cô Độc), tại Vườn Jeta (Kỳ Thọ), gần Shravasti (Xá Vệ Quốc) cùng đoàn tùy tùng gồm các đệ tử của Ngài. Ngài giới thiệu vị Bồ Tát phi thường này và Thần chú Sáu-Âm với tập hội.
Một Bồ Tát tên là Sarvanivaranaviskambhim (Trừ Cái Chướng) thỉnh cầu Đấng Tôn quý. Bồ Tát đảnh lễ và kêu lên: “Vì lợi lạc của chúng sinh trong sáu cõi, xin chỉ dạy cho con làm thế nào con để có được Thần chú Vĩ đại này, là trí tuệ của tất cả chư Phật. Thần chú này sẽ chặt đứt những gốc rễ của sinh tử. Kính mong Đức Phật ban cho con giáo lý này. Con cúng dường toàn thể vũ trụ như Mạn đà la. Đối với tất cả những ai ước nguyện biên chép Thần chú Sáu-Âm này, con cúng dường máu của con để làm mực, xương để làm bút và da con làm giấy viết. Xin Đức Phật ban cho con giáo lý Thần chú Sáu-Âm này.”
Sau đó Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ban giáo lý: “Đây là thần chú lợi lạc nhất. Ngay cả ta cũng đã phát nguyện này trước tất cả một triệu Đức Phật và sau đó nhận lãnh giáo lý này từ Đức Phật A Di Đà.”
Tương truyền vô lượng kiếp về trước có một ngàn thái tử phát tâm Bồ-đề nguyện thành Phật. Một vị nguyện thành Phật Thích Ca mà ta đã biết ; nhưng Quán Tự Tại thì nguyện sẽ không đạt thành Chánh giác khi mà tất cả ngàn thái tử chưa thành.
Với tâm đại bi vô biên, ngài còn nguyện giải thoát tất cả chúng sanh ra khỏi khổ sinh tử luân hồi trong lục đạo. Trước mười phương chư Phật, ngài phát nguyện: “Nguyện cho con cứu giúp được tất cả hữu tình, và nếu có khi nào con mệt mỏi trong công việc lớn lao này thì nguyện cho thân con tan thành một ngàn mảnh”.
Đầu tiên, ngài xuống cõi địa ngục, tiến lên dần đến cõi ngạ quỷ, cho đến các cõi trời. Từ đấy ngài tình cờ nhìn xuống và trông thấy than ôi, mặc dù ngài đã cứu vô số chúng sanh thoát khỏi địa ngục, vẫn còn có vô số khác đang sa vào.
Điều này làm cho ngài đau buồn vô tận, trong một lúc ngài gần mất tất cả niềm tin vào lời nguyện vĩ đại mà ngài đã phát, và thân thể ngài liền nổ tung thành ngàn mảnh.
Trong cơn tuyệt vọng, ngài kêu cứu tất cả chư Phật. Những vị này từ mười phương thế giới đều bay đến như mưa tuyết để tiếp cứu. Với thần lực nhiệm mầu, chư Phật làm cho ngài hiện toàn thân trở lại, và từ đấy Quán Tự Tại có mười một cái đầu, một ngàn cánh tay, trên mỗi lòng tay có một con mắt. Ý nghĩa rằng sự phối hợp giữa trí tuệ và phương tiện thiện xảo là dấu hiệu của đại bi chân thực.
Trong hình thức này, ngài còn sáng chói rực rỡ, và có nhiều năng lực hơn trước để cứu giúp tất cả chúng sanh. Tâm đại bi của ngài khi ấy còn mãnh liệt hơn nữa, và ngài lại phát lời nguyện này trước chư Phật: “Con nguyện không thành chánh giác khi tất cả chúng sanh chưa thành”.
Tương truyền rằng vì đau buồn trước nỗi khổ luân hồi sinh tử, hai giọt nước nướt mắt đã rơi từ đôi mắt ngài, và chư Phật đã làm phép biến hai giọt nước mắt ấy thành hai nữ thần Tara. Một nữ thần có màu xanh lục, năng lực hoạt động của tâm đại bi, và một nữ thần có màu trắng, khía cạnh như mẹ hiền của tâm đại bi. Tara có nghĩa là người giải cứu, người chuyên chở chúng ta vượt qua biển sinh tử.
Theo kinh điển đại thừa, chính Quán Tự Tại đã cho đức Phật câu thần chú, và đức Phật trở lại giao phó cho ngài công tác cao quý đặc biệt là cứu giúp tất cả chúng sanh tiến đến giác ngộ. Vào lúc ấy, chư thiên tung hoa xuống ca ngợi hai ngài, quả đất chấn động, và không trung vang lên âm thanh OM MANI PADME HUM HRIH.
Có câu thơ về ngài ý nghĩa như sau:
“Quán Thế Âm như vầng trăng, với ánh sáng mát dịu, dập tắt những thiêu đốt của sinh tử. Trong ánh sáng ấy, đóa sen từ bi – lọai hoa nở về đêm – mở ra những cánh trắng tinh khôi”.
Giáo lý giải thích rằng mỗi âm trong sáu âm của thần chú OM MANI PADME HUM có một hiệu quả đặc biệt để mang lại sự chuyển hóa thuộc nhiều tầng lớp khác nhau của bản thể ta. Sáu âm này tịnh hóa tất cả sáu phiền não gốc, biểu hiện của vô minh khiến chúng ta làm những ác nghiệp của thân, lời, ý, tạo ra luân hồi sinh tử và những khổ đau của chúng ta, trong đó kiêu mạn, ganh tị , dục vọng, ngu si, thèm khát và giận dữ, nhờ thần chú mà được chuyển hóa trở về bản chất thực của chúng, trí giác của sáu bộ tộc Phật thể hiện trong tâm giác ngộ.
(Chú thích: Giáo lý thường nói đến năm bộ tộc Phật, bộ tộc thứ sáu là tổng hợp của năm bộ tộc trên).
Bởi thế, khi ta tụng thần chú OM MANI PADME HUM thì sáu phiền não nói trên được tịnh hóa, nhờ vậy ngăn ngừa được sự tái sinh vào sáu cõi, xua tan nỗi khổ ẩn tàng trong mỗi cõi. Đồng thời thần chú này cũng tịnh hóa các uẩn thuộc ngã chấp, hoàn thành sáu hạnh siêu việt của tâm giác ngộ (sáu ba la mật): bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Người ta cũng nói rằng thần chú OM MANI PADME HUM có năng lực hộ trì rất lớn, che chở ta khỏi những ảnh hưởng xấu và các thứ tật bệnh.
Thường có chủng tự HRIH của Quán Thế Âm được thêm vào sau câu thần chú, làm thành OM MANI PADME HUM HRIH. HRIH là tinh yếu tâm đại bi của tất cả chư Phật, là chất xúc tác đã khởi động tâm đại bi chư Phật để chuyển hóa các phiền não của ta thành bản chất trí tuệ của các ngài.
Kalu Rinpoche viết:
Một cách khác để giải thích thần chú này là:
- OM là tính chất của thân giác ngộ,
- MANI PADME tiêu biểu ngữ giác ngộ,
- HUM tiêu biểu ý giác ngộ.
Thân, ngữ, ý của tất cả chư Phật được tàng ẩn trong âm thanh của thần chú này. Thần chú này tịnh hóa những chướng ngại của thân, lời, ý, và đưa tất cả hữu tình đến trạng thái chứng ngộ. Khi tụng thần chú này, mà phối hợp với đức tin và tinh tấn thiền định thì năng lực chuyển hóa của thần chú sẽ phát sinh và tăng trưởng. Quả vậy, chúng ta có thể tịnh hóa bản thân bằng phương pháp ấy.
Đối với những người đã quen thuộc với thần chú này, suốt đời tụng đọc với nhiệt thành và niềm tin, thì Tử Thư Tây Tạng nói, ở trong cõi Trung Ấm: “Khi âm thanh của pháp tánh gầm thét như ngàn muôn sấm sét, nguyện cho tất cả tiếng này trở thành âm thanh của thần chú sáu âm”.
Tương tự, kinh Lăng Nghiêm cũng nói:
“Mầu nhiệm thay là âm thanh siêu việt của Quán Thế Âm. Đấy là âm thanh tối sơ của vũ trụ… Đó là tiếng thì thầm âm ỉ của thủy triều trầm lắng. Tiếng mầu nhiệm ấy đem lại giải thoát bình an cho tất cả hữu tình đang kêu cứu trong cơn đau khổ, và đem lại một sự an trú thanh tịnh cho tất cả những ai đang tìm sự thanh tịnh vô biên của niết bàn”.
Chính đức Phật Thích Ca đã đi qua vô số các cõi Phật để tìm kiếm nhưng cũng không thấy được. Cuối cùng khi đã kiệt sức, Ngài tìm thấy câu thần chú này ở nơi cõi của Đức Phật Liên Hoa Thượng Như Lai.
Mỗi một vị Phật có rất nhiều câu thần chú khác nhau, như Đức Quán Thế Âm có: chú Đại Bi, Bạch Y chú… nhưng mỗi vị Phật chỉ có một câu Tâm chú. Câu Tâm chú là tổng hợp tất cả sức mạnh của các câu thần chú, là thể hiện sức mạnh cho vị Phật đó.
Trong kinh Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Đức Phật có nói về sức mạnh của câu thần chú này như sau:
“Thiện nam tử! Sáu chữ Đại Minh Đà Ra Ni này vô lượng Như Lai mà còn khó biết huống gì là Bồ-tát làm thế nào mà biết được chỗ bổn tâm vi diệu của Ngài Quán Tự Tại đại Bồ Tát? Tôi đi trải qua các quốc độ khác cũng không biết sáu chữ Đại Minh Đà Ra Ni này.
Nếu có người thường thọ trì sáu chữ Đại Minh Đà Ra Ni thì khi trì tụng có chín mươi chín Căng già sa hà sa số chư Như Lai nhóm hội, có vô số Bồ-tát nhiều như vi trần nhóm hội cùng các Thánh chúng, Thiên tử ở ba mươi hai cõi trời cũng đều nhóm hội. Lại có bốn Đại Thiên Vương ở bốn phương làm hộ vệ, có Ta Nga La Long vương, Vô Nhiệt Não Long vương, Đắc Xoa Ca Long vương, Phạ Tô Chỉ Long vương.
Như vậy có vô số trăm ngàn vạn câu chi na khố na Long Vương đến hộ vệ người thọ trì ấy.
Lại ở khắp trong cõi đất hết thảy các Dược Xoa Hư Không thần cũng đến hộ vệ”.
- Lục Tự Đại Minh có thể khai mở tất cả trí tuệ;
- Có thể độ thoát chúng sinh trong lục đạo;
- Có thể thành tựu đại bồ đề;
- Có thể cứu khổ, cứu nạn;
- Có thể làm lợi ích cho hết thảy hữu tình;
- Có thể hàng ma trị bệnh;
- Có thể khiến tất cả chúng sinh được đầy đủ y phục, thức ăn, tiền tài và châu báu.
- Vạn sự mong cầu đều được như ý. Công đức và lợi ích của lục tự đại minh là vô lượng, vô biên.
Đối với Phật tử trong thời đại như chúng ta hiện nay. Việc nhớ niệm thần chú “OM MANI PAD ME HUM” sẽ giúp ta không bị phân tán vào đời, có khoảng trống để nhớ về Pháp, tích lũy công đức giúp ta tu hành giữa đời thuận lợi hơn, trách những tai nạn rủi ro đáng tiếc.
LỢI ÍCH VÀ NĂNG LỰC CỦA LỤC TỰ ĐẠI MINH ĐÀ LA NI
Lạt ma Thubten Zopa Rinpoche có giảng rằng:
“Trì tụng thần chú này bạn sẽ thành tựu bốn phẩm tính để được sinh vào cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà và những cõi Tịnh độ khác; vào lúc chết được thấy Đức Phật và ánh sáng xuất hiện trên bầu trời; chư thiên cúng dường bạn; và không bao giờ bị tái sinh trong các cõi địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh. Bạn sẽ được tái sinh trong cõi Tịnh độ của Đức Phật hay như một hiện thể tái sanh tốt lành.
Ta cũng được biết rằng bảy đời tổ tiên (cửu huyền thất tổ) của người đó cũng không bị tái sinh trong các cõi thấp. Đó là nhờ năng lực của thần chú, thân được ban phước bởi những người trì tụng thần chú và quán tưởng thân họ trong sắc tướng của thân linh thánh như Đức Quán Thế Âm. Vì thế, thân thể trở nên rất mạnh mẽ, tràn đầy ân phước đến nỗi nó tác động tới tâm thức cho tới bảy đời và kết quả là nếu người ấy chết với một niệm tưởng bất thiện, người ấy sẽ không bị tái sinh trong một cõi thấp.
Khi một người mà mỗi ngày từng trì tụng mười chuỗi Om Mani Padme Hum đi xuống sông hay biển, nước chạm vào thân người ấy được ban phước, và sau đó chất nước được ban phước đó sẽ tịnh hoá hàng tỉ tỉ chúng sinh trong nước. Người này cứu giúp những sinh vật trong nước đó thoát khỏi nỗi khổ không thể tưởng tượng nổi nơi các cõi thấp. Việc ấy thật lợi lạc đến mức khó tin.
Khi một người như thế đi xuống một con đường, gió chạm vào thân người ấy và sau đó tiếp tục chạm vào những côn trùng, nghiệp tiêu cực của chúng được tịnh hoá và nhờ đó chúng có một tái sinh tốt đẹp. Tương tự như vậy, khi một người như thế xúc chạm vào thân người khác, nghiệp tiêu cực của những người đó cũng được tịnh hoá.
Việc một người như thế nhìn ngắm thì thật đầy ý nghĩa; việc được nhìn và xúc chạm trở thành một phương tiện để giải thoát chúng sinh. Điều này có nghĩa là thậm chí hơi thở của người đó chạm vào thân của chúng sinh khác cũng tịnh hoá nghiệp tiêu cực của họ. Bất kỳ sinh loài nào uống nước trong đó một người như thế từng bơi lội cũng được tịnh hoá.”
ỨNG DỤNG CÔNG ĐỨC CỦA MẬT CHÚ OM MANI PÊ MÊ HUNG VÀO TRỊ BỆNH
Đức Liên Hoa Sanh bảo với các đệ tử thân cận rằng:
“Mật chú Mani là tinh túy về tâm của Đức Quán Thế Âm cao quý, bởi thế công đức của việc trì tụng một lần là không thể đo đếm. Khi ai đó nhiễm bệnh, so với mọi nghi lễ chữa lành thông thường, công đức của Mật chú Sáu âm hữu hiệu hơn nhiều để xua tan bệnh tật. So với mọi phương pháp chữa trị, Mật chú Sáu âm là phương thuốc mạnh mẽ nhất để chống lại đau ốm và tà ma”.
Khi một người nào đó bị ảnh hưởng bởi bệnh tật hoặc một ảnh hưởng xấu ác, thì so với bất kỳ nghi lễ thế tục chữa lành hoặc đẩy lui chướng ngại nào, công đức của Thần Chú Sáu Âm “OM MANI PÊ MÊ HUNG” là hiệu quả hơn rất nhiều để xua tan đi những chướng ngại hoặc bệnh tật.
So với bất kỳ phương thuốc hay sự chữa lành nào, Thần Chú Sáu Âm là biện pháp khắc phục mạnh mẽ nhất chống lại bệnh tật và ma quỷ.
Những đức hạnh của Thần Chú Sáu Âm “Om Mani Pê Mê Hung” là vô lượng, không thể đo lường và cũng không thể được diễn nói trọn vẹn thậm chí ngay cả bởi chư Phật trong ba thời.
Tại sao vậy? Bởi vì thần chú này là tinh hoa tâm của Bồ Tát Quán Thế Âm Quán Tự Tại Avalokiteshvara tôn quý, Bậc liên tục dõi theo sáu loài chúng sinh với lòng bi mẫn.
Như vậy, việc trì tụng thần chú này giải thoát tất cả chúng sinh khỏi vòng luân hồi sinh tử.
– Đạo sư Liên Hoa Sanh – Guru Rinpoche – Dạy Về Lục Tự Đại Minh Chú và Quan Âm Bồ Tát –
❤️ Mọi người có thể nghe nhạc thần chú Om Mani Pê Mê Hung (Om Mani Padme Hum) rất hay và bình an ở đây: https://youtu.be/q_Ac3zRr_Kc
CÁCH THỰC HÀNH ĐỌC TÂM CHÚ 6 ÂM
Một vài cách thực hành đọc câu Tâm chú “OM MANI PAD ME HUM” của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Chúng ta có thể đọc chính xác theo phiên âm tiếng Tây Tạng “ÔM MA NI PÊ MÊ HUNG”.
Có rất nhiều cách để thực hành, tuy nhiên trong phạm vi bài viết này HSTL chỉ đề cập đến những phương cách mà chúng ta có thể thực hiện được trong đời sống hằng ngày của bất kỳ hành giả nào:
1. NIỆM CHÚ THEO HƠI THỞ:
Đây là một cách thực hành vô cùng thiện xảo, bạn có thể làm mọi lúc mọi nơi, bất kể lúc nào bạn nhớ ra. Bởi vì, cho dù bất kể lúc nào, trong hoàn cảnh nào bạn cũng luôn luôn hít – thở, nên việc đọc thần chú nương vào hơi thở là một trong những cách vô cùng thiện xảo, dùng chính hơi thở, thứ luôn luôn có mặt ở đây để nhắc nhở về việc đọc thần chú.
Bạn thực hành đọc thần chú theo hơi thở như sau:
Khi hít vào (phình bụng) – bạn đọc: “Om mani”
Khi thở ra (xẹp bụng) – bạn đọc: “pad me hum”
Như vậy, nếu bạn thực hành được điều này, trong cả ngày của bạn không lúc nào tâm bạn rời khỏi câu thần chú, bạn sẽ luôn được sức mạnh câu thần chú bảo vệ.
Điều đặc biệt là ngay những lúc bạn lo lắng, sợ hãi, sân hận hơi thở của bạn sẽ thay đổi nhịp độ và lúc này câu thần chú sẽ tự động xuất hiện cùng với hơi thở và chính câu thần chú sẽ nhắc bạn trở về với hiện tại và giúp bạn trở nên bình an hơn.
Sáng dậy tâm thư thái
Đọc Thần chú sáu âm
Của Quan Âm Bồ Tát
Cả ngày đọc chuyên cần.
Hít vào: Om ma ni
Thở ra: Pê mê hung
Nhớ đọc theo hơi thở
Nhỏ, to, hoặc nghĩ thầm.
Đọc thần chú sáu âm,
Kết duyên với Phật pháp
Và như một lời nhắc:
Đừng hành động sai lầm.
– Hồng Nhị –
2. HÁT THẦN CHÚ THEO NHẠC:
Hiện nay, trên các trang mạng Youtube, zing, nhaccuatui… đều có rất nhiều bài hát phổ nhạc từ câu tâm chú “om mani pad me hum”, bạn có thể lựa chọn cho mình một hoặc nhiều giai điệu yêu thích và có thể hát bất cứ lúc nào bạn muốn. Khi hát có thể hát thành tiếng hoặc hát thầm trong đầu đều có tác dụng.
Một vài link tham khảo:
- https://www.youtube.com/watch?v=_KDRpvkGaP0
- https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/om-mani-padme-hum-imee-ooi-va.1rbXtKj54v.html
- https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/om-mani-pad-me-hum-tieng-phan-va.dNNAiYYxPOjw.html
3. TRÌ TỤNG THẦN CHÚ:
Khi trì chú thì bạn cần tập trung tư tưởng vào câu thần chú thì câu thần chú mới có thể phát huy tối đa tác dụng. Một cách rất tốt để đọc thần chú tập trung là chúng ta sẽ tự lắng nghe lại chính âm thanh trì chú mà mình phát ra.
Nếu đồng thời, bạn có tràng hạt thì tay trái lần tràng hạt, mỗi lần đọc được một câu “Om Mani Padme Hum” lại lần một hạt khi đó sự tập trung của bạn cũng tăng lên và sức mạnh câu thần chú cũng được tăng lên nhiều lần, đặc biệt là với chuỗi hạt bồ đề.
Cuối cùng, sau mỗi ngày thực hành bạn nên hồi hướng công đức cho sự hạnh phúc và giác ngộ của chính bạn và tất cả chúng sinh khác. Bởi việc bạn đọc thần chú 6 âm dù là việc làm tự nhiên, nhưng vẫn tạo ra công đức rất lớn và chúng ta sẽ không giữ những công đức ấy cho riêng mình mà sẽ hồi hướng về sự hạnh phúc và giác ngộ của mình và tất cả các chúng sinh khác để công đức ấy được bảo toàn không bị mất đi.
Hãy thử áp dụng và chia sẻ những kinh nghiệm riêng của bạn nhé. Chúc bạn có nhiều giây phút bình an và hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
❤️Yêu quý các bạn,❤️
Hoa Sen Trên Lửa
***
Hãy thực hành và chia sẻ kinh nghiệm của bạn với Hoa Sen Trên Lửa nhé! Biết đâu sự chia sẻ của bạn sẽ giúp đỡ được ai đó…
Còn bao nhiêu thời gian nữa?
Không còn thời gian, không còn thời gian nữa! Không còn thời gian để ở yên!
Khi cái chết thình lình ập xuống trên con, con sẽ làm gì?
Giờ đây tốt hơn con hãy bắt đầu thực hành ngay Thánh Pháp;
Giờ đây, nhanh chóng, cấp bách – hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Con có thể nói đến những năm, những tháng hay những ngày –
Hãy nhìn sự vật biến chuyển từng khoảnh khắc như thế nào, ngay giờ đây!
Mỗi khoảnh khắc trôi qua đem con gần hơn đến cái chết;
Giờ đây, ngay trong một niệm này, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Vì cuộc đời con tuột đi như mặt trời lặn chìm mất nơi xa,
Cái chết đến gần như những cái bóng dài ra của buổi chiều.
Bây giờ cái để lại của đời con sẽ biến mất nhanh như những chiếc bóng cuối cùng phai lạt.
Không còn thời gian để phung phí nữa – hãy trì tụng thần chú sáu âm.
Một bổn tôn, Quán Thế Âm, hiện thân của tất cả chư Phật;
Một thần chú, sáu chữ, hiện thân của mọi thần chú;
Một Pháp, bồ đề tâm, hiện thân của cả thảy thực hành trong hai giai đoạn phát triển và thành tựu.
Biết một cái nó giải thoát cho tất cả, hãy trì tụng thần chú sáu âm.
– Kho tàng tâm của các bậc giác ngộ – Đức Patrul Rinpoche –