“NƯỚC KHÔNG NHẬN CHÌM” TRONG KINH ĐẠI THỪA NGHĨA LÀ GÌ?
(Tác giả Hương Trần – đăng 9/9/2015)
________________________
Khi đọc các Kinh Đại-Thừa (Mahayana sutra), người học Phật nên suy ngẫm nghĩa lý, chẳng hạn như, nhiều tôn Kinh nói, đọc Kinh nầy thì sẽ được các lợi ích như “nước không nhận chìm”.
Người học Phật phải hiểu ra sao để khỏi “oan tam thế Phật”?
Kinh viết,
(…) Dọc đường gặp một con sông, chính là lệ cho phiền não.
Bồ Tát quán sát phiền não nầy như sông lớn, nước sông chảy xiết có thể làm trôi hương tượng. Phiền não cũng có thể làm trôi bực Duyên Giác.
Sâu khó đến đáy nên gọi là “sông”, bờ xa khó qua đến nên gọi là “lớn”. Giữa sông có nhiều loài cá hung dữ. Phiền não cũng như vậy, chỉ có Phật và Bồ Tát mới có thể cùng tột nên gọi là rất sâu, chỉ có Phật và Bồ Tát mới qua đến bờ nên gọi là rộng lớn, thường hại tất cả chúng sanh si mê nên gọi là hung dữ. Do đây nên Bồ Tát quán sát phiền não nầy dường như sông lớn.
Như nước sông lớn có thể sanh trưởng tất cả cỏ cây lùm rừng, phiền não cũng có thể sanh trưởng chúng sanh hai mươi lăm cõi. Như có người té xuống sông lớn mà không hổ thẹn, chúng sanh sa vào trong phiền não cũng không hổ thẹn như té xuống sông chìm chưa đến đáy mà đã chết, chúng sanh sa vào phiền não luân hồi trong hai mươi lăm cõi vẫn chưa đến đáy. Trên đây nói đáy sông là lệ cho tướng không, nếu chẳng tu tướng không nầy, thời chẳng đặng ra khỏi hai mươi lăm cõi. Tất cả chúng sanh vì chẳng thể khéo tu tướng không nên thường bị phiền não nhận chìm : Do đây nên Bồ Tát quán sát phiền não nầy dường như sông lớn.
Như sông lớn kia chỉ có thể làm hại thân mạng mà chẳng phá được pháp lành, phiền não thời có thể phá hoại tất cả pháp lành của thân tâm.
Sông lớn kia chỉ có thể làm trôi chìm người trong cõi dục, phiền não thời có thể hại tất cả nhơn thiên trong ba cõi.
Sông lớn trong đời nếu tay ôm phao, vịn bè, chưn đạp, thời có thể đến bờ bên kia. Với phiền não thời chỉ có Bồ Tát tu sáu pháp Ba La Mật mới qua khỏi được.
Như sông lớn người khó lội qua chúng sanh cũng khó thoát qua khỏi phiền não. Thế nào gọi là khó ? Đến bực thập trụ Bồ Tát vẫn còn chưa rốt ráo thoát khỏi hẳn phiền não, chỉ có chư Phật mới rốt ráo. Do đây nên gọi là khó qua khỏi được.
Như có người bị nước sông đẩy trôi chẳng có thể làm được việc gì, chúng sanh bị phiền não lôi cuốn cũng không thể tu tập pháp lành. Như người té sông bị nước cuốn đi, người có đủ sức thời cứu vớt được. Chúng sanh sa vào phiền não làm nhứt xiển đề, hàng Thanh Văn Duyên Giác, Bồ Tát, Chư Phật đều không cứu tế được. Sông lớn trong đời phải khô cạn lúc kiếp tận. Với phiền não hàng Thanh Văn Duyên Giác dầu tu thất giác chi vẫn còn chẳng làm khô được. Vì thế nên Bồ Tát quán sát các phiền não dường như sông lớn.