Nuôi Dưỡng và Phát Huy Tài Năng Của Trẻ
Sadhguru bàn về việc nuôi dưỡng trẻ em và việc phát huy tính thiên tài bẩm sinh trong mỗi con người. Sadhguru giải thích rằng cuộc sống không bao gồm những giải pháp có sẵn, mà đòi hỏi một mức độ tận tâm rất lớn.
Người hỏi : Tôi đã đọc sách của ông, nó thật tuyệt vời. Và điều đã gây chú ý cũng như kinh ngạc cho tôi là khi ông còn là một đứa trẻ, ông đã nhận ra mình có những khả năng đặc biệt. Và ông đã bắt đầu đi sâu hơn vào chúng và bắt đầu thiền. Có người đã dạy ông cách thiền và cách trải qua những điều này. Chúng ta nên làm gì với một đứa trẻ có chiều sâu như thế? Và tôi có một đứa con như thế, và thi thoảng tôi muốn đẩy con bé theo hướng cái này là đúng, nhưng thực sự tôi rất tin tưởng vào những gì ông đã dạy.
Sadhguru : Chúng ta phải hiểu điều này, một đứa trẻ không phải là một sản phẩm công nghiệp. Một đứa trẻ là một sự sống, một sự sống tươi mới. Bạn cần nuôi dưỡng sự sống này, không phải là bạn bắt nó đi qua một loại quy trình công nghiệp được gọi là trường học, như là một ngành công nghiệp vậy.
Tất cả mọi người đều được dạy cùng một thứ giống nhau. Tất cả đều phải đi qua một quy trình và đi ra cùng một kiểu rồi tìm một công việc và phục vụ cái gì đó ở đâu đó. Cuộc sống của con người không phải là như thế.
Có một thiên tài bẩm sinh trong mỗi con người. Liệu chúng ta có đủ lòng kiên nhẫn, sự cam kết, cũng như sự tận tụy để dành một sự quan tâm cần thiết để bộc phát nó trong mỗi một con người hay không? Đó là một câu hỏi quan trọng. Nếu không thì bạn sẽ sản xuất ra những cái bánh bao. (tiếng cười) Giống y chang nhau, đúng không? (cười)
Vậy nên, một khi bạn có con.. trước khi bạn có con, bạn phải hiểu: một đứa con tương đương với một dự án 20 năm toàn tâm toàn lực. Đó là nếu chúng phát triển tốt. Nếu chúng không phát triển tốt, thì nó là một dự án cả đời (cười).
Bởi vì nó là một sự sống, và sự sống có thể nở rộ lúc 12 tuổi, sự sống khác có thể nở rộ lúc 40 tuổi. Bạn có đủ kiên nhẫn để nuôi dưỡng sự sống đó không? Hay là bạn đã lập một kế hoạch rằng: khi bạn tốt nghiệp phổ thông, bạn sẽ phải vào trường đại học này, trường đại học kia; bạn phải làm cái này hay cái kia, tất cả đã được định sẵn, một đơn thuốc chung cho tất cả mọi người. Đây là điều mà chúng ta đang làm và đây được gọi là nền văn minh.
Đây không phải là nền văn minh. Đây chỉ là sự trốn chạy khỏi sự sống mà thôi. Chúng ta muốn thoát khỏi tiến trình cơ bản của sự sống.
Trong xã hội bộ lạc và những xã hội truyền thống khác, thậm chí ngày nay, không ai kỳ vọng một người đàn ông hay một người phụ nữ phải trở thành như thế này ở một thời điểm nhất định nào đó. Tùy thuộc vào cách mà mỗi cá nhân tiến triển, mọi người đều được quý trọng từ chính bản thân họ.
Nếu bạn trồng cây hoa cúc này trong nhà, trong 3 tháng nó nở đầy hoa. Nếu bạn trồng một cây sồi, 8-10 năm vẫn không có gì xảy ra cả (cười). Nên bạn muốn đốn cây sồi đi, đúng không?
Sẽ không có một cây sồi nào nếu bạn chạy theo những tiêu chuẩn này. “Nhìn coi, cái cây này mọc tốt như vậy, trong 3 tháng có bao nhiêu là hoa. Còn mày, mày không làm gì cả!”
Đây không phải là cách được quản lý sự sống, đúng không? Đây không phải là một sản phẩm công nghiệp, vậy nên..
Tôi biết là có nhiều thôi thúc khó cưởng khác nhau trong xã hội, nhiều các hạn chế khác.. biết là như thế, nhưng về cơ bản, chúng ta phải hiểu rằng sự sống cần được nuôi dưỡng, cần một môi trường lành mạnh chứ không phải một sự bố trí trước, không có gì để bố trí ở đây cả. Chỉ cần một bầu không khí nơi mà nó sẽ phát triển tốt nhất.
Những gì mọc ở miền nam California sẽ không mọc được ở Minnesota, đúng chứ? Sự sống này sẽ cần bầu không khí này, sự nuôi dưỡng này, chỉ khi đó nó mới phát triển. Vậy nên, đây là điều mà chúng ta cần chú tâm đến.
Nếu không có một sự tận tâm, chúng ta… Chúng ta muốn mọi thứ được làm sẵn. Chúng ta đang tìm kiếm một giải pháp có sẵn. Không có một giải pháp sẵn có nào cho sự sống cả. Sự sống chỉ có thể xảy ra với một sự tận tâm mãnh liệt, đơn giản là không có cách nào khác cả.
Khi mà không có sự tận tâm, thì sẽ không có trải nghiệm về cuộc sống, đúng không? Đúng không?
Mọi người : Vâng
Sadhguru : Dù đó đơn giản là đồ ăn mà bạn ăn, hay thứ gì đó mà bạn nhìn vào, hay ai đó mà bạn sống cùng, hay việc mà bạn làm, hay bất cứ thứ gì bạn làm ở mức độ cao nhất trong đời mình, nếu không có sự tận tâm thì sẽ không có sự sống.
Nhưng hiện nay, xã hội hiện đại đang cố gắng sống với thông tin, không phải với sự tận tâm. Đây là một sai lầm lớn. Bạn không có thông tin nào về con mình. Bạn có thể đi đến tất cả các bác sĩ khác nhau và thu thập tất cả ý kiến của họ về con mình, tất cả những gì mà họ nói sẽ là : con bạn bị bệnh cả trăm kiểu khác nhau, được chứ? (cười)
Không, bạn không cần thông tin về con của mình, bạn cần sự tận tâm. Với sự tận tâm bạn sẽ giúp sự sống đó phát triển tốt nhất. Nó không cần tốt như ai đó hay tệ như ai đó, bởi vì nó là một sự sống độc nhất. Có sự sống nào giống sự sống nào không?
Mọi người : Không
Sadhguru : Nó là một sự sống độc nhất. Vậy nhưng ngay từ ngày đầu tiên chúng ta đã so sánh nó với một sự sống khác và cố gắng làm cho nó giống như thế. Đây là một quá trình rất tàn nhẫn đối với một đứa trẻ. Một đứa trẻ không bao giờ hiểu qua mẹ chúng muốn cái quái gì (cười).
Tôi chưa bao giờ hiểu cả. Chưa có ai từng giải thích cho tôi tại sao tôi nên đi học, vì thế tôi không bao giờ đi. (cười) Bởi vì không ai giải thích với tôi tại sao tôi phải đi học. Họ nói “không, không, con phải đi học”. Tại sao? tôi ổn mà. (cười) Tại sao tôi nên đi học?
Không, bởi vì chúng ta nghĩ thông tin sẽ chuyển hóa chúng ta. Không, thông tin tạo điều kiện cho một số thứ. Nhưng chính sự tận tâm mới chuyển hóa chúng ta, đúng không?
Tận tâm tuyệt đối vào một điều gì đó, không quan trọng là điều gì, hoàn toàn tận tâm vào nó, bỗng nhiên bạn sẽ thấy con người đó có một tố chất khác, đúng không?
Đơn giản chỉ là vậy thôi. Sự tận tâm.
Chúng ta phải hiểu điều này, một đứa trẻ là một sự sống tươi mới nó không phải là một sản phẩm công nghiệp, tất cả mọi người điều dạy cùng một thứ giống nhau thông qua một quy trình và đi ra cùng một kiểu. Bạn phải có sự tận tâm khi nuôi dạy một đứa trẻ, mỗi cá nhân là một bản thể riêng biệt nên bạn đừng bắt ép chúng phải trở thành một ai đó. Đó là điều tàn nhẫn với trẻ nhỏ.
Các bài giảng của Sadhguru
Bạn đọc comment:
HKT Land
Tuyệt vời. Tuy mới có em bé nhỏ nhưng mình luôn dành thời gian cho con. Ăn, chơi, nô đùa, ngủ và tự dạy con học. Thấy nó rất vui, thoải mái và luôn đeo bám ba và mẹ lúc nào cũng muốn ba mẹ chơi cùng. Mình nghĩ thời gian này chính là thời gian vàng để con phát triển toàn bộ các mặt. Thanks admin và anh chị trong nhóm đã trích dẫn những video hay và áp dụng trong cuộc sống.
Nhan Phan
Tôi yêu con trai tôi, tôi cảm nhận những gì tôi mong cầu, cố gắng làm và dạy con trai tôi là cách làm một người tốt. Tôi có một niềm tin rằng con trai tôi và tất cả những đứa trẻ trên thế giới này không ranh giới về màu da, chủng tộc đều là những thiên thần, tôi không muốn ép buộc trẻ em phải làm này làm kia, tôi chỉ mong các con lớn lên đều là những người tốt. Một người tốt làm gì cũng sẽ tốt, từ việc lao động bằng tay chân hay khối óc vì nghề nghiêp nào cũng đều có thể trở thành 1 tác phẩm nghệ thuật thấm nhuần tâm hồn trong sáng của những người tốt tạ ra nó. Người tốt chắc chắn không hoàn hảo, nhưng người tốt sẽ luôn cố gắng phấn đấu để chỉnh sửa mỗi ngày, và chính sự chỉnh sửa mỗi ngày về những thứ chưa tốt của bản thân đó là sự hoàn hảo.
Bi RAIN
Chúng ta nên chia sẽ video này cho hệ thống GD VN… và facebook
pham thu Hien
Biết ơn Thầy Sadhguru và đội ngũ phụng sự đã chia sẻ những video vô cùng giá trị. Biết ơn, biết ơn, biết ơn <3
linh nguyen
Con cám ơn Ngài đã cho chúng con những kiến thức bổ ích và thật sâu sắc