Cách phân biệt công đức và phước đức
Vấn đề này hình như tôi đã viết bài cách đây cũng lâu rồi, nay có mấy vị mới kết bạn với tôi nên chưa đọc, hay đọc rồi lại quên.
Giờ hỏi lại, mà tôi kiếm bài cũ không ra, nên thôi để tôi viết lại vậy.
Hai cụm từ này mới nghe qua thấy giống nhau, nhưng thực ra thì nó có hai nghĩa khác nhau đấy quý vị ạ .
Phước đức là gì ?
Phước đức hay cũng gọi là phúc đức đó là quả lành sung sướng hạnh phúc, do người đó trong quá khứ đã từng làm các việc phước thiện.
Quả lành ở đây có thể là :
Giàu có về vật chất, có địa vị cao trong xã hội, tướng mạo xinh đẹp, thông minh học giỏi, sống lâu, có sức khỏe ít bệnh tật, gia đình êm ấm hạnh phúc, ……
Các việc phước thiện đã làm gồm :
Từ thiện giúp đỡ người nghèo, cúng dường Chư Tăng, xây chùa, tạo tượng, làm đường làm cầu, giúp đỡ học sinh nghèo có kinh phí để học tập,……
Nhưng các quả lành này, khi trổ ra chúng sinh hưởng thì sẽ hết.
Nên gọi là phước hữu lậu.
(Chữ lậu ở đây có nghĩa là sự rò rỉ, giống như cái bình nước vậy, nếu bình bị thủng một lỗ dưới đáy, thì nước sẽ chảy ra cho đến khi không còn nữa.
Phước khi trổ ra, chúng sinh hưởng, thì sẽ cạn dần, và hết, nên gọi là hữu lậu).
Vậy công đức là gì ?
Công đức ở đây chính là khả năng công phu tu tập, nhìn lại tâm chính mình để chuyển hóa những tâm niệm xấu ác.
Khi việc chuyển hóa hoàn thành rốt ráo, thì vị ấy có thể chứng đạt quả vị giải thoát, trở thành một Bậc Thánh giác ngộ.
Khi đã giác ngộ, nếu vị này còn sống có thể thâm nhập được vào trong thể tính của niết bàn, hưởng được hạnh phúc của giải thoát.
Còn khi đã viên tịch vị ấy có thể nhập vào cảnh giới niết bàn để an trụ.
Và vị ấy cũng có được hạnh phúc của sự giải thoát viên mãn tự tại, thành tựu được công đức vô lậu, hạnh phúc này sẽ thường hằng mãi mà không còn có sự thoái lui trở lại.
Đây là mục tiêu tối hậu, cuối cùng của người tu đạo, vì vị ấy đã thành tựu công đức rốt ráo của sự tu tập.
Các tâm xấu ác mà một người tu cần phải chuyển hóa đó là :
Tâm hung dữ ác độc, tâm sân giận nóng nảy, tâm tham dâm dục, tâm ham ăn ham ngủ ham chơi, tâm si mê tà kiến, tâm hoài nghi với chánh pháp, tâm lăng xăng loạn động mà không có định tĩnh, tâm buồn vui thất thường, tâm luyến ái cái thân, tâm luyến ái về các cảnh giới tốt đẹp hạnh phúc, tâm luyến tiếc về những hạnh phúc đã qua, tâm không buông bỏ được những hận thù, tâm còn tự ái, ………
Con người chúng ta thì thường thích làm các việc phước đức nhưng lại ít quan tâm đến việc tu tập để chuyển hóa nội tâm.
Nên nhiều đời nhiều kiếp qua, họ chỉ mãi là những chúng sinh trầm luân đoạ lạc, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi.
Mà không thể trở thành Thánh, thành Phật được.
Trong khi đó, bản tính giác ngộ luôn có trong mỗi chúng sinh, nhưng vì u mê, mà họ không thấy đường và trở nên lạc lối, quên đường về giác ngộ.
Do đó, sự xuất hiện của các Bậc Thánh trên cuộc đời này, giống như là người dẫn đường chỉ đường, nhắc nhở và chỉ bảo chúng sinh, để giúp họ biết cách tu tập mà tìm về với giác ngộ giải thoát, thoát khỏi địa vị phàm phu, bước đến địa vị của Bậc Thánh nhân.
Tuy nhiên, quý vị cũng không nên chê phước đức, mà cần phải kết hợp tu cả hai.
Bên trong thì tu tập để thành tựu công đức, bên ngoài thì làm các việc phước đức.
Phước đức sẽ hỗ trợ cho việc thành tựu công đức rất nhiều .
Ví dụ :
Nếu quý vị thiếu phước, rồi đói khổ quá, cái bụng lúc nào cũng cồn cào vì đói.
Vậy thì sao có thể ngồi tĩnh tọa an tâm mà thiền định được.
Hay nhiều vị tu tại gia còn có đời sống gia đình, còn phải làm nhiều công việc để kiếm sống.
Nhưng nếu quý vị thiếu phước, và làm ăn khó, rồi nợ nần nhiều quá.
Đang ngồi lần chuỗi niệm Phật, bái, sám, công phu,…..
Mà lòng cứ lo xã hội đen tới đòi nợ….. Vậy thì sao yên tâm mà ngồi niệm Phật được.
Do đó, một người hiểu đạo phải nên có cả hai, vừa phải nhiều phước đức, vừa phải thành tựu được công đức.
Đây là sự hoàn hảo nhất.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Tham khảo ở: Tu học mỗi ngày trên Ô-Hay.Vn
Xem thêm: