Phân biệt sự khác nhau giữa Phước đức và Công đức
Hai từ này, mới nghe qua thì có vẻ đơn giản, nhưng để phân biệt chúng thì chẳng hề dễ dàng chút nào.
* Công đức :
Công là công phu, sự chuyển hóa.
Đức là đạo đức, là đức hạnh.
Công đức chính là năng lực trong tự thân công phu, tu tập chuyển hóa những kiết sử, những phiền não, nhiễm ô như tham, sân , si, mạn, nghi, ác kiến và tà kiến.
Để đạt được một nội tâm thanh tịnh, trong sạch, trở thành một người đạo đức, thuần thiện.
* Phước đức :
Một người với tâm hồn đạo đức, từ bi, với lòng từ mẫn với chúng sinh.
Người đó đem công sức, lời nói, tiền bạc, của cải, tài sản,… để đi làm lợi ích cho chúng sinh như làm từ thiện, làm phước, bố thí, cúng dường, xây chùa, đúc tượng, xây nhà tình thương, ..v.v..
Với những việc làm thiện và tốt đẹp này, sẽ mang lại cho người đó một quả phước, một quả lành rất lớn trong tương lai.
Đó là cuộc sống luôn giàu có, may mắn, của cải, tài sản ăn cả đời không hết, thậm chí nếu lượng phước lớn có thể đưa người đó lên cõi trời.
Ta thấy:
Công đức là yếu tố thuộc về năng lực bên trong của tự thân. Còn phước đức thuộc về yếu tố bên ngoài, do sự tác động vào bên ngoài mang lại quả báo tốt.
Phước đức có thể giúp ta rất thuận lợi trong việc tu hành và khai mở tâm linh.
Nhưng công đức là yếu tố quyết định sự thành bại của người đó, vì đó là sự nỗ lực từ bên trong tự thân.
Khi hoàn cảnh sống , điều kiện thuận lợi rồi, nhưng ta phải dụng công tu tập thì mới ngộ đạo được.
Do đó, với người tu hành ta nên tu cả hai, vừa phước đức, vừa công đức. Có vậy đường tu của ta mới tiến vững chắc, giống như hổ chúa mà gắn thêm đôi cánh, thì sức mạnh sẽ tăng bội phần.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
Xem thêm các bài viết về Công Đức
Công Đức rất khác với Phước Đức
Có 1 câu chuyện về vua Lương Võ Đế của Trung Hoa. Ông là một Phật tử rất tín tâm nên ông cho in Kinh, xây chùa, từ thiện…. rất nhiều. Ông cũng ăn chay trường và khuyến mọi người ăn chay.
1 lần ông gặp Sư Tổ Thiền Tông đời 28 của Ấn Độ và là Tổ Thiền tông đời 1 của Trung Hoa, ngài Bồ Đề Đạt Ma (Bodhi Dharma).
Ông vua hỏi:
“Trẫm làm nhiều việc thiện đức, phật sự như vậy, trẫm có nhiều công đức không?”
Tổ Bồ Đề Đạt Ma trả lời:
“Chẳng có tí công đức nào!”
Vua sốc…
Vậy tại sao làm bao nhiêu việc thiện, việc phật sự mà Tổ Bồ Đề lại trả lời vậy. Vị nào hiểu sâu Phật pháp sẽ thấy Tổ trả lời là chính xác!
Phước Đức là những việc thiện, việc tốt lành như: giúp đỡ người khác, xây chùa chiền, tu viện, xây cầu đường v,v… trong đó, người làm các việc này vẫn thấy có mình đang làm, có người khác đang nhận và có việc thiện, việc tốt đó. Theo nhân quả, cho đi cái gì thì họ sẽ nhận lại được cái đó. Xây cầu đường giúp người khác đi lại thuận tiện, nhẹ nhàng hơn, thì cuộc sống mình cũng được quả báo thuận tiện, nhẹ nhàng hơn…
Phước Đức này cho quả báo Nhân, Thiên. Tức là được các thuận duyên trong luân hồi với các cõi tốt lành của Người và Trời. Trời là các cõi cao, nôm na như các siêu đại gia, ở toàn cung điện pha lê, vàng, thất bảo… Phúc Đức rất tốt ở chỗ cho chúng ta phương tiện hỗ trợ cuộc sống, hỗ trợ tu hành. Phước Đức ko tốt ở chỗ khi nó nhiều quá, ko dc hồi hướng gửi vào ngân hàng giác ngộ vô thượng bồ đề thì nó thành chướng ngại giải thoát, tự do.
Giống bạn giàu quá hay nghèo quá đều bận rộn tâm trí, khó tu hành và khó có tự do được. 1 người khi mất, làm nhiều việc ác sẽ đọa cõi thấp, thần thức linh hồn đi xuống các cửa từ dưới rốn trở xuống vào các cõi thấp khổ ải như: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nhưng người nhiều việc thiện quá, sẽ có 1 sức ép từ giữa ngực ở luân xa tim trở lên khiến bạn không giải thoát luân hồi được. Lực này ép bạn đi vào các cõi trời hoặc cõi tái sinh làm người hưởng phước cho bằng hết. Muốn giải thoát phải xả bỏ và hồi hướng bớt phước đức này về sự giác ngộ.
Công Đức là Phúc Đức nhưng được thực hiện trong sự Giác Ngộ của 3 Không:
- Không người làm,
- không người nhận và
- không có việc làm.
Ví dụ, bạn giúp 1 ai, bạn ko nghĩ là mình giúp, mình mang ơn, mà đôi khi bạn nghĩ ngược lại, họ đang giúp bạn có cơ hội làm phước đức. Vì bình đẳng nên ko cần ghi nhớ, ko cần mong trả ơn. Tâm bạn thanh tịnh như hư không. Tâm này giúp bạn giải thoát khỏi luân hồi tam giới.
Vì thế Phật dạy Lục Độ Ba La Mật. Chữ “Ba La Mật” rất quan trọng, nó là từ chữ Phạn “Paramita”, nghĩa là vượt bờ bên kia, đáo bỉ ngạn, cứu cánh.
Lục Độ gồm: bố thí (cho đi), trì giới (giữ đạo đức kỉ luật), nhẫn nhục (nhường nhịn), tinh tấn (chăm chỉ liên tục), thiền định (tập trung và định tâm), trí huệ (luôn sáng suốt, tỉnh táo). Làm 6 việc này trong 3 Không ở trên là là Lục Độ Vạn Hạnh. Tức 6 việc làm phát sinh vô số công hạnh.
Muốn đắc 3 Không ở trên để có Công Đức, 1 người phải thể nhập vào được Chân Tâm, Như Lai Tạng hay ít nhất là Kiến Tánh (thấy được tự tánh vô hình, vô tướng của mình) của mình. Chỉ Tánh Không kì diệu này mới giúp 1 người siêu vượt khỏi Tam Giới Luân Hồi.
Trong Kinh Thánh, Chúa Jesus cũng dạy: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”. Tay phải không biết tay trái làm chính là 3 Không của Công Đức.
Dharma Dipo – Lê Nguyễn Quỳnh,
20/05/2020
Cầu nguyện nhân tốt lành giải thoát được reo trồng!
FB Tu học mỗi ngày –
Guy Đô Bài chia sẻ hay quá ạ . Anh ơi cho em hỏi khi nào thì mình biết được là mình làm thiện quá nhiều, khiến cho việc mình sẽ bị sức ép ở luân xa tim , khiến cho mình bắt buộc phải quay trở lại nhân thiên để nhận ạ ?
Em hiểu tức là bây giờ mình làm được điều phước thiện nào thì cũng phải hồi hướng ngay về sự giác ngộ phải không ạ ?
Có điều nhiều lúc mình cứ vô tư làm, nhưng tự dưng khi mình làm cái việc đó, não mình nó tự động biết được rằng những điều mình làm được coi là việc thiện theo các kinh điển nhà Phật nói, như vậy nếu mình không hồi hướng ngay kịp lúc là chính tại thời điểm đó nó bị tích thành ” Phước báo hữu lậu” và khiến mình phải trở lại luân hồi để nhận phải không ạ ?
Theo em thấy , muốn làm thiện 1 cách tự nhiên thì có phải là phải từ bỏ được thân kiến ( không còn cái Ta ) thì lúc đó làm thiện mới thực hiện được chính xác 3 Không “Không người làm, không người nhận và không có việc làm”, có phải không ạ ?
Hình như em hỏi hơi nhiều nhưng Bài này thực sự là 1 bài quá quan trọng với người mới như em ạ .Cảm ơn anh nhiều ạ.
Lê Nguyễn Quỳnh Đúng rồi phải từ bỏ dc thân kiến. Và mỗi thời khóa công phu, lúc kết thúc phải hồi hướng về đích Vô Thượng Bồ Đề là vậy đó em!
Guy Đô Dạ em đã hiểu rồi ạ
Phuc Mai Hoang Anh viết rất dễ hiểu ạ. Em cảm ơn.
Lê Nguyễn Quỳnh Khi e hiểu rõ ràng về 1 thứ, e sẽ tả lại dc nó theo 1 cách dễ hiểu
Johnny Do Theo mình hiểu thì Phúc Đức là cái đức làm phước cho mình, cho người. Còn Công Đức là cái đức nhờ dụng công phu tu hành mà có.
Lê Nguyễn Quỳnh trong thế giới vật lí 2 cực nhị nguyên này, càng dụng công cái gì, càng tạo ra các cảnh giới khiến chúng ta vào luân hồi. Dù là dụng công tốt sẽ tạo ra cái tốt. Và cái tốt cũng giống như 1 nhà tù đẹp bằng vàng. Chỉ khi ngộ dc tánh Không, ko dụng công, 1 người mới giải thoát dc tam giới. Ông nhìn các bài ca Đại Ấn và Đại Viên Mãn của Mật tông, đều có khóa từ “thong dong, thản nhiên, ko dụng công” Chính là công đức viên mãn từ tánh Không
Johnny Do ồ thì ra là như vậy !
Nhuận Bảo cho em hỏi, giáo lý ĐVM này hình như của tổ Tilopa có giảng, tuy nhiên em thấy rất giống vs một vị rất nổi tiếng, dạy cho các học trò của mình là: “thanh thản, an lạc, vô sự không dụng công… buông xả tâm và không làm ức chế tâm”, vị này (TL) theo Nguyên Thủy anh ạ ????
Lê Nguyễn Quỳnh khi nào bọn em tự dấn thân vào tu tập, bọn e sẽ hiểu Phật pháp đều nhất quán chung 1 nguyên lí. Chỉ khác về ý nguyện, từ đó khác về sự diễn hóa. Đừng nhìn tướng mà nhìn tâm!
Nhuận Bảo em cảm ơn anh ạ
Liên Hoa trước em nhớ Sư Tôn có nói 1 đoạn đó… ngắn gọn lắm: Phước Đức chính là Dương Đức giúp ng nhưng muốn ng trả lại, tức là có tác ý…kkk. Còn Công Đức chính là Âm Đức giúp ng nhưng k mong ng trả lại. Giúp cho cả họ và mình nhưng đoạn luôn tác ý k luân hồi cho họ và mình. Giao kết thiện duyên k ràng buộc cho họ vs mình…hehe
Hằng Phương Chúng ta tưởng sai là chúng ta làm thôi. Thực ra để một điều gì đó tồn tại, hoặc hình thành nó là sự va đập của hàng tỷ thứ mà chỉ sai lệch nhỏ nó đã hoàn toàn khác rồi. Nên ko phải một cái ta nào làm cả. Nhưng năng lực kiến tạo của tâm lại khiến chúng ta bị lừa. Bị lừa trầm trọng.
Thích Trí Như Âm đức được phúc báo. Dương thiện được danh thơm. Chịu thiệt được tích phúc. Ở cảnh giới cuối cùng, công đức cũng là phúc đức..
Lê Nguyễn Quỳnh Thích Trí Như cảnh giới cuối, công đức hòa vào pháp thân, phước đức trở thành sắc thân.
Gokuraku Shujo Nhất thiết duy tâm tạo.
Xem thêm các bài viết về Phước Đức
Tu Phước mà không tu Đức
Khi một người Phật tử đã hiểu được đạo pháp, thì người ấy sẽ rất yêu thích việc làm phước.
Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu một người tu phước mà không tu đức?
Cụ thể như :
Họ rất siêng năng trong các việc từ thiện, hay cúng dường, góp tiền làm đường xây cầu, phóng sinh, ……
Đây gọi là siêng năng tu phước.
Nhưng cái đức họ không tu, cụ thể như :
Những tính khí như tham lam, nóng giận, hung dữ, ác khẩu, tà kiến mê tín,….
Thì họ không có tu sửa, vẫn giữ nguyên, nhiều khi là hơi xấu ác luôn.
Vậy nếu một người sống như kể trên, tức tu phước mà không tu đức, thì điều gì sẽ xảy ra với cuộc đời họ ?
“Sơn nhà nhưng không chịu lau chùi vết ố bẩn”
Giống như, các vị chuẩn bị sơn lại căn nhà cho mới, nhưng các bức tường thì hiện tại đang bám nhiều rong rêu, thậm chí dính cả phân bò, phân heo…..
Nếu chúng ta không chịu chà những vết ố, dơ ấy đi cho sạch trước khi sơn.
Thì căn nhà quý vị dù có sơn xong, nhìn bên ngoài có vẻ mới, nhưng bên trong toàn là cấu uế, chứa đầy chất dơ bẩn.
Điều này cũng giống như cuộc đời quý vị, nếu chỉ tu phước mà không tu đức, thì khi quả lành trổ ra sẽ có lẫn quả đắng cay, chứ không có hoàn toàn là quả ngọt, trái thơm.
Trong cuộc sống quý vị cũng thấy, có rất nhiều người họ hưởng quả lành nhưng cũng có quả dữ, quả đắng cay đi kèm.
Ví dụ :
Hai người yêu nhau cưới nhau về, có nhiều tiền bạc, nhưng lại vô sinh không con.
Hay người kia rất có địa vị, giàu có, nhưng khi thịnh vượng nhất, thì lại mắc bệnh hiểm nghèo và chết sớm.
Trường hợp khác, có gia đình kia làm ăn rất giàu có, thành đạt, nhưng khi thịnh vượng cũng là lúc người chồng mê gái bỏ vợ, hay đam mê cờ bạc, rồi vài năm sau gia đình tan vỡ.
Cũng có gia đình kia, nhà rất phú quý giàu có, nhưng sinh ra đứa con bị tàn tật, hoặc sinh con bình thường nhưng lớn lên nó ham chơi bất hiếu, phá tán tài sản,……
…………
Kể ra những trường hợp trên, để quý vị thấy rằng :
Nếu chỉ lo tu phước mà không tu đức, thì quả lành của các vị khi trổ ra sẽ không được trọn vẹn.
Do đó, với người trí, người hiểu đạo thì họ sẽ kết hợp tu cả hai :
Bên trong thì tu đức (tức chuyển hóa tham, sân, si và những tâm xấu), bên ngoài thì tu phước, phước đức hỗ trợ,
Nếu được áp dụng thêm các pháp môn dụng công tu tập trong đạo Phật, thì người ấy có thể sẽ chứng đạo, dự vào các quả vị Thánh trong đạo Phật chứ không phải không.
Còn nếu trường hợp người ấy không nhắm đến việc tu tập để đạt đạo, chỉ tu phước đức đơn thuần, thì các quả lành của thế gian họ cũng sẽ có hết sức đầy đủ và viên mãn.
(Đó là các quả như : Tiền tài, sắc đẹp, danh vọng địa vị, hạnh phúc trong gia đình, sức khỏe, ….họ sẽ có đủ.
Thậm chí, sau khi mất còn có thể sinh lên cõi Trời, nếu họ đủ phước đức).
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa