Pháp tu hạnh nhẫn nhục?
Nhẫn nhục là một hạnh rất quan trọng và cần thiết đối với bất cứ ai muốn làm nên việc lớn.
Và trong tu hành cũng vậy, hạnh nhẫn nhục là hạnh tu rất căn bản và không thể thiếu đối với những ai muốn thành tựu đạo nghiệp, muốn thăng tiến trên con đường tâm linh, trí tuệ, đạo đức.
Nhẫn nhục là một trong lục độ ba la mật (sáu mật hạnh), là một công hạnh, một đức tính rất quan trọng. Để làm nền tảng giúp ta thành tựu phạm hạnh, và thúc đẩy đạo nghiệp giải thoát sớm viên thành.
Trong lục độ ba la mật (Sáu pháp ba la mật) là:
- Bố thí ba la mật
- Trì giới ba la mật
- Nhẫn nhục ba la mật
- Tinh tấn ba la mật
- Thiền định ba la mật
- Trí tuệ ba la mật
Thì ta nhận thấy Nhẫn Nhục nằm ở vị trí thứ ba trong sáu pháp, chỉ đứng sau Bố Thí và Trì Giới.
Nên chúng rất quan trọng với những ai muốn thành tựu trên con đường hành Bồ Tát Đạo.
Vậy hạnh nhẫn nhục là gì?
- Nhẫn là nhịn, là chịu đựng.
- Nhục là sỉ nhục, là sự tổn thương, thiệt thòi, tổn giảm.
Vậy nhẫn nhục chính là khả năng chịu đựng, nhịn chịu trước những điều bất như ý của cuộc sống mà không đau khổ hay than van, luôn giữ tâm bình thản bất động trước mọi hoàn cảnh đưa tới.
Pháp tu nhẫn nhục như thế nào?
Pháp tu nhẫn nhục chính là tu tập tăng khả năng chịu đựng trước những điều bất như ý, những sự gây ra tổn thương, những sự thiệt thòi, những điều xấu hổ của bản thân ta.
Những điều này chúng có thể đến từ môi trường bên ngoài, hay chúng cũng có thể tự phát sinh trong chính bản thân ta.
1. Nhẫn nhục, nhẫn chịu trước những điều bất như ý đến từ môi trường bên ngoài
Nhẫn chịu trước những điều bất như ý, những sự tổn thương đến từ môi trường bên ngoài, từ những yếu tố đến từ môi trường tự nhiên.
Môi trường tự nhiên ảnh hưởng đến con người rất lớn.
Như nhiệt độ : Vào mùa đông rét buốt thì lạnh cóng, nhưng mùa hè thì oi bức nóng nực.
Khi bị sự tác động vậy, thân thể chúng ta sẽ bị ảnh hưởng do không phản ứng kịp trước những sự thay đổi và sẽ phát bệnh.
Nếu ta không nhẫn chịu, tâm tính ta sẽ không còn giữ được bình tĩnh mà sẽ sân si lên, mà sân si thì lời nói và hành động sẽ sai lầm dẫn đến tổn phước, tạo thêm nghiệp xấu.
Do vậy ta buộc phải nhẫn.
2. Nhẫn chịu từ sự tác động của con người, của những chúng sinh khác :
Hằng ngày khi sống và làm việc, yếu tố con người tác động đến ta rất lớn.
Hằng ngày ta sống và sinh hoạt, ta phải giao lưu tiếp xúc với rất nhiều hạng người.
Mà người thế gian thì ác nhiều mà hiền thiện thì ít.
Ta chẳng làm gì hại họ, thậm chí rất tốt với họ. Nhưng họ lại luôn gây khó dễ, luôn đối xử ác với ta, họ nói xấu, họ vu khống, chửi bới, thậm chí có thể đánh đập ta.
Ở đây ta cần , hết sức khéo léo để giải quyết.
Và một trong những bí quyết đó là học nhẫn nhục, một sự nhịn chín sự lành.
Và luyện tập một nội tâm bình thản, vững chãi khi đối diện là điều rất quan trong.
Quán tâm như đại địa như mặt đất, đất có thể dung chứa tất cả, đất có thể chịu đựng sự dẫm đạp của con người, chịu đựng những rác rưởi , những sự thối tha, những đồ đổ bỏ từ con người, đất phải nhận lấy và dung chứa tất cả, mà không hề than van.
Hãy tác ý thêm tâm từ bi, hãy thương những kẻ đã đối xử tệ bạc với ta, vì ta biết rằng mai này họ sẽ phải ở lâu dài nơi chốn địa ngục và phải gánh chịu những sự thống khổ, những hình phạt, và những sự đau đớn.
Có nhiều người đã ăn chay trường, có tâm từ bi thương vật.
Nhưng họ lại không thương được con người, vì sao?
Vì người khác gây khó dễ cho họ, thậm chí xúc phạm và chửi họ. Và khi bị vậy, người này không nhẫn nhịn được và sinh tâm oán ghét, để bụng và thù dai, do đó làm cho việc ăn chay chưa trở nên hoàn hảo.
Phải nói, ai nhẫn chịu và xả không chấp, không mang theo, vẫn từ bi thương yêu được trước sự nhục mạ, hay sỉ vã của người khác thì người này là đại nhẫn và có công đức rất lớn, nhưng lại hiếm có ai làm được.
Vậy nhẫn trước những con vật khác thì sao ?
Ví dụ khi Quí Vị đang ngồi thiền mà có con ruồi bay tới đậu hay con muỗi bay tới chích. Vậy ta phải làm sao ?
Chẳng lẽ bung chân ra, hay lấy tay đánh đập chúng, mà là ta phải nhẫn chịu, chúng đậu rồi bay, chích no rồi đi thôi.
Nhưng hiếm có ai mà làm được vậy đâu Quí Vị ạ.
3. Nhẫn chịu trước những điều bất như ý đến từ bên trong con người ta:
Phải tập nhẫn chịu những điều không như ý ngay chính trong bản thân ta, vì mang cái thân là có cái khổ, vì những sự bức bách của chúng.
Như bệnh tật, tứ đại không điều hòa, những sự buồn chán, những sự phiền não, những nỗi cô đơn, những điều lo sợ,… Đây được gọi là những cấu uế, những phiền não của tâm.
Như khi môi trường thay đổi hay ăn uống không tiêu, không hấp thụ,… thì làm cơ thể ta bị bệnh, tứ đại không điều hòa, hay có sự thay đổi, bất ổn, bất an.
Khi bị vậy, ta sẽ rất đau khổ, chán chường, thậm chí bi quan.
Nhưng sự quan trọng cần kíp lúc đó là ta phải tập nhẫn nhục, ta phải tập cắn răng chịu đựng, và có chết cũng phải nhẫn.
Vậy mà mọi thứ rồi sẽ đâu vào đó, lại trở về như bình thường.
Còn ta có đau khổ cũng chẳng được gì, chỉ làm tâm ta thêm yếu đuối.
Cách giải quyết chúng đó là hãy học cách nhẫn nhục, hãy tập chịu đựng mà không hề than van.
Hãy đối diện với chúng, tĩnh tâm, bình tâm, trụ tâm toàn thân, hay hơi thở mà quán sát xem hình tướng của chúng là gì. Mặt mũi chúng ra sao, chúng xuất hiện từ đâu, và khi nào đi.
Khi một sự quan sát trở nên tinh vi, thì chúng sẽ giống như những trò chơi bắn bi của trẻ con, và sẽ không đủ khả năng lôi kéo hay quyến rũ được ta nữa.
***
Trên đây tôi chỉ nói sơ lược về hạnh nhẫn nhục, còn trong cuộc sống thì có muôn vạn điều.
Chúng buộc Quí Vị phải nhẫn, vì có nhẫn chịu, có xả được thì tâm Quí Vị mới có an, định lực và đức tu Quí Vị mới thêm lớn theo ngày tháng.
Đây chính là công đức lành sẽ theo Quí Vị qua nhiều kiếp cho tới ngày đắc đạo.
Chúc Quí Vị sẽ thành tựu được hạnh nhẫn nhục.
Nam Mô Đại Hùng Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
Xem thêm:
FB: Tu học mỗi ngày –