Có phải trong tâm không còn nhu cầu ăn thịt thì cũng là phóng sinh?
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh-Trong Suốt (Đà Nẵng 7/2018)
Một bạn: Con chào Thầy ạ! Con năm nay 31 tuổi và đã có duyên lành biết đến Phật Pháp được 7 năm rồi ạ. Suốt một thời gian qua con thực hành nhiều cái như là trì chú, làm thiện Pháp, làm công quả, bố thí, cúng dường. Nhưng con chưa nghĩ đến vấn đề phóng sinh. Trước đây, con không bao giờ mua những con vật được người ta bắt để đem đi phóng sinh, vì con nghĩ về nhà con vẫn bắt con khác để làm thức ăn cho mình thì hành động như vậy không thực sự là phóng sinh.
Về sau, con nghĩ chỉ khi nào trong tâm con không còn muốn ăn những con vật đó thì con mới thật sự là phóng sinh cho chúng và phóng sinh ngay từ trong tâm của mình. Nên con đã bắt đầu không ăn những con vật còn sống, mà chỉ tìm những con vật đã chết, từ đâu con không biết, thì con mới ăn. Và dần dần con không còn ăn nữa. Không ăn không có nghĩa là con chối bỏ nó, mà con không có nhu cầu cần nó để cung cấp cho cuộc sống của mình.
Con theo dõi trang trongsuot.com thì thấy có những hoạt động về phóng sinh. Con muốn hỏi Thầy là ngoài những việc mà con đã thực hành trong những năm tháng qua, thì con nên phóng sinh không ạ? Hay khi trong tâm con nghĩ là không còn nhu cầu ăn thịt động vật thì đó cũng là phóng sinh ạ?
Thầy Trong Suốt: Phóng sinh có hai loại: Một là tuyệt đối, hai là tương đối.
Phóng sinh tuyệt đối – tương đối
Tuyệt đối mà nói thì mình phóng sinh bằng trí tuệ. Mình không thấy có con vật nào thực sự bị giam cầm, không có người nào đi phóng sinh, không còn hành động tốt nào xảy ra. Riêng cái trí tuệ đấy, nó tương đương phóng sinh. Nhưng cái đấy nó đòi hỏi con phải có trí tuệ, nhà Phật gọi là Trí tuệ Bát Nhã. Khi con có Trí tuệ Bát Nhã thì con không thấy con vật nào được phóng sinh, không có loài nào bị giam cầm khi được phóng sinh, sau đó con phóng sinh. Đấy! Nếu sau đó thôi thì mới chỉ có Trí tuệ Bát Nhã thôi, chứ chưa có Hạnh của Bồ tát.
Hạnh Bồ tát là gì? Thấy rõ không có gì mà vẫn làm. Thấy rõ không có chúng sinh mà vẫn đi cứu chúng sinh. Thấy rõ không có mình, không có Pháp, mà mình vẫn đi giảng Pháp. Đấy! Như vậy là trình độ phóng sinh cao nhất – là thấy không có gì thực sự tồn tại mà vẫn làm mọi thứ. Đầy Bồ tát vẫn phóng sinh như thường, nhưng mà phóng sinh của Bồ tát khác với phóng sinh của người thường ở chỗ Bồ tát không còn tin thế giới này là thật nữa mà vẫn làm.
Còn với con bây giờ, mới chỉ là… vẫn chưa làm, đúng không? Như con vẫn chưa gọi là phóng sinh thực sự. Con mới chỉ là đang trên đường tu hành mà thôi. Con chưa phóng sinh thực sự theo kiểu của Bồ tát.
Thế mình đang trên đường tu hành thì sao? Nghĩa là mình chưa ngộ. Khi mình chưa ngộ thì điều gì xảy ra? Khi mình chưa ngộ thì cơ bản là mình có một thái độ quy ngã. Tức là mọi thứ về tôi, làm mọi thứ là vì tôi. Đúng chưa? Ăn để cho tôi khỏe, đúng không? Đi làm để tôi có tiền. Yêu đương để tôi sướng…
Thì cái thái độ quy ngã đấy, nó cần được giải trừ bằng thái độ vị tha. Và trong những hành động vị tha thì phóng sinh là một điều rất tuyệt vời.
Vì sao lại tuyệt vời? Những chúng sinh đấy chẳng thân thuộc gì cả, đúng không? Mình chẳng nợ nó cái gì hết. Nó yếu hơn mình, hay mình yếu hơn nó?
Mọi người: Nó yếu hơn mình.
Thầy Trong Suốt: Mình thì không nợ nó cái gì, nó yếu hơn mình, mình không có nghĩa vụ phải làm bất kỳ điều gì cho nó hết. Đúng không? Nó không phải con người. Con người còn có nghĩa vụ với nhau. Còn con vật mình chẳng có nghĩa vụ gì cả. Thế mà mình vẫn đi làm điều tốt nhất cho nó và cứu nó thoát khỏi đau khổ. Như vậy là tăng trưởng lòng từ bi và lòng vị tha lên rất nhiều lần.
Nếu con thật sự làm việc phóng sinh vì ích lợi của những con đấy, chứ còn vì mình thì không nói nhé. Phóng sinh để cho tôi tăng phước thì thôi rồi, thì vẫn là quy ngã như thường. Còn nếu con phóng sinh vị tha ấy thì cực kỳ tốt cho người trên đường tu, vì nó giải trừ ngã chấp và vị kỷ.
Riêng cái đấy đáng phóng sinh rồi. Đúng không? Mình không có nghĩa vụ gì này, nó yếu hơn mình này, đúng không? Mình thì mất tiền mất bạc, nó có mất gì đâu. Nhưng mà vẫn làm. Đấy là cái cực kỳ tốt để giải trừ tính quy ngã, và tăng lòng vị tha, từ bi lên – Đáng làm!
Nên là trong cả hai trường hợp, dù con có là Bồ tát hay con có là chúng sinh đang tu thì hành động phóng sinh đều đáng làm hết.
- Bồ tát thì sao? Hành động đấy là hành động của Trí tuệ: Cứu độ chúng sinh mà không thấy có chúng sinh nào.
- Còn với người thường, đang tu thì sao? Hành động của lòng vị tha, phá bỏ thói quen quy ngã, tốt không? Đúng chưa?
Còn làm thế nào ấy là một câu chuyện khác.
Cái con hỏi có phần nữa là phần làm thế nào. Đương nhiên là mình không nên thả những con mà người ta đi đánh bắt để cho mình phóng sinh, đương nhiên là sai rồi. Đúng không? Mình nên tìm những con mà nếu mình không làm thì nó chết. Đấy! Càng tăng trưởng lòng vị tha.
Bạn đó: Dạ! Tức là những con vật đó thì con cứ để nó sống phần nó và con vẫn cứ sống phần con như vậy?
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi! Nhà học trò của thầy có một đàn ong vào làm tổ.Có đuổi không?
Bạn đó: Không. Không đuổi ạ.
Thầy Trong Suốt: Đuổi cũng không sao, nhưng mà nếu mình sống chung với nó được càng tốt, sao lại đuổi? Đuổi không sai, đuổi mà cho nó cái chỗ ở tử tế. Đây là tùy con thôi. Chính xác là tùy trình độ tu hành của con.
- Cái người tu hành càng cao ấy là người chạm vào vấn đề không thấy gì hết. Đấy!
- Tu hành càng thấp thì càng có nhiều vấn đề với mọi thứ.
Nên là phải xem trình độ của con ở đâu, trình độ ở đâu thì hành xử như vậy. Chứ thầy không bắt học trò thầy là ong vào thì cứ để trong nhà. Không phải, mà xem trình độ đang ở đâu.
Trình độ mình càng cao thì mình có thấy vấn đề gì đâu. Con kiến, con gián có hại mình chết đâu mà lo. Mình chia sẻ với nó cũng tốt cho nó mà. Đấy là trình độ cao. Trình độ thấp hơn thì thôi, nó làm phiền mình… Thôi, mình khoanh nó một chỗ, cho cái mùi gì đó mà nó không thích thì nó đi chỗ khác. Nhưng mà tóm lại, trình độ gì cũng hạn chế việc sát sinh.
Đấy! Vì nó không lấy mạng của con mà con lại lấy mạng của nó – Không nên! Tìm những phương pháp khác nhau, cố hết sức. Giống như nhà học trò thầy có chuột thì bẫy chuột xong thả ra đồng, chứ không giết nó. Đấy là ví dụ. Bẫy xong lại có con khác đến, lại bẫy, thế thôi, cả đời mình như thế. Chơi trò chơi thả củi về rừng đấy, thả chuột về đồng.
Bạn đó: Nhà con cũng bẫy chuột rồi thả nó đi nhưng mà em con thì nó dí theo, nó giết.
Thầy Trong Suốt: Đấy! Không cần thiết, đúng không? Bây giờ chưa nói đến vị tha, nói vị kỷ thôi –
- Tất cả đau khổ mình phải chịu là do mình đã hại đến sức khỏe và sinh mạng của chúng sinh khác.
- Tất cả hạnh phúc mình có được, trong Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, Phật có nói là, do mình đã đem lại hạnh phúc hoặc sức khỏe cho chúng sinh khác.
Tại sao mình lại đi sát sinh làm gì? Thiếu gì thứ có sẵn để ăn đâu? Người ta mổ gà rồi thì mình ăn gà thôi. Con vật đấy không chết vì mình thì không sao. Đấy! Nhưng ở đây có một số bạn hỏi rất nhiều vấn đề này. Có một ý mà các bạn chưa chưa biết là:
Tu hành là giải thoát, chứ không phải là trói buộc.
Tu hành là giải thoát.
Con đường tu hành, tu sửa là giải thoát, chứ không phải là trói buộc.
Không phải là nghe ông thầy nói tu là phải thế này không được thế kia, đúng không?
Bản chất của tu hành là để giải thoát. Nhưng cái giải thoát đấy đến từ trí tuệ, chứ không phải hành động lung tung, không phải thích gì làm nấy là giải thoát.
Vì thế suy cho cùng, tất cả những việc như là phóng sinh, ăn chay, v.v… thì nó là công cụ hỗ trợ tu hành mà thôi. Mình càng bớt chấp vào nó càng tốt. Mình càng chấp vào nó càng xấu. Đấy! Thế nên mình tự biết điều chỉnh. Qua sông thì phải lụy đò. Nhưng mà Phật nói rồi đấy: Pháp chỉ là cái bè, qua sông thì vứt bè, lên bờ rồi vứt bè đi. Nghĩa là những thứ đấy thì sau này phải vứt hết!
Không bám chấp vào các công cụ hỗ trợ tu hành
Còn ở đây những ai mà còn tin là phải ăn chay – không được ăn mặn, phải phóng sinh – không được sát sinh, tất cả những người tin vào những điều đấy, vẫn là những người còn đang ở trên bè. Đang trên bè thì phải dùng bè, đừng vứt vội. Nhưng mình phải hiểu rằng đấy chỉ là cái bè mà thôi, để sau này trong quá trình tu hành, cái gì đáng vứt thì vứt, mới thoát lên bờ được. Chứ còn mình ngồi trên bè mãi thì có lên bờ nổi không? Chịu!
Đấy! Thì nếu con tu 7 năm rồi, con phải hiểu điều đấy. Nếu không thì cũng giống như chị của bạn kia, thực hành 14 năm liền chưa chắc đã thoát khỏi tướng. Tu hành mãi mà vẫn chấp tướng thì chẳng có kết quả gì là cái chắc. Nếu tu mãi mà vẫn chấp tướng chứng tỏ là chưa giác ngộ.
Tất cả những gì từ nãy mình đã nói là toàn nói về tướng. Từ nãy tới giờ 100% về tướng. Hình tướng đấy – tướng là hình tướng, tính chất, mọi thứ. Những cái đấy không phải là kết quả cuối cùng của tu hành đâu. Tu hành đi xa hơn thế nhiều. Ở đây có ai mà muốn hiểu đi xa thế nào thì sẽ phải tìm cách để hiểu thêm. Nên thầy cũng không định truyền bá cái cách để suốt ngày bị ràng buộc đâu. Đấy!
Tự tại giải thoát mới là kết quả của tu hành.
Còn ràng buộc nghĩa là chưa tu về đích.
Thế thôi!
Bạn đó: Cảm ơn Thầy rất là nhiều ạ.