Sự liên quan mật thiết giữa phước hữu lậu và phước vô lậu
Chắc đa phần các Quý Vị cũng đều đã nghe qua cụm từ «Phước hữu lậu», «Phước vô lậu» rồi.
Nay tôi cũng xin viết lại để Quý Vị nào chưa hiểu, thì có thể hiểu.
- Phước hữu lậu là phước của thế gian, hoặc phước của cõi trời, đó là giàu sang, phú quý, sức khỏe, đẹp đẽ,….Chữ hữu lậu có nghĩa là còn giới hạn, còn rò rỉ nó không vô hạn, không tuyệt đối, không bất biến hay thường hằng.
- Còn phước vô lậu nghĩa là cái phước vô hạn, bất tận, không bị mất đi sau khi thân hoại mạng chung, sẽ còn mãi, thường hằng. Chữ vô nghĩa là vô cùng, vô tận, không còn có sự giới hạn.
- Đó là cái phước của một nội tâm an tĩnh, thanh tịnh, khi mà trong tâm đã vắng bặt mọi vọng động được phát khởi bởi tham sân si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến,….
Và rốt ráo của phước vô lậu chính là thành tựu sự đạt đạo nơi nội tâm thâm chứng của một Bậc tu đạo chân chính. Những Vị đã chứng quả giải thoát thì sẽ đạt được cái phước vô lậu tuyệt đối. Tâm các Vị ấy luôn luôn an trụ trong cảnh niết bàn, thanh tịnh, cực lạc, tự do tự tại, hành tung không ai có thể đoán biết được.
Đây là cái phước mà mỗi một người tu nào cũng luôn phấn đấu để nhắm đến.
Tuy nhiên tôi cũng thấy nhiều người ham mê phước vô lậu, mà bỏ không chịu làm phước hữu lậu. Tôi nghĩ đây cũng là một nhận thức không đúng.
Chúng ta cần phải biết mượn sự hỗ tương của phước hữu lậu để thăng tiến, đi sâu vào tu tập tâm linh và đạt được cái phước vô lậu.
Lấy một ví dụ để Quý Vị dễ hiểu:
Một người đã xuất gia, nhưng vì Vị này không tu phước hữu lậu, không có làm phước gì lợi ích cho đời, cho đạo, không bố thí, cũng không cúng dường, …v…v….
Nên khi vào tu, xuất gia rồi, nhưng vì không có phước, nên không có ai cúng dường hết, sống cực kì khốn đốn, không có cả cơm ăn luôn, bệnh tật cũng không có tiền chạy chữa.
Và thế là bệnh và mất sớm. Vậy thì sao tu được.
Hoặc nếu còn sống mà tâm luôn tán loạn, vì không có cái ăn, cái bụng đói nó cồn cào, làm tâm không yên, thậm chí phiền não.
Vậy thì sao có thể yên mà ngồi tĩnh tọa hay ngồi trì danh hiệu Phật được.
Do vậy người khéo tu là phải biết tích phước hữu hậu, nhiều phước hữu lậu, tâm tức an, mượn sự an ấy áp dụng các pháp môn tu, để tiến sâu vào việc làm chủ thân tâm, để mà hướng đến sự đạt đạo.
Đây chính là một lộ trình tu tập, hết sức logic, và hợp lý.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa