QUẢ QUYẾT
Bạn Minh Ngân hỏi:
“Sao con thực hành nhiều năm rồi mà vẫn chưa thấy kết quả cuối cùng, con cần xác quyết điều gì về quả thưa Thầy?”
Thầy Trong Suốt :
Khởi đầu và con đường
Là một với kết quả
Vô minh đến giác ngộ
Chính là Quả đến Quả
❤,
(Hà Nội, 05/07/2023)
Thế nào là con đường từ Quả đến Quả?
Bạn Minh Ngân: hỏi :
“Thế nào là con đường từ Quả đến Quả? Xin thầy giải thích thêm cho bài thơ Quả quyết.”
Thầy Trong Suốt :
Các con đường thông thường đều bắt đầu từ việc tin tôi là người vô minh, tôi có nhiều nhầm lẫn và tính xấu, tôi phải sửa mình để trở nên tốt hơn, giỏi hơn, chăm chỉ hơn…, cho đến một ngày nào đó tôi trở thành người hoàn thiện hơn, từ bi, trí tuệ, dũng cảm, hy sinh, kiên nhẫn… Các con đường ấy mặc định rằng có một cái tôi là một người nhầm lẫn, vô minh và một ngày nào đó, bằng những nỗ lực của tôi, tôi sẽ đạt được kết quả là trở nên hoàn hảo.
Nhưng với cái thấy đúng, thì
“Khởi đầu và con đường
Là một với kết quả”
Từ đầu đến cuối chỉ là Biết. Trong Biết biểu diễn cảnh một người vô minh, rồi trong Biết biểu diễn cảnh người đó muốn tu hành, và gặp được một con đường tâm linh, rồi trong Biết biểu diễn cảnh sau rất nhiều thời gian người đó trở nên giác ngộ.
Nhưng trong cả 3 giai đoạn, từ bắt đầu, con đường tới kết quả thì ở đấy có cái gì? Chỉ có cái Biết này thôi. Cái Biết lúc nào cũng sáng tỏ, rõ ràng và tỏa chiếu rực rỡ ra những cảnh khác nhau này.
Như vậy ngay lúc bắt đầu cũng chính là Biết, con đường là Biết và kết quả cũng chính là Biết. Nếu con hiểu và tin như vậy, thì đó là con đường từ quả đến quả, vì ngay từ đầu và kết quả đều cùng một bản chất, đó là Biết, không có gì khác.
Giống như trong một giấc mơ, một người xuất phát từ thời điểm tối tăm lầm lỗi, sau đó gặp một vị thầy và thực hành chăm chỉ nhiều năm, trở nên trí tuệ, từ bi hơn, cho đến một lúc người đấy giác ngộ, nhận ra từ đấu tới cuối hóa ra chỉ là mơ.
Nhưng con thử nghĩ xem, ngay khi lúc giấc mơ bắt đầu, trong lúc giấc mơ diễn ra và đến cuối của câu chuyện trên khi người đó đạt kết quả, thì vẫn cùng là một giấc mơ. Có sự vô minh như mơ, một con đường tu hành như mơ và một sự giác ngộ như mơ mà thôi. Từ đầu đến cuối chỉ là một giấc mơ. Cái khác chỉ là khi vô minh thì không nhận ra đây là mơ, khi giác ngộ thì nhận ra đây là mơ và trở nên tự do, giải thoát. Nhưng kể cả như thế thì giấc mơ vẫn tiếp diễn, cũng vẫn chỉ là một giấc mơ.
Hay ví dụ khác là cái màn hình chiếu một bộ phim. Đầu phim có cảnh những con người đang đau khổ, tăm tối, giữa phim có cảnh tranh đấu, cuối phim có cảnh họ thắng lợi. Nhưng không thể nói rằng màn hình đã bị đau khổ và đã tranh đấu rồi đi đến thắng lợi được, không thể nói rằng lúc đầu chất lượng màn hình là tối tăm, lúc cuối chất lượng màn hình cao hơn lúc đầu được. Ở cả lúc đầu và lúc cuối, màn hình vẫn có năng lực toả sáng như nhau, có chất lượng như nhau.
Cái Biết cũng như vậy. Ngay khi con vô minh thì cái Biết vẫn rõ ràng, hiện rõ cảnh vô minh, trong quá trình thực hành chất lượng của Biết vẫn không thay đổi gì, hiện rõ cảnh thực hành, cho đến lúc giác ngộ thì chất lượng của Biết vẫn thế, hiện rõ cảnh giác ngộ. Cái Biết không tối đi hay sáng lên dù con vô minh hay giác ngộ.
Từ đầu đến cuối chỉ có cái Biết trống không rõ ràng và tỏa chiếu này. Nó không tăng hay giảm chất lượng trong cả tiến trình. Lúc đầu trống không rõ ràng và tỏa chiếu, lúc giữa vẫn trống không rõ ràng và tỏa chiếu, khi lúc cuối cũng trống không rõ ràng và tỏa chiếu.
Mọi kinh nghiệm của con luôn trống không không một vật, luôn sáng tỏ rõ ràng và luôn tự tỏa chiếu từ Biết rồi tự giải phóng vào Biết. Vô minh hay giác ngộ, thì trống không – sáng tỏ – tỏa chiếu luôn là bản tính của mọi kinh nghiệm, dù con có biết hay không.
Đấy chính là
“Vô minh đến giác ngộ,
Chính là Quả đến Quả”.
Khởi đầu là Biết biểu diễn ảo ảnh vô minh và kết thúc là Biết biểu diễn ảo ảnh giác ngộ. Sự khác nhau chỉ nằm trong nội dung của ảo ảnh: lúc vô minh thì không nhận ra đây là Biết và tin rằng mình là một cái tôi sống trong thế giới, còn lúc giác ngộ thì nhận ra và kinh nghiệm rằng chỉ có cái Biết rõ ràng và trang hoàng rực rỡ bởi các ảo ảnh bên trong như vậy. Chỉ khác nhau mỗi thế thôi.
Giống như trong một giấc mơ. Khi không biết đây là mơ thì vẫn là giấc mơ, lúc nhận ra đây là mơ thì vẫn là giấc mơ này. Khi chứng ngộ đây là giấc mơ thì hệ quả của nó là sự giải phóng, tự do, không còn bị ràng buộc vào những cảnh trong giấc mơ nữa, dù giấc mơ vẫn tiếp diễn.
Tương tự như vậy, khi bắt đầu thì cái Biết đã rõ ràng và trang hoàng rực rỡ bằng những cảnh tượng huyễn ảo bên trong, nhưng do không nhận ra nên nhầm tưởng có tôi là một người sống trong một thế giới có thật, và chịu mọi đau khổ của con người đấy. Còn khi chứng ngộ thì cái nhầm tưởng về tôi và thế giới biến mất, hệ quả là sự giải thoát, dù những biểu diễn huyễn ảo của Biết vẫn tiếp tục.
Nhưng sự giác ngộ và giải thoát đấy chỉ là hình tướng. Còn về bản chất thì từ đầu đến cuối cái Biết vẫn rõ ràng và tỏa chiếu rực rỡ, cái Biết vẫn không vô minh khi chiếu cảnh vô minh, không giác ngộ khi chiếu cảnh giác ngộ. Giống như mặt gương không thay đổi phẩm chất dù cảnh gì chiếu bên trên, Biết vẫn không thay đổi từ lúc vô minh đến giác ngộ.
Vì thế, ngoài những con đường thông thường, có con đường từ Quả tới Quả, ở đó không đặt nền tảng trên sự từ chối cái này cái kia, không đặt nền tảng trên sự hoàn thiện hóa của một cái tôi. Vì quan trọng không nằm ở cái gì xảy ra mà là cái gì đang biết sự xảy ra?
Ngay ở đây, dù có bất kỳ kinh nghiệm gì, dù khổ đau hay hạnh phúc thế nào đi nữa, cũng chỉ có Biết, không gì khác. Con không cần làm gì hết để thay đổi cái đang xảy ra, chỉ cần nhận ra bản chất thực sự của nó là gì?.
Phải làm gì đấy cho buồn thành vui, cho tiêu cực thành lạc quan, đó chỉ là biến đổi nội dung của Biết. Còn nhận ra thì không phải làm gì hết, chỉ cần trực nhận ra mọi thứ là Biết là đủ. Giống như trong một giấc mơ, dù cảnh có kinh khủng thế nào, chỉ cần nhận ra đây là mơ, sự giải phóng sẽ tự động tới mà không cần thay đổi cảnh.
Sự nhận ra và kinh nghiệm Biết thật sự sẽ dẫn đến sự an trụ tự nhiên trong Biết như chính là Biết, vì khi đó không còn có gì khác ngoài Biết. Tôi cũng là Biết, vật cũng là Biết, thế giới cũng là Biết, thời gian cũng là Biết… Nhận ra thật sự thì dẫn đến an trụ tự nhiên chứ không phải an trụ do cố gắng. Cố gắng an trụ thì không phải an trụ thực sự.
Các loại thiền để an trụ vẫn dựa trên nhận thức sai lầm là có tôi là một người, tách rời với Biết nên phải làm gì đó để hoà nhập với Biết, để trở thành Biết. Còn an trụ tự nhiên chỉ đơn giản là nhận ra, cả con người đấy lẫn thế giới họ sống, với mọi trạng thái tinh thần tích cực hay tiêu cực đều là Biết. Nên sẽ có một sự an trụ tự nhiên, là một với Biết, bởi vì không còn gì khác ngoài Biết nữa.
Cái an trụ tự nhiên đó có người gọi là giác ngộ, từ sự an trụ đó những phẩm tính như trí tuệ, từ bi, sức mạnh… sẽ được tỏa chiếu ra. Nhưng cái hiện tượng giác ngộ đó cũng chỉ là giác ngộ trong mơ, được tỏa chiếu ra từ Biết. Cái thực sự đáng gọi là Đại giác ngộ chính là cái Biết này, con gọi là Chân Như, Đại Thủ Ấn, Đại Toàn Thiện, Thượng đế, Allah, Brahma, Đạo hay gọi là bất cứ gì khác thì cũng thế. Nó luôn an trụ trong chính nó, luôn trống không mà tỏa chiếu ra và thấm đẫm mọi cảnh.
Ở góc độ này thì ngay từ khi còn cảnh vô minh, lúc đó đã là bộ mặt của Đại giác ngộ rồi, khi hiện ra cảnh giác ngộ cũng chỉ là một bộ mặt của Đại giác ngộ mà thôi. Đời sống hàng ngày của con đã vốn là Đại giác ngộ. Nhận ra và thực chứng điều đó chính là con đường từ quả tới quả.
Vì vậy cho nên con đường này chỉ cần giúp người ta trực nhận ra sự thật ngay trong mọi kinh nghiệm bình thường. Ngay sau khi nhận ra xong thì không còn gì khác ngoài cái Biết này, không còn cái tôi nào, không còn phải làm gì để chuyển từ trạng thái “đang là” A, sang trạng thái “muốn là” B nữa, vì cả trạng thái A và B đều là Biết, đều là Quả rồi.
Vì thế nó không ngại bất kỳ trạng thái nào, không loại trừ trạng thái nào. Con bận rộn hay nhàn nhã thì đều là Biết. Con sân hận, kiêu ngạo, ghen tị, lười biếng, hay tham lam thì tất cả các đặc tính đó đều là Biết và cả chính con cũng là Biết. Trong khoảnh khắc trực nhận ra như vậy thì thế giới nhị nguyên lập tức thay đổi thành Biết mà không cần làm gì hết. Khi đấy nói phải cố gắng an trụ trong Biết cũng không còn đúng nữa, vì chỉ còn có Biết nên sẽ tự nhiên an trụ chứ không phải do tôi phải trụ vào Biết và nếu không cẩn thận thì sẽ mất.
Con đường từ Quả đến Quả là con đường không cần tìm kiếm bất cứ một kinh nghiệm đặc biệt nào, cũng không cần từ chối bất cứ kinh nghiệm tiêu cực nào, chỉ cần nhận ra. Vì thế nó tận dụng được toàn bộ sự bận rộn, lo lắng, trách nhiệm gia đình xã hội, công ăn việc làm, du lịch, lấy chồng nuôi con, tất cả được sử dụng để nhận ra đó chính là Biết, chỉ có Biết, và thế là xong.
Nếu nói chi tiết hơn thì sự nhận ra đấy có thể chia làm 2 phần. Nhận ra những thứ được làm là Biết và người làm cũng là Biết. Khi nhận ra cả người biết lẫn cái được biết đều là Biết, thì thế giới chỉ còn Biết, khi đó chẳng còn cần làm gì thêm nữa hết, sự đại hoàn hảo đã bày ra ngay tại hiện tiền. Đây còn gọi là tự tánh tự nhiên định, không cần làm gì để an định hết. Người ta đạt tới trạng thái tự nhiên này mà không cần phải thay đổi bất cứ thứ gì.
Sự thực hành chỉ là nhận ra bản chất của: “Ai đang làm?” hay “Tôi là ai?” và “Đây là cái gì?”. Khi nhận ra thì không còn câu hỏi “Tôi là ai” và “Đây là cái gì” nữa, mọi câu hỏi và câu trả lời đều biến mất, toàn bộ kinh nghiệm chỉ còn cái Biết tự an trụ trong chính nó. Cái Biết này không phải là một thứ, vượt ra ngoài mọi khái niệm, không thể gọi tên hay mô tả được, nhưng luôn ở đây và biểu diễn sống động thành muôn cảnh.
Biết chỉ là một cách gọi, có những cách gọi khác như Cái toàn thể, Cái đang là… Con đường từ Quả đến Quả chính là giúp kết thúc sự tìm cầu. Tìm cầu gì nữa khi Quả, hay Biết, Cái toàn thể hay Cái đang là, đã luôn sẵn ở đây rồi?
Nếu không hiểu điều này, con lại tìm cầu một cái gì khác với cái đang là, một trạng thái tuyệt vời hơn, cao hơn ví dụ như từ bi, trí tuệ, kiên nhẫn, định tâm hơn… thì chắc chắn con đang đi lầm đường, con đang bị lừa. Cái đang là này chính là con. Cái đang là này tự là chính nó rồi, không cần phải sửa gì hết. Cần phải làm gì để con trở thành con?
Khi con đã xác quyết đây là Quả thì con sẽ không cố gắng tìm cái Quả nào trong tương lai nữa. Con thấy đây là Quả bằng cách trực nhận ra cả người làm và cái được làm đều là Biết. Thế giới không còn gì khác ngoài cái Biết đang tự xem sự biểu diễn của chính mình.
Khi con chứng ngộ đây là Quả rồi thì không thể ra khỏi Quả được nữa, vì trạng thái nào đi nữa cũng là Quả rồi. Con quay bên phải là Quả, quay bên trái là Quả, quay bên phải là Biết, quay bên trái là Biết, có tức điên lên cũng là Biết, con không thể nào ra khỏi Biết. Vì vậy nên Biết còn gọi là Quả chân thật. Còn loại quả nào không đang ở đây, phải cố gắng xây dựng nên mới có thì đó không phải là Quả chân thật.
Con đường này chỉ đơn giản như vậy thôi. Con đường này đơn giản vì nó không từ chối bất kỳ điều gì. Không từ chối nhưng phải nhận ra, chứ không phải không từ chối mà trôi dạt như người bình thường. Không từ chối nhưng con phải nhận ra rằng bằng kinh nghiệm rằng tất cả là Biết.
Nhận ra bằng Kiến quyết, là xác quyết trong nhận thức. Nhận ra bằng Thiền quyết, là kinh nghiệm trực tiếp Biết không qua suy nghĩ. Nhận ra bằng Hành quyết, là xác quyết trong hành động rằng “Ai đang làm?”. Và chỉ nhận ra là xong, không tìm cầu gì nữa, đó là Quả quyết.
Con đường từ quả đến quả là nhận ra rằng tất cả là quả – hay là Biết – ngay từ đầu. Vô minh là Biết, con đường là Biết, giác ngộ là Biết. Sau khi xác quyết thì hãy nhận ra Biết ngay trong mọi kinh nghiệm tầm thường của con. Sau khi nhận ra thì con sẽ biến mất, chỉ còn Biết. Khi an trụ tự nhiên trong Biết thì cũng không còn có Biết hay không có Biết nữa. Trong sự tỏa chiếu trống không mà sống động, vượt ra ngoài mọi khái niệm này, toàn bộ con đường từ vô minh đến giác ngộ cũng chỉ như mơ, chưa từng tồn tại. Đây là mô tả tóm tắt cho con về con đường từ quả đến quả, dành cho người sống ở giữa đời sống bình thường.
Vậy phương pháp nào để nhận ra? Đó chính là Kiến quyết, Thiền quyết và Hành quyết, đó là 3 thứ giúp con nhận ra.
- Kiến quyết giúp con có nhận thức đúng.
- Thiền quyết giúp con có kinh nghiệm đúng.
- Hành quyết giúp con có cách sống đúng để kinh nghiệm được Kiến và Thiền.
- Còn Quả quyết giúp con xác quyết không phải tìm cầu gì thêm nữa.
Không có Quả quyết thì con sẽ luôn thấy phải từ chối cái đang là để đạt quả gì đó trong tương lai. Nhận ra thì thấy tất cả ở đã đây rồi, tự do với hy vọng và sợ hãi. Con hãy dùng chính kinh nghiệm tầm thường hàng ngày của con để nhận ra Quả đang ở đây rồi.
Kiến – Thiền – Hành – Quả đi với nhau thì con có một con đường từ Quả đến Quả trọn vẹn, không cần tìm cầu cái gì khác nữa.
❤,
Trong Suốt
(Minh Ngân ghi lại từ buổi nói chuyện với Trong Suốt. Hà Nội, sáng 06/07/2023)
Xem thêm :
- KIẾN QUYẾT – Xác quyết trong nhận thức
- THIỀN QUYẾT – Bí quyết ngắn gọn để thiền
- HÀNH QUYẾT – Xác quyết khi hành động
- QUẢ QUYẾT – Con đường từ Quả đến Quả