QUAN ĐIỂM CỦA ĐẠO PHẬT VỀ “THÁNG CÔ HỒN”
❓HỎI:
Trong dân gian xem tháng Bảy âm lịch là “tháng cô hồn”, tháng của ma quỷ. Đặc biệt rằm tháng Bảy là ngày mở cửa địa ngục để ma quỷ được tự do về dương thế. Dân gian tin rằng từ mùng hai tháng Bảy, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ môn quan và cao điểm là ngày rằm tháng Bảy thì xả cửa để cho ma quỷ tự do đến sau 12 giờ đêm thì kết thúc. Thế nên tháng Bảy cần kiêng kỵ nhiều điều để không bị ma quỷ làm hại, nhất là trong ngày rằm tháng Bảy nhà nào cũng phải có lễ cúng cho cô hồn ăn uống no nê, đốt vàng mã thật nhiều chứ còn để họ đói khát, thiếu thốn là sẽ bị quấy phá. Xin cho biết, quan điểm của đạo Phật về vấn đề này thế nào?
❗️ĐÁP:
Bạn thân mến!
Trước hết, xin khẳng định việc gọi tháng Bảy là “tháng cô hồn” chính là quan niệm dân gian. Phật giáo Bắc tông gọi tháng Bảy là mùa lễ hội Vu lan-Báo hiếu. Trọng tâm của lễ hội Vu lan-Báo hiếu nhằm giáo dục người Phật tử về lòng hiếu thảo, biết nhớ ơn và lo đền ơn các đấng sanh thành, để rồi từ đó tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo tốt đời đẹp đạo.
Dựa theo kinh Vu lan với sự tích Tôn giả Mục-kiền-liên cứu mẹ, nhân ngày chúng Tăng mãn hạ Tự tứ, các Phật tử phát tâm cúng dường mười phương Tăng, hồi hướng công đức phước báo nguyện cầu âm siêu dương thái. Nhân dịp này, các Phật tử còn thiết lễ cúng kiếng ông bà cha mẹ quá vãng, đồng thời trải lòng bi mẫn sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung), thường gọi là thí thực cô hồn.
Như vậy, theo quan điểm của đạo Phật, lễ hội Vu lan-Báo hiếu vào tháng Bảy âm lịch là “tháng báo hiếu”, hoàn toàn không phải là “tháng cô hồn”. Tuy nhiên hiện nay, tháng Bảy mùa hội Vu lan-Báo hiếu có ý nghĩa trọng tâm là giáo dục lòng hiếu thảo cho con người rất nhân văn và cao cả của đạo Phật đang có nguy cơ bị không ít người hiểu sai, bị dân gian hóa theo hướng cầu cúng ma quỷ, nhuốm màu tà kiến, mê tín.
Chúng ta đều biết, kinh Vu lan có mặt rất sớm ở Trung Quốc (do ngài Trúc Pháp Hộ [226-304] dịch vào đời Tây Tấn [265-317]) và có sức ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội thời bấy giờ. Người Trung Quốc xưa tiếp thu tinh hoa hiếu đạo của kinh Vu lan nhưng đồng thời có sự tiếp biến với văn hóa bản địa thành tín ngưỡng dân gian: “Tháng Bảy âm lịch là tháng cô hồn, rằm tháng Bảy là ngày mở cửa địa ngục để ma quỷ được tự do về dương thế. Từ mùng hai tháng Bảy, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ môn quan và cao điểm là ngày rằm tháng Bảy thì xả cửa để cho ma quỷ tự do đến sau 12 giờ”.
Phật giáo Bắc tông Việt Nam chịu khá nhiều ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc, nên ngoài việc đọc tụng và thực hành hiếu đạo theo kinh Vu lan, một bộ phận quần chúng Phật tử và trong dân gian còn ảnh hưởng tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, tin vào “tháng cô hồn” (sâu đậm ở miền Bắc). Vấn đề là người Phật tử Việt Nam hiện nay cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, kinh Phật không hề nói đến việc Diêm Vương mở cửa địa ngục vào tháng Bảy. Nên không có ngày “âm khí xung thiên”, ma quỷ đồng loạt tràn lên dương thế phá phách, xin ăn mặc vào ngày rằm tháng Bảy. Nếu tin vào việc Diêm Vương mở địa ngục vào tháng Bảy, rồi thành lệ: “Tháng Bảy cần kiêng kỵ nhiều điều để không bị ma quỷ làm hại, nhất là trong ngày rằm tháng Bảy nhà nào cũng phải có lễ cúng cho cô hồn ăn uống no nê, đốt vàng mã thật nhiều chứ còn để họ đói khát, thiếu thốn là sẽ bị quấy phá” là không phù hợp với Chánh pháp.
Người Phật tử chân chính cần xác định rằng: Ngày rằm tháng Bảy là ngày Tăng tự tứ, ngày Tăng thêm tuổi hạ, ngày Phật hoan hỷ. Đối với Phật tử thì tháng Bảy là thời điểm để mỗi người trau dồi, làm tăng trưởng thêm tâm hiếu và hạnh hiếu. Còn việc “thí thực cô hồn” trong dịp này cũng rất tốt, là hạnh bố thí cho quỷ thần được no đủ nhưng chỉ là một lễ tiết có tính thứ yếu trong mùa lễ hội Vu lan mà thôi.
Cần lưu ý là, thực hành bố thí – ở đây là “thí thực” – nên lễ phẩm chủ yếu là thực phẩm, không nên quá lãng phí cho việc mua sắm vàng mã, rải tiền lẻ v.v… Đặc biệt là không nên kiêng kỵ và sợ hãi ma quỷ theo kiểu mê tín dị đoan. Thiết nghĩ Giáo hội PGVN cũng như chư vị Tăng Ni cần hướng dẫn cho Phật tử tu học đúng Chánh pháp trong mùa Vu lan-Báo hiếu, nhất là tránh gọi tháng Bảy là “tháng cô hồn” rồi quá chú trọng đến cầu cúng ma quỷ theo dân gian.
Chúc bạn tinh tấn!
– ST –
*
Ai cũng có thể tu hành để an lạc và hạnh phúc ngay giữa đời thường.
Để hiểu rõ hơn cách thực hành như thế nào, xem thêm tại Tu học mỗi ngày trên Ô-Hay.Vn
Xem thêm:
- Ý nghĩa lễ Vu Lan báo hiếu Rằm tháng 7
- Bài văn khấn cúng Rằm tháng 7 Vu Lan
- Cúng rằm tháng 7 Vu Lan như thế nào cho đúng?
- Tháng cô hồn – những điều nên làm và kiêng kỵ cần tránh
Bạn đọc comment:
Thien Tam Đọc lại để thấy nhận thức của mình
Bảo Nguyên Đừng hiểu sai lệch về ngày rằm tháng bảy
Huyen Trinh Tháng Bảy là tháng Vu lan báo hiếu, hoàn toàn không phải là tháng Cô hồn!
Hoài Trần Nhiều người quan niệm tháng 7 là tháng cô hồn, kiêng kị đủ thứ. Trước nay mình chẳng kiêng kị gì, tháng 7 càng mua đồ, cho rẻ
Trần Tuấn Anh Mấy bạn dẹp ngay cái từ ” tháng cô hồn” cho tui nhờ.
Bách Hợp Tháng báo hiếu mà..
Anh Minh Hay và đúng ạ
Tam Giới Toàn Thư Dân gian có nhiều người quan niệm tháng 7 âm lịch là Tháng Cô Hồn, điều này không đúng.
Quan niệm sai lầm về Tháng 7 Cô Hồn
Về khí âm dương, trong mỗi tháng sẽ có những ngày khí âm thịnh, khí dương suy yếu và ngược lại có những ngày khí dương thịnh, khí âm suy.
Các ngày trong tháng có khí âm thịnh là 3, 7, 13, 18, 22, 27 âm lịch. Sáu ngày này còn được gọi là ngày Tam Nương. Những ngày này, do âm khí nặng, nên tinh thần người ta dễ bị trì trệ, cảm thấy không thoải mái, cho nên khi giao tiếp dễ xảy ra những xung đột, bực bội. Không nên khởi tạo, gặp gỡ giao tiếp mang tính chất bàn công việc, ráng giữ sức khỏe tốt, nếu lỡ bị cảm mạo sơ sơ mà vào mấy ngày này thì bệnh dễ trở nặng. Do vậy người ta xem như là ngày không may, không vui.
Các ngày trong tháng có khí dương thịnh là 9, 12, 15, 19, 24, 29. Sáu ngày này mình thường chọn dùng làm các ngày khai trương, khởi tạo, tân gia, động thổ, gặp gỡ giao tiếp. Các ngày còn lại thì âm dương cũng bình bình, hơn kém nhau thay đổi thường xuyên, không có sự chênh lệch quá nhiều. Tháng 7 cũng như các tháng khác, không có gì hơn hay kém cả.
Cũng có người nghĩ Tháng 7 Cô Hồn nhiều, do Địa Ngục ân xá nên họ lang thang nhiều là không đúng.
Vì làm gì có Địa Ngục mà ân xá.
Chỉ là các âm linh khi còn sống có những tâm tình rung động theo hướng tiêu cực, tội lỗi thì họ thường tập trung lại với nhau ở các cõi giới đầy rẫy ô trược và tội ác. Ma cũ ăn hiếp ma mới, người ta xem đó là Địa Ngục. Những nơi đầy rẫy những đau khổ bởi chấp niệm, bởi tranh đấu, giành giật thì gọi là Địa Ngục, chỉ vậy thôi.
Có một số cõi giới, do các nhóm hội, tổ chức nơi vô hình thường hay bắt các âm linh làm âm binh cho họ, cũng được hiểu là Địa Ngục. Tất nhiên, cũng có nhân duyên nghiệp quả với nhau cả.
Việc lo sợ tháng 7 Cô Hồn nhiều, nhiều chuyện xấu của rất nhiều người mang chấp niệm như vậy, cho nên tự họ chiêu cảm những việc không hay đến với họ.
Do vậy đừng nên tự huyễn hoặc mình rồi lại than trách về tháng 7 Cô Hồn. Tháng 7 lo việc cúng kiếng, nhớ ơn tổ tiên ông bà, làm nhiều việc thiện lành, lánh điều dữ là nên làm, nên giữ. Và nên làm thường xuyên suốt cả năm, cả đời chứ không riêng gì tháng 7.
Cô Hồn thì ngày nào cũng có rất nhiều, họ lang thang vất vưởng khắp nơi, lẫn lộn, chung đụng với đời sống vật chất tinh thần của con người. Cho nên nếu ai có lòng thương xót, đoái hoài tưởng nhớ đến các âm linh cô độc như vậy, thường cầu nguyện cho họ được thân tâm an lạc, cúng thí thực bố thí chút nước, chút thức ăn gọi là có lễ cũng là quý báu.
Đừng tiêu tốn tiền bạc vật chất làm các đàn lễ hoành tráng tốn kém để cầu may mắn, phước báo. Họ chẳng hưởng được gì qua những cuộc đổi chác theo kiểu “Tui cúng mấy quý vị, quý vị phù hộ cho tui làm ăn buôn bán được nhe”. Vì tâm cảm mới là quan trọng khi tình người còn dành cho nhau trong từng ý niệm, chỉ thế thôi.