Lối ra cho sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam?
Đọc báo hay nghe tin thanh long dội chợ, đổ đống ngoài đường. Nông dân Phan Thiết khóc ròng vì không xuất được. Xoài thì chỉ còn 2000 đ/ ký tại vườn, do cũng không xuất được.
Sao không bắt chước nông dân Philippines làm mứt dẻo như vầy? Hồi đó cũng bị thương nhân Trung Quốc ngưng nhập hàng, vì nhiều quá thay vì đổ bỏ, họ làm mứt. Cực ngon, cực rẻ. Và người Phi đi đâu cũng tiếp thị sản phẩm này, từ những lò thủ công nhỏ, những chảo mứt kiểu mứt Tết quy mô gia đình, 1 số người đã mở rộng thành quy mô nhà máy chế biến.
Các bạn ở Phan Thiết, Cam Ranh nghiên cứu thử đi. Máy móc chế biến thì lên xưởng cơ khí đại hạc Bách Khoa, Công Nghiệp đặt hàng, vừa rẻ vừa tốt. Tony đặt máy móc gì cũng ghé mấy đại hạc công nghiệp đặt hàng, vừa có việc làm cho mấy em sinh viên, vừa rẻ, vừa bảo hành ngon lành.
Sản xuất đi các bạn. Hướng đi đúng của nền kinh tế là sản xuất chứ không phải cây xăng cục gạch, tủ thuốc lá và mặt tiền cửa hàng buôn qua bán lại…

Nông sản an toàn và trái tim người Việt
Sau khi nghe lời Tony, nhiều bạn trẻ thôi nằm rũ rượi ở thành phố chờ xin người ta cho việc nữa, đã về quê và mở các nông trại chăn nuôi, trồng trọt. Hiện tại các bạn đã có sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra rất khó khăn.
Nhưng như bài toán khó, mình tách ra, giải từng vế một, cuối cùng cũng xong các bạn à. Chứ ai cũng nghĩ thôi sao làm được, hoặc có làm thì cũng không giải quyết được cái gốc, và kết quả là không ai làm. Nhiều bạn nói thôi để con cày xới lên luôn chứ thương lái vô vườn trả có 500-1000 đồng/ kg, trả giá kiểu “cho vui“, vì họ thừa biết công hái là đã cao hơn giá này rồi.
Các bạn thuộc nhóm tình nguyện CLB Con Dượng đã mua cà chua với giá 5000 đồng/ kg, cao gấp 5-10 lần các thương lái, và bán vào sáng chủ nhật hàng tuần. Nhiều người dân Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội đã cho mượn mặt bằng trong ngày chủ nhật để các bạn hoạt động tình nguyện hỗ trợ nông dân Việt Nam.
Có nhiều lăn tăn về việc nông sản này sạch hay không sạch. Tony giới thiệu các bạn khái niệm nông sản sạch và nông sản an toàn.
Nếu muốn sạch phải có tiêu chuẩn khắt khe cỡ Global GAP, do tổ chức quốc tế cấp. Từ làm đất, giống, tưới tiêu đều phải hữu cơ, thậm chí sâu hại phải bắt bằng tay… nên giá rất cao, không khả thi cho đại trà. Ở thế giới cũng rất ít sản phẩm hữu cơ này, 1 kg táo organic ở London bán giá 10 bảng, so với 2 bảng hàng an toàn.
Trong ngành phân bón thuốc sâu, có chỉ số PHI (Pre-harvest interval) tức chỉ số cách ly trước khi thu hoạch.
Ví dụ PHI = 7 tức hôm nay phun, 7 ngày sau thì tồn dư thuốc trong nông sản mới biến mất. Sự biến mất này là do sự đào thải của tự nhiên, cây sống mới đào thải được. Còn ví dụ hôm nay xịt, mai hái, đem về để ở nhà, thì một tháng sau vẫn còn dư lượng.
Cà chua, thanh long, khoai lang tím… gần đây rẻ quá, nông dân đến lúc gần chín gần như chẳng phun xịt gì, vì làm như vậy chỉ tăng chi phí mà lại đổ đống. Nên cà chua của bạn Hùng Cà, bạn đã “bỏ bê” 10 ngày trước khi hái, trong khi mọi thuốc bảo vệ thực vật dùng cho rau củ PHI cao nhất = 7, thì coi như an toàn.
Vài dòng cho các bạn biết kiến thức này, đừng tranh cãi nữa nhé. Làm, ủng hộ. Còn nếu không, im lặng giùm, đừng bàn ra, đừng suy nghĩ cá nhân kiểu “nông dân chết kệ nó chứ ảnh hưởng gì tao. Tao có lợi gì đâu, có lợi gì đâu…“.
70% dân nước mình là nông dân, tức hơn 60 triệu người, đồng bào của mình cả, dù giọng bắc giọng nam nhưng đều là người Việt. Một nhóm lửa đã được thắp lên, nếu bạn có thể chung tay giữ ngọn lửa ấy, thổi bùng lên “tình yêu nông sản Việt“, thì làm. Còn bạn nếu thờ ơ, thì cứ tiếp tục thờ ơ. Mình quay lưng cũng được, nhưng đừng chỉ trích, phê phán. Nước mình là nước đang phát triển, thì có bao nhiêu cái chưa chuẩn.
Dân mình từ lũy tre làng đi ra, thì còn bao nhiêu cái tiểu nông. Mình cần phải xây dựng, giúp đỡ, hỗ trợ, đồng cảm, thương yêu, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Người đẳng cấp là thấy vết nhọ trên mặt người khác thì chỉ cho họ rửa chứ sao lại quẹt thêm? Bữa nay mình quẹt nó, bữa sau nó quẹt lại rồi cả hai cùng xấu. Các bạn trẻ đừng bao giờ bước chân vào nhóm GATO và NATO nhé.
GATO là ghen ăn tức ở, bệnh Chu Du, xấu lắm (các bạn tìm đọc bài “Cái chết của Chu Du” trong cuốn Cà phê cùng Tony để hiểu cái chết này là sao nhé). Còn NATO thì còn tệ hơn, NATO là no action – talk only, thành ngữ chỉ mấy đứa không làm, chỉ nói…
Hãy chung tay vì một dân tộc Việt thịnh vượng hơn. Người Thái có đất Thái, người Hàn có đất Hàn, người Nhật có đất Nhật, người Việt chúng ta có mảnh đất hình chữ S này. “Thiên thư” đã định sẵn, chúng mình cùng nhau làm cho nó tươi đẹp hơn. Mỗi các bạn văn minh giàu có, là dân tộc mình sẽ giàu có.
Học thêm đi nhé. Làm thêm đi nhé. Thoát ra khỏi cuộc đời chật hẹp xe máy phố nhỏ ngõ nhỏ tâm hồn nhỏ của văn hóa chửi bới và chỉ trích. Hãy cháy hết mình, với mọi khả năng có thể của bạn. Xin tặng các bạn những dòng thơ mà Tony rất thích trong chương trình ngữ văn cấp hai.
“Chúng ta không thể ngủ yên trong đời chật
Khi buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt
Gỗ trăm cây đều muốn hóa trên trầm
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng
Tổ Quốc
Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”
(Chế Lan Viên)
TnBS
Bài viết đã được đưa vào sách Trên Đường Băng – Tony Buổi Sáng
Làm ra nông sản, giao dịch ở đâu?…
Nay giới thiệu trước cho các bạn 1 sàn giao dịch nông sản, mới thí điểm, còn sơ khai nhưng rất đông bà con hưởng ứng, rất tốt. Bộ nông nghiệp sẽ phát triển từ từ theo hướng sàn tỉnh, sàn vùng, sàn quốc gia như các nước, mọi người yên tâm.
- Về phía người trồng trọt chăn nuôi, họ có thể đăng và tìm được người có nhu cầu. Ví dụ đang nuôi vịt hoặc trồng nấm, chuẩn bị tới ngày thu hoạch, mình đăng trước để để rộng nguồn tiêu thụ theo hướng bán sỉ.
- Về phía người có nhu cầu mua nông sản (thương lái hoặc mua làm nguyên liệu sản xuất), có thể đăng lên tìm nguồn cung, tìm nhiều nguồn thì có giá tốt hơn, nhiều sự lựa chọn hơn. Người ta sẽ gọi chào hàng tíu tít.
- Người bình thường không có nhu cầu mua bán cũng có thể lên coi, xem thử người ta rao bán gì, thấy ngon ngon thì mình mua đem về chế biến hoặc bán lại, kiếm ít tiền ăn bánh.
- Người sắp khởi nghiệp nông nghiệp cũng mò lên coi, thấy người ta có nhu cầu gì nhiều, hỏi mặt hàng gì nhiều thì mình có thể trồng trọt, chăn nuôi để đáp ứng. À, thì ra XH đang cần cái đó nhiều đó, quất!
Các bạn nhớ lưu lại và để luôn trên màn hình, theo dõi hàng ngày. Sàn này ở Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc….mạnh lắm, người nông dân nào cũng để ứng dụng này màn hình điện thoại. Hiện thì hình như chưa có App, chỉ có web.
Ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…. họ có rất nhiều sàn giao dịch nông sản, được đầu tư rất rất mạnh như sàn giao dịch chứng khoán vậy. Mỗi tỉnh có một sàn, và 1 sàn quốc gia. Giao dịch nhỏ ví dụ vài trăm con gà thì ở sàn tỉnh, lớn cỡ 10,000 con thì lên sàn quốc gia. Sàn tỉnh giao nội tỉnh, nội vùng còn sàn quốc gia thì giao toàn quốc. Hầu như nông dân nào cũng biết sân chơi này nên không có chuyện bơ vơ làm ra không biết bán đi đâu, trừ khi không biết chữ hoặc không truy cập được mạng thì bó tay, còn lại đều đăng lên và tìm được người mua tương ứng.
Nhờ các bạn chia sẻ và hướng dẫn nông dân nước mình. Bạn nào giỏi thì làm cái App giúp họ. Nói gì thì nói, thương mại điện tử sẽ song song với thương mại truyền thống (cửa hàng, siêu thị, chợ). Trang web đây nhé các bạn:
https://htx.cooplink.com.vn/connect
TnBS
Chiếu xạ cho nông sản xuất khẩu
Nhiều nhà đầu tư có khá nhiều vốn ở miền Bắc hỏi nên đầu tư ngành gì để giúp nông nghiệp Việt Nam, và có nhiều cơ hội làm ăn, Tony trả lời ngay là ngành chiếu xạ.
Hiện ở Việt Nam chỉ có khu vực phía Nam là có 3 nhà máy chiếu xạ cho thuỷ sản và trái cây, còn miền Trung miền Bắc thì chưa có.
Muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật, Úc,…nông sản tươi sẽ phải được chiếu xạ (irradiation), tức là dùng tia năng lượng cao như tia gamma để chiếu vào trái cây, thực phẩm, các tia này sẽ tiêu diệt vi sinh vật gây hại, các loại sâu mối mọt có bên trong quả, các tia này còn làm chậm chín hoặc ức chế nẩy mầm để có thể vận chuyển cả tháng trời đến Mỹ, châu Âu. Các doanh nghiệp Thái Lan, Philippines, Trung Quốc…đầu tư các nhà máy này rất nhiều, hầu như khu vực nào trồng cây chuyên canh đều có 1 nhà máy chiếu xạ do công ty chế biến thực phẩm đầu tư, đơn hàng nhiều không kịp thở, xuất khẩu lẫn nội địa vì kéo dài tuổi thọ nông sản bán ở siêu thị (xem hình quả dâu tây được chiếu xạ và không được chiếu xạ). Nước nhập khẩu họ bắt phải chiếu xạ vì họ sợ dịch bệnh hay sâu hại từ nông sản này thoát ra môi trường, gây hại nông sản nước họ.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư nhà máy này khá cao, và phải mởi cơ quan hữu quan từng nước (nước nhập khẩu) đến kiểm định để họ đánh giá có đủ khả năng không, nếu ok thì mới cấp phép, và lô hàng nông sản xuất khẩu phải có giấy chứng nhận đã qua chiếu xạ được cấp bởi nhà máy này thì hải quan nước nhập mới cho thông quan. Cũng có trường hợp họ sẽ thông quan trước, họ sẽ tiến hành chiếu xạ tại cảng đến trước khi nhập kho hoặc đưa vô siêu thị, tuy nhiên phải nghiên cứu kỹ quy định trong hợp đồng với bên mua. Làm ngoại thương lấy tiền của Tây là phải dân giỏi, cẩn thận từng chữ, thuộc thể loại “chủ nghĩa hoàn hảo trong công việc” giống như trong y khoa vậy.
Về lâu dài, nông sản hướng đến xuất khẩu thì phải đầu tư cái này, giống như nông dân phải áp dụng tiêu chuẩn Global GAP vậy, không có cách nào khác. Nếu không thì chỉ bán cho nội địa hoặc Trung Quốc, vốn không đòi hỏi gì, nhưng lại bấp bênh.
Các bạn quan tâm cái này nên search thật kỹ, các từ khoá là chiếu xạ thực phẩm, food irradiation process, fruit and vegetable irradiation,…
Tham khảo thêm :
- Cách xuất khẩu nông sản sang châu Âu
- Tự đầu tư dàn máy sản xuất chế biến nông sản
- Mô hình giao dịch nông sản hiện đại ở Thọ Quang, Trung Quốc
Bạn đọc comment:
Nguyễn Duy Đức
Chào dượng Tony,
Con năm nay 37 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, đang làm công chức nhà nước. Một lần đi nhà sách thấy cuốn cà phê buổi sáng cùng Tony mua về đọc thử, cái kết dượng hồi nào không hay ? sau đó mua thêm cuốn Trên đường băng đọc rồi ghiền dượng luôn :-). Con đọc TnBs được hơn 3 tháng nay, nhưng con rất thích và tâm đắc những câu chuyện của dượng, nó rất hay và thôi thúc con những hoài bảo lớn, nghĩ lớn làm lớn. Con cũng trăn trở làm sao xuất khẩu được sản phẩm đặc sản quê hương mình ra nước ngoài, để giới thiệu bàn bè quốc tế về đặc sản quê mình, đó là những ấp ủ của con trong thời gian qua. Giờ đây, đang viết bài này là con đang ở Lý Sơn – một đảo nhỏ được mệnh danh là vương quốc tỏi của nước mình. Con đã tìm và đã chọn được đặc sản để giới thiệu với bạn bè quốc tế, đó là tỏi đen Lý Sơn, một phương pháp lên men tỏi bằng công nghệ của Nhật phát minh ra năm 2005, và dĩ nhiên nguyên liệu để làm ra tỏi đen này là tỏi tươi chính hiệu của đất Lý Sơn. Nói về công dụng của loại tỏi này thì được ví như thần dược như ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, cân bằng huyết áp, ngăn ngừa tiểu đường…còn rất nhiều công dụng khác nữa. Hơn thế nữa tỏi Lý Sơn sau quá trình lên men cho ra sản phẩm tỏi đen thì hương vị của nó ngon như mứt, nó có vị chua chua, ngọt ngọt ăn rất ngon và hấp dẫn (cái này các loại tỏi khác không có được). Dượng đi Tây đi Tàu nhiều, dượng có nhiều kinh nghiệm trong xuất nhập khẩu hàng hóa, xin dượng giúp con làm cách nào để đưa sản phẩm tỏi đen Lý Sơn ra thị trường quốc tế. Dượng có chỉ dẫn xin mail vào email: congtymoc@gmail.com.
Mong chờ hồi âm của dượng.
Xin chân thành cảm ơn và chúc dượng sức khỏe.
Huy
Dượng ơi, con rất thích những hoạt động tình nguyện nhưng con ở tỉnh lẻ không có điều kiện giúp các bác nông dân như các bạn ở thành phố. Nhưng nếu có hoạt động tình nguyện dài ngày dượng nhớ cho con theo học tập với. Con năm nay 19t rồi. Có chương trình như thế thì dượng mail giúp con vào huywaga60@gmail.com. Con xin cám ơn dượng