Sanh tử sự đại – Vô thường tấn tốc
(Sinh tử chuyện lớn, vô thường nhanh chóng)
Người tu hành và vấn đề sinh tử
Sinh tử lâu nay luôn được xem là vấn đề lớn đối với nhân sinh nói chung và đối với người tu hành nói riêng.
Như Quý Vị vẫn thường hay nghe :
“Sinh tử sự đại, vô thường nhanh chóng”.
Khi thần thức đi vào bào thai, một mầm sống của con người đã xuất hiện trên thế gian, và từ trong thai mẹ cơ thể ấy lớn dần lên, và sau một thời gian thì được sinh ra.
Lúc này cơ thể đã có phần độc lập với cơ thể sống của người mẹ.
Sau đó, cơ thể tiếp tục vay mượn những chất dinh dưỡng từ bên ngoài thông qua thức ăn để nuôi sống cơ thể và lớn lên theo luật vô thường sinh diệt.
Để rồi đến một ngày cơ thể cũng phải già bệnh và chết (tức là tử).
Vậy thì người tu hành Quý Vị có sợ chết hay không?
Tôi nghĩ thường thì chúng ta sợ đau hơn là sợ chết.
Tuy nhiên, đối với nhiều người không có sự tu tập hay quán chiếu.
Nếu họ chấp, dính mắc vào các hạnh phúc thế tục thái quá như vợ đẹp, con xinh, gia tài đồ sộ, quyền uy tột bậc,…..
Thì có thể họ sẽ sợ chết, vì chết rồi thì không còn hưởng được những thứ ấy nữa.
Nhưng với Quý Vị là người có tu hành, có quán chiếu lẽ sinh tử ở đời, thì cần phải có được tâm bình thản trước sống chết.
Quý Vị có sợ dịch bệnh không ?
Cũng vậy, không sợ tử thì sao sợ dịch bệnh chứ.
Nếu Vị nào nói ” tôi không sợ tử, nhưng Quí Vị lo sợ dịch bệnh thì coi chừng cũng là đang sợ chết rồi “.
Hãy tập giữ tâm bình thản, hãy học cách đón nhận, thay vì sợ hãy và trốn chạy.
Không sợ bệnh, không sợ chết, nhưng không có nghĩa là Quý Vị thấy chết mà vẫn cứ lao vào, hay không biết quý trọng sinh mạng.
Như chạy xe bạt mạng trên đường, uống rượu bia thoả thích cho xơ gan, thấy người đang bị nhiễm dịch bệnh trong khi ta không có đồ bảo hộ mà vẫn vào trò chuyện chăm sóc ….như vậy thì hơi liều lĩnh,….
Người nào không kẹt vào hai thái cực này chính là đang đạt được đúng lý trung đạo đối với vấn đề tử.
Không sợ bệnh, không sợ tử.
Vậy còn vấn đề sinh thì thế nào đây?
Sinh cũng không sợ, nhưng cần quán chiếu để nhàm chán sự sinh.
Vì trong vô lượng kiếp qua chúng ta đã từng sinh ra, và vì sinh ra trong vô số kiếp như thế, nên đã vô lượng kiếp chúng ta đã bị khổ đau
mà Đức Phật từng ví : “Nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước của biển cả”.
Do đó, phát khởi tâm nhàm chán sự sinh, quyết tâm cầu đạo vô thượng, quyết tâm tu đạo để chứng đạt vô sinh, bất tử, an lạc tuyệt đối.
Đây chính là chí nguyện của người tu hành, mà tôi nghĩ Quý Vị cần phải phát thệ nguyện và tinh tấn tu tập.
Đây là con đường duy nhất, theo chân các Bậc Thánh để thoát khỏi khổ đau, chứ ngoài ra không có con đường nào khác.
Vì cứ chừng nào con người còn sinh ra, còn luân hồi, thì chừng đó những nỗi khổ đau vẫn chưa chấm dứt.
Cuối bài viết, tôi xin tặng Quý Vị mấy câu kệ trong kinh Pháp Cú Phật dạy :
” Đêm dài cho kẻ thức
Đường dài cho kẻ mệt
Luân hồi dài- Kẻ ngủ
Không biết Chơn Diệu Pháp “.
Chúc Quý Vị luôn giữ được tâm bình an.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Đọc thêm :
- HỎI ĐÁP LIÊN QUAN ĐẾN SINH TỬ – Trong Suot
- Nguyên nhân khiến con người phải luân hồi sinh tử
- NGƯỜI ĐẾM VÒNG SINH TỬ
SANH TỬ ĐẠI SỰ
Sống chết là việc vô cùng trọng đại, cho nên nói “sanh tử đại sự”. Tại sao là đại sự? Bởi vì “một khi mất thân người, muôn kiếp khó được lại”, một khi mất đi thân người thì nhất định sẽ đọa vào ba đường ác. Nỗi khổ của ba đường ác, không cần đợi đến lúc đối mặt, hiện tại chúng ta chỉ cần suy nghĩ, thì toàn thân sẽ toát mồ hôi. Nỗi khổ đó vốn dĩ không phải dùng ngôn ngữ mà có thể hình dung được, chỉ cần nghĩ đến, nội tâm sẽ vô cùng sợ hãi, cho nên nói là “đại sự”.
- Nhân thân nan đắc – Phật pháp nan văn
- Thân người khó được, Phật pháp khó nghe – Hãy trân quý!
- NHÂN SINH TỨ NAN – Người tu có bốn cái khó
“Vô thường” có nghĩa là chết. Sống và chết vốn là một thể, giống như mặt trước và mặt sau của trang giấy, giấy mặt trước không lìa giấy mặt sau. Vì vậy, có sống thì có chết, sống và chết cùng hiện hữu, chỉ cần một hơi thở ra không vào, lập tức là chết đi. Thế nên, sống và chết không tách rời nhau được.
Chúng ta sống ở thế gian này, thật ra đã cùng ở với cái chết rồi, qua một ngày thì tiến gần đến cái chết một ngày, đến gần vua Diêm La một ngày. Không chỉ như thế, đối với chúng ta mà nói, cái chết mai phục tứ phía, bất kỳ lúc nào cũng vây quanh chúng ta, bởi vì chúng ta lúc nào cũng đều có thể gặp vô thường, không phải nói chết rồi mới tiếp cận vô thường, hoặc là lúc bệnh nặng vô thường mới đến, không phải vậy. Là bất kỳ người nào, bất kể là tuổi trẻ, tuổi già, mạnh khỏe, bệnh tật, bất kỳ lúc nào đều có thể gặp cái chết.
Một người chân chính học Phật, tâm vô thường của họ rất sâu dày, có tâm vô thường sâu dày này, họ mới phát nguyện tu hành, như thế trải qua một thời gian, họ sẽ phát hiện, vốn dĩ bản thân là một phàm phu thật sự, thiện căn cạn mỏng, phước đức ít ỏi, căn bản là không thể nương vào sức mình để giải thoát luân hồi sanh tử của bản thân.
Trích từ: ĐẠI Ý KINH VÔ LƯỢNG THỌ
Pháp Sư Huệ Tịnh – 慧淨法師- Dharma Master Huijing
Lúc còn trẻ Liên Trì đại sư đã viết bốn chữ ‘Sanh Tử Sự Đại” (Sanh Tử là chuyện lớn) để trên bàn hòng tự sách tấn và khích lệ chính mình tinh tấn dụng công. Nếu quý vị cho rằng bốn chữ này chẳng liên quan gì tới mình, vậy thì xin lỗi, quý vị còn là người ở ngoài cuộc. Khi tâm thật sự vì sanh tử chưa khởi lên, tu hành còn chưa bước vào cửa, niệm Phật cũng chưa bước vào cửa.
Ấn Quang đại sư dạy “Người ta sanh ở trên đời, chẳng có chuyện nào không sắp đặt kế hoạch sẵn, chỉ có một chuyện sanh tử lại ngược ngạo không chịu để ý. Đợi đến khi báo[1] hết, mạng sống chấm dứt, thì tùy theo nghiệp mà chịu quả báo. Chẳng biết một niệm tâm thức ấy sẽ đến cõi nào thọ sanh. Cõi trời người là quán trọ. Tam đồ (ba đường ác) là quê nhà. Một khi thọ báo ở tam đồ là trăm ngàn kiếp, chẳng biết tới bao giờ mới sanh trở lại cõi trời, cõi người được. Do vậy phương pháp liễu sanh tử chẳng thể không gấp rút tìm cầu”.
Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đây là việc trọng đại của mỗi người chúng ta, đó gọi là sanh tử đại sự. Chúng ta có nỗ lực, thận trọng suy xét hay chăng? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi? Người xưa thường nhắc chúng ta sanh tử sự đại (sanh tử là việc lớn) nhưng tình trạng hiện nay của chúng ta là như thế nào? Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn nói “Người đời tranh nhau những chuyện không đâu, chẳng cần thiết”, cả ngày chúng ta bận bịu những sự việc chẳng cần thiết, đảo lộn gốc và ngọn, đối với những chuyện chẳng liên quan tới sanh tử thì tranh giành hơn thua, chưa hề coi trọng việc lớn sanh tử, và cũng chẳng sợ nỗi khổ luân hồi trong lục đạo, càng chẳng nghĩ tới sau khi chết sẽ sanh về đâu. Hoặc lâu lâu cũng nghĩ tới việc đó một lần, hoặc có lúc nhìn thấy người thân hoặc bạn bè đột nhiên qua đời, lúc đó xúc động trong chốc lát, nhưng chẳng lâu sau lại bị những chuyện thế gian chẳng cấp bách che lấp mất. Miệng tuy cũng niệm được vài câu Phật hiệu, niệm xong có thể vãng sanh hay không? Chỗ này [chúng ta phải] đặt một câu hỏi lớn.
Trích lục từ : Nhật Mộ Đồ Viễn
Thầy Thích Tự Liễu gửi Hoà thượng Tịnh Không
Sinh tử Đại sự, tu mau kẻo trễ!
Sinh tử là chu kỳ chuyển hóa Sống-Chết và Chết-Sống của chúng sinh xảy ra liên tục trong vòng Luân Hồi, tùy theo luật nghiệp báo hay nhân quả. Làm thế nào để hiểu rõ sự cần thiết phải thoát khỏi chu kỳ sống chết?
“Do chúng ta phải cam chịu vô vàn đau khổ trong vòng sinh tử. Nếu người học Phật không chân thành quán niệm sự thật đau khổ, họ sẽ không đạt được kết quả tốt dù có cố gắng học tập, bởi lẽ họ chưa đủ kinh nghiệm sợ hãi để có thể gắng hết sức tìm giải thoát.”
(theo HT Thích Thiền Tâm trong “Đạo Phật của Trí Tuệ và Đức Tin”)

2 câu chuyện dưới đây làm sáng tỏ điều trên:
Câu chuyện 1:
Ở Ấn Độ khi xưa có một vị vua tin vào ngoại đạo khổ hạnh. Các vị nầy lấy tro xát vào thân, ngủ trên bàn chông, hay làm theo nhiều kiểu khổ hạnh khác, Trong khi đó, các sư Phật giáo thì tu có vẻ thoải mái hơn nhiều, bởi họ không theo các hạnh ép xác.
Một hôm, nhà vua hỏi các vị tu sĩ Phật giáo: “Theo Trẫm nghĩ, những cách khổ hạnh của các vị tu sĩ không phải Phật giáo kia, cũng không đủ giúp họ chấm dứt phiền não. Vậy mà các sư đây tu hành có vẻ lôi thôi, làm sao các sư có thể trừ hết các ý tưởng dâm dục?“.
Một vị Pháp sư Phật giáo trả lời: “Tâu Bệ hạ! Giả sử Bệ hạ cho đem một tử tù trong ngục ra và nói với hắn: Bưng bát dầu đầy này bằng cả hai tay và đi suốt quãng đường náo nhiệt kia. Nếu ngươi có thể trở lại mà không làm đổ mất một giọt dầu nào, ta sẽ tha mạng cho ngươi.!
Rồi giả sử Bệ hạ cho nhiều ca nữ xinh đẹp đến ca hát và nhảy múa theo nhạc, dọc theo quãng đường tên tử tội đi qua.
Nếu hắn làm đổ dầu, dĩ nhiên Bệ hạ cho xử tử hắn. Còn nếu hắn có thể trở về mà không làm đổ mất giọt dầu nào, Bệ hạ nghĩ hắn sẽ trả lời ra sao nếu Bệ hạ hỏi hắn thấy gì trên đường đi?
Nhà vua hiếu kỳ nên cho làm theo vị pháp sư nói.
Tên tử tù đã trở về, hớn hở với bát dầu nguyên vẹn. Nhà vua hỏi hắn: “Nói ta biết ngươi thấy gì dọc theo đường đi?
Tử tội thưa “Tâu Đại vương, con chẳng thấy cái gì cả! Bởi vì con chú tâm nhìn vào bát dầu, sợ nó nghiêng đổ thì con bi mất đầu!”
Nhà vua gật đầu, quay sang vị pháp sư:hỏi: “Đây là chân lý gì vậy?’
Vị pháp sư thưa: “Tâu Bệ hạ!Tên tử tù giống như vị tăng non trẻ mới rời khỏi gia đình, vậy mà hắn định tâm được đến mức như thế. Còn những vị khổ hạnh kia tu lâu hẳn cũng biết vấn đề sanh tử là quan trọng, không thể phí thì giờ nghĩ tới chuyện dâm dục (cám dỗ nguy hiểm nhất cho các nhà tu khổ hạnh)…
Nhưng vì sao họ không cắt đứt được phiền não? Bởi vì họ chưa hiểu thấu sanh tử. Họ chưa thật biết vấn đề sinh tử quan trọng đến mức nào, nên không được như tên tử tù kia.”

Câu chuyện 2:
Có vị vua Mu Chung của triều đại nhà Đường, rất khâm phục tài đức của Quốc Sư Wu Yeh, nên nhiều lần ra chiếu chỉ sai sứ đến mời đại sư đến để hỏi đạo. Đối với hầu hết các đối tượng khác, thì đó là cơ hội rất vinh dự không thể bỏ qua. Nhưng đại sư luôn từ chối, vì ngài không muốn bị quấy nhiễu bởi các việc trần tục.
Lần sau cùng, nhà vua rất giận nên bảo sứ giả: “Nếu lần nầy ngươi không thuyết phục đưọc lão tăng, ngươi sẽ bị mất đầu.”
Vị sứ giả đến Sư, khóc lóc năn nỉ Sư phải chiều ý vua để cứu mạng mình. Đại sư biết không thể từ chối lời khẩn cầu, nên nói: “Được rồi! Ta sẽ đi!”.
Rồi ngài nhóm họp đệ tử, hỏi người nào muốn theo ngài đến diện kiến nhà vua. Một vị đưa tay lên xin theo. Sư hỏi: “Một ngày con đi được bao nhiêu dặm đường?”
Trả lời: “Con đi được 50 dặm.”
Sư lắc đầu, nói “Không đủ nhanh!”.
Một vị khác nói “Con đi được 65 dặm”.
Vị thứ Ba nói 70 dặm, Sư đều lắc đầu.
Sau cùng có vị tăng nhỏ tuổi đưa tay lên nói: “Con theo Thầy được, Thầy đi đâu con theo đấy! ” Lần nầy Sư gật đầu, mỉm cườì chấp nhận.
Sau đó, Sư tắm rửa xong, trở lại ngồi xếp bằng trên bồ đoàn, vào tam-ma-địa rồi thở hắt ra tại chỗ.
Vị tiểu tăng thấy vậy nói: “Thầy đi rồi! Để tôi đi theo!” Rồi thở hơi cuối cùng trong tư thế đứng thẳng.
Câu chuyện thú vị nầy cho thấy các vị tăng đắc đạo có thể hoàn toàn thoát khỏi các bận bịu thế tục. Họ sống ngoài sự hiểu biết của thế nhân, và ngoài vòng kềm tỏa của sinh tử.

MỘNG
Thiền sư Huyền Giác nói “Sanh tử sự đại, vô thường tấn tốc”.
Ngài Từ Minh lại nói “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”.
Là Phật tử, xuất gia cũng như tại gia, chúng ta phải sống như thế nào đối với hai quan niệm trên?
Thông thường có hai hạng người tu: chưa đạt đạo và đã đạt đạo. Hạng người chưa đạt đạo muốn tiến tu thì lúc nào cũng phải khắc trên trán bốn chữ “Sanh tử sự đại”. Đó là chủ đích của Đức Thích Ca lúc xuất gia. Khi đi tu là cốt giải quyết vấn đề này. Bao nhiêu người từ trước đến giờ đành bó tay đối với vấn đề sanh tử. Vì thế Đức Phật quyết định giải quyết vấn đề sanh tử, chớ không chấp nhận cách đầu hàng nó. Khi đạt đạo rồi, đó là Ngài thoát ly sanh tử. Thế nên tất cả người tu sau này khi phát tâm xuất gia hay quyết chí tu hành theo đạo Phật để giải thoát thì không ai coi thường vấn đề sanh tử. Đó là ý nghĩa của bốn chữ “Sanh tử sự đại” và cũng là bước đầu trên con đường tu của chúng ta.
Người đạt đạo thấy rõ mình có cái chân thật bất biến. Cái chân thật đó trong kinh gọi là Pháp thân hay Chân tâm, cái đó không bị sanh tử lôi cuốn và cũng không lệ thuộc vào sanh tử. Sống với cái không sanh tử thì cuộc sống này chỉ là tùy duyên, đủ duyên hợp lại là sanh, thiếu duyên ly tán là tử. Sanh tử là vấn đề của duyên. Đối với Pháp thân hay Chân tâm, nó không dính dáng gì hết. Vì vậy nếu sống với Pháp thân thì sanh tử như trò chơi, như ảo mộng, như huyễn hóa không gì phải bận tâm. Cho nên có thiền sư nói rằng “Ư chư sanh tử bất quan hoài”, nghĩa là đối với sanh tử không bận lòng.
Cùng một ý này, Thiền sư Từ Minh nói “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”. Người đạt đạo sống với cái không sanh tử, khi đó sanh cũng như mùa đông được chiếc chăn đắp lên cho ấm, có gì mà sợ. Còn khi bỏ thân tứ đại này để trở về Pháp thân thanh tịnh cũng như mùa nực cởi chiếc áo, mát mẻ có gì mà lo. Nhưng đối với chúng ta sanh tử là sự đại, nếu chúng ta chưa đạt đạo thì “Sanh tử sự đại” có giá trị. Chúng ta thấy hai câu trên đều đúng. Người tu mà chưa đạt đạo thì sanh tử là việc lớn, khi đạt đạo rồi thấy sanh tử là trò chơi.
![]() |
Tôi có làm một bài kệ “Mộng”:
Gá thân mộng, dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng
Ghi lời mộng, nhắn khách mộng
Biết được mộng, tỉnh cơn mộng.
Hiện giờ, chúng ta thấy sự sống còn của thân này thật là quan trọng. Nhưng nếu dùng con mắt trí tuệ Bát nhã mà thấy thì chỉ là một mớ nhân duyên hòa hợp. Sự sống do duyên mà có, đủ duyên thì còn, thiếu duyên thì mất, không có gì bảo đảm lâu dài hết. Thân chúng ta gọi là nội tứ đại, bên ngoài là ngoại tứ đại. Hai phần này hỗ tương nhau mà tồn tại. Vì vậy cuộc sống chúng ta hiện nay là tạm bợ, vay mượn tứ đại bên ngoài hòa hợp với tứ đại bên trong. Sống bằng sự vay mượn tạm bợ như thế không phải mộng là gì, không phải huyễn hóa là gì? Nhưng chẳng lẽ chỉ có thân huyễn hóa tạm bợ này thôi sao? Ở đây chúng tôi dùng chữ “gá”. Ai “gá”? Không phải chỉ có thân tứ đại này là cứu kính duy nhất, mà còn có “chủ nhân ông”. Nói “chủ nhân ông” là khi nào chúng ta tỉnh giác. Nếu chưa tỉnh giác thì phải nói danh từ khác, tức là “nghiệp thức”.
Khi gá vào thân tứ đại mộng huyễn này thì cảnh mà thân tứ đại tới lui qua lại đó cũng là cảnh mộng. Thân là mộng, cảnh cũng là mộng, nên nói “Gá thân mộng, dạo cảnh mộng”. Tổ Quy Sơn thường nhắc nhở: Người xuất gia phải coi mình như khách qua lại trong tam giới. Ở đây tôi dùng câu dạo cảnh mộng vì đa số chúng ta mắc kẹt trong cảnh, thấy cảnh này là thật. Nhà của mình, đất của mình, tất cả cái gì cũng là của mình hết, cho nên được thì mừng mất thì khổ, bị ngoại cảnh lôi cuốn, sống trong bất an, bất ổn. Nếu chúng ta thấy thân và cảnh đều là mộng thì còn gì ràng buộc, còn gì lo sợ, được mất đối với chúng ta như trò chơi, không còn gì phải khổ đau nữa.
![]() |
Tượng Phật “Niêm hoa vi tiếu” của tác giả Thích Quảng Ánh
Đó là tôi diễn tả lại thân và cảnh. Khi cảnh và thân này tan rồi tức “mộng tan rồi” thì thế nào? Thì “cười vỡ mộng”. Như chúng ta đã biết một khi trả ra mà không mượn lại là thân tứ đại sắp hoại. Thở ra mà không hít vào là phong đại đã hết. Phong đại đã hết thì hỏa đại sẽ tan từ từ. Rồi tới thủy đại, địa đại sẽ tan rã sau. Như vậy một khi thở ra không hít vào thì thân tứ đại chúng ta không còn hoạt động như trước nữa. Thân thiếu phong đại thì thân sắp tan, mắt không còn mở thì cảnh đời đối với chúng ta cũng vắng. Thân và cảnh tan hoại nên nói rằng “mộng tan rồi”. Khi đó người đời sẽ làm sao? Hoặc là khóc biệt ly, thương cha mẹ, thương anh em, thương tất cả người chung quanh… Coi đó như là một chuyến đi không bao giờ gặp lại. Hoặc là bản thân người đó sẽ khổ đau vì “Tiền lộ mang mang vị tri hà vãng”, nghĩa là đường trước mờ mờ không biết về đâu. Khi sắp tắt thở nhớ lại mình không có đức hạnh gì, không biết rồi sẽ ra sao, không biết mình đi đâu? Thật là đau khổ. Như vậy có hai nỗi khổ: khổ khóc vĩnh biệt và khổ không biết thân phận mình ra sao! Đó là nỗi khổ của những người không biết đạo.
![]() |
Nhưng ở đây tôi nói “Mộng tan rồi, cười vỡ mộng”. Tại sao chúng ta lại cười vỡ mộng? Bởi vì mình biết đó là một giấc mộng. Đã biết là một giấc mộng thì khi hết mộng chúng ta trở về thật. Đang mộng mà chúng ta chợt tỉnh là hết mộng. Khi hết mộng chúng ta còn sợ hay không? Khi biết đó là một cơn mộng thì dù đẹp, dù xấu, dù khổ, dù vui, chúng ta đâu có gì phải sợ. Khi mộng tan chúng ta nở một nụ cười từ biệt mọi người, an lành trở về quê cũ, tức trở về cái chân thật muôn đời. Đó là “cười vỡ mộng”.
“Ghi lời mộng, nhắn khách mộng”, chúng tôi tự thấy mình sống trong cõi đời tạm bợ hư ảo không có gì thật, không lẽ biết nó hư ảo rồi an ổn vui vẻ, mặc cho người khác chìm lịm trong cơn mộng đó để than khóc, chịu đủ thứ đau khổ. Chúng tôi không nỡ nên buộc lòng phải ghi lại ít lời, nhắc những người đồng hành với mình trong cơn mộng đó. Đây là tấm lòng nghĩ đến người sau, muốn cho mọi người khi ra đi đều nở một nụ cười, chớ không phải rơi lệ dầm dề.
Nhưng “ghi” và “nhắn” cái gì đây? Nhắn rằng “Biết được mộng, tỉnh cơn mộng”, nghĩa là một khi biết rõ sự sống này là mộng thì tỉnh được cơn mộng. Chủ yếu là chúng ta phải thấy rõ lẽ thật, chớ đừng lầm lẫn tưởng cuộc đời là thật rồi chìm đắm, hết cơn mộng này đến cơn mộng khác. Như chúng ta gặp cơn ngủ quá mê, vừa mãn mộng thứ nhất, là vừa hơi tỉnh. Tỉnh rồi mà chưa có sức ngồi dậy, rửa mặt và cũng còn ham ngủ nữa thì sao? Cơn mộng thứ hai tiếp nối, và cứ thế tiếp nối tiếp nối, không biết tới bao giờ mới hết. Chỉ khi nào chúng ta biết đó là mộng, mặc cho mộng vui hay mộng buồn, chúng ta nhất định trỗi dậy rửa mặt, đi ra ngoài hoạt động thì khả dĩ hết mộng. Tỉnh được cơn mộng thì mọi khổ vui trong cuộc đời không còn chi phối được chúng ta.
Đây nói tới việc tu. Nếu chúng ta biết điều nào dở, điều nào tạo nghiệp khổ, cái nào giả cái nào thật, cái biết đó chưa đủ làm cho chúng ta giải thoát và hết khổ. Biết rồi chúng ta còn phải hành. Cho nên Phật dạy người học đạo phải đủ văn tư tu. Văn là nghe, tư là suy nghĩ, nhận định đúng. Cái biết mà chúng tôi vừa nói chính là văn và tư vậy. Nhưng chưa đủ, chúng ta còn phải tu tức là hành. Cái hành đó mới là thiết yếu. Như chúng tôi thường nói chủ động trong cuộc luân hồi, sanh tử là ba nghiệp, chủ động trong ba nghiệp là ý nghiệp. Ý nghiệp trong nhà Thiền gọi là vọng tưởng. Vọng tưởng là động cơ chính yếu khiến ta luân hồi sanh tử. Bây giờ muốn thoát ly sanh tử không gì hơn là chặn đứng hay dừng lại vọng tưởng. Nói chặn nói dừng chỉ là một lối nói, đúng ra chúng ta nhè nhẹ buông thôi. Biết rõ bộ mặt nó là không thật, buông nó rồi sẽ hết.
Như vậy công phu buông xả đó tuy nhẹ nhàng đơn giản nhưng đòi hỏi phải bền bỉ lâu dài. Thuở xưa, các thiền sư muốn buông hết phải trải qua mấy mươi năm. Như ngài Triệu Châu bậc kiệt xuất trong nhà thiền ở Trung Quốc còn nói: Ngót ba mươi năm phải buông hết mới thành một khối. Huống chi chúng ta mới buông sơ sài làm sao hết được. Như vậy chúng tôi nói rằng người quyết chí tu đạt đến kết quả viên mãn, thì phải khẳng định lập trường của mình trước mọi hoàn cảnh, nhất là về tình cảm. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến tình cảm của người xuất gia.
Người xuất gia trước tiên phải cắt đứt tình cảm gia đình, chính nó làm chúng ta rối ren, lo sợ, khó xử. Nói đi tu mà ít bữa nhớ nhà, lo ở nhà không có cơm ăn, áo mặc. Như vậy thì làm sao thực hiện được bản nguyện của mình. Nếu chúng ta không có thái độ dứt khoát, không can đảm như Đức Phật thì khó mà giải quyết nổi. Đức Phật một phen ra đi, đến khi thành đạo mới trở về. Đó là hình ảnh một con người dứt khoát, không có thái độ chần chờ. Ngài chỉ trở về thăm vua cha, độ thân quyến là sau khi đã đạt đạo. Nhờ thái độ khẳng định đó mà Ngài thành công.
Chúng ta học Phật pháp tương đối kỹ rồi, chỉ cần có ý chí thực hành nữa mới đi đến giải thoát sanh tử. Vì vậy tôi mong muốn tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử đều lập chí vững chắc trên đường đạo. Nếu là người tại gia, khi biết đạo rồi chúng ta phải nỗ lực dùng mọi phương tiện để sống hợp với đạo. Còn người xuất gia thì phải ứng dụng sự hiểu biết của mình cho đúng và tự tháo gỡ hết những ràng buộc do bản ngã, do tình lưu luyến gia đình để mạnh dạn tiến tu. Làm sao cho đời tu chúng ta xứng đáng, không hổ thẹn khi nhắm mắt, tiếc một đời không đi tới đâu. Ngày nào còn sống thì xứng đáng là người xuất gia, đến khi nhắm mắt chỉ nở một nụ cười, thanh thản ra đi. Có như thế sự tu hành mới có ý nghĩa. Đó là điều chúng tôi mong mỏi nhất.
HT.THÍCH THANH TỪ
Phải biết sợ luân hồi mà ráng tu
Khi quán niệm sâu xa về sự luân hồi của tự thân cùng vô lượng chúng sinh.
Tôi bỗng dâng lên niềm lo sợ, cảm giác ái ngại, nếu phải tiếp tục chu trình của sự tái sinh.
Xem:
Vòng Luân hồi chuyển kiếp – Lục đạo 6 cõi luân hồi là gì?
Hôm trước khi tôi có dịp nói chuyện với một bà cô lớn tuổi.
Cô này thì cả đời vất vả làm ăn, đến khi con cái trưởng thành chúng cũng có hiếu, thế là góp tiền để xây nên một căn nhà to, rất đẹp.
Tiền của vật chất dư đầy, cũng là lúc cô và chồng bước vào những năm tháng tuổi già.
Khi nói chuyện tôi nhận ra, cô rất luyến ái ngôi nhà to cùng cuộc sống dồi dào vật chất.
Và cô rất sợ chết, cô muốn mình được sống tới 110 tuổi, để mà hưởng thụ cho đã.
Những cuộc sống vô thường nào ai biết trước sao ta có thể dám mơ mộng như thế.
Khi tôi đề cập đến vấn đề tái sinh với cô, tôi nói :
Cô phải vất vả lắm mới có được một cuộc sống an nhàn ở tuổi già, nhà cửa, vật chất đầy đủ con cái thành đạt…
Nhưng nếu sau khi cô mất đi, cô phải theo nghiệp mà tiếp tục hành trình của sự tái sinh.
Giả sử nếu cô tái sinh vào một gia đình nghèo khổ khác, ở xóm trên chẳng hạn.
Thì ngôi nhà hiện tại to lớn đây, mà cô đã rất vất vả mới có được,
nay chúng không còn là của cô nữa rồi,
mà nó thuộc về của con cháu cô hay có thể thuộc về những thế hệ sau đó nữa,
đây là chưa kể nếu con cái bán đi ngôi nhà.
Nói đến đó….. Cô đã không muốn nghe nữa.
Đây là một sự thật đấy quý vị ạ.
Dù các vị có muốn nghe hay không đi nữa nhưng luân hồi vẫn là một sự thật, và chúng ta đã từng có vô lượng kiếp sống trước rồi chứ không phải chỉ có một kiếp hiện tại này đâu.
Nên khi quán niệm sâu sắc về sự luân hồi, sẽ làm cho các vị thấy không còn hứng thú về các kiếp sống nữa.
Cứ sinh ra, lớn lên rồi lại mất đi. Rồi lại sinh ra lớn lên và mất đi.
Nhưng đâu phải lúc nào ta cũng được sinh ra trong thân phận con người hạnh phúc, đủ đầy mọi thứ.
Mà có khi ta phải sinh ra trong thân phận con người nghèo khổ, thậm chí là người khuyết tật, hay người bệnh hoạn….
Rồi có khi không phải sinh ra trong thời bình, mà lại sinh ra trong thời chiến tranh với nhiều loạn lạc nguy hiểm.
Rồi đâu phải cứ sinh ra trong thân người nam hoài, mà có khi ta phải sinh ra trong thân của người nữ, người nữ xinh đẹp nhưng trong thời loạn lạc thì rất dễ bị hãm hiếp…….
Rồi đâu phải ta chỉ sinh ra trong thân phận con người hoài, mà có khi ta phải sinh ra trong thân phận của các con thú, bị người ta giết làm thịt, hay bị đánh đập đối xử tàn bạo, …….
Không dừng lại ở những điều kể trên, có khi chúng ta tạo tội ác, rồi sau đó phải bị quả báo đọa lạc vào làm loài quỷ đói hay phải vào chốn địa ngục chịu các hình phạt thống khổ…..
Ngẫm nghĩ một cách sâu sắc như vậy, các vị sẽ thấy ngán ngẫm kiếp luân hồi.
Và như tựa đề tôi đặt ra :
“Phải nên biết sợ luân hồi mà ráng tu”
Vì không có con đường nào khác, chỉ có cách tu hành, tu đúng đường, tức phải gặp đúng Thầy đúng Pháp Phật, thì mới có thể tu đắc đạo giác ngộ được.
Tu phải chứng cho được Tứ Thánh Quả A La Hán thì mới có thể chấm dứt sự tái sinh trong sáu nẻo luân hồi sinh tử.
Lúc này chúng ta mới có thể đạt được sự tự tại vô ngại và hạnh phúc tuyệt đối, viên mãn.
Vậy cách tu như thế nào để mới có thể đắc đạo được đây?
Vấn đề này tôi đã đề cập ở rất nhiều bài viết trước rồi, quý vị có thể xem lại, sau đó áp dụng vào việc tu hành cho chính mình.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa –
Sợ vô thường – bước đầu tiên trên con đường tu tập
Sợ vô thường là có ý thức về vô thường, trân trọng thân người khó được để quyết tâm làm việc ý nghĩa nhất cuộc đời mình là tu hành giác ngộ.

Khi không nghĩ đến cái chết đang đến, ta đắm chìm vào những kế hoạch tương lai.
Sau khi đạt được hàng loạt điều vô bổ trong cuộc đời này, ta sẽ ra đi với đôi bàn tay trắng.
Thật ngớ ngẩn làm sao khi ta cần phải nhận thức thật rõ về Chánh Pháp cao quý mới phải.
Tại sao không thực hành ngay bây giờ?
– Guru Rinpoche –

So chiều dài vô tận
Từ vô thuỷ vô chung
Đời người như ánh chớp
Loé trong đêm lạnh lùng
Như dòng nước cuồn cuộn
Ào thẳng xuống vực sâu
Đã qua không trở lại
Còn gì níu được đâu?
Đã thế vô thường đến
Mọi chuyện đến bất ngờ
Ngỡ an yên sống thọ
Có thể chết bơ vơ
Vậy từng phút từng giờ
Làm chi cho đúng đắn
Với thân người may mắn
Để chết chẳng ăn năn?
(Minh Canh)
Quán vô thường để biết sợ vô thường:
- lẽ vô thường là gì?
- cuộc đời là cõi vô thường
- vạn sự vô thường
- thế gian, thế sự vô thường
- sống chết vô thường
- nhân sinh vô thường
- hoàn cảnh vô thường
- được mất vô thường
- bài thơ đời là vô thường – hạnh phúc mong manh
- bài hát, bài kinh vô thường
- cuộc sống vô thường nào ai biết trước ngày mai
- ứng dụng vô thường trong cuộc sống
Xem thêm: