Sinh Hoa – Chân Nguyên Hoa
Nguồn gốc
– Mỗi sự sinh tồn trong khắp Tam Giới này đều có một đóa bổn mệnh nơi Ngạn Uyển thuộc cõi Tạo Hóa Huyền Thiên.
– Ngạn Uyển là vườn hoa bao la rộng lớn với hằng hà sa số chủng loài khác nhau, do Đức Huỳnh Hoa Tiên Nữ chưởng quản. Vị Tiên Nương ấy trực thuộc Sinh Hóa Bộ, phụ trách chăm sóc các đóa luôn được tinh tấn mỗi ngày, trở nên chân thiện mỹ.
Hình dạng, tính chất đặc trưng
– Mỗi đóa hoa nơi Ngạn Uyển tượng trưng cho sự sinh tồn, an vui phúc lạc của một chân hồn.
+ Khi sức khỏe về mặt thân xác của người, vật bị đau yếu, bệnh tật thì phần thần thức, tinh thần của họ cũng sẽ mệt mỏi, đau đớn, lúc ấy Sinh Hoa liền có màu sắc nhợt nhạt, héo úa, không còn tươi tốt nữa. Chỉ khi tâm tình của người, vật ấy an vui, thể xác mạnh khỏe hết bệnh, thì lúc đó Sinh Hoa sẽ tươi tốt trở lại.
+ Khi thọ mệnh nơi thân xác của người, vật đến hồi kết thúc, Sinh Hoa sẽ tàn úa, khô héo dần rồi tan rã thành tro bụi. Từ nơi đóa hoa lụi tàn kia tức thì phát sinh một mầm hoa mới, tương ứng với sự chuyển sinh thành dạng tồn tại khác của chân hồn ấy, tồn tại bất diệt. Cho nên Sinh Hoa còn được biết đến với tên gọi là Chân Nguyên Hoa.
+ Mỗi một kiếp sinh nơi thế gian, khi thân xác hữu hình chết đi, sẽ tạo thành một lớp màng tử khí ghi chép lại những ký ức, nhân duyên nghiệp quả của kiếp sinh ấy nơi chân hồn. Lúc bấy giờ, Sinh Hoa cũng xuất hiện một lớp màng minh khí mảnh nhỏ bao quanh lấp lánh. Chân hồn nào đầu thai chuyển kiếp càng nhiều lần, mỗi lần lại có được sự học hỏi, tinh tấn nhất định thì Sinh Hoa cũng tăng trưởng lớp màng minh khí ấy càng thêm rõ nét, phát xuất nên tầng tầng lớp lớp ánh sáng lung linh. Từ điểm này mà Sinh Hoa còn có tên gọi là Linh Lung Nguyên Hoa.
– Mỗi đóa Sinh Hoa còn tượng trưng cho sự tinh tấn của phần thần thức, tinh thần của một chân hồn trong Tam Giới.
+ Chân hồn nào có sự tu dưỡng tâm tánh, thường làm điều thiện lương, từ bi tâm rộng mở thì đóa Sinh Hoa của họ sẽ nở đẹp lung linh với nhiều tầng lớp cánh hoa, hương thơm ngào ngạt, phát xuất những vầng sáng vi diệu như ánh cầu vồng rực rỡ.
+ Chân hồn nào có sự thoái hóa đạo đức, tâm tình phiền não tiêu cực, thường làm điều bất thiện gây hại cho kẻ khác thì tự nhiên đóa Sinh Hoa của họ cũng trở nên u tối, héo úa tàn phai, lại có mùi hôi khó ngửi.
+ Chân hồn nào có sự tu tập, tinh tấn lên hàng trọn lành, tức là cấp độ chân hồn trong Cửu Phẩm Thần Tiên từ cấp 7/9 thì có thể chiết linh, tạo nên các chủng tử của mình, tiếp tục gieo duyên với chúng sinh bằng việc cho các chủng tử ấy chuyển sinh khắp Tam Giới. Lúc bấy giờ, Sinh Hoa của chư vị ấy sẽ xuất hiện các hạt giống là những hạt trân châu nhỏ xíu li ti, sáng lung linh lấp lánh. Các hạt giống ấy sẽ đơm chồi, nở hoa xung quanh đóa Sinh Hoa chủ thể khi các chủng tử chuyển sinh và sinh tồn, phát triển trong Tam Giới.
– Nơi Ngạn Uyển có các vị Thiên Nữ chuyên lo trông nom, bảo hộ cho cơ Sinh Hóa của vòng luân hồi nhân quả trong Tam Giới được cân bằng, tinh tấn. Sinh linh nào gặp nhiều chướng ngại, đau khổ thân tâm, nguy hại đến sự sống nhưng thọ mệnh chưa đến hồi kết thúc thì được chư vị Thiên Nữ chăm sóc đóa Sinh Hoa của mình được tươi tắn trở lại, không còn ủ rũ nữa. Nhờ vậy mà thân tâm của sinh linh ấy cũng được an lạc, khỏe mạnh hơn, vượt qua được cơn nguy khốn.
– Bên cạnh đó, Ngạn Uyển còn có các nhóm chư vị Hỷ Lạc Thiên xuất hiện hòa tấu nên những giai điệu thanh tịnh du dương. Những đóa Sinh Hoa khi được tiếp xúc với điển quang thiêng liêng ấy cũng dần trở nên xinh tươi và tràn đầy sức sống.
Phương thức giữ gìn, tinh luyện
– Các hành giả tu tập, gìn giữ thân tâm trong sạch, thiện lành, giới luật trang nghiêm và phát nguyện độ duyên, phụng sự chúng sinh khắp Tam Giới. Theo thời gian, Sinh Hoa của hành giả ấy nơi Ngạn Uyển cũng biến hóa trở nên tốt xinh, phát xuất hào quang minh khí rực rỡ, lan tỏa hương thơm ngào ngạt.
– Khi hành giả bị bệnh nặng, thân tâm đau đớn khổ sở vô cùng, khi ấy cần cố gắng buông xả những bi thương, đau khổ của mình. Suy nghĩ tích cực, giữ tâm tình an lạc, bình yên, tự nhiên cơ thể cũng dần điều hòa trở lại. Bởi cơ thể của hành giả bị bệnh thì Sinh Hoa héo úa nơi Ngạn Uyển, nhờ vào tâm lực an lạc mạnh mẽ mà ngày càng tươi tốt theo thời gian, khi đó thân xác lại tương tác với hoa mà khỏe mạnh trở lại.
– Về khía cạnh hữu hình, người thường xuyên chăm sóc cây cối, nhìn ngắm hoa cỏ mà lòng sinh hoan hỷ, an lạc thì tự nhiên tinh thần, thể xác cũng được khỏe mạnh, ngăn ngừa được các chứng bệnh phiền não của thân tâm.
Trong các nền văn hóa, tín ngưỡng
* của Đức Di Lặc Vương Phật
Cõi Cực Lạc Thế Giới, nơi Đức Phật Di Lặc an ngự có một cội cây dương liễu to lớn vĩ đại vô cùng, cửu sắc hồng nghê chiếu diệu khắp Tam Giới. Cội cây ấy chính là Linh Lung Nguyên Hoa tượng trưng cho phần chân hồn của Đức Di Lặc Vương Phật.
Nơi cây ấy, mỗi một chiếc lá, mỗi một hạt sương long lanh như châu ngọc, mỗi một đóa hoa đan kết thành từng chùm đong đưa trên cây đều tượng trưng cho một chân hồn đang nương tựa, tin tưởng vào Ngài. Trong các chân hồn ấy, có chân hồn do Ngài độ duyên tu tập, có chân hồn là chủng tử của Ngài đã chiết linh, có chân hồn chỉ đơn giản là biết tới sự từ bi, an lạc của Ngài rồi chuyển sinh về đấy tu tập.
Hễ chúng sinh nào khởi tâm thành phát nguyện xưng tán tôn danh của Đức Phật Di Lặc, tin và thực hành theo giáo pháp thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Ngài làm vị Chưởng Giáo Long Hoa Đại Hội Bạch Dương Kỳ. Lúc bấy giờ, người ấy sẽ được giải thoát, có một nơi chốn nương tựa ở cội Đại Dương Liễu tối cổ này vậy.
* trong thi văn, kinh điển
từng được nhắc đến trong Kinh Đệ Nhất Cửu, Cửu Thiên Thập Nhị Kinh.
Vườn Ngạn Uyển đã héo
Khối hình hài phải chịu rã tan
Bảy dây oan nghiệt hết ràng
Bợn trần rửa sạch muôn ngàn đau thương
Kìa Thiên Cảnh con đường vòi vọi
Ánh Hồng Quân đương chói Ngọc Lầu
Cung Thiềm gắng bước cho mau
Thoát ba Thần Phẩm đứng đầu Tam Thiên
Khá tỉnh thức tiền duyên nhớ lại
Ðoạn cho rồi oan trái buổi sinh
Ðem mình nương bóng Chí Linh
Ðịnh tâm Chí Thánh mới gìn ngôi xưa
Hồn định tỉnh đã vừa định tỉnh
Phách anh linh ắt phải anh linh
Quản bao thập ác lục hình
Giải thi thoát khổ diệt hình đoạn căn.
Đức Nhất Nương Dao Trì Cung
Tam Giới Toàn Thư – 1764697987056096