Sống đơn giản
Tại sao một lối sống đơn giản ít dục vọng sẽ giúp ta dễ tu đạo?
Trong hàng đệ tử Phật, thì Ngài Đại Ca Diếp được xem là Hạnh đầu đà đệ nhất. Ngài sống đời rất đơn giản, luôn khắc khe với chính mình, từ bỏ mọi sự hưởng thụ về các món ăn, mặc và ngủ. Và đã được Phật rất khen ngợi, tán thán về công hạnh của Ngài.
Nay ta thử tìm hiểu vì sao với một lối sống đơn giản, ít dục vọng và sự ham muốn thì sẽ rất thuận lợi và tốt cho con đường tu của ta:
* Thứ nhất : Để đỡ tốn thời gian vô ích không cần thiết .
Vì nếu ta dành quá nhiều thì giờ vào việc ăn, mặc và ngủ thì ta sẽ không còn thời gian đâu nữa để tu tập, để niệm Phật, xem nghe pháp, tọa thiền, hay đi làm các việc phước thiện, việc công ích, việc từ thiện.
* Thứ hai : Để phá dần sự chấp thân.
Nếu ta cứ mãi chăm chuốc cho cái thân, như ăn cho mập, sợ ốm, sợ xấu, sợ nhăn da,càng sợ chừng nào thì cái chấp giữ về cái thân nhiều chừng nấy. Và khi thân bị bệnh, hay xấu đi thì ta sẽ rất đau khổ. Và khi chết thì ta cứ mãi giữ cái xác khô bên nghĩa địa , mà không chịu đi đầu thai, thì chỉ càng thêm khổ não, vướng kẹt.
* Thứ ba : Để tiết kiệm cái phước.
Ta thấy mọi người sinh ra trên đời đều có một lượng phước báu nhất định, do tạo từ nhiều kiếp trước. Nên sinh ra ta thấy có sự sai biệt về giàu nghèo, sống thọ hay không, đẹp hay xấu,…Đều do cái phước quyết định.
Nay ta cứ mãi ăn tiêu sang trọng, dùng hàng hiệu, hưởng thụ phung phí,…thì làm cho lượng phước báu ta bị tiêu tốn. Và khi hết phước cuộc sống ta sẽ khốn khổ, bất an tâm, và khó tu, hay bỏ tu .
* Thứ tư : Để duy trì giới luật, giúp tâm an định.
Khi ta không hưởng thụ, sống đời đơn giản, chăm chỉ tu tập. Thì tâm giảm đáng kể việc phóng ra ngoài, để đuổi bắt, để tìm kiếm, để thỏa mãn dục vọng. Khi đó sáu căn đang bị thu nhiếp, duy trì được chánh niệm, và tâm định cũng từ đây mà sinh ra, trí tuệ cũng theo đó mà xuất hiện.
Tuy nhiên để giữ tròn bốn điều trên cũng chẳng hề dễ dàng chút nào. Nhưng những ai làm được thì người đó sẽ có công đức rất lớn. Đường tu sẽ tiến khá nhanh, khá sâu. Và luôn được Phật và Chư Thánh tán thán, khen ngợi và trợ duyên.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư Sĩ Nhuận Hòa

FB: Tu học mỗi ngày –
Sự nghèo khó là kho tàng
Có một Bậc Thầy trí tuệ đã dạy các đệ tử rằng :
«Sự nghèo khó là kho tàng, con đừng bao giờ đổi chúng để lấy một đời sống dễ dãi ».
Khi một người phát tâm tu, tu đúng cách và thật nghiêm túc, nghiêm khắc với chính họ. Thì không bao lâu sau, phước báu của người đó sẽ tăng.
Và cuộc sống người đó sẽ xuất hiện rất nhiều may mắn, và họ sẽ không còn cảm giác thiếu hụt, thiếu tiền nữa.
Đây là một sự thật.
Khi ta đã đi trên con đường tu hành và thọ nhận các giới cấm. Nếu một người bên ngoài nhìn vào một Bậc thật sự tu. Ta thấy họ rất giản dị, từ cách ăn , họ ăn rất đơn giản, đạm bạt.
Về cách mặc, thì nhìn họ có vẻ lùi sùi, ít chú trọng về chải chuốc, hình thức.
Khi đi, khi đứng, khi nói hay im lặng, đề hiện lên vẻ đẹp, nét đẹp của từ bi, nét đẹp của một tâm hồn cao thượng, nét đẹp của sự thuần khiết.
Tại sao Bậc Thầy lại dạy rằng :
«Sự nghèo khó là kho tàng»
Sự nghèo khó ở đây không có nghĩa là bạn thiếu phước nghèo khổ. Mà là bạn rất giàu, nhưng bạn khước từ sự hưởng thụ.
Và chấp nhận sống một đời đơn giản, thanh bần.
Tại sao nói «Sự nghèo khó là kho tàng» ?
Kho tàng chính là nơi sẽ cất giấu «bảo vật», nơi sẽ lưu giữ những sự quý hiếm.
Đức hạnh và trí tuệ của bạn chỉ thực sự hé mở khi mà bạn từ bỏ mọi sự hưởng thụ.
Đây là một điều ít ai ngờ tới.
Cảnh giới hạnh phúc trong Sơ Thiền là do tâm ly dục phát sinh ra.
Ly chính là sự lìa bỏ, là sự rời khỏi.
Tất cả những sự hưởng thụ như thèm ăn, thèm uống, thèm ngủ, mê dục nam nữ, mê chơi,…v.v.. Đều bắt nguồn từ một trạng thái tâm chi phối đó là «Tâm tham».
Khi tâm tham ngự trị trong ta, thì chúng sai xử, chúng thúc ép, chúng chiêu dụ. Để ta phải làm theo, để ta phải sa lưới.
Và cách khắc chế chúng, chính là luyện tập sống đời đơn giản, thanh bần, ly mọi dục lạc, rời bỏ mọi sự hưởng thụ.
Nếu bạn làm được vậy thì bạn đang mở cánh cửa của đạo hạnh, chuẩn bị bước vào ngôi nhà giải thoát.
Vì giải thoát chính là thoát khỏi mọi sự buộc ràng, tâm tự tai tuyệt đối.
Lời dạy của Ân Sư thật giản dị mà thâm trầm trí tuệ.
Là một bài học quý giá để chúng ta chiêm nghiệm, cũng như áp dụng vào trong đời tu của chính mình, giúp mang lại an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –