Sòng phẳng thuế xăng dầu
Đại diện một doanh nghiệp vận tải chia sẻ với tôi, chi phí xăng dầu cho một xe container từ TP HCM ra Hà Nội và ngược lại hiện đã chạm 50 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với cuối năm ngoái.
Chi phí cầu đường, ăn uống cho tài xế cũng tăng. Anh nói, nếu không nâng giá cước chở hàng, doanh nghiệp vận tải buộc phải ngừng hoạt động. Còn tăng cước, giá hàng hóa ra Bắc vào Nam tiếp tục “leo thang”.
Ở Hà Nội, tôi biết rõ giá hàng hóa từ rau quả, thực phẩm đến dịch vụ tháng này đã cao hơn tháng trước. Các bà nội trợ đã thắt lại chi tiêu; nhân viên công sở nhiều người chuyển từ ôtô riêng sang đi xe máy, từ xe máy sang xe buýt… Giá xăng ngấm vào mọi ngóc ngách đời sống, từng ngày từng ngày một.
Đầu tháng 1/2022 giá xăng E5RON92 còn ở 23.159 đồng/lít, đến ngày 21/6 năm nay đã “nhảy” lên 31.300 đồng, tăng 35,2%. Cùng thời gian trên xăng RON95 biến động mạnh hơn, từ 23.876 đồng/lít lên 32.870 đồng, tăng 37,7%.
Tháng 6/2008, khi giá dầu thô quốc tế chạm mức cao nhất lịch sử, hơn 147 USD Mỹ/thùng, giá xăng bán lẻ trong nước vượt 19.000 đồng/lít. Giờ giá dầu thô thế giới quanh 110 USD Mỹ/thùng, thấp hơn giá đỉnh, giá xăng trong nước gần 33.000 đồng/lít – một sự chênh lệch quá lớn.
Xăng dầu tăng giá, người dân “thắt lưng buộc bụng”, dè xẻn chi tiêu và bớt sử dụng dịch vụ; doanh nghiệp điêu đứng. Nhưng hiện nay, mỗi lít xăng đến tay người dùng được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 – 2.000 đồng (sau khi đã giảm). Ước tính tỷ trọng thuế trong cơ cấu giá xăng dầu khoảng 30%.
Khi giá xăng trên dưới 23.000 đồng/lít, 30% thuế các loại, cộng các chi phí định mức, chi phí vận chuyển khác… tính ra là 7.000 đồng/lít. Nay giá xăng gần 33.000 đồng/lít, tổng tiền thuế phí xấp xỉ 10.000 đồng/lít. Đầu năm xây dựng dự toán thu ngân sách, Bộ Tài chính lấy mức giá dầu thô quốc tế 60 USD Mỹ/thùng. Năm tháng đầu năm nay giá dầu thô thế giới bình quân 99 USD Mỹ/thùng như dữ liệu tính toán của Bộ. Nhưng Bộ vẫn đắn đo việc giảm ba loại thuế kể trên.
Cuối quý 1/2022, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế môi trường 2.000 đồng/lít xăng và được Quốc hội chấp thuận áp dụng từ đầu tháng 4. Mới đây, Bộ đề xuất giảm tiếp thuế môi trường thêm 1.000 đồng/lít. Bộ đã chọn giảm loại thuế thu theo số tuyệt đối, chứ không giảm mức thuế; nên tính ra không giảm được bao nhiêu.
Lý do không giảm ba loại thuế còn lại, được Bộ Tài chính nhấn mạnh, là ảnh hưởng đến thu ngân sách. Tuy nhiên thu ngân sách từ xăng dầu chỉ giảm trong hai trường hợp, hoặc giá xăng dầu giảm, hoặc tổng lượng tiêu thụ xăng dầu của cả nước đi xuống. Bộ Công thương ước tính nhu cầu xăng dầu năm nay khoảng 20,6 triệu m3 và về dài hạn tăng khoảng 4-6% mỗi năm. Cả hai yếu tố đều thuận lợi, đã và đang tăng.
Thêm nữa, Bộ Tài chính vừa công bố đến ngày 5/6, thu ngân sách đã đạt 825.100 tỷ đồng, bằng 58,4% dự toán năm và cao hơn nhiều cùng kỳ năm ngoái. Thời gian còn gần bảy tháng cho số thu ngân sách bằng 41,6% dự toán năm là một dư địa rộng rãi để thực hiện.
Do tầm quan trọng tối cao của giá xăng dầu trong việc kiềm chế lạm phát và để đảm bảo đo lường chính xác nhất có thể mức lạm phát thật, nhằm giúp Chính phủ và các bộ, ngành khác có quyết sách phù hợp trong điều hành nền kinh tế, an sinh xã hội, Bộ Tài chính nên công khai minh bạch số thu ngân sách từ xăng dầu từng quý, dự toán thu cả năm cũng như dự báo số thu trong thời gian còn lại của năm từ nguồn này. Việc công khai sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và Quốc hội hiểu đúng, đánh giá đúng sự cần thiết điều chỉnh các yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu, trong đó có các sắc thuế.
Xăng dầu như là huyết mạch của nền kinh tế. Giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh đang khiến mạch máu nghẽn lại, đẩy hàng nghìn doanh nghiệp vào nguy cơ hoạt động cầm chừng hoặc dừng hẳn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, khoảng một nửa tàu cá khai thác thủy sản tại các địa phương phải ngừng hoạt động do giá xăng dầu tăng cao. Vừa trải qua đại dịch, doanh nghiệp lại tiếp tục vật lộn với giá xăng dầu, nguyên liệu. Dù không muốn, doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài thu hẹp lợi nhuận, tiết giảm chi phí, trong đó có chi phí tiền lương cho người lao động. Hậu quả là doanh nghiệp nộp thuế ít hơn. Thu nhập giảm khiến người lao động thắt hầu bao. Nếu không có quyết sách đặc biệt, kinh tế sẽ đình trệ, khó phục hồi và suy thoái không phải không nằm trong kịch bản xấu.
Cách tốt nhất để thu ngân sách bền vững là nuôi dưỡng các nguồn thu. Tận thu, củng cố ngân sách có thể mang lại cái lợi trước mắt nhưng sẽ kéo theo cái hại lâu dài.
Hải Lý
Nguồn: https://vnexpress.net/song-phang-thue-xang-dau-4481378.html
Bạn đọc comment
ntkha1985 nói thì nhiều, lý do cũng nhiều, nhưng cuối cùng thì thuế ko giảm.
dangdungcdt Xăng là mặt hàng đặc biệt, len lỏi mọi loại mặt hàng , mọi dịch vụ.
Cần có quỹ bình ổn để đảm bảo 1 mức giá duy trì hàng năm, xăng giảm thì bù, tăng thì giảm.
An cư mới lạc nghiệp, ổn định mới phát triển. Xăng tăng 1, các mặt hàng, dịch vụ tăng 10. Mà tăng thì không có giảm!
Độc giả Anh Vũ giấu tên mạnh dạn phát biểu@dangdungcdt: Báo cáo với bạn, bằng các nước giàu trên thế giới còn chả làm được chuyện giá dầu bình ổn theo năm, nghĩ gì mà đòi chúng ta làm được?
Tiếp nữa, giả sử để sang năm xăng của chúng ta không vượt quá 50k, thì quỹ bình ổn ngay từ bây giờ phải cố định giá 50k, cho dù giá thế giới xuống 5 hoặc 10k
Jamen_vns @dangdungcdt: Nói giá thị trường chỉ có tăng mà không giảm là phiến diện đó bạn! Bản chất việc hoạt động của quỹ bình ổn không giúp giá xăng – dầu bình ổn, mà khiến mọi thứ tệ hơn khi giá thế giới biến động mạnh! Còn giá cả các loại mặt hàng thiết yếu thì khi tăng lên, sau đó cũng giảm : quy tắc cung cầu. Ví dụ đơn giản nhất là giá thịt heo, trứng.v.v nó thay đổi chứ không phải chỉ tăng. Còn chính cơ chế hoạt động của quỹ bình ổn khiến giá cả các mặt hàng trong nước chỉ tăng và giảm thì cực nhẹ! Chính xác nhất phần quỹ bình ổn phải được sử dụng để dự trữ xăng dầu của nhà nước: khi giá thấp thì liên tục mua dự trữ, khi giá cao thì xả lượng dữ trữ này ra thị trường: tăng cung khiến kìm giá tăng. Còn chúng ta lại ‘dự trữ bình ổn’ ở phần tiền: hoàn toàn là theo dự đoán cảm quan, bỏ qua yếu tố thị trường. Sự điều phối này thiếu hiệu quả trong thực tế, vì bản chất là chúng ta chỉ nhập 1 lượng cố định cho thị trường–> giá thế giới tăng mãi thì quỹ sẽ lập tức âm vì chủ xăng dầu om hàng báo cáo ảo không kiểm soát, còn giá thế giới giảm thì quỹ lại thu tiền khiến giá ko thể giảm ngay! Đã là bình ổn, thì phải có ‘hàng cung ra’ mới bình ổn, còn không có hàng chỉ ra công văn, họ trả lời hết xăng cũng thiếu cơ sở luật pháp để xử lý!
hachanthanh2310 Giảm giá xăng dầu sẽ kích thích nền kinh tế, sẽ tăng thu nhập cá nhân hoặc doanh nghiệp, dẫn tới thuế thu nhập sẽ tăng cao, thay vì đánh thuế xăng dầu thì thu thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp tôi thấy cả xã hội đồng tình! Hơn nữa nếu tính trên bình diện tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng cao hơn nữa !
vũ hải dương Thuế xăng dầu hay thuế tncn, thuế tndn sẽ thu được dễ hơn??? Bạn tìm hiểu đến đâu rồi mà nói như thế
Walle Hoặc là tăng thuế phí cho mặt hàng thuốc lá, rượu bia (vốn đang trong nhóm “rẻ nhất thế giới”), ngoài mấy ông bợm nhậu ra thì chắc cũng chẳng có ai phản đối =))
thongha @vũ hải dương: Còn bạn hiểu đến đâu về các luật quản lý thuế mà lại hỏi vậy, còn thu dễ hay khó là do trình quản lý của con người nha bạn.
tangvanphuong @thongha: Quá khó, t làm công ty, tổng thu nhập ~ 20 triệu, nhưng có nhiều cách để công ty và người có thu nhập tránh thuế này. Như tiền lương cứng chuyển khoản và đóng bảo hiểm trên lương đó, còn tiền kpi thì tiền mặt. Nói đâu xa, các bà bán trà đá tháng thu nhập vài chục triệu, hàng ăn tháng có thể trăm triệu nhưng thuế quá ít, hoặc không thu được vì họ kê khai doanh thu thấp.
nguyenvan31011983 @vũ hải dương: Khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu thì thu như vậy sẽ ảnh hưởng đến đại đa số người lao động có thu nhập thấp. Còn Thuế TNCN hay thuế TNDN nó chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nào đó thôi. Nếu cố gắng thu thuế nhiều, rồi quản lý không chặt chẽ làm thất thoát sẽ làm khổ nhiều người lắm.
Jamen_vns @tangvanphuong: – Thuế (VAT): hàng hóa từ nhà sx ra đã có vat rồi, qua thương mại cũng mất thêm vat, tới tay đại lý rồi khách hàng lần nào cũng thêm vat! VAT – thuế giá trị gia tăng: thương mại không làm gia tăng giá trị sản phẩm, –> sự mâu thuẫn đẩy giá thành sp cao hơn, và thuế thu nhiều hơn cho 1 mặt hàng không ‘gia công, sx’ thêm!
– Ngoài VAT thì ít nhất là thu thuế môn bài, thuế thu nhập ( dựa trên phần lãi)–> nếu trong vat đã có tính cả phần ‘lãi’ của họ rồi, lại tính thêm sau khi họ dùng ‘lãi’ này chi ra cho các chi phí khác : nhân công, khấu hao…
– ‘lãi’ này 1 phần về thu nhập cá nhân người lao động: tiếp tục thu thêm ‘thu nhập cá nhân’ – một khoản tương tự ‘lãi’ khác: thu nhập cao hơn một mức thu nhập tối thiểu dùng để chi trả cuộc sống hàng ngày.
– Và quan trọng nhất, đóng thuế là nghĩa vụ – ok, tất cả phải đóng, đúng! Nhưng đồng thời nó là quyền lợi: sự đóng góp cần được ghi nhận! Chúng ta đóng thuế, để được đáp lại điều gì đó: môi trường sống, giao thông công ích, dịch vụ an sinh xã hội & quan trọng nhất là sự công bằng giữa các cá thể, đơn vị đóng thuế: tôi đã đóng thuế cho cục thuế, thì cục thuế & nhà nước phải có sự bảo đảm quyền ưu tiên dành cho người đóng thuế: các vụ việc kiện tụng tranh chấp thì người đóng thuế, đơn vị đóng thuế cuối cùng (gánh tất cả các chi phí thuế) phải được ưu tiên giải quyết bù đắp tài sản thiệt hại.
nguyenvanthang.ky Bài viết rất hay, cám ơn tác giả Hải Lý đã nói hộ suy nghĩ, nỗi lo chung của cộng đồng.
Thanh Thanh Chồng em nổi tiếng bê tha,
Bia rượu, thuốc lá thiếu là lên cơn.
Giờ thêm xe máy cũ sờn,
Xăng dầu ổng nghiện còn hơn đàn bà!
Tính thuế xăng dầu bán ra,
Tiêu thụ đặc biệt đúng là không sai.
Hàng xa xỉ hạn chế xài,
Tối ngày ổng ở dài dài với em!
Vũ văn nam Quá chuẩn. Tiền năm nay tiêu chả khác gì lá đa. Làm ko đủ trang trải cuộc sống, lạm phát phi mã.
themindiseverything78 Tôi thấy giá xăng tăng cao đang gây áp lực lớn cho cả hoạt động của doanh nghiệp và đời sống thường nhật của người dân. Chính phủ nên xem xét hạ các loại phí đánh vào giá xăng để nền kinh tế có động lực hơn, giữa lúc kinh tế toàn cầu đang ảm đạm như lúc này.
Đành rằng nguồn thu ngân sách từ xăng là lớn, nhưng nếu giá xăng cao (và còn có thể cao hơn) thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chi tiêu của người dân sẽ rất khó duy trì, như vậy thì các nguồn thu ngân sách khác sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Rất nên cân nhắc!
myle010118 giá xăng dầu tăng cao ngân sách có nguồn thu cao, nhưng những ngành nghề khác giãm- nguồn thu mất. còn hạ thuế, phí xăng dầu- thì nguồn thu có giảm, nhưng ngành nghề khác phát triển…kéo theo nguồn thu tăng. cán bộ ngành nên có tầm nhìn chiến lược, giúp nền kinh tế phát triển
victorskvn @myle010118: nếu mất nguồn thu từ các ngành nghề khác thì kéo theo thất nghiệp , doanh nghiệp phá sản hoặc không còn năng lực cạnh trạnh với các nước. ngoài ra còn làm cho lạm phát tăng ca sẽ mất thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào quốc gia.
tusardeva Nên giảm hoặc bỏ hẳn Thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm giá xăng dầu và hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kt hồi phục.
Bản chất Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế giá trị gia tăng đều là thuế gián thu, đánh vào khâu cuối trong quá trình lưu thông. Việc duy trì song song hai loại thuế này thực chất là thuế chồng thuế và ko cần thiết. Thuế nhập khẩu nên duy trì để bảo hộ sx trong nước. Thuế môi trường có mục đích riêng, nên giữ.
bqtitp Mặt hàng xăng dầu nó cũng như bao mặt hàng hóa khác, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đầu vào cho mọi ngành sản xuất và đi lại của người dân vì vậy chỉ nên đánh thuế giá trị gia tăng là đủ, còn các loại thuế khác nên bỏ đi với mặt hàng thiết yếu này.
tusardeva @bqtitp: Thuế nhập khẩu nếu bỏ sẽ khiến các nhà máy lọc dầu trong nước gặp khó vì ko thể cạnh tranh nổi với hàng nhập giá rẻ. Những nhà máy này nếu thua lỗ, phá sản thì sẽ thất thu lớn từ thuế thu nhập của họ và thuế thu nhập cá nhân của nhân viên họ. Hơn nữa, hàng chục nghìn lao động có thể mất việc làm, gây hệ lụy lớn cho XH. Công nghiệp lọc hóa dầu tạo ra rất nhiều sp (ngoài xăng dầu) như nhựa đường, amoniac dùng cho sx phân bón, thuốc nổ, túi nylon v.v Vì vậy nếu ngành này gặp khó thì nhiều ngành khác cũng sẽ khó theo nhé. Thuế bảo vệ môi trường vừa rồi đã giảm, nếu duy trì cũng ok nhưng phải dùng tiền thu thuế này để cải thiện môi trường. Thuế VAT thì ko thành vấn đề lớn vì sẽ được hoàn sau (đối với các doanh nghiệp vận tải). Vì vậy, mình nghĩ bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt là hợp lý. Nếu bỏ thuế này thì giá xăng có thể giảm khoảng 2000-3000đ/l.
giangle79 Cám ơn nhà báo Hải Lý đã dám nói thẳng nói thật vào vấn đề. Cốt lõi của giá xăng lập đỉnh ở Việt Nam chẳng qua là quá nhiều loại thuế chồng lên. Trong khi giá xăng thế giới hiện đang không cao bằng đỉnh 06/2008. Đề nghị Bộ Tài chánh điều chỉnh lại giá xăng hợp lý hơn để thúc đẩy nền kinh tế sau Covid..
video3dview Ai cũng biết xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp lên ít nhất 10 nhóm mặt hàng thiết yếu, nếu giá xăng dầu tăng quá cao đồng nghĩa với việc các mặt hàng tăng cao, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu ảnh hưởng đến DN sản xuất trong nước. Các loại hàng hóa nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường, nền kinh tế sẽ bị thiệt đơn thiệt kép, hậu quả lâu dài đến phát triển đất nước
phamvanquyctn Bài viết của nhà báo Hải Lý rất thuyết phục. Đừng vì giá CIF tăng mà mọi công dân phải chịu tổng số thuế, phí tính theo tỷ lệ % tăng theo. Người hưởng lợi trong tình huống này chính là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và ngân sách.Nhưng xét trên bình diện toàn xã hội thì chắn chắn là không có lợi. Người dân, doanh nghiệp sẽ giảm chi tiêu, sản xuất sẽ bị tác động mạnh theo chiều hướng xấu đi, vì vậy thuế, phí của những mặt hàng khác sẽ bị giảm thu. Đề nghị Nhà nước nhanh chóng xét giảm giá xăng dầu.
Tim Apple Vậy nên nuôi dưỡng nguồn thu hay tận thu? Tôi rất kết câu cuối. Mà nghe nói muốn giảm 1000 đồng thuế môi trường cũng cần phải họp tới họp lui và nếu được thông qua thì đến tháng 8 mới thực hiện được. Quá rõ ràng là việc điều hành giá xăng dầu quá ư là bất cập, chưa theo kịp đời sống kinh tế của người dân hay cả nền kinh tế. Và với tình hình hiện tại những người dân có thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Mong nhà điều hành tích cực và quyết định thật nhanh để ổn định tình hình. Không thể chậm hơn được nữa vì càng chậm kinh tế bị ảnh hưởng lại càng lớn.
Victor Người dân làm gì có lựa chọn.
nguyenvuthinh2001 Chậm giảm giá. Làm tăng lạm phát. Chi phí xăng mức thu nhập bình quân đầu người lên đên 20% vậy có lạm phát không.
Quang Huy mặt hàng như thuốc lá, rượu bia nên đánh thuế mạnh để bù ngân sách
An Dân Nếu giảm thuế xăng dầu thì giảm ngay và luôn – chứ bàn tới bàn lui,chần chừ thì khi lạm phát đã tăng nhanh ,giá cả hàng hoá leo thang thì lúc có giảm cũng khó mà kéo xuống đc – lúc đó là vô ích
tannghia1959 Xăng dầu tăng thì các loại thuế của nó tăng theo. Năm nay thu ngân sách qua xăng dầu sẽ có thể vượt chỉ tiêu, trong khi người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng.
Hiếu Nguyễn chỉ cần nhìn vào đây là biết người dân phải gánh oằn mình thế nào: “Tháng 6/2008, khi giá dầu thô quốc tế chạm mức cao nhất lịch sử, hơn 147 USD Mỹ/thùng, giá xăng bán lẻ trong nước vượt 19.000 đồng/lít. Giờ giá dầu thô thế giới quanh 110 USD Mỹ/thùng, thấp hơn giá đỉnh, giá xăng trong nước gần 33.000 đồng/lít – một sự chênh lệch quá lớn”
abc Thật ra bài toán còn thiếu một vế. Năm 2008 1 USD tương đương bao nhiêu VNĐ và năm 2022 1 USD tương đương bao nhiêu? Đúng là cần giảm thuế nhưng đừng quên nhìn vào thực trạng đồng tiền mất giá.
yeuem_gioanhmoibietminhsai2000 @abc: 2008 1U~ 16k , 2022 1U~24k
tuanccdsbg Công cụ hiệu quả nhất lúc này chính là bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đi. Xăng là mặt hàng thiết yếu của cả nền kinh tế như điện, nước, lương thực, thuốc men… chứ ko phải là hàng hóa đặc biệt, hàng hóa sa sỉ.
quyettd0706 Tác giả phân tích rất đúng bản chất vấn đề.
Nguyen Nguyen NÊN HỌP VÀ QUYẾT SỚM ĐỂ GIẢM THUẾ NGAY, HẠ GIÁ XĂNG DẦU TRƯỚC KHI CÁC CHI PHÍ KHÁC TĂNG THEO, VÌ KHI ĐÃ TĂNG THÌ RẤT KHÓ GIẢM QUAY TRỞ LẠI. VẬY HÃY GIẢM NGAY THUẾ ĐỂ GIẢM GIÁ XĂNG, BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG, MỚI CÓ TÁC DỤNG KIỀM CHẾ LẠM PHÁT. ĐẤY CŨNG LÀ MỘT CÁCH ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ BẰNG CHÍNH TIỀN THUẾ CỦA NHÂN DÂN
Nguyễn giang Giá xăng 23k/l thuế 7k. Giá xăng 32k/l thuế 10k. Nếu chọn phương án giảm thuế xăng dầu để doanh nghiệp tăng lượng sử dụng và phát triển rồi lại đóng thuế cho NN sẽ có lợi hơn khi xăng ko giảm buộc DN phải cắt giảm sản xuất
Nguyễn Quang Anh Giảm các loại thuế phí là giảm giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào của các ngành. Cần cân đối lợi ích của người dân; doanh nghiệp và nhà nước.
quocnk cũng cần công khai việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu
Quang Huy bài viết hay quá. dân như mình chỉ biết tăng bao nhiêu thì mua chứ có biết thuế phí ra sao đâu.cảm ơn chị
Đặng Quý Dương Nay đi ăn bát phở lên 50.000đ thế mới thấy giá xăng tác động ghê gớm thế nào
duc hiep nhìn giá xăng 2008 đủ biết lạm phát ở vn cao cỡ nào rồi, rõ ràng chúng ta càng ngày càng khó khăn. hãy bình ổn giá xăng và BĐS.
hung781919 Like nhiệt tình cho bài viết này. Nói đúng nỗi lòng của nhân dân. Nhưng liệu dân gọi có ai trả lời????
linhnv.slhpc Cảm ơn chị. Bài viết rất hay
Thuy Vu Cứu nền kinh tế trước khi lo thất thu thuế
130496hang Năm 2018 lương 8 triệu/tháng, xăng chưa đến 20 000 đ/ lít. Năm 2022 lương vẫn 8 triệu/ tháng nhưng xăng hơn 32000 đ/ lít.
Giá dầu thế giới 147us/ thùng. Giá xăng 19000đ/ lít. Bây giờ 110usd/ thùng thì giá xăng hơn 32000đ/lít.???.
Đời sống người dân chật vật với giá xăng quá cao.
alancabata Người dân thắt lưng buộc bụng hay không thì hãy nhìn vào quán bia, vẫn cứ tấp nập thì dân vẫn còn giàu lắm
sonham123 Đã bảo người Việt ưa hưởng thụ mà lại. Nắng nóng thế này ai chẳng thèm cốc bia
victorskvn có không ít người làm bao nhiêu xài hết bấy nhiêu, chứ không phải dân mình giàu đâu
hoanggtuann.3979 giảm cái đi kèm theo nhiều lợi ích giảm lắm. nói mãi cũng chán thôi
Duy Quang Tính đơn giản thôi, xăng dầu giá cao buộc tiêu thụ giảm, tức là giảm doanh thu xăng dầu. Doanh nghiệp vận chuyển tạm ngưng hoạt động, tàu bè đánh cá trùm mền chi phí cao nên doanh nghiệp lỗ, phá sản, mất nguồn thu thuế, lao động thất nghiệp, nhà nước lại trợ cấp.v.v. Nếu không có động thái nhanh chóng, kinh tế sẽ đổ theo kiểu domino, sẽ giống như đợt đại dịch vừa qua – mà muốn phục hồi nó, không hề dễ!
ngocdht Mong nhiều nhà báo cùng viết bài lên tiếng, nói hộ nỗi lòng của người dân
dalongktv Cảm ơn bài viết của nhà báo Hải Lý đưa ra những con số chính xác và cách nhìn chân thực về giá xăng dầu hiện nay, việc nuôi dưỡng nguồn thu và tìm ra nguồn thu mới là vấn đề cáp thiết để các bộ mạnh dạn trong việc điều chỉnh thuế đối với mặt hàng xăng dầu.
PD Minh Phuoc Tốt nhất là nên bỏ thuế xăng dầu tránh lạm phát, lạm phát thì tiền thu thuế cũng giảm giá trị.
lephucvimcc Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả!
nguyenngocgiao258 VỪA TRẢI QUA ĐẠI DỊCH, MN QUÁ VẤT VẢ.
GIỜ LẠI QUA ĐẠI TĂNG GIÁ, MN LẠI VẤT VẢ HƠN.
nguyenchidanh12345678910 Không biết các cấp quản lý có đọc và ngẫm bài này không
Hùng thuế là nguồn thu chính của ngân sách quốc gia mà…
Lee Cảm ơn tác giả và báo Vnexpress đã nói lên nỗi niềm rất bức xúc của dân chúng tôi suốt thời gian qua, chúng tôi mong những ý kiến đại diện cho nhân dân này sẽ được hành động nhanh chóng nhất để nhân dân chúng tôi đỡ khổ và vất vả ạ, trân trọng cảm ơn!
Mr.LongVN ko còn là nơi thuận lợi cho các DN phát triển khi chịu quá nhiều sức ép
dansidc tôi cứ thắc mắc như vậy từ mấy năm nay rồi vì đâu xăng dầu quốc tế thì tăng ít mà trong nước cứ lập đỉnh của chóp thế, giờ mới hiểu tại sao giá nó lại cao như vậy
tkgame7k Không giảm vì nó ảnh hưởng đến nguồn thu, “Nguồn Thu”, “NGUỒN THU” đấy. Nên chắc không có khả năng giảm đâu.
ngothaibinh69 Đây cũng là 2 mặt của vấn đề. Giảm giá xăng dầu thì kích thích nền kinh tế, đẩy nộp ngân sách cao lên. Nếu giá xăng dầu cao quá, nhiều doanh nghiệp tê liệt thì cũng ko có doanh số mà nộp thuế vào ngân sách. Ngoài ra, xăng dầu giá cao người dân hạn chế chi tiêu do giá cả các mặt hàng khác đều tăng theo, có sản xuất cũng không bán được nhiều hàng hóa.
Đinh Văn Binh Khổ nhất là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Về lâu dài thì người tiêu dùng đặc biệt Khổ. Khổ vì khi xăng giảm thì doanh nghiệp trực tiếp hết khó khăn, nhưng người tiêu dùng sẽ khổ mãi vì giá hàng hoá lên thì ít khi giảm thậm chí không giảm nữa, dù chỉ xăng dầu giảm. Ví dụ : 1 lon bia khi xăng không tăng mua lẻ 10k, giờ tăng 11,12k khi xăng giảm họ vẫn bán 11,12k chứ không bán 10k nữa.
HMTôi thấy giá ethanol thế giới ổn định suốt vài tháng qua. Không biết phương án xăng sinh học 10% -15% có giúp ích gì không, có trở ngại gì trong khả năng cung ứng, pha chế, tồn trữ hay không? Chưa kể các bước thử nghiệm, quy chuẩn, và nhất là làm PR với người tiêu dùng.
Dù sao cũng nên có tiếp cận, đánh giá hướng này. Nếu có lợi ích, cũng là hành động bù đắp ( danh nghĩa) cho việc giảm thuế môi trường vừa qua
lhoangvp Ai đó có thể giải thích giúp không ? Thật hại não! khi giá dầu thô tháng 6/2008 147$ thì giá xăng trong nước trên 19 ngàn đồng. Còn hiện nay giá dầu thô thấp hơn mà giá xăng của ta lại là 33 ngàn đồng/ lít. Bảo sao cứ phải cải cách giáo dục mãi mà cựu sv như tôi bao năm rồi vẫn không giải được bài toán này
Nguyễn Phúc Hội Rất cần sớm có một giải pháp và quyết định đúng chuẩn mực đủ sức cho an sinh tình hình hiện nay!
130496hang Tác giả phân tích sâu chuẩn xác. Trân trọng cảm ơn rác giả.
Lê Trọng Nhân Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng dầu liệu có hợp lý ko? Khi nó là sản phẩm thiết yếu nhà nhà cần tới
nhtrong567 Cám ơn tác giả Hải lý , câu chuyện về xăng dầu tác giả đã nhìn ra mong các nhà hoạch định chính sách cũng nhận ra
Đặng Văn Hà Bao giờ thì bát phở cán mốc 10k / bát đây
Minh Thư Đỗ Từ đầu năm đến giờ giá cả mọi thứ phải tăng gần gấp đôi rồi, trong khi lương thì ko tăng. Giờ ra cây xăng mình chỉ hô đầy bình chứ ko nói khoảng tiền nữa, mà mỗi một lần đổ lại một số tiền khác, vẫn cây xăng đó
ductrungxnk247 Xin cập nhật thêm với tác giả là không chỉ mỗi giá xăng mà vàng, điện cũng đều tăng ạ !
Cu Bi Nguyễn Xăng dầu là dòng máu lưu thông của nền kinh tế và đời sống xã hội !
pray1vn Giá xăng giảm, kéo theo lạm phát giảm, người dân đỡ chắt bóp túi tiền của mình hơn thì rõ ràng nền kinh tế sẽ khỏe mạnh hơn. Xăng là mặt hàng thiết yếu, nó quan trọng như cơm ăn áo mặc hàng ngày vì vậy không thể nói rằng xăng là mặt hàng đặc biệt và cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Có thể tìm thêm nguồn thu thuế từ việc các doanh nghiệp được hoạt động trơn tru, thay vì dè dặt không cắt giảm thuế phí xăng dầu khiến các doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động. Tác giả nói đúng, nếu không giảm thuế, phí trong mỗi lít xăng dầu thì cái lợi trước mắt dễ thấy, nhưng cái họa lâu dài là một nền kinh tế èo uột và thất thu lâu bền.
Định hữu:THU THUẾ XĂNG DẦU Ở MỨC CAO NHƯ HIỆN NAY THÌ NÓ ĐÁNH THẲNG VÀO NỀN KINH TẾ KÉO THEO HỆ LUỴ LÀ GÁ CẢ TẤT CẢ CÁC MẶT HÀNG ĐỀU NHẢY MÚA,NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐÓNG CỬA HOẶC HOẠT ĐỘNG CẦM CHỪNG,ẢNH HƯỞNG RẤT LỚN ĐẾN GDP CỦA ĐẤT NƯỚC.
nguyentrungthanh Bài viết xuất sắc
aloha Xăng dầu mà chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt với lý do nguồn tài nguyên có hạn, đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt để khuyến khích giảm, tôi thấy vô lí quá, vì chả ai muốn sử dụng lãng phí cả, dù có thuế hay không thuế.
Thái binh Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế và người dân, vậy lý do gì lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Đề nghị xóa bỏ loại thuế này đối với xăng dầu. Thuế là công cụ điều tiết vĩ mô và là nguồn thu chủ yếu của ngân sách vì thế điều chỉnh thuế cần tính toán cẩn trọng. Trong thời điểm hiện tại nên giảm kịch sàn các loại thuế để ổn định lạm phát, kích thích tăng trưởng lấy thuế từ sự tăng trưởng chênh lệch bù cho nguồn thu từ xăng dầu là hợp lý.
binh tam Em kiến nghị ban ngành xem xét giảm hay tạm ngưng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng cho mặt hàng xăng dầu để kích thích các ngành khác tăng trưởng như du lịch, vận chuyển hàng hóa để kích thích bán hàng được thuận tiện hơn. Em cảm ơn
Nguyễn Huy HoàngLợi ích hài hoà rủi ro chia sẻ, khi xăng tăng giá ảnh hưởng cuộc sống,kinh doanh nên giảm thuế chia sẻ với dân và doanh nghiệp
dunghuynhsy Giá xăng dầu càng cao thì thuế áp lên nó cũng càng nhiều nên việc ngân sách thu vào càng lớn chứ không có mất. Thay vì vậy cân nhắc việc giảm thuế phần nào cũng không mất đi khả thi giảm ngân sách thuế liên quan đến xăng dầu mà ngược lại kích thích cả nền kinh tế đi lên sẽ mang lại nguồn thu khác. Các nước trên thế giới ít nhất họ chưa phải là áp dụng một chính sách nào lâu dài nhưng họ lập tức làm ngay như giảm thuế trong vài tháng để chờ đợi sự thay đổi hoặc tìm ra giải pháp khác để dân ít nhất là bớt khó khăn trong 1 giai đoạn vượt khó.
thaonguyen17112019 Người dân phải cõng quá nhiều loại thuế cho 1 lít xăng.
Thành Được Việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến việc thu thuế, vậy Bộ TC đã cân đối rằng, mỗi 1l xăng tăng lên, sẽ làm giảm bao nhiêu % thu thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,… Tôi chắc chắn rằng 1 tháng trở lại đây hàng hóa đã tăng 10-15%. Việc quá chậm trong việc điều chỉnh giá xăng sẽ tác động tiêu cực đến toàn nền kinh tế.
khoapham0505 Giảm giá xăng dầu qua thuế phí chả tác dụng gì so với đà leo dốc của xăng dầu thế giới. Giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng do bất ổn địa chính trị trên thế giới và quy luật cung cầu thị trường.
Nguyễn Hải Đảo Các mặt hàng, dịch vụ đã tăng. Giờ giảm giá xăng xuống chỉ để kích cầu thôi chứ không giảm giá đâu.
lan nua tim lai năm 2008 chưa có điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới như bây giờ
ducnam01 Mong nhà nước tiếp thu ý kiến của dân. vì xăng tăng sẽ gây áp lực cho người dân. biết là nhà nước cũng có cái khó khi điều chỉnh giá xăng thì sẽ ảnh hưởng các mục tiêu tiêu trước đó. nhưng nếu nhìn vào hiện trạng bây giờ thì chúng ta có thể điều chỉnh giá xăng cố định để người dân yên tâm hơn ( vài ngày lại điều chỉnh tăng vài ngàn, có giảm thì chỉ giảm 100-500đ). chứ sáng sớm đi làm mà lại lo nghĩ đổ 50k xăng đi làm dc 1 ngày thì thật phải thắt lưng buộc bụng để nuôi xe chứ k phải là xe là công cụ để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình nữa…
dienquangmekong Giá xăng giảm, các mặt hàng khác giảm ko gây lạm phát, mới kích thích người tiêu dùng được
Nguyen Giang Chính phủ cần trợ giá xăng dầu theo mức hỗ trợ dựa trên chênh lệch dự toán thu từ xăng dầu và thực thu từng tháng hay từng quí cho người sử dụng.
phunghoang1060 Miễn hoặc giảm tất cả các loại thuế, phí có thể gây thất thu cho ngân sách, nhưng lại cứu được cả nền kinh tế vốn đã hồi phục rất chậm sau dịch.Không hiểu sao lại chưa thực hiên.Biết bao người dân đang phải gồng mình vì giá cả sinh hoạt hàng ngày.
Nguyễn Hồng Trường Thiết nghĩ giai đoạn này Chính phủ nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt về 0% hoặc giảm thuế nhập khẩu cho đến khi giá xăng trở lại ổn định thì tăng trở lại. Như vậy sẽ hợp lý và sòng phẳng hơn với DÂN!