Phân biệt «cách sống tùy duyên» và «lối sống buông lung»
Hai cụm từ tùy duyên và buông lung khi nghe qua chúng ta đã thấy có sự khác biệt rất lớn.
Ấy thế mà, có nhiều người lại hiểu cách sống tùy duyên thành lối sống buông lung, buông tuồng, phóng dật và… đọa lạc.
Chính vì thế, nên tôi mới viết bài này, để phân tích sâu hơn, để giúp Quí Vị có cái nhìn đúng, chánh kiến để tu tập. Thì đây là phước báu chung.
Sau đây ta cùng tìm hiểu :
1. Thế nào là một lối sống buông lung, phóng dật?
Khi các duyên, những điều kiện bên ngoài hỗ trợ, dẫn dắt để Quí Vị phải bị đặt trong những tình huống, những lối sống và lựa chọn.
Thế là Quí Vị chạy theo chúng và đánh mất chánh đạo, làm điều xấu ác.
Thì đây gọi là lối sống buông lung.
Ví dụ :
Trong một buổi tiệc liên hoan sinh nhật của một người bạn có đông người tham dự, và có cả Quí Vị nữa.
Ăn uống xong, còn ham vui, họ chưa chịu về, thế là họ rủ đi tăng hai, tăng ba.
Như tăng hai là đi uống rượu. Tăng ba là đi quán ba nhảy nhót. Tăng bốn là đi bia ôm.
Rõ ràng Quí Vị thấy, những hành động vui chơi như trên, với người tu đạo nó là phạm giới, sẽ dẫn đến sa đọa, trầm luân, và đau khổ, đọa lạc.
Khi duyên đưa đến như thế, lúc ấy với người trí, thì họ sẽ từ chối, không theo những người họ rủ rê và lập tức ra về, không có đi tăng hai tăng ba gì hết.
Thậm chí khi đi tăng một, là đi dự sinh nhật, thì cũng phải cần xem xét lại.
Sinh nhật họ làm gì?
Họ vui vì họ được sinh ra, rồi họ ăn nhậu, thậm chí giết chó mèo, heo gà rồi ăn.
Nhưng chưa hẳn họ đã sống tốt, thậm chí có rất nhiều người sinh ra trên đời chỉ để phá xã hội như người ăn trộm ăn cướp, buôn bán gian lận, mại dâm,…v…v….
Thì sinh nhật người ấy có gì phải vui, phải hãnh diện mà ta phải đi dự hay đi chúc mừng.
2. Thế nào là một lối sống tùy duyên ?
Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về lối sống thứ hai, đó là lối sống tùy duyên, hay cách sống tùy duyên :
Các nhân trong quá khứ, trong tiền kiếp Quí Vị đã tạo, nay chúng đã đến lúc phải trổ quả báo.
Như quả báo bị bệnh hiểm nghèo, bị thương tật, quả báo người thân yêu mất để Quí Vị phải cô đơn, quả báo bị sụp đổ trong làm ăn, quả báo phải sống nơi xa xứ, quả báo phải bị người ta đánh, bị chém,….v…v…
Vậy thì với một Bậc trí, khi quán xét thấy nhân duyên quá khứ như thế, và quả báo tương lai chắc chắn phải đón nhận.
Lúc này Bậc trí sẽ tùy theo các duyên đến mà đón nhận, chấp nhận (vì không thể làm khác được), chứ không than van, hay trốn chạy.
Như trong các kinh điển, Quí Vị thấy các Thiền Sư hay các Thánh Tăng đệ tử Phật. Khi nhân duyên trả quả báo đến, các Ngài trầm tư, sau đó chủ động, bình thản đón nhận quả báo đến.
Vào thời phong kiến, đất nước loạn lạc, có Thiền sư đắc đạo, Ngài quán thấy nhân duyên của mình phải mất bởi bị dao đâm.
Khi giặc kéo đến, Ngài nói các đệ tử đi hết, còn bản thân Ngài ngồi đó chờ. Khi giặc đến, hắn thấy Ngài vẫn uy nghi ngồi đó, hắn tức giận và phóng cây giáo đâm Ngài .
Ngài hét vang một tiếng và ra đi.
Đây chính là bản lĩnh thật sự của một người tu đúng nghĩa là «Dám đối diện với sự thật, chấp nhận trả quả xấu ác trước đây họ đã gieo mà không trốn chạy».
Do vậy, việc phân định thật rõ ràng rằng:
Đâu là sống buông lung, đâu là sống tùy duyên, sẽ giúp Quí Vị có chánh kiến, mà hành động cho đúng.
Để tránh hiểm nhầm «Tùy duyên» thành «Buông lung» để rồi có lối sống lai lầm, và đọa lạc.
Thì đây là điều Quí Vị không nên.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Xem thêm : Tu học mỗi ngày trên Ô-Hay.Vn
PHÂN BIỆT « CÁCH SỐNG TÙY DUYÊN » VÀ « LỐI SỐNG BUÔNG LUNG »Hai cụm từ tùy duyên và buông lung khi nghe qua chúng ta…
Người đăng: Tu học mỗi ngày vào Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020
Nguồn FB: Tu học mỗi ngày