Sư tử tuyết bờm xanh
The Snow Lion`s Turquoise Mane’ – Surya Das
- Nguyễn Tường Bách dịch
- Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM
Tập sách bạn đang cầm trên tay là bản dịch Việt ngữ của cuốn ‘The Snow Lion`s Turquoise Mane’. Cuốn này do Surya Das tập hợp các mẩu chuyện do các vị Lạt-ma Tây Tạng kể lại, được xuất bản năm 1992 tại Mỹ.
Các mẩu chuyện ngắn này nhắc nhở đến những chuyện liên quan đến các vị đạo sư, từ đức Thích-ca cho đến các vị hiện nay còn sống như Đạt-lai Lạt-ma. Phần lớn các mẩu chuyện này toát ra nhiều đạo vị, nhất là gián tiếp chỉ cho người đọc thấy triết lý của toàn bộ đạo Phật, đó là nhận chân ra rằng mọi hiện tượng muôn hình muôn vẻ của tâm vật chẳng qua đều là biến hiện của tự tính trong tâm thức mọi loài. Đó là tự tính vô thủy vô chung, bất sinh bất diệt, lại không hề rời xa con người, nhưng trực nhận ra điều đó là một quá trình tu học gian nan mà các mẩu chuyện này cũng có nhắc đến.
Mặc dù mang nội dung phức tạp như thế, các mẩu chuyện này lại hấp dẫn người đọc vì chúng nói về những nhân vật lịch sử, về những con người đã sống thật trên trái đất này. Các mẩu chuyện này cũng thú vị ở chỗ chúng không giống các mẩu chuyện Thiền tông Trung Quốc vốn sâu thẳm nhưng đầy tính nghịch lý khắc khổ còn ở đây nó mang đầy sự hóm hỉmh, tỏa ra một tắm lòng vô cùng nhân hậu. Nếu nhìn sâu xa, các mẩu chuyện này biểu lộ tính cách của Phật giáo Tây Tạng, mang nặng tính chất Mật tông, hay nói đúng hơn là Kim Cương thừa. Các mẩu chuyện nhắc nhiều đến nhiều phép tu học kỳ bí, đến các vị đạo sư lạ lùng, các loại trì chú đặc biệt hay các thần thông khó tin. Thế nhưng tất cả những phép tu đó đều là cách tu học của Dzogchen (Đại Thành)hay Mahamudra (Đại Ấn quyết), đó là phép tu truyền tâm nhằm trực nhận Phật tính trong tâm thức, nếu so với Thiền tông Trung Quốc thì không hề khác. Vì những lẽ đó, các mẩu chuyện này vừa mang tímh chính thống của đạo Phật, vừa thú vị với người đọc.Qua tập truyện này, người đọc sẽ hiểu pháp môn thì thật vô vàn khác nhau nhưng chúng chỉ muốn chỉ đến một tuệ giác duy nhất, thứ tri kiến nằm ngoài mọi ngôn từ, đó là chỗ đồng quy của mọi môn phái Phật giáo.
Xuất phát từ Ấn Độ, Phật giáo truyền qua được hai trung tâm lớn là Trung Quốc và Tây Tạng. Tại Ấn Độ, Phật giáo đã suy tàn sau thế kỷ 13 thì xem như đã không còn. Tại Trung Quốc sau một thời kỳ hoàng kim khoảng năm thế kỷ, Thiền tông đã khô kiệt từ thế kỷ 11. Ngày nay, trong thế kỷ 20 chỉ còn Phật giáo Tây Tạng là tiếp tục giáo hóa và bất ngờ thay, đang có những phát triển mạnh mẽ tại phương Tây. Nguyên bản cuốn sách này là một trong vô số kinh sách đang lưu hành. Vì những lẽ đó mà người dịch không ngại khả năng hạn chế của mình, cố dịch ra Việt ngữ để cống hiến cho độc giả Việt Nam. Ngoài nguyên bản cần phải dịch, chúng tôi đã đưa thêm vào một số hình ảnh minh họa thêm cho câu chuyện. Phần lớn các hình ảnh này được trích từ ‘Buddhistische Bilderwelt’ của Hans Wolfgang Schumann. Phần cuối cùng là ‘Chú thích của người dịch’ do chúng tôighi thêm nhằm giúp người đọc tra cứu.
Nếu tập truyện này mang lại vài giây phút trầm tư an lạc cho người đọc thì đó là niềm vui cao quý cho người dịch.
Cộng hòa Liên bang Đức, tháng giêng 1997.
Nguyễn Tường Bách
Học theo hạnh Từ bi của Đức Quan Âm
Một Lạt ma già nọ kiếm được một tảng đá bằng phẳng bên cạnh một cái hồ để chuyên tâm thiền định. Mỗi ngày ông đều ngồi đó. Đó là một cái hồ đầy ếch nhái chuyên ăn côn trùng. Nhưng cứ mỗi lần bắt đầu ngồi thế liên hoa để đạt tâm thức sâu kín của tự tính thì lại một lần ông thấy một côn trùng giãy giụa trong nước, dường như cần đến ông giúp đỡ. Lần nào cũng thế, vị sư già phải xuất thiền, lại cử động cái xương cốt đã già, lại giải cứu thứ côn trùng tí hon này, sau đó mới lại nhập định.
Nhiều lần các vị tu tập thiền định và Lạt ma khác bắt đầu chú ý đến ông, một người không bao giờ ngồi yên và hầu như dùng thời gian thiền định để giải cứu côn trùng. Tuy người Tây Tạng nào cũng biết cần cứu vớt loài vật, nhưng có vài vị Tăng khuyên ông nên kiếm một chỗ khác thiền định chứ đừng ngồi bên hồ nữa.
Họ nói: “Nên chăng đi kiếm một nơi khác mà ngồi thiền định, không ai quấy rầy?”
Có người nói: “Nên chăng trước hết cần thoát mọi ảo giác? Sau đó khi giác ngộ ta có thể giúp mọi loài hữu tình chứ không thể giúp như thế”.
Một vị Lạt ma trẻ tuổi khác lại nói: “Nên chăng khi thiền định cần nhắm mắt lại để chuyên tâm quán tưởng vào cái chủ yếu nhất, tính vô thường và chính bản thân tâm thức mình?”
Sau khi nghe mọi lời góp ý, vị Lạt ma cúi đầu cảm ơn các Tăng sĩ và nói: “Các bạn có lý, hỡi các vị nam nữ, nhưng một kẻ già yếu và thấp kém như tôi đã nguyện theo lòng từ bi của đức Quán Thế Âm, thực hiện hạnh nguyện đó trong đời này và mọi đời sau, lại có thể ngồi yên và đọc mật chú đại bi trong lúc loài hữu tình bất hạnh đang chết đuối trước mắt mình?”
Không ai trả lời cả…
– Trích Sư tử tuyết bờm xanh –
Đức Quán Thế Âm
Nam mô đức Quán Thế Âm
Đạo vàng tỏa sáng vào tâm mọi loài
Chúng sanh điên đảo mê hoài
Tử sanh luân chuyển mệt nhoài tấm thân
Đường tu nhiều ngã phân vân
Nghiệp dày ác quả cán cân định phần
Cam lồ vị mát trong ngần
Quán Âm cứu độ xóa dần thương đau
Niệm Ngài Bồ Tát cho mau
Dù cho nan bệnh ốm đau cũng lành
Đại bi thần chú thọ hành
Lâu ngày phước báu sẽ dành thiên thu
Đời người không dễ được tu
Hồng trần nhân thế si ngu lạc lầm
Oán than sấm chớp ầm ầm
Lâm chung hồn phách ai cầm cho ta
Trên cao đức mẹ hiện ra
Hồng danh nên nhớ niệm ta mười thời
Quán Âm Bồ Tát giữ lời
Ý tâm kiên định hồn dời về Tây
Sen vàng ngự ở tại đây
Mỗi ngày nghe pháp để xây đạo đời
Đến khi tâm thức sáng ngời
Sẽ cùng chư Phật ngàn đời vãng sanh
Bồ Tát quán chiếu kỳ nhanh
Nơi nào áp bức xưng danh bà về
Thành tâm bái lạy chỉnh tề
Hào quang sáng rọi mọi bề vô minh
Mẹ là vị Phật hiển linh
Cành dương Mẹ phất yêu tinh khớp hồn
Thế gian ma quỷ dập dồn
Tham sân dục đắm vẫn tồn tại thân
Xót xa Phật khóc chúng dân
Thấy sai không tránh cứ gân mà làm
Thực hư một cái xác phàm
Trôi trong bể khổ chẳng nhàm hay sao
Phật bà ngự ở trời cao
Từ bi nhiếp độ biết bao nhọc nhằn
Sinh linh tội lớn so bằng
Như muôn lớp cát sông Hằng mênh mông
Bao giờ độ hết cho xong
Muôn loài Ngài mới vào trong niết bàn
Dập đầu lạy Phật muôn vàn
Ngàn đời nhất niệm danh vàng Quán Âm!
– Nguyễn Tâm –
–Om Mani Padme Hum –
Xem thêm các bài viết về
Quán Thế Âm Bồ Tát
FB: Om Mani Padme Hum –