Tại sao phải cầu giác ngộ giải thoát?
Hỏi: Phật thường nói ai cũng đã có sẵn Phật tính, bồ tát Thường Bất Khinh cũng thường cúi đầu đảnh lễ và gọi mỗi người là một vị Phật tương lai. Nhiều sách của phương Tây như quyển Places of Power, Ultimate Journey… cũng nói từ 1.500 đến 12.000 năm nữa loài người cũng sẽ giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Đôi khi tôi nghĩ vậy cuối cùng ai cũng sẽ giác ngộ giải thoát, việc gì tôi phải tu, cứ hưởng thụ cuộc đời cho nó sướng, rồi kiếp khác tự được giải thoát chứ có sao đâu. Nhưng đôi khi tôi lại khởi lên sự mong muốn giải thoát trong lòng. Vậy tôi phải làm thế nào bây giờ?
Đáp:
Nếu bạn hỏi một người thầy hiểu biết “Tại sao tôi phải tu?”, bạn sẽ nhận được một đáp án thích đáng dựa trên hiểu biết của người thầy đó (Tiểu thừa, Đại thừa, Kim cương thừa…) Nhưng vì đây là một chuyên mục để Trao đổi, nên Trong Suốt muốn chia sẻ với bạn suy nghĩ trong thời điểm hiện tại của Trong Suốt, có thể còn nhiều ngu dốt, nhưng nó là tâm sự thật. Chỉ mong bạn xem đây như một buổi nói chuyện không có đúng sai, để giúp soi sáng cho một góc cạnh nào đó trên con đường riêng của mỗi người.
Bạn nói đúng, nếu bạn còn đang nghĩ như trên thì việc tu để tự cầu giải thoát (A la hán đạo) cũng không nhất thiết. Kể cả tu để đem lại giải thoát cho người khác (Bồ tát đạo) thì cũng không nhất thiết vì theo lý luận trên cuối cùng người khác cũng được giải thoát.
Nếu còn mong giải thoát, là bạn còn đang tham lam. Lúc mong giải thoát bạn cũng u mê không khác lúc bạn mong tiền bạc, danh tiếng…
Thậm chí nếu bạn nói là bạn tự do tự tại, muốn làm gì thì làm, không cầu giải thoát, bạn cũng đang tham lam một cách tinh vi hơn. Bạn đang tham cái “không cầu giải thoát”, tham cái “tự do tự tại” mà cứ tưởng mình đã hết tham rồi.
Thế nhưng có một sự thật khác, theo kinh nghiệm của Trong Suốt :
Tự nhiên mong muốn giác ngộ xuất hiện trong tâm trí bạn.
Giải thoát hay Giác ngộ không phải là thứ để mong cầu được, kể cả cho mình hay cho người khác. Ước nguyện Giải thoát chỉ có thể là thứ tự giác, tự phát không điều kiện, không vì mục đích nào, không cần lý do nào,
nó xuất hiện vì đó chính là bản tính tự nhiên của bạn.
Bạn có muốn trốn khỏi nó cũng không được, vì khi nó đã xuất hiện rồi, ngay lập tức bạn cảm nhận thấy những cái bạn đang để hết tâm trí vào (công việc, gia đình, thú vui…) bỗng trở nên không còn có thể chiếm 100% thời gian, sức lực của bạn nữa. Có một điều gì đó bắt bạn phải để tâm nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn đến nó.
Trước khi mong muốn giác ngộ xuất hiện, người ta có thể có nhiều cách sống. Nhưng khi mong muốn giác ngộ xuất hiện, người ta thường rơi vào 2 trạng thái.
- Một là thích nó, thấy nó tuyệt vời quá, rốt ráo quá, có thể thoát khỏi mọi phiền não mình đang vướng phải từ công việc, tình cảm… nên bám chặt lấy nó. Nặng thì bỏ công việc, gia đình lên chùa xuống tóc đi tu, nhẹ thì thay đổi lối sống, suốt ngày nghiên cứu kinh kệ, ăn chay, bố thí… lấy đó làm việc chính, ít chú ý đến việc đời.
- Trạng thái thứ hai là sợ nó, vì thấy nếu theo nó mình phải bỏ tất cả những nền tảng cũ, chân lý cũ của mình. Như sợ tâm lí không muốn lập gia đình phát sinh thì sẽ mất đi nòi giống ông cha, sợ ham mê giác ngộ quá phải bỏ sự nghiệp dở dang, sợ mang tiếng lập dị khác người, sợ nhận ra bố mẹ, thầy giáo, những vị thần tượng của mình hóa ra đều hành xử trong ngu dốt, u mê, sợ nhận ra từ trước tới nay cuộc đời mình toàn tạo ra hết sai lầm này đến sai lầm khác…
Từ kinh nghiệm của Trong Suốt, thì cả 2 thái độ này đều là những trạng thái trên con đường đi, nếu cho là thái độ nào đúng cũng là ảo tưởng, nếu cho thái độ nào sai cũng là mê lầm…
- Trạng thái đầu cho giác ngộ là mục đích rốt ráo, người ta sinh ra, trải qua bao nhiêu kiếp lăn lộn trong luân hồi sinh tử, chỉ có mục đích duy nhất để giác ngộ, giải thoát, trở về chứng nhập niết bàn mà thôi, nên bỏ hết mọi thứ để chọn.
- Trạng thái thứ hai ngược lại, cho giác ngộ chỉ là một mong muốn như các mong muốn khác của cuộc sống, là một cách sống mà ta có thể lựa chọn, nếu chọn theo nó thì có sướng đấy nhưng cũng có khổ đấy, nên phân vân lúc chọn lúc không.
Kỳ thực ra thì cả 2 trạng thái này đều có nguồn gốc từ cái đã biết mà suy nghĩ ra, mà mỗi người trải qua bao nhiêu năm và hoàn cảnh sống khác nhau (chưa kể bao nhiêu kiếp khác nhau theo quan điểm nhà Phật), nên cái “đã biết” sẽ rất khác nhau, khi sử dụng bộ não để tư duy nghĩa là một quá trình suy ra cái “chưa biết” từ cái “đã biết”, nên tất cả những “chân lý” mà bộ não có thể suy luận ra được, hiểu biết được chỉ là những trạng thái “đã biết” của bộ não, không bao giờ có sự dừng lại ở trong đó, hết “chân lý” này sẽ đưa đến “chân lý” khác, mà đã có chân lý tương đối thì chân lý tuyệt đối chẳng bao giờ hiện ra được.
Vì vậy nếu còn khởi lên suy nghĩ “Tại sao phải cầu giác ngộ giải thoát?” nghĩa là bạn còn đang vướng mắc rằng có một câu trả lời sẵn đó để giải quyết vấn đề này cho bạn. Kỳ thực là chỉ chính kinh nghiệm của bạn mới có thể trả lời được câu hỏi của bạn. Giống như một người mù hỏi “Mặt trời như thế nào?”, kể cả có người sáng mắt tận tình chỉ cho (ví dụ mặt trời tròn và tỏa sáng) thì dù người sáng nói đúng mà người mù vẫn lầm một mặt trời tưởng tượng trong tâm trí như thường.
Nếu bạn hỏi Trong Suốt thì Trong Suốt sẽ trả lời là :
Giác ngộ giải thoát là thứ tự nhiên có, không cầu cũng đến, đuổi cũng không đi, trốn cũng không được, chết cũng không dứt. Vì thế không cần suy nghĩ đến nó, suy nghĩ nhiều bao nhiêu càng làm bạn vướng mắc vào nó bấy nhiêu, rời xa chân lý bấy nhiêu.
Thế nhưng nếu hỏi Trong Suốt là :
Trong Suốt có tự hỏi câu hỏi đó không?
Thì Trong Suốt sẽ trả lời là : Câu hỏi đó vẫn xuất hiện trong các suy nghĩ của Trong Suốt.
- Biết là không cần nghĩ nhưng vẫn nghĩ?
- Biết là nghĩ không ra nhưng vẫn nghĩ?
- Biết là càng nghĩ càng sai nhưng vẫn nghĩ?
- ….
- Cuối cùng cái duy nhất biết là “mình đang nghĩ”.
- Tưởng đã là cuối cùng, nhưng cái sau nữa biết chỉ là “đang có sự suy nghĩ”, mình đã biến đâu mất, chỉ còn sự suy nghĩ.
- Tưởng đã hết, nhưng cái sau nữa biết chỉ là “đang”, sự suy nghĩ tự nhiên biến mất.
- Liệu cái đang có biến mất không? Hết đang sẽ còn gì?
Xin hãy thực hành, đừng đặt câu hỏi nữa.
Trong Suốt – 02/01/2008