Tản mạn vui về Joker dưới con mắt y khoa
Bài từ FB Tee Nguyen – Credit: Khai Phan
Chúc mừng  Joaquin Phoenix đã đoạt giải Oscar cho nam diễn viên xuất sắc nhất (không ngoài dự đoán)! Anh ý diễn xuất thần đến nỗi khi xem phim mình như sống lại ở thời điểm mình làm việc cho bệnh viện tâm thần ở Seattle. Mình thấy lại từng bệnh nhân của mình trong lời nói, hành động cả ánh nhìn trong nhân vật này. Đó là thời gian “quái dị” nhất cuộc đời mình ????.
“Em không được đeo dây chuyền vì nguy cơ bị thắt cổ. Em phải luôn đi cùng với người khác. Cửa phòng bệnh nhân phải luôn mở và em phải đứng gần cửa hơn bệnh nhân. Em phải đảm bảo cửa đóng chặt sau khi em đi ra ngoài khu tạm giam, không thì sẽ có bệnh nhân trốn ra ngoài…” – Chị dược sĩ hướng dẫn dặn dò mình ngày đầu vào làm ????. Mình gật gù cho có chứ không nghĩ nó nghiêm trọng thế nào cho đến khi đọc bệnh án của bệnh nhân….
“Tiền án: giết cha bằng búa.”
“Tiền án: hiếp dâm 21 người phụ nữ.”
“Tiền án:….
Bệnh án của bệnh nhân tâm thần không giống bất cứ bệnh án nào mình đọc trước đó, mà nó chi tiết như một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời của người đó vậy. Sau một sáng đọc hết “bệnh án” trước khi vào round (buổi họp đầu ngày giữa bác sĩ, dược sĩ, y tá, nhân viên công tác xã hội,…), mình nổi cả da gà, không hiểu sao lại quyết tâm chọn chỗ này, còn nhảy cẫng lên khi được vào đây làm ????.
Có 2 loại thuốc mà mình rất mê và tò mò. 1 là thuốc ung thư. 2 là thuốc tâm thần. 2 loại này vừa mang tính khoa học và cả chất nghệ thuật trong đó mà hiếm có loại nào đọ được bằng. Đa số các loại thuốc khác, từ nồng độ thuốc trong cơ thể có thể đoán được tác động hay hiệu quả, hiệu quả đo được bằng số. Thuốc tâm thần không như vậy, nồng độ không tương ứng với hiệu quả, và hiệu quả không đo bằng số mà thông qua việc nói chuyện với bệnh nhân. Bộ não là cả một vũ trụ bí ẩn. Nơi nào học về não + thuốc thần kinh tốt nhất = bệnh viện tâm thần lớn nhất Seattle có nhiều ca bệnh khó nhất, mình đã nghĩ vậy.
“Cô đang sống trong thế giới 3 chiều, còn tôi, tôi đang ở thế giới 12 chiều. Tôi thấy nhiều thứ cô không thấy được. Tôi thấy nhiều ánh sáng và thiên thần khắp nơi.” Cô bệnh nhân nhìn chằm chằm mình, mình không phản ứng gì, chỉ ghi câu nói này vào cuốn sổ tay về thông tin bệnh nhân.
“Heiz, Tôi giết thằng đó vì tôi nói nó đừng nhảy qua lại giữa 2 chiều, mà nó không nghe. Tôi tức quá.” Cô ta kể về việc tại sao giết em trai của mình.
Thế là bác sĩ/dược sĩ quyết định tăng liều risperidone. Thường bệnh nhân ngoài viện việc tăng liều xảy ra trong vài tuần đến vài tháng, nhưng trong khu tạm giam này, việc này xảy ra hằng ngày cho đến khi tác dụng phụ xuất hiện, rồi mới giảm liều từ từ, và họ ví nó như “phanh gấp, rồi nhả thắng từ từ”.
Quay lại về Joker. Anh Joanquin diễn xuất sắc khỏi nói rồi, nhưng vì “ngứa nghề” nên mình chỉ ra một số chỗ chưa “đúng nghề” của phim:
1. Ảnh uống 7 thuốc trầm cảm là nghe điêu không chịu nổi. thường 1 người uống 3-4 thuốc trầm cảm là quá lắm rồi. Thuốc cũng không phải là biện pháp cuối chữa trầm cảm như trong phim nói “hết cách” mà là chích điện não (electroconvulsive therapy, ETC).
2. Cô bác sĩ ngồi phỏng vấn Joker phần cuối làm sai nội quy rồi, ai đời ngồi 1 mình với tên giết người hàng loạt và lại khoá kín cửa? Đúng ra là cổ sẽ đi chung với 1 nhóm nhân viên bệnh viện phỏng vấn anh ý. Mà nếu đúng thì đã không có phim :D.
3. Bệnh nhân tâm thần lúc nào cũng nghĩ là mình đúng, kể cả việc giết người, như joker vậy. Lý do nằm trong đầu của họ chứ không nhất thiết đúng với sự thật khách quan. Vì vậy, phim đan xen giữa thật và ảo tưởng, nên đừng tin gì cả. Đừng tin cả việc anh hùng hóa Joker trong phim, vì nó nằm trong đầu ảnh cả thôi ????.
Bạn mình bảo mấy đứa thích thần kinh học thường không bình thường (bảo mình điên đó mà), mình nói nó:
“Sống trong một thế giới điên mà không bị điên thì như vậy có bình thường?”
Ô-Hay.Vn – https://www.facebook.com/431081617726615/posts/606355186865923