Tắt của tắt đến Vô ngã
Một học trò hỏi:
Sau khi con thực hành thiền 6 tháng, con thấy đâu cũng là Biết. Nhưng con cảm thấy “Tôi là người thấy mọi thứ là Biết”. Sư phụ có thể chỉ cho con rõ vướng mắc của con không?
Trong Suốt trả lời:
Cản trở lớn nhất của việc tu hành là việc tin mình là một cái ‘Tôi’. ‘Tôi sẽ chứng ngộ Biết’ còn kinh khủng hơn nữa, đó là cái ‘Tôi’ hành giả. “Tôi sẽ chứng ngộ”, “Tôi sẽ tiến bộ”, “Tôi đang ở trạng thái này kia”, “Tôi đã chứng ngộ chưa nhỉ?’ Những ‘Tôi’ đấy là cái cản trở cuối cùng. Nhận ra rằng cái ‘Tôi’ chỉ là cảm giác hiện ra trong Biết là xong, cản trở cuối cùng được gỡ bỏ.
Mọi cản trở quay về ngã chấp, chấp rằng có ‘cái Tôi’, tin rằng có ‘cái Tôi’ thực sự ở đây. Người hiện đại sau khi hiểu hết rồi, vẫn tin rằng ‘có Tôi’ là người ở đấy, để mà hiểu, mà nắm bắt, tiến bộ trên con đường, trở thành ‘bậc giác ngộ’. Nhận nhầm giặc là cha! Nếu con không nắm được mấu chốt thì con cứ nghĩ ‘con’ chứng ngộ được điều này điều kia, lên trình độ này trình độ kia.
Hãy nhìn vào cảm giác ‘có Tôi’, thấy rằng ‘Tôi’ chỉ là một cảm giác hiện ra trong Biết, không có ‘Tôi’ nào hết trên đời này cả.
Cảm giác ‘có Tôi’ lừa rằng: ‘Vì có cảm giác có Tôi, nên suy ra rằng có Tôi ở đây, Tôi làm điều này điều kia.’ Cảm giác quá rõ! Nhưng, sự lừa đảo xảy ra ở đoạn sau, không phải ở đoạn trước. Cảm giác ‘có Tôi’ không lừa, nhưng sự SUY RA rằng ‘có Tôi’ thì mới là thứ lừa. Cắt ở đó, là hết! Cảm giác ‘có Tôi’ vẫn liên tục hiện ra, con không thể tránh được. Vấn đề con chỉ là bị lừa hay không bị lừa thôi.
Cách hiệu quả, là con chịu khó nhìn vào cảm giác có Tôi nhiều, thì sức mạnh lừa đảo của nó yếu dần đi. Không cần sửa nó, chỉ cần nhìn vào nó, thấy nó, thế mà sức mạnh của nó yếu đi. Càng thấy nó, con càng nhận ra : làm gì có ‘Tôi’ nào, chỉ là cảm giác ‘có Tôi’ thôi! Bởi cảm giác ‘có tôi’ hiện ra và lừa rằng ‘đây là có Tôi đây’! Bây giờ, nhìn thấy sự lừa đảo rồi, tự nhiên sức mạnh nó yếu đi.
Đấy là mấu chốt. Con cứ tự tin mà sống trong cảm giác có ‘Tôi’. Tự tin được xây dựng trên việc hiểu rằng nó chỉ là biểu diễn của Biết thôi, chỉ là một cảm giác thôi, nó không chứng minh được là có ‘Tôi’, rằng cái gì là ‘Tôi’ cả.
A la hán là ‘người giết được kẻ thù’, giết được ngã chấp, vì nó là trái tim của mọi thứ gây đau khổ. Khi giết kẻ thù thì con đâm vào tim, nó mới chết. Khi nhận ra cái ‘Tôi’ chỉ là một cảm giác hiện ra trong Biết thôi, còn con không phải là cái ‘Tôi’ ấy, thì lúc đấy nó biểu diễn thế nào cũng được. Khi con xem phim, khi con biết nhân vật chính không phải là con, thì nhân vật chính ấy làm gì cũng được. Nhưng ngược lại, nếu con nghĩ con là nhân vật chính, thì con sẽ sợ hãi, lo lắng hết cỡ, đúng không?
Khi con không còn sợ cảm giác có ‘Tôi’ nữa, vì con hiểu nó chỉ là cảm giác thôi, thì đó là dấu hiệu của tiến bộ, chứ con không cần diệt cảm giác ‘có Tôi’. Con tự tin sống với cảm giác có ‘Tôi’, đến khi nó mất thì thôi. Nhưng nó không mất thì cũng chẳng sao cả. Đấy mới là thực sự giải phóng. Còn lúc nào cũng phải canh chừng xem cảm giác có ‘Tôi’ có hiện ra nữa không, thì đấy là bị trói buộc.
Đây là con đường tắt vì thế, vì các con đường khác rất ham muốn diệt cảm giác có ‘Tôi’, nhưng không hiểu rằng đó chỉ là một cái ‘Tôi’ khác muốn diệt cái ‘cảm giác có Tôi’, ẩn dưới vẫn là ‘cái Tôi’. Tu mãi vẫn không chứng được, bởi vì dùng chính cái tâm trí tạo ra vấn đề để giải quyết vấn đề.
Mấu chốt lại, nếu con chịu khó nhìn vào cảm giác có Tôi đủ lâu, dần dần nó sẽ mất sức mạnh với con. Đấy là mấu chốt, và thế là xong. Đấy là tắt của tắt, bởi vì nó giải phóng con trong một đời:
‘Biết một điều, giải phóng tất cả’.
Cái Biết đã là tắt rồi. Nhận ra cảm giác có Tôi cũng chỉ là nội dung của Biết là ‘tắt của tắt’.
(Trích từ buổi nói chuyện “Tắt của tắt là gì?”11.12.2021, Hà Nội)
- Giọng đọc: Huệ Phong
- Nhạc nền: Peder B. Helland
- Ảnh nền: Dutton Adam
CON SẼ LUÔN NGĂN NGẠI VỚI TÂM TRÍ ‘MÌNH LÀ NGƯỜI LÀM’
Một học trò hỏi:
Đám cưới của con sắp đến, bố con sẽ sát sinh. Con đã từng ngăn cản bố, nhưng bị bố phản ứng lại dữ dội. Con muốn giúp bố làm đúng, nhưng trong con có nhiều nỗi sợ. Con nên làm thế nào?
Trong Suốt trả lời:
Vấn đề của con sẽ không hết nếu con vẫn nghĩ mình là người làm. Tất cả ai tin mình là người làm đều ngăn ngại. Bởi ‘Tôi làm’, hậu quả thì ‘Tôi chịu’, nên sẽ ngăn ngại hết cỡ.
Einstein có một câu rất hay: “Không thể giải quyết vấn đề bằng chính loại tâm trí tạo ra vấn đề đó.” Trong tâm trí sợ hãi của con, con không thể giải quyết được vấn đề, bởi chính loại tâm trí đó tạo ra vấn đề của con. Con luẩn quẩn với chuyện gì thường là vì mình dùng chính loại tâm trí tạo ra vấn đề để giải quyết nó.
Để giải quyết, trong góc độ tương đối, con có thể học cách cải tiến tâm trí trở thành dũng cảm hơn, đối diện với nỗi sợ, dám làm điều con cho là đúng.
Nhưng từ góc độ tuyệt đối, tâm trí nào cũng không giải quyết được vấn đề. Vì sao? Bởi vì tâm trí đấy tạo ra ‘con’ và tạo ra ‘bố’, tạo ra ‘cưới xin’, toàn trong suy nghĩ.
Chính tâm trí đấy tạo ra vấn đề, cho nên con không thể dùng nó để giải quyết hết vấn đề.
Con chỉ giải quyết được khi con vượt ra khỏi loại tâm trí đó. Tâm trí chỉ là cái hiện ra trong con, chứ không phải tâm trí tạo ra con.
Khi còn tin “Tôi là người làm” thì còn lâu mới giải quyết được vấn đề. Nói cách khác, chắc chắn giải quyết vấn đề A sẽ sinh ra vấn đề B. Giả sử lần này con dũng cảm hơn, đấu tranh lại, bố nghe lời con, nhưng bố cũng sẽ giữ ấm ức trong lòng, để xem… Rồi sẽ có chuyện mới, không bao giờ hết.
Thế nên, con phải vượt qua loại suy nghĩ rằng “tôi là người làm”. Con không làm việc đấy!
Ai là người làm việc này? Biểu diễn của Biết.
Khi con nhận ra điều đấy, sự tự tin sẽ xuất hiện. Con dám làm điều đúng đắn con thấy là cần làm. Con thấy đó là một dòng chảy tự nhiên, đó không phải là con làm.
Cho nên dài hạn, con phải nhận ra sự thật. Khi còn tin mình là người làm, sẽ luôn còn chuyện.
Tuy thầy đang nói chuyện với các con, thầy không thấy mình đang nói chuyện. Thầy thấy từ Biết biểu diễn ra cảnh một người đàn ông đang nói chuyện.
(Trích từ buổi nói chuyện “Tắt của tắt là gì?” 11.12.2021, Hà Nội)