Thân người khó được, Phật pháp khó nghe
(Nhân thân nan đắc – Phật pháp nan văn)

Thân người khó được, hãy trân quý sinh mệnh này
Nhiều người tự sát vì nghĩ rằng chết sẽ hết khổ, sẽ được tự tại rời khỏi thế gian con người, thực tế đó lại là tội nghiệp to lớn, gây hậu quả lâu dài. Thân người khó được, hãy trân quý sinh mệnh này vậy.
Trương Đại, người Trấn Giang, Dương Châu, vào Tháng 5, năm thứ 7 Khang Hy bệnh nặng qua đời, gặp được Diêm Vương. Diêm Vương nói: “Bắt nhầm người rồi! Nếu ông đã đến đây rồi, nhân tiện phiền ông giúp ta gửi một bức thư đến dương gian vậy”.
Thế là, quỷ tốt dẫn ông đến tham quan một thành phố, trên tấm biển treo trên cửa thành có viết hai chữ “chết oan”. Ông nhìn thấy rất nhiều hồn ma, kéo theo cái lưỡi dài hơn một tấc, tự nhận là quỷ chết treo. Mỗi ngày đến một thời điểm nhất định, quỷ chết treo cần phải nếm trải cái khổ bị treo cổ lần nữa.
Sau đó, Trương Đại lại nhìn thấy rất nhiều hồn ma khác, thân thể sưng phù, áo quần ướt sũng, tự xưng là quỷ nhảy sông tự vẫn.
Còn một số hồn ma, kẻ thì không đầu, kẻ thì đứt họng, kẻ thì thất khiếu chảy máu, tự nhận là những người đời trước tự sát, uống thuốc độc mà chết. Họ mỗi ngày vào giờ quy định phải dựa theo cách chết đời trước mà biểu diễn lại một lần, thật là thống khổ vạn phần.
Những hồn ma đó muôn lời như một, nói: “Chúng tôi lúc còn sống đều cho rằng hễ chết là hết, thật không ngờ rằng sau khi chết, thân lại thống khổ đến thế này, thật sự có hối cũng không kịp nữa rồi”.
Trương Đại hỏi: “Những hồn ma đó đến khi nào mới có thể được đầu thai làm người đây?”
Quỷ tốt nói: “Không thể nữa rồi. Nói chung hồn ma người tự sát được chuyển sinh làm người trước điện Diêm La Vương là vô cùng ít ỏi. Thân người khó được, vậy mà không biết trân quý lại còn tìm đến cái chết. Những người này, tại âm gian đã cô phụ tấm lòng của Diêm Vương vì ông lúc nào cũng khích lệ họ làm người tốt tại nhân gian; rồi khi sống trên thế gian lại cô phụ công dưỡng dục to lớn của cha mẹ. Huống hồ một người tự sát, sau đó sẽ khiến người nhà trên dương thế bị tố tụng tư pháp, thật là hại người không nhẹ. Do đó, Diêm Vương ghét nhất là loại người này, phán họ vào đường súc sinh, không được chuyển sinh làm người…”
Xem xong cảnh này, ông trở về báo lại với Diêm Vương, Diêm Vương nói:
“Khi ông về đến nhân gian, hãy đem những lời này mà nói rõ với người đời”.
Sau đó Diêm Vương lớn tiếng vỗ mạnh vào bàn, Trương Đại mới giật mình tỉnh dậy.
– Tiểu Thiện, dịch từ Epoch Times –

FB: – Om Mani Padme Hum –
Phật Pháp khó nghe – Hãy gắng tu hành Phật Pháp kiếp này
Vì thời có Phật Pháp rất ngắn nhưng thời không Phật Pháp rất dài
Trong kinh Đại Tập, Phật nói cho chúng ta biết nếu như thế gian không có Phật, đây là lời giả thiết, nhưng trên thực tế cũng là sự thật. Pháp vận của Phật Thích Ca Mâu Ni là 12 ngàn năm. Sau 12 ngàn năm thì thế gian không còn Phật nữa. Bồ-tát Di Lặc là vị Phật thứ năm của hiền kiếp sẽ thị hiện thành Phật, thời gian này là rất dài. Trong kinh Di Lặc Hạ Sanh, Phật nói cho chúng ta biết,
Ngài đến khi nào tái lai vậy? Sau 56 ức vạn năm (hơn 500 triệu năm), hay nói cách khác, 56 ức vạn năm sau khi pháp vận của Phật Thích Ca Mâu Ni qua rồi, thế gian này không có Phật trong thời gian rất dài như vậy, phải đợi Phật Di Lặc hạ sanh giảng kinh thuyết pháp, đến lúc này Phật pháp mới xuất hiện. Cho nên, trong kinh Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Thật là không dễ dàng!
Giáo pháp của cả một đời Thích Ca Mâu Ni Phật cáo chung, ắt phải đợi đến 56 ức vạn năm sau Di Lặc Phật đến thế gian này thị hiện thành Phật, lại giảng kinh, thuyết pháp. Quý vị phải biết: Thời gian mà thế gian này có Phật pháp rất ngắn ngủi, tạm bợ. Nói chung là một vạn hai ngàn (12.000) năm. Thời gian không có Phật pháp hết sức dài, tức là cách một khoảng thời gian gồm 56 ức vạn năm không có Phật pháp. Không có Phật pháp chúng sanh chẳng có cơ hội vượt thoát tam giới, chẳng có cơ hội thoát sanh tử luân hồi. Vì thế thời gian luân hồi dài lâu!
Trong một đời này, chúng ta may mắn gặp gỡ pháp môn này, nói cách khác, có được cơ duyên này, chúng ta có thể đắc độ trong một đời này, có thể giải quyết vấn đề, nếu bỏ lỡ một đời này phiền phức sẽ to lắm. Tuy đời sau quý vị có phước báo, nhưng có thể gặp Phật pháp hay không, đó là một vấn đề lớn!
Thế giới ngày nay có bốn mươi mấy ức người, có bao nhiêu người được nghe kinh hay nghe một câu A Di Đà Phật trong một đời? Vì thế, có thể đọc bộ kinh này (Kinh A Di Đà), nghe một câu A Di Đà Phật, chẳng dễ dàng đâu nhé!
Lấy ngay Đài Bắc để nói thì gần tới hai trăm vạn người, nếu quý vị kiểm tra trọn khắp, trong hai trăm vạn người, trong đời này có mấy người nghe kinh này một lần? Có mấy người niệm một câu A Di Đà Phật?
Tuyệt đại đa số, sợ rằng đến tám mươi phần trăm, trong một đời này chưa hề nghe kinh, chưa hề niệm một câu Phật hiệu. Nơi Phật giáo hưng thịnh nhất mà còn như thế, huống hồ những nơi khác?
Vì thế, nhất định phải trân quý nhân duyên khó được này, quả thật là trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ, nhưng nay chúng ta có thể gặp gỡ thì phải trân quý điều này!
Trích từ Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
>>> Tìm hiểu thêm tại: https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/
FB: – Om Mani Padme Hum –