12 Vị Thập Nhị Khai Thiên
Nguồn gốc
– Khởi nguyên vũ trụ, khi Tam Giới đã được hình thành hoàn chỉnh. Lúc bấy giờ, để cho sự sống được vận hành khắp Tam Giới được thuận lẽ tự nhiên với chu kỳ không gian và thời gian, chư vị Tam Tôn Khởi Nguyên tạo tác nên 12 vị Thiên Tử gieo mầm và cai quản các yếu tố khác nhau tạo nên vạn loại vạn linh. Các vị ấy được gọi là Thập Nhị Khai Thiên, 12 vị Thiên Tử khai mở sự vận hành của Tam Giới.
– Các vị Thập Nhị Khai Thiên tương ứng với tính chất Tứ Tượng Bát Quái Cửu Cung như sau:
- Nhật Thiên Tử – Thái Dương Tử – Thái Dương
- Nguyệt Thiên Tử – Thái Âm Tử – Thái Âm
- Quang Thiên Tử – Kim Quang Tử – Thiếu Dương
- Âm Thiên Tử – Quang Âm Tử – Thiếu Âm
- Phong Thiên Tử – Thiên Không Tử – Tốn
- Hỏa Thiên Tử – Diễm Quang Tử – Ly
- Lôi Thiên Tử – Huyền Minh Tử – Chấn
- Mộc Thiên Tử – Diệu Hương Tử – Cấn
- Thủy Thiên Tử – Thanh Tịnh Tử – Khảm
- Địa Thiên Tử – Ngọc Liên Tử – Khôn
- Kim Thiên Tử – Thái Tinh Tử – Càn
- Ái Thiên Tử – Từ Ái Tử – Đoài
Hình dạng, tính chất đặc trưng
– Về hình dạng chung, Thập Nhị Khai Thiên thường thị hiện thân ảnh Tiên Nhân dạng, nét đẹp hoàn mỹ thiện lành trung tính, nhưng trông ra dáng nam tử dạng hơn. Đôi khi các vị ấy có sự thị hiện hình dáng Thiên Nữ, Thánh Nữ, Thánh Mẫu vì lý do độ duyên sinh chúng thì hình ảnh người mẹ hiền từ dễ dàng tiếp cận và độ hóa chúng sinh vậy.
– Thập Nhị Khai Thiên phụ trách cai quản các yếu tố cơ bản vô cùng trọng yếu giúp cho sự sống phát khởi, sinh tồn và phát triển theo thời gian, hoại diệt, tiêu trừ những điều bất thiện để ngày càng tinh tấn theo quy luật tiến hóa, sinh sôi, tồn tại, tịnh hóa và hoại diệt của vũ trụ. Ngoài chư vị Thập Nhị Khai Thiên, còn có nhiều vị Thiên Tử cai quản các yếu tố, thuộc tính khác nhau của các lý sự vận hành trong Tam Giới.
– Sau đây là mục từ tổng quan về Thập Nhị Khai Thiên. Còn nội dung chi tiết về từng vị và các pháp bảo, cõi giới hoạt động của chư vị ấy, sẽ có trong các mục từ tiếp theo.
* Nhật Thiên Tử
– Nhật Thiên Tử là vị Thiên Tử cai quản Thái Dương, còn được biết đến với tôn danh Thái Dương Tử, đại biểu cho Thái Dương trong Tứ Tượng Bát Quái.
– Nhật Thiên Tử cai quản về ánh sáng thiên nhiên của mặt trời soi rọi khắp nơi trong Tam Giới.
– Những nơi nào có ánh sáng mặt trời chiếu đến sẽ phát sinh các lý sự âm dương của các thuộc tính khác nhau, tạo nên sự vận hành sinh diệt của các lý sự ấy. Quyền năng của Nhật Thiên Tử được xem là khởi nguồn cho các sự vận hành của lý nhân duyên vậy.
Xem bài : Đức Nhật Thiên Tử – Thái Dương Thiên Tử
* Nguyệt Thiên Tử
– Nguyệt Thiên Tử là vị Thiên Tử cai quản Nguyệt Tinh, còn được biết đến với tôn danh Thái Âm Tử, đại biểu cho Thái Âm trong Tứ Tượng Bát Quái.
– Nguyệt Thiên Tử cai quản về khí âm hàn, hơi lạnh, năng lượng phản quang do ánh sáng chiếu rọi lên các lý sự mà có thể nhìn thấy được các lý sự ấy giữa bóng tối. Năng lượng phản quang tỷ lệ thuận với độ mạnh yếu của ánh sáng chiếu rọi vào lý sự mà phát sinh quang mang khác nhau.
– Quyền năng của Nguyệt Thiên Tử được xem là sự thức tỉnh sau một chu kỳ nghỉ ngơi của vạn vật.
Xem bài : Đức Nguyệt Thiên Tử – Thái Âm Tinh Quân
* Quang Thiên Tử
– Quang Thiên Tử là vị sứ giả mang ánh sáng của tình thương và Đạo Pháp soi rọi những nơi tối tăm u ám, còn được biết đến với tôn danh là Kim Quang Tử, Kim Quang Sứ. Đây là vị Thiên Tử đại biểu cho Thiếu Dương trong Tứ Tượng Bát Quái.
– Quang Thiên Tử cai quản chung các loại ánh sáng khác nhau do phát sinh năng lượng vận động mà hình thành.
– Quyền năng của Quang Thiên Tử là việc đem minh triết soi rọi những nơi vô minh u tối, làm thức tỉnh căn tánh của chúng sinh hồi hướng về Cội Đạo.
* Âm Thiên Tử
– Âm Thiên Tử còn được biết đến với tôn danh Quang Âm Tử, là vị Thiên Tử đại biểu cho Thiếu Âm trong Tứ Tượng Bát Quái.
– Âm Thiên Tử cai quản chung các phần bóng tối, khoảng tối do khuất sáng, mặt ngược sáng hay bị che khuất của các lý sự khi được ánh sáng soi rọi mà tạo nên bóng tối.
– Khoảng thời gian khuất sáng không nhìn thấy ánh sáng mặt trời của các cõi giới khác nhau được gọi là đêm. Tùy theo vị trí và thời gian vận hành của các cõi giới này mà khoảng thời gian của ngày và đêm có sự luân chuyển dài ngắn khác nhau. Quyền năng của Âm Thiên Tử chính là cai quản sự vận hành luân chuyển của ngày và đêm ở các cõi giới khác nhau trong khắp Tam Giới.
Xem bài: Đức Quang Âm Thiên Tử
* Phong Thiên Tử
– Phong Thiên Tử còn được biết đến với tôn danh Thiên Không Tử, là vị Thiên Tử đại biểu cho Tốn Cung trong Bát Quái Cửu Cung.
– Phong Thiên Tử cai quản về không khí, gió và khoảng không gian bao bọc các cõi giới khác nhau.
– Tất thảy nơi nào muốn phát sinh được sự sống của sinh vật đều cần phải có không khí, không gian sống và dòng khí lưu luân chuyển để sự sống ấy có thể duy trì hô hấp. Vì thế, quyền năng của Phong Thiên Tử cũng được xem là khởi nguồn cho việc phát sinh sự sống sinh vật ở các cõi Hạ Giới.
* Hỏa Thiên Tử
– Hỏa Thiên Tử còn được biết đến với tôn danh Diễm Quang Tử, là vị Thiên Tử đại biểu cho Ly Cung trong Bát Quái Cửu Cung.
– Hỏa Thiên Tử cai quản về lửa, hơi nóng, sự vận hành năng lượng phát sinh ánh sáng và hơi ấm, sự tiêu trừ uế trược do thiêu đốt năng lượng trì trệ mà khởi sinh năng lượng tích cực.
– Tất thảy sự sống muốn duy trì và phát triển, dễ sống theo sự vận hành thay đổi thời gian ngày đêm, nóng lạnh thì đều cần có hơi ấm để duy trì sự tồn tại trong quá trình luân chuyển nhiệt độ ấy. Quyền năng Hỏa Thiên Tử chính là cai quản sự vận hành sinh diệt liên tục của các lý sự tồn tại và thay đổi năng lượng trong từng sát na.
Xem bài: Đức Hỏa Thiên Tử – Hỏa Đức Tinh Quân – Diễm Quang Tử
* Lôi Thiên Tử
– Lôi Thiên Tử còn được biết đến với tôn danh Huyền Minh Tử, là vị Thiên Tử đại biểu cho Chấn Cung trong Bát Quái Cửu Cung.
– Lôi Thiên Tử cai quản về sấm chớp, năng lượng mãnh liệt phát sinh ánh sáng và âm thanh do sự tương tác hai khí âm dương. Khi hai năng lượng âm dương có sự tương tác xung đột, va chạm nhau sẽ phát sinh ra sấm chớp để giải quyết xung đột ấy. Đây cũng chính là tính chất khai mở một đường hướng, sự nhận thức các lý sự mang nhiều tính chất khác nhau đôi khi là đối lập nhau hoàn toàn. Năng lượng mãnh liệt của lôi điện có khả năng tiêu trừ một sự tồn tại không phù hợp trong không gian hay nhận thức để chuyển hóa nó thành thứ khác phù hợp hơn.
– Quyền năng của Lôi Thiên Tử cũng được hiểu như là sự thay đổi một cách mãnh liệt, giúp thức tỉnh tiêu trừ vô minh, tiêu trừ những gì mờ mịt chưa được thông suốt rõ ràng.
* Mộc Thiên Tử
– Mộc Thiên Tử còn được biết đến với tôn danh Diệu Hương Tử, là vị Thiên Tử đại biểu cho Cấn Cung trong Bát Quái Cửu Cung.
– Mộc Thiên Tử cai quản về cây cối, thảo mộc, sự sống phát sinh, tăng trưởng, già chết theo thời gian.
– Nhờ có cây cối trong môi trường sống giúp cho các loại khí độc hại, bất thiện với sự sống được cây cối hấp thu và chuyển hóa thành khí tốt cho sự sống. Ngoài ra, sự sống của muôn vật loại mang thân mạng đều cần hô hấp và thực dưỡng để duy trì sự tồn tại của mình. Thế nên quyền năng của Mộc Thiên Tử còn mang ý nghĩa giúp phát triển, duy trì sự sống bằng việc hy sinh một phần thân mạng của thảo mộc để làm lương thực cho các loài sinh vật khác.
* Thủy Thiên Tử
– Thủy Thiên Tử còn được biết đến với tôn danh Thanh Tịnh Tử, là vị Thiên Tử đại biểu cho Khảm Cung trong Bát Quái Cửu Cung.
– Thủy Thiên Tử cai quản về nước, dòng chảy, tính âm hàn, mát mẻ, tính chất tịnh hóa và đào thải những điều bất thiện của vạn vật.
– Nhờ có nước trong môi trường sống mà muôn vật loại có thể duy trì được thân mạng theo thời gian. Thông qua sự hô hấp và bài tiết, trao đổi chất giữa các lý sự với nhau trong môi trường sống mà những gì không phù hợp sẽ dần được đào thải theo thời gian, để các lý sự luôn giữ được trạng thái thanh nhẹ, trong sạch, tươi mới. Vậy nên Quyền năng của Thủy Thiên Tử chính là đào thải những điều bất thiện, tịnh hóa sự rối loạn, loạn động mang năng lượng tiêu cực để giúp duy trì sự sống được tươi mới, dung hòa với môi trường sống xung quanh.
Xem bài Thủy Thiên Tử – Thủy Đức Tinh Quân – Thủy Diệu Tinh Quân
* Địa Thiên Tử
– Địa Thiên Tử còn được biết đến với tôn danh Ngọc Liên Tử, là vị Thiên Tử đại biểu cho Khôn Cung trong Bát Quái Cửu Cung.
– Địa Thiên Tử cai quản thuộc tính thổ, đất đai, tính ngưng tụ, tính bình ổn nhất thời, sự liên kết giả tạm của vật chất hữu hình hữu hoại, sự nghỉ ngơi trong một thời gian để chuyển hóa thành dạng tồn tại khác của các lý sự vô thường.
– Quyền năng của Địa Thiên Tử chính là giúp chuyển hóa, tiêu trừ uế trược của xác thân hữu hoại khi đã đến hồi tan rã nhân duyên giả hợp. Từ đó lý sự ấy chuyển sinh thành dạng tồn tại khác phù hợp với tâm tình, ý nguyện, mức độ tinh tấn theo thời gian. Ngoài ra, đất đai còn giúp nuôi dưỡng cây cối, cây cối lại làm lương thực cho vạn loại. Đất còn cho các sinh vật không gian sống để được trải nghiệm, học hỏi và tinh tấn theo thời gian đồng hành với sự vận hành của Tam Giới.
* Kim Thiên Tử
– Kim Thiên Tử còn được biết đến với tôn danh Thái Tinh Tử, là vị Thiên Tử đại biểu cho Càn Cung trong Bát Quái Cửu Cung.
– Kim Thiên Tử cai quản về kim loại, khoáng quặng, những chất cứng rắn trong thiên nhiên có thể uốn cong hoặc nung chảy và thay đổi hình dạng vật thể do tác động của nhiệt và sức mạnh.
– Nhờ có các vật thể cứng rắn mà muôn vật loại dễ sống hơn trong môi trường thiên nhiên. Thông qua quá trình tinh luyện những vật thô cứng, ít chỗ hữu dụng thì những vật loại ấy trở nên tinh tế hơn, nhiều chỗ hữu dụng hơn. Do vậy, quyền năng của Kim Thiên Tử giúp cho đời sống vật chất tinh thần của muôn vật loại trở nên tinh tế hơn, tốt đẹp hơn và thuận lợi trường tồn theo thời gian với các sự thay đổi vận hành trong thiên nhiên.
* Ái Thiên Tử
– Ái Thiên Tử còn được biết đến với tôn danh Từ Ái Tử, là vị Thiên Tử đại biểu cho Đoài Cung trong Bát Quái Cửu Cung.
– Ái Thiên Tử cai quản về tâm tình, cảm xúc của muôn vật loại. Muôn loài muốn sinh sôi nảy nở, muốn được trường tồn thì cần phải có tình yêu thương, khát khao muốn sống, tâm tình quan tâm đến chính mình và thế giới quan xung quanh. Nếu không có tình yêu thương thì vạn loại sẽ tồn tại theo bản năng vị kỷ, ít khi vị tha, dễ dàng vì quyền lợi của mình mà tiêu diệt kẻ khác.
– Thế nên quyền năng của Ái Thiên Tử cũng chính là gieo mầm hạt giống thiện lương để giúp gìn giữ các mối quan hệ tương trợ lẫn nhau mà duy trì sự sinh tồn. Muôn loài sinh vật dù sắt đá, thảo mộc hay cầm thú, con người đều phải có khát khao muốn sống, khát khao yêu thương và thực hành yêu thương thì mới có thể tồn tại được vậy.
Xem bài Đức Từ Ái Thiên Tử
Thập Nhị Khai Thiên trong các nền văn hóa, tín ngưỡng
Trong Thánh Ngôn về việc bái lễ, Đức Từ Phụ từng dạy: “Thập Nhị Khai Thiên là Thầy, Chúa cả Càn Khôn Thế Giới, nắm trọn Thập Nhị Thời Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy.”
Khái niệm về Thập Nhị Chư Thiên của Phật Đạo, Thập Nhị Thiên Tướng của Đạo Gia Thiên Văn Huyền Học… Trong các khái niệm ấy cũng có nhắc đến một số vị trong Thập Nhị Khai Thiên với các tôn danh khác nhau
Tam Giới Toàn Thư
Người xưa thường dùng chữ Thiên Tử và hiểu rằng đó là con Trời, là chỉ ông vua một quốc gia, lãnh thổ nơi thế gian.
Nhưng mà hiểu đúng từ con Trời, thì chúng sinh trong khắp trời đất, có vật chi mà không phải là Thiên Tử?
Chỉ là, chúng sinh có tự mình nhận thức, tự mình hiểu rằng là Thiên Tử thì cần làm gì ở đây, sống thế nào giữa Thiên, Địa, Nhân…
Vậy nên sự khác biệt giữa Thiên Tử hay Thiên Tử phi Thiên Tử cũng chỉ ở chỗ giác ngộ và chân hành với chính đời mình.
Lại nói ở khía cạnh tu dưỡng, hành giả tu dưỡng tâm thân, dù đại căn hay tiểu căn, dù nguyên nhân hay hóa nhân, quỷ nhân… cũng coi như bắt đầu số 0 như nhau.
Có thể có được các nhân duyên thiện hay bất thiện khác nhau để ra quả đã ấn định số kiếp.
Nhưng vì có tu dưỡng hướng thiện mà quả đó sẽ thay đổi nhân duyên, nên rốt cuộc người ta khác biệt nhau không phải căn cơ mà là ngộ tính, thái độ sống đối với đời khi được trải nghiệm cuộc sống và sự chuyên cần sẽ cho kết quả khác nhau.
Vì nói tâm hướng thiện, muốn tu, ai chẳng có nếu đã là trong cửa Đạo, nhưng tâm rộng bao nhiêu, siêng bao lâu, làm được gì thì lại là chuyện rất khác ở mỗi người.
Có bài thơ rằng:
Thiên Cơ định mà lòng người chẳng định
Sự như nhiên vô thường cũng như nhiên
Nay hoan hỉ, buông lời khi cao hứng
Mai hết rồi, đổ lỗi tại vô thường
Khắp Tam Giới, ai không là Thiên Tử?
Tự mình làm những việc chẳng hợp danh
Vì lẽ đó thuần lương không trọn vẹn
Biết bao giờ Thiên Tử về Cung xưa.
Hoàng Long Trường Thịnh Bên Ấn giáo trước Đạo giáo Tq cũng có nói về thập nhị hoàng đạo và tam thập lục thiên thần ứng với 33 cõi trời và 12 hoàng đạo. Đều là do Dyuas là Dương Tính kết hợp với Aditi là Âm Tính tạo thành trời và đât và 12 vị 36 vị thần