Câu chuyện: thầy quẩy hành lý trò quẩy hành lý
Một hôm trên đường đi du hóa của hai Thầy trò. Nhưng người Thầy thì tu có kết quả, Ngài có tha tâm thông, có thể biết được tâm của người khác đang nghĩ gì.
Còn người trò thì chưa có tha tâm thông nên không biết.
Vì đi du hóa đường xa nên hai Thầy trò có quẩy theo hai túi hành lý. Nhưng bình thường thì người học trò quẩy, còn Thầy thì đi không.
Đang đi giữa đường, người trò khởi nghĩ :
« Chắc tương lai ta sẽ hành bồ tát đạo, nguyện cứu giúp, độ thoát tất cả chúng sinh.
Nếu còn chúng sinh nào chưa vào niết bàn thì ta cũng chưa thụ nơi chánh giác ».
Người đệ tử vừa khởi nghĩ vậy, người Thầy biết ngay. Lúc đó, người Thầy nói với đệ tử :
« Thôi, hành lý để ta quẩy, con đi không đi ».
Đi được lát, người đệ tử lại khởi nghĩ :
« Ôi, mà hành bồ tát đạo vậy chắc khó và khổ lắm, thôi ta không hành nữa ».
Đệ tử nghĩ vậy, người Thầy cũng biết được. Thế là người Thầy lại trao gánh hành lý cho người đệ tử quẩy.
Sự việc này cứ lập đi, lập lại nhiều lần trên đường, đến nỗi người đệ tử thắc mắc hỏi :
Sư Phụ ơi, sao trên đường đi, Ngài cứ trao hành lý qua con quẩy, rồi Sư Phụ lại lấy lại quẩy, con không hiểu là thế nào ạ ?
Sư Phụ đáp :
Trên đường đi, có lúc con khởi nghĩ là sẽ hành bồ tát đạo, cứu độ tất cả chúng sinh. Còn ta thì chưa phát nguyện hành pháp đại thừa, đi trên con đường bồ tát đạo.
Nguyện lực của con lớn hơn, nên lúc ấy ta phải quẩy hành lý cho con.
Nhưng lúc sau con lại thoái chí, không hành nữa, nên con trở lại địa vị đệ tử. Do vậy, con phải quẩy hành lý cho ta.
Bài học
Câu chuyện chỉ dừng lại ở đây, nhưng cũng đã cho chúng ta rất nhiều bài học quý là :
Người xưa tu hành, họ ít chấp ngã, địa vị Thầy trò, cao thấp cũng có thể bị thay đổi, nếu người kia uy đức lớn hơn, đáng được kính trọng hơn.
Câu chuyện ta còn thấy được năng lực tha tâm thông của Vị Thầy, có thể biết được tâm của người đệ tử đang nghĩ gì.
Năng lực này, chỉ người tu tập mới có được.
Và người hành pháp đại thừa, hành bồ tát đạo, nguyện cứu giúp tất cả chúng sinh. Công đức này thật sự rất lớn lao, vĩ đại, đáng được sự tôn kính của trời người.
Và chúng ta khi tu tập cũng nên phát những nguyện lực này, luôn vì lợi ích của tất cả chúng sinh mà tu, điều này sẽ giúp Quí Vị phá được tâm ích kỷ, bào mòn tâm chấp ngã.
Tăng được tâm vị tha, từ bi và dũng mãnh.
Đây chính là mục tiêu hướng đến của người tu đạo.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Xem thêm: Ba lần phát Bồ Đề Tâm
FB: Tu học mỗi ngày –