Thế nào được gọi là «phá chấp»?
Một cụm từ mà cũng rất phổ biến, rất hay gặp trong việc tu tập đó là từ «phá chấp».
Vậy Quí Vị hiểu ý nghĩa của phá chấp là như thế nào ?
Tôi thấy cũng có không ít người hiểu nhầm, hiểu sai, để rồi họ kẹt vào cái nhìn tà kiến, sai trái thậm chí nhiều người còn đi vào con đường lầm lạc, đọa lạc.
Chấp có nghĩa là nắm, là giữ.
Phá có nghĩa là làm cho tan vỡ, đỗ vỡ.
Phá chấp có nghĩa là làm vỡ tan cái quan kiến sai lầm, cái sự thấy biết cuả ta vào một đối tượng hay một sự việc nào đó.
Trong Phật Pháp, ta thấy cụm từ phá chấp còn gắn theo sau với một vài từ khác để nói rõ, cụ thể hơn về phá chấp nào?
Ví dụ như :
Phá cái chấp thân.
Phá cái chấp tài sản.
……
Như Quí Vị biết, trong các sự chấp thì « Chấp thân » là cơ bản nhất.
Từ cái chấp thân là ta, con người mới có chấp những cái ngoài thân như chấp tiền bạc, tài sản, con cái, vợ chồng,.. là của ta.
Thế nào được gọi là chấp thân?
Chấp thân là khi ta không có trí tuệ, không thấy thân được cấu tạo bởi tứ đại giả hợp đất nước gió lửa.
Và vì không thấy được sự giả hợp của tứ đại do đó con người bị dính mắc vào quan kiến cho rằng :
« Thân này là của tôi, thân kia là của anh ».
Nhưng thực tế thì thân không phải là của tôi hay của anh gì cả.
Nó chỉ giả tạm, mượn tạm, sống vài năm rồi thì thân tứ đại lại trở về với bản chất tự nhiên vốn có của nó.
Phần xương thì trở về với đất.
Phần máu, nước thì trở về với nước tự nhiên.
Phần hơi thở thì trở về với gió tự nhiên.
Phần hơi ấm thì trở về với sức nóng tự nhiên.
Vậy rõ ràng chúng ta thấy, cái gọi là thân của tôi, thân của bạn, thân của chị B, của anh A, bác C ,…chẳng qua đó là sự đặt tạm, gọi tạm theo pháp thế gian để phân biệt.
Nhưng trên thực tế bản chất thì là không, không tôi, không anh, không bác, không chú.
Nên cái gọi là ta thì không thật có.
Từ cái thân, cái ta không thật có, thì những thứ bên ngoài cũng là huyễn hóa, là không thật.
Ta cũng chỉ mượn tạm để sống.
Ở bài này tôi cũng chưa đi sâu vào các sự chấp, cũng như các cảnh giới sẽ sinh về nếu phá được các sự chấp ( Như chấp thân, phá chấp thân rồi kẹt vào chấp tâm, phá chấp tâm thì an trú vào đâu,..), những vấn đề chuyên sâu này tôi sẽ đề cập ở bài khác.
Thời gian trước tôi cũng gặp mấy trường hợp hiểu nhầm, hiểu sai về sự chấp, người xuất gia có, tại gia có.
Có lần tôi thấy Vị kia hút thuốc lá.
Tôi hỏi : Tu được hút thuốc lá hả Quí Ngài?
Vị ấy, hầm hầm hổ hổ giận tôi (như muốn ăn thịt tôi vậy).
Vị ấy nói : Học bát nhã chưa ?
Rồi đọc mấy câu: Sắc bất dị không, không bất dị sắc,.. .v….v…
Tôi nghe xong, tôi im lặng và bỏ đi.
Nếu hiểu bát nhã tâm kinh vậy, đúng là địa ngục đang chờ đón.
Khi các Vị hút thuốc thì bị nghiện rồi, đây là chưa nói đến gây tổn hại sức khỏe.
Bị nghiện, bị thuốc trói buộc thì sao tu giải thoát được đây.
Giải thoát chính là tự do, ở đây ta lại tự trói mình.
Một ví dụ khác :
Hôm trước tôi cũng gặp một Chị. Chị này theo các Vị tu đâu từ nước ngoài về.
Chị cũng không hiểu gì nhiều về sự chấp, thế là bị các Vị ấy dụ, các Vị ấy nói rằng :
“Nam nữ đụng chạm thân xác lẫn nhau, cũng là đang phá chấp.”
Nghe vậy mà cô cũng tin.
Đây là đang phạm giới tà dâm rồi, đặc biệt là với người xuất gia thì không được đụng chạm đến nữ giới.
Thế là cô gái ấy, mà mấy cô khác nữa, không biết sao rồi.
Đến nay lâu quá tôi cũng mất liên lạc luôn.
Do vậy, khi tu tập nếu Quí Vị có gặp những điều gì lạ hay khó hiểu. Thì nên cố gắng tìm hiểu cho tường tận, cho đúng. Để từ đó ta sẽ có cách hành trì đúng, và không bị đi vào con đường sai trái, đọa lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Đọc thêm : Tu học mỗi ngày trên Ô-Hay.Vn
Nguồn FB: Tu học mỗi ngày –
THẾ NÀO ĐƯỢC GỌI LÀ « PHÁ CHẤP »Một cụm từ mà cũng rất phổ biến, rất hay gặp trong việc tu tập đó là từ « Phá chấp…
Người đăng: Tu học mỗi ngày vào Chủ nhật, 29 tháng 12, 2019