THẾ NÀO GỌI LÀ NGƯỜI NGOẠI ĐẠO?
Theo Quý Vị thì thế nào được gọi là người ngoại đạo?
Trước đây, tôi cũng như Quý Vị cứ nghĩ rằng người ngoại đạo là người theo đạo khác đạo của mình hiện đang theo.
Ví dụ như :
Người theo đạo Phật gọi người theo đạo Thiên Chúa là ngoại đạo, hay người theo đạo Thiên Chúa gọi người theo đạo Hồi là ngoại đạo, hay người theo đạo Hồi gọi người theo đạo Tin Lành là ngoại đạo,….v….v….
Nếu ta gọi như thế thì cũng chưa đúng lắm, gọi và nghĩ như thế là đang khởi tâm phân biệt đạo này đạo nọ, chứ không phải ý nghĩa của ngoại đạo.
Vì họ đang tôn trọng cái gì là của mình, là mình đang theo, nâng mình hạ người, đây là đang thể hiện tâm chấp trước, còn mắc kẹt trong bản ngã cái này là cái của tôi, kia là cái của anh, thấy còn có người có ta, của mình, của người.
Đây là đang còn vướng kẹt trong tâm của phàm phu với nhiều sự thô lậu.
Nói lòng vòng như vậy, nhiều người sẽ thắc mắc :
Vậy theo Thầy,
Thế nào gọi là người ngoại đạo ?
Ta đi vào chủ đề chính :
Người mà rời tâm để cầu đạo, tâm hướng ngoại cầu đạo.
Đây gọi là người ngoại đạo.
Vậy thế nào gọi là tâm hướng ngoại?
Tâm hướng ngoại là hướng ra bên ngoài, ví như một người theo đạo nọ, anh ta muốn sau khi chết được sinh về thiên đường.
Thế là anh ấy ngày đêm cầu nguyện với thần linh, cầu nguyện đều và nhiều, để hầu mong xin sau khi chết anh được thiên thần rước về thiên giới.
Ta tạm gọi anh này là ngoại đạo. Vì sao ?
Vì anh không chịu hướng vào tâm mình để buộc chính tâm tính của anh ấy phải thay đổi, cần phải sửa đổi thân tâm, biến tâm từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện, từ tâm động loạn xao động trở nên an tĩnh, thanh bình….
Người ấy phải dọn rác ngay chính tâm thức họ cho sạch,
Rác gồm những gì?
Như lời nói thô ác, lời nói vô bổ phù phiếm, lời nói gây chia rẻ như nói xấu người khác, các tâm sân giận nóng nảy hay giận hay hờn, vui buồn thất thường.
Đây chính là rác trong tâm.
Một số rác nữa như là :
Tâm háu ăn, tham ăn, tâm dâm dục mê dục, tâm thích đắm mê theo các hình sắc lạc lối trước những cái ngon, cái đẹp, tâm còn si mê u tối, tà kiến, tâm ích kỷ chỉ nghĩ lợi cho bản thân, tâm hung hăng háo thắng tâm thiếu từ bi, tâm không biết thương người yêu quý con vật cùng các sinh mạng, tâm không yêu thiên nhiên phá hoại môi trường, …….
Một người cầu đạo, muốn sinh về cõi lành sau khi chết như hướng ngoại cầu xin ban ơn, mà không chịu dọn rác bên trong, vậy thì tâm tâm sao có thể tương ưng với cảnh giới để mà tái sinh về.
Phàm tâm dục tâm, ác tâm, cùng những tâm bất thiện và xao động sao có thể an trú nơi cõi trời vốn thanh tịnh và các Ngài luôn an trú trong trạng thái định vắng lặng, an tĩnh.
Người tín đồ nào mà đang cầu đạo như thế, ta có thể tạm gọi là người ngoại đạo.
Nói đến đây, thì sẽ có người nảy sinh tà kiến, tà kiến thế nào ?
Là anh ta nói :
Thôi, vậy tôi không cần cầu thỉnh Thần Thánh bên ngoài, không cầu nguyện và lễ lạy gì nữa, chỉ hướng vào trong mà tự thay đổi tự tâm.
Nghĩ vậy coi chừng trật vì dễ làm tăng lòng ngã mạn, rất dễ rơi vào đường tà, kẹt theo ác ma.
Người tu đạo có trí cần phải nương vào sự gia hộ của Thiện Thần, của Chư Thánh, tìm tòi học hỏi chiêm nghiệm các đạo lý kinh luật luận cho thật minh bạch, thấu lý.
Sau đó dùng những sự hiểu biết ấy như là tấm bản đồ chỉ đường để xoay vào bên trong tự tâm của chính họ mà uốn nắn, tự rèn luyện và thay đổi, để làm cho tâm thức mỗi ngày được thánh thiện, toàn thiện, trong sạch và thanh tịnh.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Tham khảo: https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/hoi-dap-tam-linh/
FB Tu học mỗi ngày –