Thế nào là Chánh Tinh Tấn?
Thế nào là Tà Tinh Tấn?
Hai cụm từ này chắc quý vị nào tu tập nhiều năm cũng đã nghe qua rồi.
Nhưng nghe, hiểu là một chuyện, còn áp dụng vào thực hành sao cho đúng đắn lại là một chuyện khác.
Chánh tinh tấn là việc siêng năng, chăm chỉ trong việc tu tập một cách đúng đắn, hợp lý.
Nhằm đem lại kết quả tu tập tốt đẹp nhất, thành tựu và viên mãn nhất.
Vậy còn thế nào gọi là tà tinh tấn ?
Tà tinh tấn trong việc tu tập được hiểu là việc siêng năng, chăm chỉ trong tu tập, nhưng thiếu sự đúng đắn, không có sự hợp lý, chẳng có trí tuệ, nhiều khi rơi vào ép xác khổ hạnh không cần thiết.
Và hậu quả của người hành tà tinh tấn, thường là sẽ gặp sự thất bại trong việc tu tập, nếu nặng hơn có thể thoái đoạ xuống ba ác đạo ( Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh ).
Lấy ví dụ để quý vị dễ hiểu :
Như có một số vị nhận thấy cuộc đời là bể khổ, thế là họ quyết tâm niệm Phật để cầu vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc cho sướng.
Đây là ý niệm cũng chân chính chứ không phải là xấu.
Thế nhưng họ dụng công như sau :
Họ bỏ nhà cửa, bỏ công việc, bỏ vợ con, cha mẹ, vào nơi vắng vẻ , để ẩn tu.
Nhưng họ thức niệm Phật cả ngày lẫn đêm, vài tháng vẫn không ngủ, ăn thì cũng không ăn chỉ uống nước lã, …..
Và niệm dù đã khàn tiếng, đau họng,… nhưng họ vẫn cố niệm để hầu mong đắc đạo, đạt được niệm Phật tam muội.
Nhưng than ôi !
Niệm chưa thành tựu thì đã kiệt sức và mất mạng rồi.
Đây gọi là người tà tinh tấn.
Quý vị đừng nên bắt chước người này.
Vậy cũng với người niệm Phật như thế, nhưng niệm như thế nào mới là chánh tinh tấn ?
Đó là ta phải khảo sát xem căn cơ của mình tới đâu.
Nếu mình là người tu tại gia, còn vợ, còn con, còn cha, còn mẹ phải chăm lo.
Thì phải nên làm tròn bổn phận với gia đình, chứ không thể tránh né bỏ đi, để tìm giải thoát riêng cho bản thân, trong khi đó gia đình đang đói kém khốn khổ.
Đi như vậy, liệu quý vị niệm Phật có an tâm được không ?
Tôi nghĩ sẽ khó mà an.
Vậy nếu chưa đi ra khỏi nhà được, thì ta vừa làm việc ở tại gia và vừa tu niệm Phật.
Mỗi ngày ta có thể hành trì hai thời sáng, tối.
Sáng một tiếng, tối trước khi đi ngủ cũng một tiếng, còn trong lúc làm việc thì giữ tâm tỉnh giác chánh niệm.
Quý vị tu niệm đều đặn như thế, tôi tin rằng cuối đời sẽ có kết quả của việc niệm Phật đó, chứ không phải không.
Còn nếu quý vị sắp xếp, lo lắng được cho gia đình ổn thoả, thì có thể xuất gia cầu đạo.
Xuất gia vào chùa tu học chuyên sâu hơn, sẽ có nhiều thời gian cho việc tu học hơn,
và không còn phải lo về đời sống cơm áo gạo tiền nữa.
Nhưng người xuất gia được như thế này, phải có phước duyên rất lớn chứ không có dễ.
Từ đây, họ sẽ có đường hướng tu tập của người xuất gia rất là hay.
Theo thời khóa công phu đều đặn ở chùa, rồi có khi có thể nhập thấp để tu, lúc rảnh thì họ lao tác trong chùa, và làm các công việc Phật sự, thiện sự, hay giáo hóa chúng sinh,….
Chính vì sự tu tập chuyên cần, và đầu tư nhiều thời gian như thế, nên cơ hội vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới hay đắc đạo của người xuất gia thì rất là cao.
Nên ngôi chùa có thể nói là môi trường cực tốt để rèn luyện, hay đào tạo một vị Tăng trở thành Phật trong tương lai.
Trở lại với vấn đề chánh tinh tấn hay tà tinh tấn như đã nói ở trên.
Tôi có một điều nhắc nhở nữa đối với quý vị như sau :
Việc tu hành có kết quả, như đắc đạo, hay đạt được niệm Phật tam muội để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Đây là một quá trình mà quả tu hành đã đến lúc chín.
Giống như quý vị trồng một cây xoài, sau bao nhiêu ngày chăm sóc vất vả, nay chúng đã cho quả chín.
Đây là một tiến trình tất yếu phải xảy ra.
Việc tu hành cũng như thế, khi mà quả giác ngộ chưa đến, giống như cây xoài đang mới ra bông, mà quý vị bắt ép cho nó có trái, thì sẽ không thể nào ra trái được.
( Giống như trường hợp người hành tà tinh tấn niệm Phật đã nói ở trên, bỏ ăn không ngủ…. Mong cho được vãng sinh, nhưng nào có được đâu, vì quả giác ngộ của anh ta mới đang ra bông, thì sao có thể cho trái chín được ).
Chính vì thế, lúc này anh ta cần phải tiệm tu, chứ không thể nào mà muốn đốn ngộ được.
Khi quả giác ngộ đã tới, nhiều vị Tăng chỉ cần nghe một tiếng chuông đánh lên, cũng đủ làm cho tâm bừng ngộ.
Hay vô tình nghe người khác đọc một câu kệ, cũng làm cho họ bừng ngộ, đắc đạo.
Một vài câu kệ như sau :
” Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm “
” Các pháp nhân duyên sinh
Cũng theo nhân duyên diệt
Nhân duyên sinh diệt này
Phật đại Sa môn thuyết “
………….
Do vậy, quý vị phải hết sức chú ý, không nên chán nản cuộc đời, rồi tu ép xác thái quá, như bỏ ăn bỏ ngủ, và bị bệnh, gãy đổ, hư cả một sự nghiệp tu hành, như vậy là không nên.
Tối nay tôi chỉ có đôi lời như thế thôi.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
( Phải nhớ là chánh tinh tấn nha quý vị ).
Cư sĩ Nhuận Hòa