Thế nào là con đường Trung đạo của nhà Phật?
Hỏi: Nhờ Thầy giải thích giúp con về con đường trung đạo mà Đức Phật đã tìm ra, là hiểu như thế nào ạ?
Thầy Trong Suốt:
Sống trên đời này nếu nghiêng về dục lạc, hưởng thụ, thì kết quả là gì? Ăn nhiều thì sao? Bệnh, ung thư, chết. Nghiêng về phía dục lạc, hưởng thụ thì chắc chắn là đau khổ.
Một loại thứ hai là nghiêng về phía thanh tịnh. Không ăn gì hết, ngày uống ngụm nước, xong rồi ăn vài cái lá. Không ăn gì hết, không ngủ với ai hết, trốn tránh xã hội, thấy việc gì có vẻ phức tạp không làm nữa. Đấy là nghiêng về phía thanh tịnh. Kết quả là gì? Ràng buộc, trói chính mình trong cái khuôn khổ thanh tịnh.
Cả hai cái đều không dẫn đến tự do, tự tại và giải thoát. Một bên ràng buộc vào danh lợi, một bên ràng buộc vào thanh tịnh, cuối cùng ông nào cũng bị trói cả. Chẳng ông nào hiểu được bản chất thế giới là không thật. Nếu là không thật thì chẳng có gì để bị trói, còn nếu đã bị trói thì nó là thật mất rồi.
Trung đạo là gì?
Trung đạo là đừng bị rơi vào hai cái đó, đừng có rơi vào bên phải, đừng rơi vào bên trái, mà giữ cho mình một trạng thái cân bằng. Không chấp có, cũng chẳng chấp không.
- Chấp có là gì? Tin tất cả mọi thứ là có thật.
- Chấp không là gì? Bảo chẳng có gì là thật hết.
Đấy, không chấp dục lạc, mà cũng chẳng chấp thanh tịnh. Chấp thanh tịnh là thanh thanh tịnh tịnh. Chấp dục lạc là dục dục lạc lạc. Không rơi vào một trong hai thứ đấy, mà cũng chẳng rơi vào có có, không không.
Trung đạo là trạng thái mà ở đấy người ta hiểu sự thật. Khi hiểu sự thật thì người ta không bị vướng mắc vào bất kỳ hình thức nào. Đức Phật khuyến khích người tu hành phải trung đạo, mọi người nói chung, chứ không chỉ riêng người tu hành, nhưng người tu hành hay bị kiểu cực đoan, bị vướng vào những khuôn khổ, khuôn mẫu của tu hành – bệnh của người tu. Người tu có nhiều bệnh lắm, trong đấy có bệnh vướng vào các khuôn mẫu của tu hành.
Thế thì trung đạo là một cách sống có trí tuệ. Khi hiểu biết thì mới trung đạo được. Khi hiểu biết chúng ta sẽ biết cách, ta biết rằng, nghiêng về đầu này là quá mất rồi, phải dừng lại. Ví dụ khi người ta ăn chay thì người ta chê người ăn mặn, đấy. Bệnh của người ăn chay là ngồi chê người ăn mặn. Thế là bị lệch mất rồi, không phải trung đạo. Khi ăn chay thì không chê người ăn mặn, đấy là trung đạo. Khi tu hành không quên giúp người, chứ không phải là ở chỗ nào đó, cố gắng tu hoài cho đến khi giác ngộ. Khi tu hành thì không quên Bồ đề tâm.
Nếu em tu thì em biết điểm giữa đấy, để em nhận ra sự thiên lệch, thì đúng hơn. Thiên lệch thì có gì đâu, mình sửa thôi. Đi xe đạp dễ hiểu nhất. Đi xe đạp là hình ảnh trung đạo rõ nhất, nếu mà không biết cân bằng, nghiêng phải thì sao? Đổ không? Nghiêng trái có đổ không? Nhưng mà khi cân bằng rồi, mình đi xe phăm phăm đúng không? Mình chẳng cần phải nghĩ nó lắc phải lắc trái bao giờ nữa, tự nhiên tự động. Thì tu hành cũng thế thôi, trung đạo cũng giống như đi xe đạp, nếu nghiêng phải – đổ, nghiêng trái – đổ, còn biết cách cân bằng, hơi nghiêng phải rồi thì tự người sang trái, hơi nghiêng trái thì tự người sang phải, thì sẽ đi rất là dễ dàng, không đổ. Đấy, hình ảnh trung đạo giống hình ảnh đi xe đạp.
Vướng mắc vào bất kỳ hình thức nào đều không dẫn đến tự do, tự tại và giải thoát. Khi hiểu biết sự thật thì mới không bị vướng mắc vào bất kỳ hình thức nào,mới trung đạo được.
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh Trong Suốt-Đà Nẵng- 2/2018
Xem thêm: Trung đạo – Cân bằng giữa tu tập và cuộc sống đời thường