Thiền là gì? định là gì? Thế nào là thiền định?
Những câu hỏi này cũng có rất nhiều người thắc mắc, tuy nhiên để trả lời cho chính xác thì cũng chẳng hề dễ dàng chút nào. Vì sao vậy?
Hằng ngày tất cả những ai trong chúng ta ai cũng ăn cơm, uống nước.
Nhưng giờ bất ngờ mình hỏi: Xin hỏi bạn, thế nào là ăn cơm ngon, cơm thơm, cơm dở,.. ?
Hay mình hỏi: Bạn hãy mô tả cho mình cái cảm giác uống nước nóng là thế nào, nước ấm, nước lạnh là thế nào? Thì có lẽ ta sẽ lớ quớ không trả lời được.
Cũng vậy, thiền định nói riêng hay giáo pháp của Phật nói chung muốn diễn đạt cũng chẳng hề dễ dàng chút nào. Đó là cả một quá trình tu hành và trải nghiệm, tự nếm trải. Chứ nếu nói ra thì nhiều khi mất hết ý nghĩa của đạo, và không còn đúng nữa.
Tuy nhiên nếu không diễn nói thì cũng chẳng ai biết đường để mà tu. Do vậy Phật phải mượn phương tiện là giảng nói để giúp người hiểu mà tu vậy.
Thế nào là thiền?
Thiền là một trạng thái của tâm tịch tịnh, vắng lặng của vọng niệm, nhưng đầy sự sáng suốt, minh mẫn và trí tuệ. Hay một sự chú tâm vào các đối tượng tâm, cảnh. Một sự tư duy nhẹ nhàng, yên ắng, trong một sự tĩnh mịch của không gian và thời gian.
Vậy thế nào là định? (hay tâm định)
Để hiểu được thế nào là tâm định, thì ta cần phải biết thế nào là tâm loạn?
Tâm loạn là tâm bị mất sự tập trung, mất sự chú tâm vào các đối tượng như thân, hay hơi thở, hay câu Niệm Phật, mà chạy ra bên ngoài theo các trần cảnh. Vì khi tâm chạy ra bên ngoài, đuổi theo ngoại cảnh thì ta bị quên mất chính mình, ngay đó ta đánh mất đi trí tuệ, sự sáng suốt.
Vậy tâm định là tâm lúc nào cũng an trú vào thân, hay hơi thở, hay câu Phật hiệu. Không bị tán loạn, không bị chạy ra bên ngoài, dù bất cứ yếu tố gì tác động (Như đói, no, ngon, dở, sợ ma, sợ rắn, sợ đe dọa, sợ đau,….). Thì tâm vẫn vững vàng an trú.
(Nhưng không dễ chút nào, đòi hỏi phải mất một quá trình tu tập gian nan vất vả trong thiền định, hay trì chú, hay lần chuỗi niệm Phật thì ta mới đạt được tâm định kiên cố).
Vậy thiền định chính là cách ta đưa tâm về trạng thái vắng lặng, tịch tĩnh, và ta chú tâm vào các đối tượng nội tại như thân, hơi thở hay câu Phật hiệu, trong một sự sáng suốt biết rõ và an lạc.
Một sự tư duy trong tịch tĩnh, nhận biết bản chất, thực tướng mọi sự mọi vật như bản chất nó vốn là, không thêm, không bớt, và hết sức khách quan.
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
– Cư Sĩ Nhuận Hòa –
FB: Tu học mỗi ngày
Thiền chỉ – Thiền quán
Lâu nay các bạn hành thiền.
Tuy nhiên nếu bất ngờ có người hỏi vậy. Có lẽ ít nhiều ta cũng hơi ngây ngô và khó trả lời một chút.
Cũng giống như có người hỏi:
Này anh, cho tôi hỏi: Nước nóng là gì thế ? Nước lạnh là gì thế ?
Thì bạn sẽ trả lời sao?
Rõ ràng là rất khó mà định nghĩa cho thấu đáo.
Bởi vì những câu hỏi trên chỉ có những ai tự trải nghiệm, đã có kinh nghiệm và họ tự hiểu. Nếu dùng ngôn ngữ mà diễn đạt tâm chứng thì không còn đúng nữa.
Tuy nhiên, nếu ta không nói thì người không hiểu. Vậy mạo muội phải dùng ngôn ngữ mà định nghĩa vậy.
Thế nào là Thiền chỉ?
Thiền là một trạng thái của tâm, tĩnh lặng, nhưng rất sáng suốt và trí tuệ.
Chỉ là dừng lại.
Vậy thiền chỉ là an trụ tâm , dừng tâm lại trong một trạng thái tĩnh lặng, yên bình, nhưng rất sáng suốt.
Vậy còn thiền quán là gì?
Quán là sự suy xét, phân tích, nhìn mọi điều với đúng bản chất vốn là của chúng.
Thiền quán chính là một sự chiêm nghiệm, suy xét, phân tích một đối tượng nào đó, trong trạng thái tĩnh lặng, thanh bình, nhưng sáng suốt.
Về lý thuyết thì vậy, nhưng trên thực tế khi hành thiền thì bạn đừng nên chia ra.
Chia ra như : À, đây là thiền quán, hay mình chỉ hành thiền quán. Hoặc đây là thiền chỉ, và mình đang hành thiền chỉ. Không nên hành thiền như vậy.
Vì chỉ và quán chúng là một thể chung đồng trong thiền định.
Khi tâm tập trung vào một đối tượng (nghĩa là ta đang thiền chỉ), thì trí tuệ cũng đồng thời xuất hiện, và thiền quán cũng đồng thời hiện diện, nhưng ở dạng vi tế.
Muốn hiển lộ trí tuệ, đạt được trí vô sư, thì bạn cần phải thấu cho được cái tâm của chính mình.
Mà thiền chính là cầu nối để thấu tâm.
Như Thiền Sư Ô Sào đã từng khuyên dạy:
Tránh làm các điều ác,
Siêng làm các việc lành,
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Đó là lời Chư Phật dạy.
Tâm ý thanh tịnh chính là đưa cái tâm về trạng thái vắng lặng, luôn an trụ trong đại định vậy.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
Các bài viết về Thiền định :
Thiền định lúc sáng sớm
Ngồi thiền vào buổi sáng rất là tốt và cũng rất quan trọng trong thời khóa công phu tu hành mỗi ngày của một người tu.
Tôi thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Ngài cũng có một thói quen là thức dậy rất sớm, khoảng 2h – 3h. Sau khi rửa mặt xong là Ngài vào thời khóa thiền định.
Về bản thân tôi cũng vậy, sáng sớm hễ thức dậy giờ nào là tôi bắt chân ngồi giờ đó. Làm sao làm trong ngày phải có ít nhất là một thời tĩnh tọa khoảng 30 phút, hoặc 45 phút, hay 1 tiếng.
Ngồi đều đặn như vậy, qua khoảng từ trên 10 năm thì công phu của Quí Vị bắt đầu sẽ khai mở.
Một số có thể chứng thần thông, như biết được quá khứ tương lai của một người, hay có thể nhìn thấy được nhiều cõi giới, hoặc cũng có thể nghe được những âm thanh từ xa,…v…v….
Nói chung tùy vào cơ duyên của mỗi người mà thần thông sẽ khai mở khác nhau.
Và nếu đủ duyên trong kiếp này, Quí Vị sẽ từng bước chứng được các mức Thánh quả (trong bốn quả Thánh).
Cách thức ngồi như sau :
(Phương pháp rất căn bản dành cho người mới bắt đầu tọa thiền).
Điều kiện bắt buộc :
Hành giả phải là người sống đạo đức, yêu quý, trân trọng việc gìn giữ đạo đức của bản thân và lan truyền tâm đạo đức cho nhiều người.
Hành giả phải là người nghiêm khắc với chính mình trong việc trì giới, giữ giới (Năm giới cơ bản là: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, và không say xỉn).
Phần đạo đức đã chuẩn bị xong, giờ là tới
Cách thức công phu :
Mặc quần áo dài, trang nghiêm lịch sự.
Có thể ngồi trước nơi thờ Phật, hoặc trong phòng cá nhân riêng tư, nơi không có gió lùa.
Hai tay chắp lại trước ngực, niệm một câu Phật hiệu như Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Và sau đó nói tiếp :
« Giờ đây đến giờ tọa thiền, xin cho con được ngồi kiểm soát thân tâm, để cúng dường lên mười phương Chư Phật.
Con xin sám hối những tội lỗi …..gì đó …Mà con đã phạm trong kiếp này, cũng như trong nhiều kiếp, nguyện từ bỏ mà không tái phạm. »
Xá xuống một xá.
Sau đó :
Hai chân bắt đầu bắt chéo, chân trái đặt lên đùi chân phải, chân phải đặt lên đùi chân trái.
Tạo thành một tư thế khóa rất trang nghiêm, kiên cố.
Lòng bàn tay trái đặt lên lòng bàn tay phải để ở trước, dưới rốn.
Lưng giữ thẳng, nhưng không được ưỡn ra sau quá. Đầu cúi xuống nhìn một điểm trước mặt.
Hai tay, hai chân và cơ thể luôn thả lỏng, không có gồng cứng.
Tới phần tâm.
Với người sơ cơ mới tập thì tôi khuyên không nên vội chú tâm vô hơi thở vội, mà nên tập điều cái thân trước.
Nếu không rất dễ bị ảo giác, chướng ngại.
Điều thân như sau :
Trong tư thế như trên.
Tâm Quí Vị cảm giác biết rõ toàn thân, giữ chánh niệm trước mặt.
Chú tâm nhiều ở phần dưới, từ rốn trở xuống, để củng cố nội lực.
Thân luôn tác ý thả lỏng, luôn duy trì sự biết rõ vậy.
Trong suốt thời ngồi thiền, Quí Vị chỉ làm thế.
Sau khi ngồi được một khoảng lâu mà Quí Vị thấy đau chân thì bắt đầu xả thiền.
Mắt từ từ mở ra, sau đó lấy hai tay xoa nóng rồi chà lên mặt, bóp vai, xoa tay, lưng, bụng, chân, lòng bàn chân, lưng xoay bên trái, bên phải.
Mát xa xong là Quí Vị chắp tay lại hồi hướng công đức. Như :
« Con nguyện đem công đức tọa thiền này hồi hướng cho tất cả chúng sinh, mong rằng tất cả sẽ có nhân duyên lành mà gặp Phật pháp tu tập, rồi một ngày kia đều sẽ trọn thành Phật đạo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ».
Công phu tĩnh tọa rất quan trọng, để phát triển trí tuệ, trí tuệ thông đạt.
Do vậy Quí Vị đừng nên bỏ xót, thiếu xót.
Bản thân tôi, có những ngày vì làm việc nhiều nên sáng ngủ nướng. Không chịu thức dậy tọa thiền, thế mà sau đó Phật nhắc ngay, các Ngài khuyên : Ngồi ít cũng được con, 15 phút.
Nhưng tuyệt đối không được bỏ thời khóa.
Nhiều lần Phật nhắc nhở vậy, tôi thấy thật sự rất biết ơn. Chỉ biết nguyện lòng gắng tu, đến ngày giác ngộ giải thoát.
Rồi trên đường đời có gặp ai hữu duyên thì tôi sẽ tận tình chỉ bảo, truyền trao tất cả những kinh nghiệm tu mà tôi đã trải qua mà không hề giấu diếm điều gì.
Chúc Quí Vị luôn siêng năng tu tinh tấn.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
Thiền định trên boong tàu
Có một thủy thủ làm trên tàu du lịch xuyên quốc gia, anh ấy đã hỏi tôi có cách nào để thiền định trên tàu không, khi chúng đang di chuyển. Vì cuộc sống và công việc, quanh năm anh chỉ sống trên tàu, chứ không ở trên đất liền. Công việc thì áp lực và nhiều lúc cũng buồn chán, anh muốn thực tập thiền để cho tâm hồn phần nào được yên tĩnh, an lạc, tâm được an tịnh hơn.
Thường khi chúng ta tọa thiền (thiền trong tư thế ngồi) thì điều kiện tốt nhất là phải ngồi trên một mặt phẳng cố định, không có sự rung lắc hay chao đảo.
Không nên ngồi ở những nơi đông người, tốt nhất là nên kín đáo (trừ trường hợp là đang ngồi cùng đại chúng tập thể đông người ở các khóa thiền trong chùa ).
Và cũng không nên ngồi ở nơi có gió lùa, hay bật máy quạt cũng là không nên.
Điều kiện trên tàu thì mặt phẳng ngồi sẽ không được cố định lắm, dù tàu có to cỡ nào đi nữa thì ít nhiều gì cũng bị sóng làm cho nhấp nhô, chao đảo nhẹ.
Do vậy, khi tĩnh tọa mà tâm bắt đầu yên ắng một chút thì rất dễ xuất hiện các ảo giác như cảm thấy mình bị nghiên như sắp bị ngã, mặt dù mở mắt là thấy vẫn đang ngồi bình thường.
Do vậy điều kiện tọa thiền trên tàu là không được lý tưởng cho lắm.
Nhưng Quí Vị vẫn cứ thử thực hành phương pháp tọa thiền chú tâm như bài hôm trước tôi viết để xem thế nào.
Nếu thấy mình vẫn ngồi tốt, mà không bị các ảo giác thì vẫn có thể thực hành tĩnh tọa được.
Ngoài ra Quí Vị cũng cần kết hợp thêm việc đi thiền hành trên boong tàu thì cũng rất tốt, thích hợp với điều kiện trên tàu.
Cách đi thiền hành trên tàu như sau:
(Nếu Quí Vị ở nhà vẫn có thể áp dụng cách này được).
Chọn một không gian vắng, có thể đi bộ được,khoảng 10 mét, hoặc dài hơn càng tốt.
Khi đi, Quí Vị buông lỏng hai tay, không cần chắp tay, đi chân không không có mang dép, để bàn chân tiếp xúc xuống mặt sàn.
Điều này sẽ giúp ta thấy được các cảm thọ như mát, hay láng, bóng, cứng,… của mặt sàn.
Đi thật chậm, càng chậm càng tốt. Bước đi nhẹ nhàng, tâm giữ thư thái, tự nhiên, không có gồng cứng.
Hơi thở thì thở bình thường, không có ép hơi thở theo ý mình.
Mỗi khi bước, nhấc chân lên hay bỏ chân xuống. Thì Quí Vị cũng đều ý thức rõ, biết rằng chân mình đang bước, biết rõ các cảm giác mát, hay cứng, láng trên đường.
Hai tay Quí Vị buông lỏng nhưng không có đánh bật xa hai tay, luôn giữ một mức độ dao động vừa phải.
Rồi khi đi nếu có vọng tưởng, hay có xuất hiện những ý nghĩ lăng xăng thì làm thế nào ?
Quí Vị vẫn cứ đi như bình thường, vẫn giữ tâm chánh niệm biết rõ như nói trên, thì dần các ý niệm lăng xăng sẽ tự động lắng dịu và mất.
Một buổi đi được xem là thành công thì sau khi kết thúc hoặc lúc đang đi Quí Vị sẽ thấy tâm mình yên ổn, an tĩnh, luôn chánh niệm, cảm thấy tâm hồn thanh thản, bình yên.
Sau khi kết thúc buổi đi, Quí Vị vẫn có thể chắp tay hồi hướng công đức tu cho tất cả chúng sinh trong pháp giới, hoặc cho những người thân của mình, như vậy sẽ rất tốt, họ sẽ gặp nhiều may mắn.
Nếu Quí Vị có thắc mắc, hay có gì không hiểu, thì có thể hỏi thêm ở phần bình luận bên dưới, tôi sẽ trả lời.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày
Không dừng lại ở «Tâm Không thụ động»
Một người huynh đệ đã bình luận và nói rằng :
Hiện tại công phu tu tập của Cô rơi vào trạng thái Không. Cô chẳng muốn làm gì, chẳng còn tham vọng gì, sống như một cái xác vô hồn, nhưng còn chút cảm xúc.
Vậy có Minh Sư nào chỉ giúp để Cô vượt qua tình trạng «Tâm Không thụ động» này không?
Cô này tôi đã quan sát, theo dõi rất lâu, vì mỗi một người nào khi tôi đã thêm vào các nhóm do tôi lập ra như «Thực Hành Phật Pháp» hay «Rồi Bạn Cũng Sẽ Già». Thì tôi đều theo dõi xem trình độ tu tập của họ đến đâu, có tiến hay không, có đang gặp rắc rối nào không. Nếu bị vướng kẹt có thể tôi sẽ vào khuyên hay viết bài để họ dễ vượt qua hơn khi đọc bài và có thêm chút kinh nghiệm.
Tôi nhận thấy Cô này vẫn chưa có trí tuệ trong tu hành, nhưng cô nói những khả năng rất cao, rồi bị rơi vào Tâm không gì đó.
Nhưng tạm thời tôi có lời khuyên như sau :
Khi Quí Vị hành trì thời khóa công phu đúng, đến một giai đoạn Quí Vị sẽ thấy mình đồng như cỏ đá, tâm bất động, cũng rất tự tại.
Nhưng cảnh giới này chưa phải là cứu cánh, chưa phải là giải thoát vì chưa chứng được Vô Ngã.
Do vậy, nếu rơi vào trường hợp như Cô này ta cần tác ý các pháp sau để vượt qua :
1. So sánh vị trí mình hiện tại so với Chư Phật, Chư Bồ Tát :
Chư Phật, Chư Bồ Tát các Ngài đã giải thoát, còn chúng ta, dù là đang ở trong trạng thái Tâm không, nhưng còn Bản Ngã và chưa giải thoát.
Vậy tại sao ta không chịu tiếp tục siêng năng tinh tấn hơn nữa trong các thời khóa công phu để tiến lên các mức cao hơn, mà ta chấp vào cảnh hiện tại và vướng kẹt, đứng lại ở đó.
Phải luôn soi xét lại chính mình, tu tập tâm khiêm tốn, thấy mình vẫn còn rất nhỏ bé, tu chưa được bao nhiêu, để từ đó, ta phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa.
2. Nên đối trước Phật, lễ Phật và sám hối :
Mỗi ngày ta cần dâng hương, đối trước Phật mà sám hối, phát nguyện, như:
Con xin sám hối vì tâm cống cao ngã mạn và tự mãn. Tu chưa được bao nhiêu mà con đã dừng lại, con đã đứng lại, thậm chí đang thối lui.
Nay con xin thành tâm sám hối.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần).
Con xin phát nguyện tu tập tinh tấn, hướng đến mục tiêu Vô Ngã, giải thoát, không đứng lại giữa đường.
Xin Phật gia hộ cho con có thêm ý chí, nghị lực để thành tựu tâm nguyện này.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần ).
3. Trở lại trong các thời khóa công phu, tọa thiền :
Sau đó là hằng ngày Quí Vị tiếp tục các thời khóa công phu.
Đây là các cách cơ bản, nếu làm đúng và thành tâm. Quí Vị sẽ tiếp tục đi tới và tu cho tới ngày chứng đạo.
Chúc Quí Vị luôn tinh tấn.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Tìm hiểu thêm ở: https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/
FB: Tu học mỗi ngày