Thiền là gì? định là gì? Thế nào là thiền định?
Những câu hỏi này cũng có rất nhiều người thắc mắc, tuy nhiên để trả lời cho chính xác thì cũng chẳng hề dễ dàng chút nào. Vì sao vậy?
Hằng ngày tất cả những ai trong chúng ta ai cũng ăn cơm, uống nước.
Nhưng giờ bất ngờ mình hỏi: Xin hỏi bạn, thế nào là ăn cơm ngon, cơm thơm, cơm dở,.. ?
Hay mình hỏi: Bạn hãy mô tả cho mình cái cảm giác uống nước nóng là thế nào, nước ấm, nước lạnh là thế nào? Thì có lẽ ta sẽ lớ quớ không trả lời được.
Cũng vậy, thiền định nói riêng hay giáo pháp của Phật nói chung muốn diễn đạt cũng chẳng hề dễ dàng chút nào. Đó là cả một quá trình tu hành và trải nghiệm, tự nếm trải. Chứ nếu nói ra thì nhiều khi mất hết ý nghĩa của đạo, và không còn đúng nữa.
Tuy nhiên nếu không diễn nói thì cũng chẳng ai biết đường để mà tu. Do vậy Phật phải mượn phương tiện là giảng nói để giúp người hiểu mà tu vậy.
Thế nào là thiền?
Thiền là một trạng thái của tâm tịch tịnh, vắng lặng của vọng niệm, nhưng đầy sự sáng suốt, minh mẫn và trí tuệ. Hay một sự chú tâm vào các đối tượng tâm, cảnh. Một sự tư duy nhẹ nhàng, yên ắng, trong một sự tĩnh mịch của không gian và thời gian.
Vậy thế nào là định? (hay tâm định)
Để hiểu được thế nào là tâm định, thì ta cần phải biết thế nào là tâm loạn?
Tâm loạn là tâm bị mất sự tập trung, mất sự chú tâm vào các đối tượng như thân, hay hơi thở, hay câu Niệm Phật, mà chạy ra bên ngoài theo các trần cảnh. Vì khi tâm chạy ra bên ngoài, đuổi theo ngoại cảnh thì ta bị quên mất chính mình, ngay đó ta đánh mất đi trí tuệ, sự sáng suốt.
Vậy tâm định là tâm lúc nào cũng an trú vào thân, hay hơi thở, hay câu Phật hiệu. Không bị tán loạn, không bị chạy ra bên ngoài, dù bất cứ yếu tố gì tác động (Như đói, no, ngon, dở, sợ ma, sợ rắn, sợ đe dọa, sợ đau,….). Thì tâm vẫn vững vàng an trú.
(Nhưng không dễ chút nào, đòi hỏi phải mất một quá trình tu tập gian nan vất vả trong thiền định, hay trì chú, hay lần chuỗi niệm Phật thì ta mới đạt được tâm định kiên cố).
Vậy thiền định chính là cách ta đưa tâm về trạng thái vắng lặng, tịch tĩnh, và ta chú tâm vào các đối tượng nội tại như thân, hơi thở hay câu Phật hiệu, trong một sự sáng suốt biết rõ và an lạc.
Một sự tư duy trong tịch tĩnh, nhận biết bản chất, thực tướng mọi sự mọi vật như bản chất nó vốn là, không thêm, không bớt, và hết sức khách quan.
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
– Cư Sĩ Nhuận Hòa –
FB: Tu học mỗi ngày