THIỀN ĐỊNH LÚC SÁNG SỚM
Ngồi thiền vào buổi sáng rất là tốt và cũng rất quan trọng trong thời khóa công phu tu hành mỗi ngày của một người tu.
Tôi thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Ngài cũng có một thói quen là thức dậy rất sớm, khoảng 2h – 3h. Sau khi rửa mặt xong là Ngài vào thời khóa thiền định.
Về bản thân tôi cũng vậy, sáng sớm hễ thức dậy giờ nào là tôi bắt chân ngồi giờ đó. Làm sao làm trong ngày phải có ít nhất là một thời tĩnh tọa khoảng 30 phút, hoặc 45 phút, hay 1 tiếng.
Ngồi đều đặn như vậy, qua khoảng từ trên 10 năm thì công phu của Quí Vị bắt đầu sẽ khai mở.
Một số có thể chứng thần thông, như biết được quá khứ tương lai của một người, hay có thể nhìn thấy được nhiều cõi giới, hoặc cũng có thể nghe được những âm thanh từ xa,…v…v….
Nói chung tùy vào cơ duyên của mỗi người mà thần thông sẽ khai mở khác nhau.
Và nếu đủ duyên trong kiếp này, Quí Vị sẽ từng bước chứng được các mức Thánh quả (trong bốn quả Thánh).
Cách thức ngồi như sau :
(Phương pháp rất căn bản dành cho người mới bắt đầu tọa thiền).
Điều kiện bắt buộc :
Hành giả phải là người sống đạo đức, yêu quý, trân trọng việc gìn giữ đạo đức của bản thân và lan truyền tâm đạo đức cho nhiều người.
Hành giả phải là người nghiêm khắc với chính mình trong việc trì giới, giữ giới (Năm giới cơ bản là: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, và không say xỉn).
Phần đạo đức đã chuẩn bị xong, giờ là tới
Cách thức công phu :
Mặc quần áo dài, trang nghiêm lịch sự.
Có thể ngồi trước nơi thờ Phật, hoặc trong phòng cá nhân riêng tư, nơi không có gió lùa.
Hai tay chắp lại trước ngực, niệm một câu Phật hiệu như Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Và sau đó nói tiếp :
« Giờ đây đến giờ tọa thiền, xin cho con được ngồi kiểm soát thân tâm, để cúng dường lên mười phương Chư Phật.
Con xin sám hối những tội lỗi …..gì đó …Mà con đã phạm trong kiếp này, cũng như trong nhiều kiếp, nguyện từ bỏ mà không tái phạm. »
Xá xuống một xá.
Sau đó :
Hai chân bắt đầu bắt chéo, chân trái đặt lên đùi chân phải, chân phải đặt lên đùi chân trái.
Tạo thành một tư thế khóa rất trang nghiêm, kiên cố.
Lòng bàn tay trái đặt lên lòng bàn tay phải để ở trước, dưới rốn.
Lưng giữ thẳng, nhưng không được ưỡn ra sau quá. Đầu cúi xuống nhìn một điểm trước mặt.
Hai tay, hai chân và cơ thể luôn thả lỏng, không có gồng cứng.
Tới phần tâm.
Với người sơ cơ mới tập thì tôi khuyên không nên vội chú tâm vô hơi thở vội, mà nên tập điều cái thân trước.
Nếu không rất dễ bị ảo giác, chướng ngại.
Điều thân như sau :
Trong tư thế như trên.
Tâm Quí Vị cảm giác biết rõ toàn thân, giữ chánh niệm trước mặt.
Chú tâm nhiều ở phần dưới, từ rốn trở xuống, để củng cố nội lực.
Thân luôn tác ý thả lỏng, luôn duy trì sự biết rõ vậy.
Trong suốt thời ngồi thiền, Quí Vị chỉ làm thế.
Sau khi ngồi được một khoảng lâu mà Quí Vị thấy đau chân thì bắt đầu xả thiền.
Mắt từ từ mở ra, sau đó lấy hai tay xoa nóng rồi chà lên mặt, bóp vai, xoa tay, lưng, bụng, chân, lòng bàn chân, lưng xoay bên trái, bên phải.
Mát xa xong là Quí Vị chắp tay lại hồi hướng công đức. Như :
« Con nguyện đem công đức tọa thiền này hồi hướng cho tất cả chúng sinh, mong rằng tất cả sẽ có nhân duyên lành mà gặp Phật pháp tu tập, rồi một ngày kia đều sẽ trọn thành Phật đạo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ».
Công phu tĩnh tọa rất quan trọng, để phát triển trí tuệ, trí tuệ thông đạt.
Do vậy Quí Vị đừng nên bỏ xót, thiếu xót.
Bản thân tôi, có những ngày vì làm việc nhiều nên sáng ngủ nướng. Không chịu thức dậy tọa thiền, thế mà sau đó Phật nhắc ngay, các Ngài khuyên : Ngồi ít cũng được con, 15 phút.
Nhưng tuyệt đối không được bỏ thời khóa.
Nhiều lần Phật nhắc nhở vậy, tôi thấy thật sự rất biết ơn. Chỉ biết nguyện lòng gắng tu, đến ngày giác ngộ giải thoát.
Rồi trên đường đời có gặp ai hữu duyên thì tôi sẽ tận tình chỉ bảo, truyền trao tất cả những kinh nghiệm tu mà tôi đã trải qua mà không hề giấu diếm điều gì.
Chúc Quí Vị luôn siêng năng tu tinh tấn.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Xem thêm : https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/
FB: Tu học mỗi ngày –