Thực hành thiền định như «con nhện đang săn mồi».
Vào thời kì mạt pháp, đạo Phật bị chia ra rất nhiều nhánh nhỏ, mỗi người tu mỗi kiểu, chẳng còn phân biệt được đâu đúng đâu sai, thiện ác lẫn lộn. Chẳng dễ gì phân biệt, thật đáng thương thay, cho những ai đang cầu tìm chân lý, mà không biết dựa vào đâu để tu.
Hãy nên bám sát vào kinh điển nguyên thủy như Tứ diệu đế, nhân quả, vô thường, bát chánh đạo, thiền tứ niệm xứ,… Thì sẽ không bị trật, đúng chánh pháp, đừng lung lay, đừng nghe ai nói những điều mới lạ, tu nhanh, … mà tham, là coi chừng đi vào con đường tà.
Sau đây, mình sẽ nói về cách thiền định, thông qua hình ảnh : « Con nhện đang săn mồi », vẫn căn cứ trên nền tảng thiền tứ niệm xứ của Phật là quán thân, quán thọ, quán tâm , và quán pháp.
Sau khi đã chuẩn bị các bước ban đầu như : Sám hối, phát nguyện, lễ Phật ba lễ, dâng hương.
Ta vào ngồi thiền ở tư thế kiết già, lưng thẳng, không gồng cứng, mềm mại, bất động, hai tay xếp chồng lên nhau,xuôi hết, thì ta chính thức bước vào thiền định.
Thực hành thiền định như nhện rình mồi
Quan sát hình ảnh con nhện đang săn mồi, ta thấy chúng sẽ nép vào một bên góc mà quan sát, quan sát một cách tập trung. Khi con mồi xuất hiện làm cho dây tơ bị rung động thế là con mồi bị phát giác, nhện nhanh chóng chạy ra và túm lấy.
Vậy thì hình ảnh này liên hệ với việc thiền định thế nào?
Hãy cùng xem :
Khi mắt ta khép lại (những người mới tập ngồi lần đầu tiên thì nên mở mắt để giúp việc kiểm soát thân cho quen, khoảng một tháng).
Tâm để ý nhẹ, cảm giác biết rõ toàn thân, từ đầu đến chân, nhưng tập trung nhiều vào phần từ rốn trở xuống (để giúp nội lực lắng xuống dưới, làm cho đầu óc mình khỏe hơn ).
Thân giữ bất động, không nhúc nhích, dù bị ngứa, hay muỗi đốt.
Khi tâm tập trung để ý nhẹ toàn thân, tập trung nhiều phần dưới, thì tự nhiên ta có cảm giác nhẹ nhàng an lạc.
Lúc này các khởi niệm, các vọng tưởng nếu chúng xuất hiện (như là những con mồi ), lập tức bị cái biết trong tâm ta phát giác).
Khi nhận biết được vọng tưởng thì vọng với ta là hai, ngay lúc này ta không theo, mà hãy trở lại việc theo dõi, quán sát thân như lúc đầu thì vọng tưởng tự mất. Và các vọng tưởng khác cũng tương tự. Quá trình ngồi thiền của ta đơn giản chỉ vậy.
Dần dần qua thời gian, tâm ta trở nên yên tĩnh, bén nhạy hơn, chánh niệm và sự tĩnh giác luôn thường trực. Khi sự tĩnh lặng đạt đỉnh cao thì hơi thở lộ diện (vì hơi thở nằm bên trong thân ta).
Sự tĩnh giác biết rõ toàn thân, và tâm ta trong lúc ngồi thiền, chúng sẽ tiếp tục rõ biết khi ta làm việc hay sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày. Khi nào mà ta còn nhận biết rõ thì khi đó ta có trí tuệ, nếu ta thất niệm quên thân, chạy theo vọng thì ta đang vô minh, u tối.
Hãy cố gắng siêng năng thực hành, thì bạn sẽ cảm nhận được những gì mình chia sẻ. Kết quả sẽ làm bạn bất ngờ. Dần dần trí ta rất sáng suốt, nhận biết mọi việc rất tinh tường.
Nếu ai tu theo Phật mà không có một khoảng thời gian trong ngày để tĩnh tâm, và suy niệm về chính mình, và sự vô thường của kiếp người. Thì đây là một sự thiếu sót lớn. Vì trong tĩnh lặng trí tuệ mới lộ rõ.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát.
Cư Sĩ Nhuận Hòa
FB: Tu học mỗi ngày –
Xem thêm: