Thủy Thần – Hải Vương – Hà Bá
Nguồn gốc
– Thủy Thần là các vị Chánh Thần cai quản vùng thủy vực, sông nước, biển, ao hồ, giếng nước, bảo hộ cho nguồn nước được sạch sẽ tinh khiết, làm nguồn nuôi sống muôn loài.
– Những người, vật có tâm tình sâu nặng, yêu thương muôn sinh, quan tâm đến vận mệnh, sự sinh tồn phát triển của chúng sinh thủy tộc, lại thích an trú nơi thủy vực. Khi kết thúc thân mạng hữu hình, anh linh ấy sẽ hóa thành Thủy Thần nơi thủy vực mình quan tâm hoặc nơi mình đã từ bỏ thân mạng.
– Những người, vật đã hy sinh thân mình vì nghĩa, vì cứu giúp chúng sinh mà kết thúc thân mạng của mình nơi vùng thủy vực. Lúc bấy giờ, thần thức, tâm tình của người, vật ấy hòa hợp với linh khí vùng thủy vực này mà hóa thành anh linh, được gọi là Thủy Thần.
– Vùng thủy vực có nhiều sinh linh sinh sống, sinh khí linh hoạt, khí âm dương thiên địa tích tụ mỗi ngày một lớn dần và mãnh liệt. Đến khi đủ duyên, dòng linh khí nơi thủy vực ấy thức tỉnh linh tánh, có thể thị hiện nên hình dạng anh linh cụ thể. Anh linh ấy mang nơi mình tâm tình tương ứng với tâm tình, ý nguyện của muôn sinh cư trú nơi đó, quan tâm đến sự tồn vong, phát triển của chúng sinh nơi này. Anh linh như vậy cũng được tôn kính gọi là Thủy Thần.
– Những sinh linh sinh sống nơi thủy vực, sau một thời gian dài hấp thu linh khí Trời Đất, thọ mệnh trường tồn, lại có đức hy sinh, tâm tình quan tâm, muốn cứu giúp tha nhân tha vật. Sinh linh ấy, có thể được xem là đắc Đạo, trở thành Tinh Tử nơi thủy vực này. Sinh linh như vậy, dù còn mang thân xác hữu vi nơi mình, hay khi đã từ bỏ thân mạng trở thành anh linh, đều được tôn kính gọi là Thủy Thần nơi ấy.
Hình dạng, tính chất đặc trưng
– Thủy Thần mang đầy đủ các tính chất của nước, vì thế toàn thân vị ấy như bọt nước, tỏa ra làn hơi dịu mát dễ chịu, có thể thay đổi biến hóa tùy ý. Khi thị hiện nhân dạng, vị ấy thường khoác trên mình sắc phục màu trắng, xanh hoặc đen, với mái tóc dài, làn da trắng ngà hồng hào tươi trẻ. Có khi là hình dáng thanh nam, tú nữ trẻ đẹp khả ái thân thiện, khi lại là lão nhân râu tóc bạc phơ.
– Các vị Thủy Thần mang hình dạng Linh Thú thường là Kim Ngư, Lý Ngư, Long Thần, Giao Long, Ngư Long, Linh Quy, Linh Xà, Niêm Ngư. Hoặc có lúc là nhân thú dạng như Nhân Ngư, Nhân Xà, Nhân Long. Cũng có những lúc, Thủy Thần chỉ đơn giản là thị hiện nhân diện trên bề mặt nước.
– Thủy Thần giúp duy trì sự cân bằng, phát triển nơi thủy vực mình cư trú, sao cho các loài luôn ở mức cân bằng sinh thái. Các vị ấy có khả năng hô phong hoán vũ, làm chủ thời tiết ngay khu vực mình cai quản như tăng giảm thủy triều, điều chỉnh cường độ, định lượng thủy lưu, tạo nên các trận hồng thủy, sóng thần.
– Các vị Thủy Thần còn giúp hồi phục, chữa lành những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần, đặc biệt có thể giúp các sinh linh đoản mệnh vừa mới chết do tai nạn, bệnh tật được hồi sinh, nếu sinh linh ấy thọ mạng chưa dứt.
Hệ thống hoạt động của Thủy Thần nơi thế gian
- – Biển, cai quản là Hải Vương.
- – Sông, cai quản là Hà Bá, Giang Bá.
- – Hồ đầm, cai quản là Hồ Công, Đàm Công hoặc Hồ Chủ, Đàm Chủ hay Trì Chủ, Trì Công.
- – Giếng nước, cai quản là Tỉnh Thần.
- – Kênh rạch, dòng thủy lưu, mạch nước ngầm, dòng chảy nhỏ, cai quản là Thủy Lưu Sứ Giả.
Các vị Thủy Thần ở vùng thủy vực lớn, mang tính bao quát sẽ bảo hộ cho các Thủy Thần ở các thủy vực nhỏ hơn trực thuộc, hoặc là các dòng thủy lưu đổ về thủy vực lớn ấy. Đối với dòng suối chảy qua núi từ các mạch nước ngầm thì ngay chỗ địa phận núi ấy, các sinh linh nơi con suối sẽ thuộc quyền cai quản của Sơn Thần ngọn núi đó. Khi nước đổ về hồ, sông biển thì sinh linh trong thủy vực ấy lại thuộc quyền bảo hộ của Hà Bá, Thủy Thần…
Hải Vương
– Các vị Thủy Thần ở biển còn được gọi là Hải Thần. Hải Vương là tôn danh chỉ về vị Thủy Thần cai quản một khu vực biển lớn, có ý nghĩa là vị vua của biển.
– Mỗi vùng biển lớn chỉ có một vị Hải Vương duy nhất. Vị này cai quản, bảo hộ cho toàn bộ các Hải Thần thuộc vùng biển ấy, cũng như các Hà Bá ở khu vực sông hồ, các Thủy Thần của những mạch nước lớn nhỏ khác nhau đổ dồn về vùng biển đó.
– Hải Vương đa phần đều thuộc Long Tộc. Một số vị vốn dĩ là loài người, nhưng khi hóa thân thành Hải Vương cũng thị hiện hình tướng Long Thần, hoặc Long Nhân. Vậy nên Hải Vương còn có tôn danh là Long Vương, hoặc Hải Long Vương.
Hà Bá, Giang Bá
– Hà Bá là tôn danh chỉ về vị Thủy Thần cai quản một dòng sông, có ý nghĩa là huynh trưởng nơi con sông đó.
– Một con sông tuy có nhiều vị Thủy Thần cai quản, nhưng chỉ có một vị Hà Bá bảo hộ chung cho các sinh linh, Thủy Thần thuộc các kênh, rạch, mạch nước đổ về vùng sông đó mà thôi.
– Hà Bá thường là linh hồn có tu tập tinh tấn ở miền sông nước, bao gồm loài người, rùa, cá chép, cá vàng, rắn… có tu tâm dưỡng tánh, đạo đức tốt đẹp, khi từ bỏ thân mạng thì trở thành anh linh ở Sông, gọi là Hà Bá. Tất nhiên vẫn có những vị Hà Bá thuộc Long Tộc, Ngư Long.
Đàm Công, Đàm Chủ, Trì Công, Trì Chủ, Hồ Công, Hồ Chủ
– Đây là tôn danh chỉ về vị Thủy Thần cai quản nơi hồ, ao, đầm của một vùng lãnh thổ.
– Mỗi khu vực sẽ có một, hoặc vài vị Thủy Thần có trách nhiệm cai quản tương đương nhau.
Tỉnh Thần
– Tỉnh Thần là tôn danh chỉ về vị Thủy Thần cai quản nơi giếng nước, có trách nhiệm bảo hộ nguồn nước sạch cho một gia đình, hoặc một khu vực có nhiều hộ gia đình cùng dùng chung một nguồn nước.
– Mỗi giếng nước chỉ có một vị Tỉnh Thần duy nhất. Tỉnh Thần này cai quản phần thủy vực chỗ giếng nước mà thôi, còn dòng thủy lưu di chuyển ngang qua giếng nước ấy lại trực thuộc vị Thủy Thần khác cai quản chung một dòng thủy lưu ngang qua nhiều ao, hồ, giếng lớn nhỏ khác nhau đổ về vùng sông biển.
Thủy Lưu Sứ Giả
– Đây là tôn danh chỉ về vị Thủy Thần cai quản dòng thủy lưu, mạch nước ngầm, kênh, rạch, dòng chảy nhỏ.
– Mỗi dòng chảy trong tự nhiên đều có một vị sứ giả đem nguồn nước sạch đầy sức sống lưu chuyển, cung cấp tài nguyên nước trong lành cho khắp nơi thông qua các giếng, ao, hồ, sông, biển.
Phương thức tương thông, cảm ứng
– Người có lòng chân thành, vị tha, quan tâm đến muôn sinh trong khu vực biển hồ, sông nước. Quan tâm đến nguồn nước, thiên nhiên trong sạch cho muôn loài. Quan tâm đến sự cân bằng, phát triển của các loài thủy tộc, thì tự nhiên có thể cảm ứng tương thông được với các vị Thủy Thần, có thể cầu xin các vị ấy hộ trì độ duyên trong việc cứu chữa bệnh tật, giúp đầu óc minh mẫn sáng suốt mà sống làm người lương thiện giữa đời.
– Người được các vị Thủy Thần độ duyên, bảo hộ sẽ có dòng khí lạnh toát ra xung quanh mình, khiến cho người, vật tiếp cận đều cảm thấy dễ chịu, thân thiện khi tiếp xúc. Lại có thể giúp xoa dịu, chữa lành vết thương về thể xác lẫn tinh thần bằng Thánh Thủy, là nước tinh khiết được cầu nguyện bởi tình yêu thương, lòng vị tha một cách chân thành mong người, vật ấy hết bệnh, vui vẻ an lạc.
Thủy Thần trong các nền văn hóa, tín ngưỡng
* Sự tích “Con Rồng Cháu Tiên” ở Việt Nam
Ở Việt Nam, vị Thủy Thần xuất hiện trong thần tích cổ xưa chính là Lạc Long Quân, vị Hải Long Vương đã kết duyên cùng Tiên Nữ Âu Cơ mà sinh ra giống nòi Âu Lạc. Người Việt Nam được xem là con Rồng cháu Tiên của hai vị ấy từ thần tích này.
Thuở xa xưa, Đức Lạc Long Quân xuất thân là dòng dõi của Nhân Hoàng Thần Nông. Trên đường du hóa thu phục các loài yêu tinh gây hại, khủng bố muôn sinh thì ngài gặp được Tiên Nữ Âu Cơ. Cả hai cảm mến nhau từ lần gặp gỡ đầu tiên bởi những đức tính cao đẹp, muốn chăm lo cho muôn loài.
Tiên Nữ Âu Cơ quan tâm đến việc hướng dẫn chúng sinh biết gieo cấy, trồng trọt, thu hoạch theo mùa màng, may áo giữ ấm, thiết lập nên các mối quan hệ trong xã hội nguyên thủy.
Hải Vương Lạc Long Quân thì thấy chúng sinh yếu ớt trước các loài hoang dã, ác thú tà tinh mà động lòng thương xót, ra tay cứu giúp, bảo hộ các loài yếu đuối trước cường bạo tác quái.
Hai vị ấy kết duyên cùng nhau, sinh ra được những người con mang được đầy đủ các đức tính thiện lương, cần mẫn của Mẹ Âu Cơ và dũng cảm, vị tha vì nghĩa quyên mình của Cha Lạc Long Quân. Về sau, những người con ấy lại phân tán ra khắp nơi, hình thành nên các dân tộc anh em lớn nhỏ khác nhau.
Nòi giống Việt Nam con Rồng cháu Tiên cần giữ gìn và phát huy những đức tính tốt đẹp của tổ tiên xa xưa, yêu thương, quan tâm muôn loài, chăm chỉ siêng năng, dũng cảm. Tất cả các dân tộc trong nước đều là anh em với nhau, nên phải yêu thương, hòa đồng cùng nhau.
* Truyện ngụ ngôn “Ba chiếc rìu” của Aesop
Câu chuyện này kể về anh chàng đốn củi tính tình chất phác, chăm chỉ, thường vào rừng đốn củi để mưu sinh.
Một ngày nọ anh chàng ấy đánh rơi chiếc rìu sắt của mình xuống dòng sông. Buồn bã, anh chàng chưa biết phải làm sao, đành ngồi đó khóc.
Lúc bấy giờ, vị Thần Hermes, là vị thần truyền tin của các Thần liền bay đến dòng sông ấy hóa thành Thủy Thần. Thủy Thần ấy có hình dạng là một ông lão hiền từ nhô nửa thân mình lên khỏi mặt nước, lần lượt cầm hai chiếc rìu bằng vàng, bạc hỏi xem có phải của anh chàng này đánh rơi không.
Anh chàng thật thà thưa với Thần rằng mình chỉ có một chiếc rìu bằng sắt mà thôi, chứ rìu vàng và bạc thì không phải của mình.
Thấy chàng trai trẻ thật thà, chất phác chẳng động lòng tham, Thủy Thần liền trao luôn cho chàng cả ba chiếc rìu vàng, bạc và rìu sắt mà cậu đã đánh rơi xem như một phần thưởng cho lòng chân thật vậy.
Sự chân thành của con người sẽ được cuộc đời đáp lại bằng những điều tốt đẹp.
* Truyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng” của Pushkin
Trong truyện này kể về một ông lão đánh cá có bà vợ tham lam. Ngày nào ông lão không mang được cá về thì ngày đó sẽ bị bà vợ chì chiết đến khổ sở vô cùng.
Một hôm, ông câu được một chú cá vàng giữa biển, chú cá này liền kêu ông hãy thả cá ra, cá sẽ giúp biến điều ước của ông thành hiện thực.
Đầu tiên ông ước có được một bữa ăn tối đạm bạc vui vẻ với vợ, cá bèn đáp ứng. Khi ông trở về thì bữa tối đã dọn sẵn, bà vợ vui vẻ với ông. Ông thực tình kể lại câu chuyện cho bà vợ nghe, bà vợ liền nói với ông các yêu sách của bà và muốn ông đi nói với cá vàng ngoài biển thực hiện các điều ước ấy.
Điều ước mỗi ngày một nhiều, lớn, xa hoa đến khi cả hai người được cá vàng biến túp lều rách nát thành lâu đài nguy nga tráng lệ. Nhưng vẫn không làm thỏa mãn lòng tham vô đáy của bà vợ, bà ta liền kêu ông phải nói với cá vàng biến bà ta thành vua thủy cung, để cá vàng kia phải phục vụ cho tất cả mọi yêu sách của bà ấy.
Khi ông lão đánh cá khốn khổ nói với cá vàng về yêu sách đó, cá vàng chẳng nói gì cả, chỉ lặn xuống biển mất tăm. Ông lão buồn bã, chẳng biết làm sao cũng đành trở về.
Về đến nhà thì lâu đài lộng lẫy đã biến mất, thay vào đó là túp lều rách nát của hai vợ chồng khi xưa, bà vợ thì đang ngồi nơi cái máng lợn.
Lòng tham của con người là thứ không có đáy.
Tam Giới Toàn Thư
Bạn đọc comment:
Thu Nguyên Xưa giờ cứ nghe tới hà bá là thấy nào là bắt người , ko thì cũng thay chỗ thế thân , nói chung xưa giờ hà bá với ma da toàn bị đồn thổi như nhau
Kator Thanh Thu Nguyên nhiều chuyện dân gian đồn thổi trớt quớt lắm Chị
Nguyễn Thanh Dân gia có câu “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Cho nên về mặt ý nghĩa có thể nói là Thổ công vào Hà bá là chức vụ như nhau, chỉ là một người quản đất, một người quản nước thôi. Nhưng có lẽ do ngày xưa hay bị lũ lụt nên mọi người thường đổ lỗi cho Hà bá giết người?
Rich Nguyễn Nguyễn Thanh mấy vụ rớt xuống nước bị trôi đi là 1 , rớt xuống nước bị tảo hay rong biển bám vào nên tưởng là hà bá kéo là 2 , rớt xuống nước bị chuột rút nên tưởng hà bá làm phép kéo xuống là 3
TGTT Lũ lụt cũng là kết quả bất thiện của nhân bất thiện mà con người đã gieo, không phải do Hà Bá làm nha bạn
Methoan Mequynhthu Tất cả là do thiện ác ở trong lòng bọc phát ạ
Cà Phê Đen Nhiều người ở VN hay nhầm lẫn Hà Bá với Hà Đồng (Kappa) – một loại yêu quái hại người trong văn hóa Nhật Bản, nhưng thật ra không hề có sự liên quan nào giữa Hà Bá với Hà Đồng .
River Side Huynh ơi sao có nhiều trẻ em đuối nước sao hà bá ko cứu
TGTT mọi thứ xảy ra do tự bản thân mỗi người và do nhiều nhân duyên tác động, nên cũng khó nói lắm
Hoàng Tuyệt Hỏa Thần chắc ko được yêu thích ad nhỉ
TGTT Không có lửa, hơi ấm sao con người có thể sinh tồn và phát triển?
Nguyen Phu Dang Càng tham khảo , càng tăng thêm kiến thức , xoá bỏ những hiểu sai trước kia , vô cùng hữu ích .Trân trọng tri ân quý vị hảo tâm đã phổ biến kiến thức cho mọi người .