TÍCH CỰC hay TIÊU CỰC
Tích cực luôn đi kèm với tiêu cực, nếu mình cố tư duy tích cực nghĩa là mình sẽ không tránh khỏi lúc mình tư duy tiêu cực, đúng chưa? Vì nếu mình tránh tiêu cực, mình tránh cái gì thì chưa chắc đã phải là tốt nhất.
Mình thoải mái với tích cực và tiêu cực mới là tích cực thực sự. Tích cực thực sự là gặp tích cực và tiêu cực đối với tôi vẫn vui vẻ thoải mái, tôi không có vấn đề gì với tiêu cực, đó mới thực sự là tích cực.
Còn cố tích cực, bỏ tiêu cực đi cũng rất là tốt nhưng chưa đủ, không đủ, vì sớm muộn gì cái loại cố gắng đó cũng có xu hướng kéo tôi về con đường tiêu cực. Tích cực thực sự là gặp tích cực hay tiêu cực mà vẫn bình thường còn định nghĩa tích cực là cái gì trái với tiêu cực là không phải.
Không có khái niệm tư duy tích cực hay tiêu cực nữa, với tôi tư duy tích cực hay tiêu cực đều chỉ là hai khả năng thôi. Mình hiểu rằng trên đời có hai khả năng như vậy, việc mình hiểu có hai khả năng như vậy được gọi là trí tuệ và hiểu biết. Còn bỏ cái xấu để theo đuổi cái tốt là chưa hiểu biết.
Phật quan tâm đến việc giải quyết vô minh – cái thiếu hiểu biết, chứ không phải quan tâm đến giải quyết cái tích cực hay tiêu cực.
Tích cực thực sự là gặp TÍCH CỰC hay TIÊU CỰC mà vẫn BÌNH THƯỜNG
-Trong Suốt-
Trích Trà đàm Trong Suốt : ĐỐI DIỆN VỚI SỢ HÃI
TU TẬP CÓ PHẢI ĐỂ HẾT BUỒN KHÔNG?
Hỏi: Có phải tu tập là để hết buồn không?
Đáp: Tu tập không phải để mình hết buồn. Tu tập để có Trí tuệ. Có Trí tuệ thì buồn xảy ra sẽ giải quyết được ngay. Nên hệ quả của tu tập là hết buồn hoặc là bớt buồn. Không có Trí tuệ thì buồn đến nó dìm mình xuống bùn, phiền não đến là mình té xuống đất, buồn ngay. Quan trọng nhất của tu tập không phải để hết phiền não, cố làm hết phiền não chính là tăng bệnh của mình lên, mà để nếu nó xảy ra thì có Trí tuệ để giải quyết nó, hóa giải nó và hiểu sâu sắc hơn. Mục tiêu của hóa giải nỗi buồn không phải để hết buồn, mà là để hiểu sâu sắc hơn về nỗi buồn, để thấy là nó cũng không có gì đáng sợ cả.
Hỏi: Vậy nỗi buồn đến từ đâu?
Đáp: Hạnh phúc của mình hay khổ đau của mình đầu tiên là do công đức, do nghiệp lực của mình. Buồn hay không buồn là do công đức của mình có nhiều hay không. Công đức của mình ít thì hôm nay có người phá, ngày mai có người phá. Nên phải phóng sinh để tích tập công đức là vì thế.
Hỏi: Khi nỗi buồn đến thì cần làm gì?
Đáp: Cố gắng để có Trí tuệ, có sự thấu hiểu. Chứ không phải cố để không bao giờ giận, không bao giờ buồn. Tu tập chỉ đơn giản là để thấu hiểu thôi. Trí tuệ đấy! Thấu hiểu tự nhiên là phiền não đến chẳng có vấn đề gì cả, hóa giải ngay lập tức. Còn nếu bảo: “Tôi quyết tâm từ giờ trở đi không giận ai nữa” – thì đấy là vấn đề, đấy là mình cố loại trừ phiền não. Nhưng nói: “Tôi quyết tâm từ giờ trở đi sẽ thấu hiểu để nếu có giận thì tôi hiểu ngay lúc đấy, và hóa giải được nó, chuyển hóa được nó” – thì không sao.
Còn nếu muốn không bao giờ giận, không bao giờ buồn hoặc là muốn hạn chế cái đấy thì tích lũy công đức. Công đức nhiều thì khi người ta đến định phá mình sẽ có người khác đến giúp mình. Mình sắp rơi xuống bùn thì có người cầm mình kéo lên. Đấy là công đức.
-Trong Suốt-
Trích Trà Đàm “Yêu Đơn Phương” – Sài Gòn 2012
Tham khảo: Cách tích tập Công Đức nhanh