Tịnh Tam Nghiệp
Tam nghiệp là Thân, Khẩu, Ý
Ở mỗi nghiệp này sẽ đều có hai khía cạnh là Thiện nghiệp – nghiệp lành và Ác nghiệp – nghiệp dữ.
Mỗi loại thiện ác nghiệp lại được cấu thành từ các yếu tố: tự thân, gia đình, xã hội.
Trong đó gia đình và xã hội được xem là những nghiệp mang tính chịu ảnh hưởng chung, hoặc bị tác động nên gọi là cộng nghiệp.
Tịnh Tam Nghiệp là làm cho các nghiệp dữ được tiêu trừ, chuyển hóa nghiệt duyên bằng cách không gây thêm nghiệp dữ, thường làm các nghiệp lành, để thân khẩu ý đều hướng về Chân Thiện Mỹ.
* Những việc có thể gieo thêm thiện nghiệp
Thấy người buồn phiền, đau khổ, phiền não liền khởi tâm chia sẻ, nói lời chân thật, an ủi đem lại sự thư giãn, an vui cho người ấy là thiện nghiệp.
Thấy điều gì tốt đẹp, kinh, sách, lời hay ý đẹp, hình ảnh vui tươi, thông tin hữu ích liền khởi tâm chia sẻ, đem những điều ấy đến với mọi người bằng cách in ấn, đăng tải thông tin. Chỉ cần có một người xem qua, lòng họ khởi lên tâm niệm an lạc, học hỏi được điều hay lẽ phải, tự muốn thay đổi mình dù ít dù nhiều cũng là có sự hướng thiện, như vậy cũng là gieo hạt giống thiện lành.
Đi đâu đó nhìn thấy những sinh vật như chó, mèo, chuột, gián, kiến, cho đến cây cối bị chết nằm trên đường liền khởi tâm cầu nguyện cho chơn hồn sinh vật ấy được thanh tịnh, mau chóng siêu thoát, tự nhiên đó cũng là thiện nghiệp đáng quý. Nếu có thể thì nên dừng xe lại đem xác của sinh vật ấy vào lề, hoặc đặt nơi nào ít người để ý, hay là đem chôn thì thiện nghiệp ấy chẳng thể nghĩ bàn.
Ngay cả các món đồ vật ta thấy trên đường, nếu có thể còn dung được, thì nên đem về giặt sạch, tự mình dùng hoặc chờ ai có duyên cần dùng đến thì tặng cho người ấy, đó cũng là thiện nghiệp đáng quý về hạnh tiết kiệm, trân quý vật chất. Nếu là vật đã chẳng thể sử dụng được, là rác, thì nên nhặt lấy đưa vào nơi chứa rác, làm sạch sẽ đường đi khiến người qua lại vui vẻ thoải mái, cũng là việc thiện đáng làm.
Nếu ra đường, nhìn thấy những đinh nhọn, chông gai, miểng chai, đá sỏi… giữa đường, có thể gây nguy hiểm cho người qua lại, hoặc gây nên sự bất lợi cho người giao thông, liền khởi tâm đem những vật ấy vào lề, hoặc đặt vào nơi để rác, đem lại sự an toàn cho người qua lại, như thế là thiện nghiệp đáng quý bởi biết lo lắng cho tha nhân, có lòng vị tha, người như vậy, rất hiếm có giữa đời.
Nhìn thấy đường xá đi lại khó khăn, có ổ gà lỗ chỗ, hoặc đường, cầu qua lại bị hư hại, liền khởi tâm tìm cách sữa chữa, tự thân mình sửa hoặc đi tìm người phụ giúp, quyên góp để làm cho đường, cầu ấy được trở nên lành lặn, tốt đẹp, người qua lại thuận tiện dễ dàng, như thế là thiện nghiệp đáng quý.
Nhìn thấy người muốn sát hại sinh vật, muốn bắt nhốt, giam hãm sinh vật, liền khởi tâm nói vài lời chân thật, cho họ biết nhân duyên nghiệp quả, thiện ác ra sao, nếu họ thya đổi, buông dao, sinh vật kia không bị sát hại thì thật là công đức chẳng thể nghĩ bàn.
Nếu gặp trường hợp như thế, nhưng chẳng thể khuyên răn vì chẳng có điều kiện, hoặ tự lượng sức mình chẳng thể thuyết phục do đó là công việc, nghề nghiệp kiếm tiền của những người gây ác nghiệp ấy, thì cũng nên khởi tâm từ bi, thương xót sinh vật sắp bị sát mạng kia, cầu nguyện cho chơn hồn các loài ấy được mau chóng siêu thoát, có thể buông bỏ các chấp niệm, oán hận mà tha thứ cho kẻ sát hại các sinh vật ấy. Lại cầu nguyện cho kẻ làm việc ác hành kia, sớm được hồi tâm tỉnh ngộ, buông đao thấy bờ, đó cũng là thiện nghiệp gieo hạt giống từ tâm thiện lành vào lòng những kẻ tà tâm thiếu đạo đức vậy, công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn.
Đối với các hành giả đang trên bước đường tu học, tu hành, thực hành công phu thường nhật. Mỗi một việc chi như là thiền tịnh, tụng kinh, trì chú, cầu nguyện cho chúng sinh trong khắp Tam Giới đều được thanh tịnh, an lạc. Lúc bấy giờ, lời kinh, lời chú nếu được những sinh vật hữu tình nghe thấy, dù cỏ cây, sắt đá cũng đồng chung cộng hưởng năng lực thanh tịnh ấy, gieo vào lòng chúng sinh một hạt giống thiện lương, mỗi ngày một ít, về lâu về dài tự nhiên những người, vật ấy cũng đều có thể cảm ứng được điều hay lẽ phải mà hồi hướng về con đường đạo đức, làm được việc như thế, công đức chẳng thể nghĩ bàn.
Khi hành giả tịnh tâm, định ý, lại khởi tâm thiện lành cầu nguyện cho chúng sinh khắp các cõi giới đều được an lạc, lúc bấy giờ từ thân tâm hành giả sẽ phóng ra một dòng năng lượng, năng lượng ấy bao trùm khắp xung quanh hành giả, bao phủ nơi hành giả thường công phu trì tụng, thanh tịnh, nguyện cầu. Trường năng lượng ấy mỗi ngày một ít, dần dần lớn mạnh rõ ràng, khiến cho bất kì sinh linh nào dù hữu hình hay vô hình khi tiếp xúc, đi vào trường năng lượng ấy cũng đều cảm thấy lòng thanh tịnh, an lạc, hoan hỷ vô cùng. Lại nữa, công phu hằng ngày như thế, làm cho năng lực cảm ứng của hành giả càng thêm sâu sắc, mạnh mẽ, khiến cho việc cảm ứng tương thông với các chư anh linh, các sinh linh khắp nơi trong Tam Giới được dễ dàng thuận tiện, lời nguyện cầu thiện lành kia sẽ có mãnh lực khiến cho điều không thể trở thành có thể bởi sự thành tâm, kiên trì nhẫn nại của hành giả. Đó thực sự là công phu gieo duyên lành khắp nơi nơi, công đức vô lượng chẳng thể nghĩ bàn.
Khi nghe, nhìn thấy ở đâu đó có người, vật gặp nạn, tức thì khởi tâm cầu nguyện cho mọi sự được an lành, phúc lạc, nếu có thể thì tự thân mình vận động nhân lực, tài lực của bản thân hoặc chia sẻ nhờ tha phương cùng chung tay giúp sức để giúp đỡ cho người, vật ấy được thuận duyên, tai qua nạn khỏi, cũng đều là thiện nghiệp âm chất chẳng nhìn thấy được.
Những việc thiện lành như trên, từ việc cụ thể đến việc vi tế chẳng thể nhìn thấy, tuy bản thân hành giả chẳng hay chẳng biết, khởi tâm thiện hành một cách vô tư, vị tha, nghĩ cho chúng sinh, người vật, mà đem hết tất cả trí lực, tâm tư, sức lực và tài vật của mình độ duyên. Đó là âm chất quý báo vô lượng, đời sống vật chất lẫn tâm linh của hành giả sẽ dần dần an lạc, thường tinh tấn. Khi thoát xác, chắc chắn những hành giả ấy sẽ được Tam Giới minh chứng về tâm đức, thiện hành của mình nơi mặt thế gian đã trải qua ở kiếp này mà tôn trọng, tự nhiên được cao thăng phẩm vị linh hồn của mình nơi cõi hằng sinh.
* Những việc có thể gây nên nghiệp bất thiện
Đi ra đường, nhìn thấy người đang chạy xe, hoặc xuồng, tàu bè di chuyển mà chở nhiều người, cảm thấy nặng nề quá, liền khởi tâm nghĩ rằng sao họ chở nhiều vậy, lỡ té, rớt thì sao. Tức thì ý nghĩ bất thiện ấy liền ảnh hưởng lên nhóm người kia, khiến họ có linh cảm bất an, lo sợ, và có nguy cơ sẽ gặp tai nạn thật. Lúc ấy, dù cho chỉ là khởi ý niệm, tuy chưa nói ra thành lời, cũng là ác nghiệp. Nếu ý nghĩ ấy, biến thành lời nói trực tiếp đến với nhóm người kia, hoặc một người nào đó nghe thấy, cũng gây thêm nghiệp bất thiện vì khiến người sinh lòng bất an lo, không vui.
Nếu gặp trường hợp như thế, khi vừa nghĩ họ bị té, rớt, chìm thì sao, lúc ấy liền thay đổi dòng ý niệm, khởi tâm cầu nguyện cho họ được bình yên, tai qua nạn khỏi, như vậy là chuyển hóa từ nghiệp bất thiện thành thiện nghiệp.
Khi nhìn thấy người có của, liền khởi tâm ham muốn sở hữu, hoặc nhìn thấy người có nhan sắc xinh đẹp dễ nhìn, liền sinh lòng mong muốn vọng cầu chiếm hữu, tức thì gieo trong lòng mình hột giống bất thiện. Nếu những ý nghĩ như thế chẳng được loại trừ, như hạt giống đã gieo chẳng chịu nhỏ bỏ. Về lâu về dài, tích tụ thêm nhiều lần những ý nghĩ bất thiện như thế, nó sẽ có thể biến thành lời nói, hành động bất thiện để đạt mục đích chiếm hữu, thỏa mãn cho bản thân kia. Hoặc tâm ý bất chính chẳng được loại trừ, cứ chăm bón nó thêm, mỗi ngày một ít thì tự nhiên nó đơm hoa kết quả, lúc đó quả báo bất thiện liền ập đến, tự nhiên sẽ có người khác gây hại lại cho bản thân, vì muốn chiếm hữu, muốn thỏa mãn mà làm cho người đã gieo nhân bất thiện đau khổ vô cùng.
Khi nói lời cay nghiệt, hoặc nói lời biếm nhẽ, trêu đùa người, vật, khinh mạng kẻ khác, làm kẻ ấy đau khổ, buồn phiền, gặp rắc rối trong cuộc sống, tự nhiên đã gieo những hột giống bất thiện, dần dần sẽ gặt lại quả báo y chang như vậy.
Người rảnh rỗi, nhàn cư vi bất thiện, do chẳng biết làm gì, nên đi tvêu hoa ghẹo nguyệt, phá làng phá xóm, bấm chuông bỏ chạy, chọc ghẹo chó mèo, trẻ em, người già, người tàn tật rồi bỏ chạy, đâm bị thóc chọc bị gạo với những người xung quanh, chỉ đơn giản là rảnh nên tìm vui trên sự bất thiện, gây hại cho người, vật. Lúc bất giờ cũng là gieo nên ác nghiệp vô cùng.
Mỗi lần ra đường, dù đi bộ, hay dùng phương tiện giao thông nào cũng ậy, đều có khả năng dẫm đạp, chạy ngang qua làm chết những sinh vật nhỏ, hoặc quá nhỏ chẳng thể thấy được, những việc như thế cũng là sát nghiệp. Vì vậy, các hành giả tu tập thường ít hay di chuyển, lại có thêm phất trần, cây chổi để quét những nơi mình đi tới, những nơi mình ngồi, vừa được an toàn cho muôn sinh vật nhỏ li ti, lại được sạch sẽ thân mình khi giao tiếp giữa đời.
Có những người, tưởng rằng ăn chay, chẳng ăn thân mạng động vật, lại chẳng ra đường thì sẽ tránh được sát nghiệp.
Thực ra mỗi bữa ăn của chúng ta, dù là ăn trường trai tinh khiết, vẫn có thể gây nên nhiều sát nghiệp với các loài thực vật. Mỗi hạt mầm sống của chúng sinh, mỗi một cọng rau ngọn cỏ mà ta ăn vào lại phải bứng luôn của gốc rễ gây chết sinh vật ấy, cũng đều là dính vào sát nghiệp, tuy nhẹ hơn việc sát mạng động vật do thọ mạng của các loài thực vật ngắn hơn, lại ít khi oán hận kẻ sát mạng mình, nhưng sát nghiệp vẫn là có. Cho nên mỗi bữa ăn, chúng ta nên cầu nguyện về sự hy sinh của các loài sinh vật ấy, nhờ có sự hy sinh đó mà ta được nuôi sống thân này mỗi ngày, đáng quý, đáng trân trọng lắm vậy, chứ không phải là bởi vì mình ăn chay không ăn mạng động vật, nên có toàn quyền sinh sát với mạng thực vật là khôn đúng với lẽ Đạo.
Đối với việc ăn thân mạng của chúng sinh là động vật, mỗi một miếng thịt ta ăn vào, đều là sát nghiệp nếu như sinh vật ấy vì miếng ăn đó mà bị sát mạng. Tùy theo mức độ tâm ý ham muốn ăn, khối lượng thân mạng bị ăn mà thời gian thọ mạng của sinh vật ấy sẽ được chia ra cho tất cả những ai có liên quan từ khâu nuôi giết thịt, sát mạng, vận chuyển, buôn bán, nấu chế biến, và cuối cùng là ăn, ai càng ăn nhiều, tham muốn nhiều, xem việc đó là bình thường, không có chút thương xót thì tất nhiên nghiệp sẽ nặng hơn là những người có ăn nhưng vì không ăn thì không còn gì để ăn, hoặc lỡ bị ăn nhầm mà tâm không có ý muốn ăn, hoặc là vì miếng ăn nuôi mạng mình mà phải ăn nhưng có để tâm thương xót và lòng biết ơn với sự hy sinh thân mạng ấy.
Khi một sinh vật bị chết, do kết thúc thọ mạng, hoặc vì tai nạn mà chết, hoặc vì bệnh tật, hay là loài thú khác giết thịt. Lúc ấy, người muốn ăn thân mạng kia, có thể ăn mà không gây nên sát nghiệp. Nhưng trong thân mạng sinh vật bị chết ấy, do các sợi dây cảm ứng giữa thân và thần thức là còn, nên khi ăn thân mạng đó vẫn làm cho thần thức sinh vật đó cảm thấy đau đón, thì lúc đó ác nghiệp là có, và sự đau đớn kia, có thể khiến cho sinh vật ấy sinh tâm oán hận kẻ ăn mình, làm cho mình chết không toàn thân, thì lúc đó thân tâm của người ăn cũng dính đầy trược khí, oán khí của sinh vật đó vậy. Cho nên tốt nhất vẫn là không dùng thân mạng của sinh vật để nuôi thân, vì như vậy là sống hòa mình với Đạo, hợp lẽ tự nhiên trong trời đất. Thêm nữa, khi nhìn thấy sinh vật bị chết do các nguyên nhân tự nhiên, nếu thuận tiện thì nên đem chôn, hoặc thiêu xác để sinh vật ấy sớm được thanh tịnh, an lạc, không oán hận, đau khổ nữa. Đó cũng là hạnh đức trân trọng thân mạng của chúng sinh, là thiện nghiệp đáng quý. Nếu có thể, thì cầu nguyện, tụng kinh, trì chú cho thần thức, phần hồn của sinh vật ấy được mau chóng siêu thoát, an lạc, là thiên nghiệp vậy.
Có những hành động, lời nói, suy nghĩ bao gồm cả thiện nghiệp, ác nghiệp trong ấy, lúc đó hạt giống thiện ác đều được gieo. Tất nhiên còn phải chờ các nhân duyên chăm bón hay tiêu trừ cho cả hai nhóm hạt ấy thì kết quả sẽ gặt hái quả lành hay quả đắng bất thiện cũng đều cần một quá trình của tâm ý, khẩu, thân.
Cụ thể ví như một người đang ở trên chuyến tàu, trên ấy có kẻ ác nhân muốn tiêu diệt hết tất cả người trên đoàn tàu. Vậy người này nếu không thể khuyên can, ngăn cản ác hành của kẻ ác nhân kia, thì người này có thể gây hại, sát mạng kẻ ấy để cứu sống những người còn lại. Dù cho cứu hàng trăm người, phải giết một người, thì nghiệp lành của cứu trăm người kia là những thiện nghiệp được gieo nhiều. Nhưng nghiệp ác của giết một mạng vẫn là nghiệp ác và chắc chắn phải trả theo nhiều cách khác nhau. Không có kiểu luật bù trừ cứu được một trăm, giết một, trừ đi thì còn là cứu chín mươi chín và không có ác nghiệp, chắc chắn không có chuyện như thế. Thiện ác song hành, gặt đủ cả. Vì kẻ bị sát mạng kia, chắc chắn sẽ oán hận, gia đình của kẻ ấy cũng oán hận người giết hại người thân của mình, đó là gây đau khổ cụ thể cho nhiều người đó chứ, lại tuyệt ngang đường sống của một người, mà vốn dĩ, chúng sinh bình đẳng trước Thiên Địa, nên chúng ta không có tư cách, không có quyền phán xét đẩy kẻ khác phải chết vì những điều kẻ ấy muốn làm.
Không sinh vật nào đáng chết cả.
Tất nhiên nếu gặp trường hợp này, là hành giả tu tập thì cố gắng đừng sát mạng, chỉ là cắt đi khả năng gây ác nghiệp của kẻ ác đó là được. Có thể tước vũ khí, bắt trói, tước các phương tiện có khả năng gây ác nghiệp của kẻ ấy là được, vậy thì thiện nghiệp sẽ vẹn toàn không gây ác nghiệp, lại còn giúp cho kẻ ác nhân kia tránh bị dính ác nghiệp sát mạng nhiều người, cho kẻ ấy một cơ hội để phục thiện, đáng quý, lành thay.
Tất cả những thiện ác nghiệp bên trên, chỉ là những điều cơ bản, dễ dàng hình dung, nghe, thấy được. Tuy nhiên còn rất nhiều sự thiện, ác vi tế khiến cho chúng sinh khó thể nghĩ bàn, vì cần phải có thời gian để các nhân thiện ác kia nảy nở, lúc ấy mới rõ được quả thiện hay bất thiện vậy.
Đôi khi có những việc tuy nhìn thấy, nghĩ, hiểu thì đều là ác, nhưng kết quả cuối cùng lại ra điều thiện, và ngược lại, có những chuyện tưởng rằng là làm phước đức, nhưng cuối cùng lại thành rà là hại người hại vật về lâu về dài. Vậy thì lúc đó, quả của người gieo trồng các hạt giống ấy nằm ở tâm ý, xuất phát điểm là muốn cứu hay muốn hại mà chuyển các sợi dây duyên nghiệp theo nhiều hình thức khác nhau.
TamGioiToanThu 1666754430183786