Tinh thần bình đẳng trong đạo Phật
Giết ruồi muỗi kiến… có tội không?
Có cần phải giết con muỗi khi nó hút mấy giọt máu của mình không?
Một bác: Dạ chào Thầy, con tên là Phan Thị Thanh, 56 tuổi. Hai đứa con gái tôi đều đi theo Thầy, nên cũng muốn đến một lần để thấy Thầy, nghe và hiểu thêm.
Có một cái rất là nhỏ nhưng mà tôi phải nói. Đó là, hôm tôi được đi quán đảnh thì khi về nhà, ngồi xem ti vi, con muỗi cắn một cái, tôi phản xạ đánh bốp chết con muỗi. Thế là con gái nó mắng: “Rứa là mẹ hết trơn rồi, mẹ không còn cái gì nữa. Đã hứa trước quán đảnh mà hết trơn rồi”. Lúc đó, nói thật là tôi phùng mang trợn mắt lên, tôi bảo: “Tao chừng ni tuổi, tao sống như thế này, đánh chết một con muỗi mà bảo là không còn cái gì hết là không đúng”. Tại sao nó lại nói là “mẹ giết con muỗi không còn cái gì hết trơn sau quán đảnh”?
Từ đó trở đi mẹ con bắt đầu hục hặc, nói cái gì cũng cứ cãi cho bằng được thì thôi. Cho nên tôi mới giải thích cho nó: “Phật luôn tạo ra những điều để giúp người, nếu có cái gì thì kêu Phật cứu trợ. Mà răng sinh ra các con vật để giết người? Mà nó là những con vi sinh vật, nó chỉ sống được 3 ngày 7 ngày, tại sao con lại nói muỗi cũng là con của Phật?”. Cho nên mong Thầy giải thích giùm cho rõ.
Hôm nay đến đây cũng muốn được biết con đường của con gái mình chọn như thế nào? Nếu có duyên nữa thì tôi cũng xin đi theo.
Thầy Trong Suốt: (cười)
Được, rất tốt, xin cảm ơn. Rồi. Con muỗi – Đầu tiên, mình phải xem con muỗi nó lấy của mình cái gì? Vài giọt máu, đúng không? Con muỗi lấy của mình vài giọt máu để làm gì? Để sinh tồn, đúng không? Con muỗi nó lấy của mình vài giọt máu để sinh tồn. Mình chưa nói về Phật làm gì vội, mình cứ nói về con muỗi đi. Các con vật là những loài có lòng nhân từ hơn con người rất nhiều, vì sao? Loài người là loài duy nhất mà giết chóc cho vui, không phải cho sinh tồn.
Ở đây có ai đã từng thấy con kiến đi qua mà di chết nó chưa? Kiến đi qua ngứa mắt dí chết nó luôn. Đã ai từng bẻ cánh, bẻ chân của châu chấu chưa? Đã ai từng đốt kiến chết chưa? Cho vui ấy, toàn là thú vui của con người.
Loài người là loài dã man nhất, con người là dã man nhất. Còn các con vật khác, kể cả con hổ, con sư tử, đói nó mới đi săn, còn khi nó no rồi, nó nằm ngủ thôi. Đấy, con muỗi đói nó mới đi ăn. Nó no rồi, nó có cắn mình không? Không cắn mình luôn. Loài người là loài kinh khủng nhất, độc ác nhất. Phá rừng, câu cá, giết các loài vật để giải trí, không cần làm nhưng vẫn làm. Nếu nói đến góc độ đấy thì mình không bằng con muỗi. Con người chẳng bằng con muỗi. Con người độc ác hơn con muỗi rất là nhiều, dã man hơn con muỗi trăm ngàn lần.
Loài người là loài dã man với nhau nhất. Cuối cùng tất cả các cuộc tàn sát đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại có phải là hổ cắn chết người không? Toàn là Hitle, toàn là những bạo chúa đánh nhau, giết hại hàng chục triệu người. Con người là loài dã man nhất với muôn loài, kể cả với chính đồng loại của mình.
Mình cứ nghĩ mình hơn con muỗi. Mình chẳng bằng con muỗi. Con muỗi đói mới ăn, còn mình giết cho vui, ăn thừa ăn mứa ra, phá hủy tất cả các môi trường sống của các con vật khác, làm bao nhiêu loài tiệt chủng…, con người kinh khủng hơn nhiều.
Quay lại câu chuyện con muỗi. Nó chỉ lấy của mình vài giọt máu thôi, còn mình cướp đi mạng sống của nó. Vậy hỏi thế nào là công bằng?
Nó đi săn, đi ăn ấy, vì đói, còn mình giết nó vì tức. Hỏi thế nào là công bằng? Mình giết nó vì tức thôi mà. “Mày ăn, mày hút máu tao đúng không? Cho phát cho mày chết”. Mình giết nó vì sân hận. Nó thì đi săn vì đói. Nghĩ thử xem! Cho nên là cái chết của con muỗi không phải là cái chết công bằng. Tốt nhất là mình xin lại nó vài giọt máu là sẽ công bằng, đúng không? Đấy! Còn nếu mình nhân từ hơn thì thôi, thả nó đi thôi, đằng nào cũng chỉ 3 ngày là nó chết, con muỗi sống có 3 ngày thôi mà. Cho nó vài giọt máu rồi nó đi.
Mọi người thử nghĩ xem, mình sống một cách nhân từ độ lượng, cách sống nào tốt hơn? Nó cắn mình cái, mình giết nó ngay. Nó chỉ đi săn vì đói và thức ăn của nó chẳng là gì so với mình, một vài giọt máu có là gì đâu, trên người mình có vài chục lít máu cơ mà? Thế nên về cách sống mà nói ấy, thì thầy vẫn tin những người sống nhân từ độ lượng vẫn là tốt hơn. Giống như thầy nói ấy, mình sống vì…, câu chín chữ vàng là gì ấy nhỉ? (Nhiều bạn nói)
“Thường xuyên suy nghĩ cho hạnh phúc của người khác”.
Nếu mình sống như vậy, cái người khác ở đây không chỉ có con người, mà có con muỗi nữa. Mình chỉ nghĩ cho hạnh phúc của con muỗi thì mới thấy là mình chẳng còn tiếc mấy giọt máu nữa. Tối thiểu là không phải mình giết nó vì mấy giọt máu. Đấy, đấy là một ví dụ cụ thể về việc thường xuyên nghĩ cho hạnh phúc cho những người khác. Mình chẳng việc gì phải giết muỗi, đuổi nó đi là xong, mắc màn cẩn thận, hoặc cùng lắm là cho nó lấy vài giọt máu của mình. Đấy gọi là thường xuyên nghĩ về hạnh phúc cho người khác trong hành động.
Thì như vậy không cần nói về Đạo Phật vội, mình nói về cái sự, cái lý công bằng của muôn loài là đã thấy rằng mình giết nó là quá tay rồi. Nó chỉ lấy đi của mình vài giọt máu, mình cướp đi cả đời của nó, giết cả mạng sống của nó, làm cho cả gia đình muỗi tan nát, muỗi chồng phải xa muỗi vợ. Đấy, đâu có gì hay đâu, làm con muỗi đau khổ, không cần thiết.
Nó chỉ lấy của mình vài giọt máu, còn mình cướp đi mạng sống của nó.
Vậy hỏi thế nào là công bằng?
Phật và chúng sinh đều bình đẳng
Còn nếu theo quan điểm nhà Phật thì như thế này: Muôn loài là bình đẳng, tất cả.
Phật nói:
“Tất cả chúng sinh mọi loài đều có Phật tính,
Phật và chúng sinh đều bình đẳng”.
Nhà Phật thì không nghĩ rằng loài này được quyền lợi dụng loài kia, được quyền sát sinh loài kia. Nên nhà Phật coi trọng cả con muỗi lẫn con người. Đấy là điều đặc biệt của nhà Phật mà các tôn giáo khác không có. Chỉ có đạo Phật mới có loại tư duy đấy thôi. Chứ đạo Thiên Chúa cho phép giết các con vật khác thoải mái, đừng giết người thôi còn giết động vật thoải mái.
Nhưng nhà Phật thì hạn chế sát sinh cả con vật luôn. Mà Phật kể rất nhiều câu chuyện tiền thân của Đức Phật, trong đó Phật có lúc là ngựa, lúc là khỉ, lúc là con cua, lúc là con cá… Mà những cái hay trong câu chuyện của Phật là gì?
Là mỗi con vật đều có một đời sống tình cảm riêng, nó có nỗi lo riêng, có trí thông minh của riêng nó, chứ không phải các loài thì không có trí thông minh, mỗi loài người có – Đấy là quan điểm rất nhầm lẫn của con người. “Con muỗi có biết gì đâu” – Không phải đâu! Nếu nghe lời dạy của Đức Phật ấy, thấy các con vật cũng tình cảm, có tình máu mủ, tình yêu thương, có tất cả như bình thường. Con ngựa, con hươu trong lời Đức Phật kể ấy, nó cũng nhớ bố nhớ mẹ, đau lòng khi phải rời xa gia đình, khổ sở khi thấy người thân bị mất… như một người bình thường cơ mà.
Nếu mình sống theo lời Đức Phật rồi thì phải hiểu là con vật và mình bình đẳng. Một con bò mà thấy con nó bị giết, nó ngất không? Phải thế không nhỉ? Con bò mẹ ngất hay con bò con ngất ấy nhỉ?
Mọi người: Con bò mẹ ngất.
Thầy Trong Suốt: Con bò mẹ thấy con bò con bị giết, đúng không? Là bị ngất luôn, chảy nước mắt khóc bình thường. Con vật mà nó vẫy tay xin tha mạng là bình thường. Tất cả các loài vật đều có Phật tính, đều có trí tuệ thông minh của riêng nó, đều có đời sống tình cảm của riêng nó. Mình giết nó không bao giờ là nghiệp tốt. Và mình cũng đã từng là kiếp như nó, chẳng có gì đảm bảo kiếp sau mình không thành những con như nó. Nên mình có một thói quen sống là tôn trọng sinh mệnh của muôn loài.
Đấy, thế nên là hạn chế sát sinh. Nếu con muỗi chỉ lấy của mình vài giọt máu, mình chỉ nên đuổi nó đi thôi, hoặc là ghi sổ nợ thôi: “Được rồi, tao sẽ lấy lại của mày vài giọt”. Thế thôi, không được giết nó! Mà nếu mình rộng lượng hơn thì tha cho nó. Rồi nó sẽ chết trong vài ngày thôi, không thì tan đàn xẻ nghé mất mẹ, mất chồng, mất cha.
Còn câu chuyện của đứa con chị Thanh là mẹ giết con muỗi đứa con bảo: “Mẹ mất hết công đức rồi” đúng không?
Bác Thanh: Đúng ạ.
Thầy Trong Suốt: Thì đứa con đấy đã bị rơi vào gọi là “không ở trung đạo” đấy. Đứa nào nhỉ, nó có ngồi đây không? (Mọi người cười) Không biết trung đạo, mình đi giúp người mà làm hành động như vậy thì gây khổ đau cho người khác. Đúng không? Tối thiểu là mẹ mình khổ. Tự nhiên mẹ mình đang bình thường thế này, nói câu đấy xong mẹ mình khổ. Trung đạo là gì? Đừng nghiêng quá về cái gì cả. Trong trường hợp của con thì bị quá nghiêng quá về các quan điểm tiêu chuẩn của riêng mình về Phật Pháp.
Xem thêm: Thế nào là con đường Trung đạo của nhà Phật?
Mình chỉ nên khuyên bảo mẹ là: “Mẹ ơi, con muỗi có làm gì mẹ đâu, lần sau mẹ không cần phải giết nó”. Mình tranh luận với mẹ thế có phải nhẹ nhàng không? Còn đây mình phủ nhận toàn bộ những cái nghiệp tốt của mẹ chỉ vì con muỗi bị giết. Có phải thế đâu, nhân quả nó là công bằng, mẹ mình giết muỗi thì mẹ mình sẽ bị muỗi giết. Thế thôi, đơn giản thế thôi! Sẽ bị con vật khác giết, không phải muỗi giết thì con nào nó giết mẹ mình, thì không có nghĩa là cả cái buổi đi quán đảnh đấy vô nghĩa. Hai cái khác nhau. Mẹ mình đi quán đảnh thì sẽ nhận được công đức của buổi quán đảnh đấy. Đấy, như vậy là hiểu biết về nhân quả chưa đúng. Mọi người hiểu không?
Các con làm điều tốt thì sẽ nhận được kết quả tốt, làm điều xấu thì nhận kết quả xấu. Không thể nói là do tôi đã giết con muỗi nên tôi phủ nhận toàn bộ công đức tôi đã từng làm. Sai hoàn toàn luôn! Tuy nhiên phải nói cho mẹ biết là gì:
“Mẹ giết muỗi thì mẹ sẽ bị muỗi giết. Con muỗi đấy đem lòng thù hận, tái sinh là một con muỗi hoặc làm côn trùng, con vi sinh vật, tế bào ung thư sẽ tiêu diệt cuộc đời mẹ là cái chắc”.
Mình giết người thì sẽ bị người giết, cái đó không tránh được đâu. Thanh sẽ bị giết bởi một con vật nào đó, đấy là điều chắc chắn không thoát khỏi được, vì đã giết con vật mà? Đức Phật cũng không thoát được điều đấy, người thường cũng không ai thoát được việc đấy.
Đấy, nên là thôi, tốt nhất chuẩn bị tinh thần bị giết đi, có thể nó tái sinh thành tế bào ung thư nó quay lại giết mình, tái sinh con muỗi quay lại giết mình, nó tái sinh con hổ, con báo giết mình trong đời sau. Vì mình giết nó mà! Mình giết nó, trong khi nó chỉ lấy của mình có vài giọt máu thôi, thì sau này, đời sau, mình sẽ bị ai đó, hoặc con người cũng được. Đi ra chợ đúng không? Thấy một người, mình chỉ lườm nguýt họ một cái thôi, họ giết mình luôn. Việt Nam có chuyện đấy không?
Các bạn: Có ạ.
Thầy Trong Suốt: Đấy, Việt Nam có những câu chuyện là nhìn đểu nhau mà…?
Các bạn: Chém…
Thầy Trong Suốt: Cầm dao đâm chết. Vì sao? Đời trước, nó là con muỗi, nó mới chỉ vo ve vo ve trước mặt mình thế này này, tức quá thì…?
Một bạn: Đập…
Thầy Trong Suốt: Đập phát chết luôn. Thì đời này cũng thế thôi, mình mới vo ve vo ve trước mặt nó. (Các bạn cười) Tức quá rút dao…?
Một bạn: Đâm chết.
Thầy Trong Suốt: Đâm chết luôn. Nhân quả rất công bằng mà, không thoát được đâu. Đúng chưa? Còn muốn tránh việc ấy thì phải bắt đầu tu hành đi, xây bức tường nghiệp tốt đi. Đầu tiên phải ý thức việc mình giết muỗi là nghiệp xấu. Giết một con muỗi vô tội, nó chỉ có một tí tội thôi, mình giết nó như thế là nghiệp xấu. Ý thức như vậy xong mình sẽ xây bức tường nghiệp tốt. Có thể đỡ được, có thể không, nhưng có thể đỡ được. Còn nếu mà cứ thái độ như bây giờ ấy chắc chắn là chết, chắc chắn là Thanh sẽ bị giết bởi một con vật hoặc một cái gì đó, kiểu kiểu đấy. Nó chỉ gây cho mình một chút khó chịu nhỏ, khó chịu nhỏ là đốt một cái này, là nhỏ hay là to?
Một bạn: Nhỏ ạ.
Thầy Trong Suốt: Mình giết cả đời nó luôn. Thì sau này sẽ có người, con vật, mình gây ra cho nó một chút khó chịu nhỏ, mà sao? Lấy cả tính mạng mình luôn. Giống như đi trong rừng rồi lỡ chân dẫm vào đuôi một con rắn ấy, kết quả là gì? Là chết luôn. Vì sao? Mình gây cho nó khó chịu nhỏ, nó lấy mạng mình luôn. Công bằng không?
Công bằng theo nhân quả. Vì mình đối xử với con vật như vậy. Mình có một thái độ sống coi thường sinh mạng của loài vật, đúng không? Con muỗi bay qua mình đập nó chết, con muỗi mới động vào người mình đập nó chết. Đấy là thái độ sống coi thường sinh mạng loài vật. Thì loài vật có tôn trọng sinh mạng của mình không? Vào rừng dẫm phải con rắn, con rắn quay lại cắn phát chết luôn. Đấy, chết vì rắn cắn ấy.
Nên nếu mình không ý thức đấy là nghiệp xấu và không tìm cách phòng tránh bớt đi thì rồi quả nó đến lúc đấy mình mới đau đớn. Cái quả của giết muỗi rất là nhỏ, nhưng rồi sẽ đau đớn về sau.
Con của bạn Thanh nói thế là sai rồi, hoàn toàn sai. Cái sai của bạn ấy quá nghiêng về các giáo lý nhà Phật, nói hơi quá tay, quá lời – là mất hết mọi thứ, không phải! Nhưng cái đúng là gì? Là việc giết muỗi là việc xấu, không ai có thể nói là việc tốt được, và đó là một cái nhân xấu. Mình chỉ nên giết muỗi khi nào? Khi con muỗi nó bệnh, gây chết người, thì mình giết để tự vệ – chấp nhận được. Đấy, thế thôi. Còn bình thường mình giết chỉ vì nó cắn mình.
Thế còn thầy thì sao? Thầy sẵn sàng cho cắn thoải mái. Có phải bây giờ đâu, ngày xưa, khi bắt đầu tu hành đã thế rồi, thì thôi, cho ít máu, có gì đâu? Khác gì cúng dường một ít máu. Vài giọt thôi ấy mà? Thế là có đêm tỉnh dậy thì sao? Tay mình chi chít vết muỗi cắn. Chẳng sao cả. Ngày hôm nay ngồi đây khỏe không? Khỏe mạnh bình thường. Có ba giọt máu cống hiến cho mấy con vật mà mình đã có nợ với nó, thế thôi. Thì đó là cách mà thầy sống.
Đấy, Thanh bảo muốn đến xem thầy thế nào, có đáng theo không? Thì đấy, thầy nói cách tôi sống là thế đấy. Theo hay không thì tùy. Nhưng mà đấy, tôi sống như vậy, quan điểm sống của tôi như vậy và tôi cho rằng quan điểm ấy là quan điểm hòa bình, ích lợi cho muôn loài, quan tâm đến hạnh phúc của con vật khác chứ không phải chỉ riêng mình.
Còn quan điểm mà nó làm mình ngứa một tí, cắn một tí mà mình đập chết nó, là loại sống ích kỷ, chỉ lo quan tâm đến hạnh phúc của riêng mình mà thôi. Cũng chẳng quan tâm đến hạnh phúc của con vật khác. Ích kỷ như thế chắc chắn là khổ. Còn giết nó thì sẽ bị nó giết, nó sẽ quay lại giết mình bằng cách nào đó. Đấy, quan điểm của thầy rất là rõ ràng.
Mình giết nó không bao giờ là nghiệp tốt.
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh Trong Suốt-Đà Nẵng- 2/2018