Trả hết nghiệp nợ trong một kiếp sinh
Nói về vấn đề Nghiệp Quả, vì con người sinh ra, tồn tại và phát triển phải chịu tác động của các Duyên là Phước và Nghiệt.
Trong kiếp sanh của một người, nếu làm được nhiều Phước thì có thể trừ bớt lại những Nghiệt mà mình đã tạo ra từ trăm muôn kiếp trước. Cái Phước này nếu nó đủ lớn thì nó sẽ trừ hết các Nghiệt và biến thành Công Đức, Thiện Nghiệp đủ để ta thoát luân hồi và lập được phẩm vị nơi cõi vô hình.
Vì vậy mà ngày xưa, muốn tu lên cao phải tu hàng trăm ngàn kiếp mới đạt đến phẩm vị cao trọng vì cứ phải luân hồi chuyển kiếp để trả cho xong các Nghiệt Chướng mà mình đã gây ra từ nhiều kiếp trước và phải lập được nhiều Công Đức. Nếu trong kiếp sanh của mình mà không gặp được người chủ nợ để mình có thể trả nợ mà lại gây thêm nợ với người khác thì cứ phải đầu thai chuyển kiếp cho đến khi nào trả hết mới thôi.
Trong khi đó, ngày nay khi một hành giả hiểu được nguyên lý “Vạn Loại Đồng Nguyên”, có nghĩa là tất cả mọi người, vật loại đều có một gốc chung là Đạo, cội nguồn của vạn loại, hành giả ấy thấu hiểu, buông xả chấp niệm nợ ai trả người đó, không có dịp trả nợ cho chủ nợ của mình thì làm việc thiện nghiệp trả nợ cho cuộc đời, cho chúng sinh, như vậy cũng là trả nợ cho chủ nợ của mình theo nhiều cách thức khác nhau, hình thức này gọi là “Trả Dồn Kiếp”. Tức là bao nhiêu Nghiệt của hàng trăm ngàn kiếp trước dồn lại để trả cho dứt trong một kiếp, cho muôn loại chúng sinh.
Như thế mới đúng theo luật Công Bình.
Nguyên lý “Vạn Loại Đồng Nguyên”
có thể được hiểu như sau:
* Ví dụ cụ thể 1:
Có một hồ nước lớn, người A khát nước quá, đến một vị trí B múc một gáo nước uống.
Theo nguyên tắc người A hiểu thì lấy ở chỗ B một gáo nước, sẽ phải trả lại chỗ B một gáo nước. Nhưng theo nguyên lý vạn loại đồng nguyên, vì cả hồ nước là một thể thống nhất, vậy thì người A đã lấy từ hồ nước ấy ở điểm B một gáo nước, người A có thể trả lại ở điểm C một gáo nước, cũng là trả nước về lại đúng nơi của nó. Hoặc người A trả cho hồ nước ở điểm D nửa gáo, điểm E nửa gáo, tổng cộng cũng là một gáo trả về hồ.
Như thế, công bằng nhẫn quả vẫn được thực hiện, lại được uyển chuyển một cách thuận lợi để sao cho người khát nước có nước uống, hồ nước cũng nhanh có lại nước.
Nếu bám chấp ý niệm vào việc A lấy nước trong hồ chỗ B, A đi khắp nơi, sau đó lại phải quay về chỗ B mới có thể trả được một gáo nước về điểm B, vậy thì mất quá nhiều thời gian, lỡ như A không đủ sức quay về điểm B, chết dọc đường coi như phí một kiếp sinh, phải tiếp tục đầu thai, tìm cho được điểm B để trả một gáo nước, như thế, quả thực là mất quá nhiều thời gian và tiêu hao sức lực của cả A lẫn hồ nước vậy.
- Hồ nước là Đạo, là cuộc đời
- Lấy một gáo nước là thọ ơn, là mắc nợ
- Các điểm B, C, D, E là các phần tử trong cuộc đời, các phần tử của Đạo
- Người A là người gieo nhân bất thiện, hoặc là người đã thọ ơn của các phần tử trong cuộc đời, các phần tử của Đạo.
* Ví dụ cụ thể 2:
Người A mượn nợ người B 10.000. Theo đúng lý người A phải trả cho người B 10.000. Vì một lý do nào đó, A và B không thể gặp nhau, không thể trả được, vậy người A và B cứ phải đầu thai chuyển kiếp hoài cho đến khi A trả B xong mới thôi. Trong quá trình ấy, lỡ như A gây thêm ác nghiệp, nợ duyên với C, D, E… thì cứ vậy mà luân hồi mãi cho đến khi nào gặp hết, trả hết.
Nếu A hiểu B là một phần tử của Đạo, giữa cuộc đời này. Nợ B là nợ một phần tử trong cuộc đời. Không gặp B được, không trả cho B được thì có thể làm việc thiện nghiệp đối với C, D, E cũng là các phần tử trong cuộc đời, miễn sao tổng số cộng lại đủ 10.000 là được.
Như vậy, dù nợ ai, bao nhiêu, bao lâu, trải qua bao nhiêu kiếp chưa đủ duyên gặp được, chưa trả hết, thì bây giờ hiểu nguyên lý vạn loại đồng Nguyên, hành giả làm việc thiện nghiệp cho chúng sinh, phụng sự chúng sinh với hết tâm chân thành của mình để mang lại hạnh phúc, lợi lạc cho chúng sinh thì chắc chắn các món nợ ân oán xưa nay cũng vì thế mà dần dần được chuyển duyên giải nghiệp, hóa giải hết và người hành giả đạt Đạo được trong một kiếp tu, về miền an lạc được, về với Đạo được.
…
Vì thế, nói rằng tu một kiếp đủ đắc Phật Vị, nói thì dễ nhưng thực hiện được là điều vô cùng khó khăn. Vì tất cả các Ác Duyên sẽ liên tục dồn dập đến với người tu, khảo đảo dữ dội. Nếu người nào không vững đức tin và ý chí quyết tu thì không thể nào vượt qua khó khăn này.
TGTT – 1932726200253273
[fb_vid id=”523367499182087″]