TRẦM CẢM
Bản chất của trầm cảm
Thời đại này rất dễ trầm cảm vì con người có ảo giác là kiểm soát được thế giới này quá mạnh. Ảo giác kiểm soát được thế giới và thêm sức ép của xung quanh, có quá nhiều chuẩn mực, quá nhiều cái phải thế này, phải thế kia, nên dần dần mình tạo thói quen mới là ép chính mình.
- Có người ép về mặt bên ngoài: ép mình phải lấy được chồng, ép mình kiếm được tiền…
- Có người ép bên trong: mình phải khôn ngoan, phải sáng suốt, phải tử tế, phải thông cảm hơn…
Khi ép mình cái gì đó, mình không làm được thì thấy mình bất lực, yếu kém, dốt nát, ngu muội… Suy cho cùng con ép mình làm điều gì đấy mà không thành công thì con sẽ cảm thấy bất lực. Khi bất lực, con đổ lỗi ngay cho mình: “Lỗi của mình, mình kém, mình dốt, mình không làm được thì mình mới thế chứ. Đầy người làm được sao mình không làm được…” Trách cứ đủ lâu thì thành trầm cảm thôi mà!
Con ép mình không được thì đổ lỗi cho mình, đổ lỗi xong rồi trách cứ chính mình, xong rồi thấy mình không còn giá trị gì cả. Cái vòng luẩn quẩn như thế một thời gian sau, nếu con thấy mình không làm được gì, con sẽ thấy mình không xứng đáng, thậm chí là không xứng đáng sống luôn.
Người bình thường có một tư duy thông thường, mạch lạc thì thoát trầm cảm không khó lắm bởi vì họ chỉ cần nhận ra cái vòng ép mình không được rồi đổ lỗi cho chính mình… là vô lý thôi. Chỉ với các con thì không phải lúc nào cũng nghĩ thông suốt được. Con đã bị trầm cảm đủ lâu rồi, con bắt đầu không bình thường nữa bằng cách là con không nghĩ được mạch lạc. Với con, cái vòng luẩn quẩn nó vẫn thế: Ép mình phải làm điều gì đó, xong không được thì đổ lỗi cho mình, đổ lỗi xong rồi trách cứ chính mình, xong rồi thấy mình không còn giá trị gì cả, không đáng sống, không đáng tồn tại, không xứng đáng… Xong rồi làm những chuyện điên rồ.
Cách thoát khỏi vòng xoáy trầm cảm
Cách thoát khỏi vòng xoáy trầm cảm – là thấy tiến trình ép mình không được thì đổ lỗi cho mình, xong ép mình tiếp, xong lại không được… tiến trình này là sai rồi vì rất nhiều cái vô lý ở đấy.
- Cái sai đầu tiên là ép một việc gì đấy phải xảy ra theo ý mình.
- Cái sai thứ hai là nếu nó không xảy ra thì lại trách cứ chính mình.
Một việc trên đời nếu không xảy ra là do vô vàn nhân duyên khác nhau, đúng không? Tại sao nếu nó không xảy ra thì có nghĩa là con kém, con dốt, con không xứng đáng… Thật vô lý nhưng mà bên trong các con đã xảy ra tiến trình đấy mất rồi.
Vì vậy, vòng luẩn quẩn đấy phải cắt, phải gãy ở đâu đấy. Nó phải gãy đâu đấy trong tiến trình này, gãy xong thì hết trầm cảm. Ví dụ con có thể cắt ngay từ gốc là không ép mình nữa thì hết trầm cảm. Hay là ép mình không thành công nhưng không đổ lỗi cho mình nữa thì hết trầm cảm. Ép mình đã là vô lý rồi, nhưng không được lại đổ lỗi cho mình là một loại vô lý khác, vì có ti tỉ các lý do khác nhau để không thành công.
– Trích buổi nói chuyện “Vòng xoáy trầm cảm và cách tập biết”, HN 21.12.2020
Nghe trên Podcasts : Bản chất của trầm cảm và Cách thoát khỏi vòng xoáy trầm cảm
Con khổ không phải vì trầm cảm mà vì từ chối trầm cảm
Các con hay cho rằng trầm cảm gây khổ cho con nhưng chính sự từ chối trầm cảm mới gây khổ cho con.
Con khổ không phải vì điều đấy mà vì con từ chối trầm cảm đang ở đây. Hiểu sự thật thì không phải từ chối gì hết, không từ chối cũng không chấp nhận, không lấy cũng không bỏ. Con ở trạng thái mà ở đấy không có sự từ chối thì con mới hết khổ được. Ở đâu không có sự từ chối thì ở đó sẽ không có khổ. Con cần nhiều kinh nghiệm để thấy điều đấy.
Nhưng không thể tự nhiên không từ chối được. Khi đau, một cách vô thức, tâm lý sẽ sinh ra sự từ chối ngay lập tức, không phải con cố tình từ chối cơn đau. Sự không từ chối không thể xảy ra theo kiểu tôi quyết tâm không từ chối được, mà nó đến từ hiểu biết chân thật.
Hiểu biết chân thật sẽ dần dần giải quyết mọi loại từ chối. Con cần phải hiểu: NÓ LÀ CÁI GÌ? Và CON LÀ AI? Khi hiểu biết đó ngày càng trở nên sâu sắc thì sự từ chối tự động giảm bớt. Đấy là cách để hết khổ. Con chỉ cần hiểu sâu sắc hơn. Khi cái hiểu càng sâu sắc thì nó sẽ dần dần giải quyết tất cả các vấn đề cho con.
– Trích buổi nói chuyện: “Ví thử đừng quên đơn giản ấy. Mọi thứ hiện ra rất tuyệt vời!”, Hà Nội 20/02/2022
Nghe trên Podcasts : Con khổ không phải vì trầm cảm mà vì từ chối trầm cảm
[fb_vid id=”509633667222121″]Thừa nhận – Bước đầu tiên để vượt qua trầm cảm
Trầm cảm đến từ việc con thấy mình bất lực. Khi mà con cảm thấy bất lực, đầu tiên con phải hiểu:
Tại sao con lại thấy bất lực?
Tất cả cảm giác bất lực đều đến từ việc con muốn trở thành một cái gì đó khác cái con đang là. Ví dụ: con đang buồn nhưng lại muốn mình phải vui, phải tươi tỉnh lên; đang bệnh lại muốn mình phải hết bệnh, v.v..
Vì vậy, đầu tiên con đang là thế nào thì hãy “là” như thế đi. Trong mắt Sư phụ thì việc các con thần kinh hay trầm cảm đều không vấn đề gì hết. Nó đúng hoàn toàn với sự thật, không sai tý nào cả. Vì vậy, vì sao con lại phải chống lại?
Việc các con bị trầm cảm là hoàn toàn đúng với sự thật. Nên các con trầm cảm, các con điên rồ, các con hoảng loạn, các con cảm thấy mình không đáng sống nữa… hoàn toàn đúng đắn và hoàn hảo. Nên Sư phụ vẫn để các con được là chính mình, với hai yêu cầu:
- một là không được tự tử,
- hai là tiếp tục tìm hiểu sự thật
Vì nếu các con không hiểu sự thật thì theo thói quen các con sẽ không chấp nhận được mình như thế.
Khi con không dám sống đúng với cái con đang là, con cứ chống lại nó thì đời con mãi mãi là một kẻ bất thường. Khi con thừa nhận được là mình đang buồn, và nỗi buồn này hoàn toàn đúng với sự thật, đúng với nhân quả, con không thể làm gì được, con chấp nhận việc mình có thể bị thế đến cuối đời, thì từ từ con lại bình thường. Còn con chống lại chỉ có tăng bệnh thêm thôi.
Nên bước đầu tiên là thừa nhận đã. Đây là bước quan trọng con cần vượt qua vì các con đầu tiên thường là không thừa nhận. Vì không thừa nhận nên lúc nào cũng đánh nhau, lúc nào cũng không muốn cái “đang là” của mình, muốn biến thành cái “phải là” khác. Tất cả bệnh của các con đều đến từ đấy hết. Còn vì sao con đang là như vậy? Nhân quả! Vì sao đang yên đang lành con lại bị trầm cảm? Nhân quả! Đừng nghĩ nhiều hơn vội, việc đầu tiên của con là chấp nhận đã, thừa nhận đã, thừa nhận là con đang là như vậy!
– Trích buổi nói chuyện với lớp Trầm cảm 20.04.2019 tại Hà Nội
Nghe trên Podcasts : Thừa nhận – Bước đầu tiên để vượt qua trầm cảm
Yêu thương chính mình theo kiểu mới
Trầm cảm là chuỗi ngày dài tự dằn vặt bản thân bởi những thứ mình muốn nhưng không thể làm được, càng cố gắng, kết quả càng thảm hại. Rồi lại tự dằn vặt bản thân bởi những kết quả thảm hại đó, rằng vì tôi kém cỏi, vì tôi ngu dốt, và cả, tôi chưa đủ tốt,…
Tại sao tôi đã làm bao nhiêu thứ, nỗ lực bao nhiêu, hi sinh bao nhiêu nhưng lại phải chịu tất cả những thứ này? tại sao bố mẹ tôi, chồng tôi, đồng nghiệp của tôi không yêu thương lại tôi như tôi đã yêu thương họ?
Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi “LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÔI YÊU THƯƠNG TÔI?” một cách nghiêm túc chưa?
Một học trò trầm cảm (tên N) hỏi: “Thưa Sư phụ, hôm qua con gây gổ với bạn trai. Con cảm thấy bị tổn thương và thất vọng vì không được tôn trọng. Lý do là vì bạn ấy nhắn một câu làm con cảm thấy bị coi thường, kiểu như anh là trai tân mà lại đi yêu gái đã có một đời chồng như con. Con đã tập pháp nhưng không được. Con cảm thấy trong con có nhiều nỗi sợ mà con cũng không rõ. Con sợ việc mình có một đời chồng. Con thấy mình kém, lười, không cố gắng, không muốn sửa mà chỉ muốn chơi. Con chỉ ăn bám bố mẹ. Là người con gái nhưng con không chăm lo cho gia đình mà vứt con cho chồng nuôi v.v.. Xin Sư phụ cho con lời khuyên ạ.”
Trong Suốt:
Đầu tiên con cần hiểu. Hiểu để có thể yêu thương chính mình chứ không phải trách cứ chính mình nữa. Con cần học cách yêu thương bản thân mình. Chỉ thương thôi chứ không bắt nó phải thay đổi, không bắt nó phải hiểu biết, không bắt nó phải làm được bất cứ điều gì cả. Thương nó đã, đừng bảo nó là ngu và kém nữa. Cho phép nó được là nó thôi. Ngu thì ngu đi, kém thì kém đi. Chị thương em, chứ không phải em mà không nghe lời chị là chị sẽ mắng và không thương em nữa.
Ở đây có ai sửa một việc mãi mà không được chưa? Con đã vùng vẫy, đã cố gắng bao nhiêu năm trời mà có sửa được không? Có thoát được không? Nếu con là người thứ ba nhìn vào thì con sẽ trách hay thương con? Thương đúng không? Nhưng mà con lại trách nó. Con muốn con khác đi: thông minh hơn, giỏi giang hơn, sửa được nhiều thứ hơn .v.v.. Nhưng điều đó không phải do con cố mà được, điều đó không phải do con quyết định.
Con đã từng trải qua bao nhiêu năm tháng để cố sửa, cố biến mình thành một người khác rồi và kết quả có được không? Đủ duyên thì được, không đủ duyên thì không thể được. Đó là một cách nhìn, nhưng lên một tầm cao hơn là: “Biết cho thì nó xảy ra, còn không cho thì nó không xảy ra”. Vì mọi thứ là biểu diễn của Biết, không phải do con quyết định. Con không quyết được bất cứ thứ gì hết. 100% là do Biết biểu diễn nên con thông cảm cho con.
Con yêu thương con bé N này vì nó quá khổ đi, nó không làm được gì cả, nó không quyết được gì cả. Con chấp nhận nó, thông cảm cho nó vì thế. Đấy là cách mà ngày xưa Sư phụ chấp nhận chính mình. Cách đó là cách chấp nhận tất cả mọi vấn đề của mình.
Thay vì tập đủ cách để sửa mình, con chỉ cần yêu thương chính mình là xong, yêu thương một cách hiểu biết. Vì tôi hiểu là nó khổ nhưng nó có quyết được gì đâu, nó vặn vẹo như thế nhưng có được hay không không phải do nó quyết, mà là do Biết biểu diễn. Khi con thông cảm với con thì sự thông cảm với người khác sẽ tăng lên. Con sẽ thấy bạn ấy cũng không quyết được gì khi nói câu đấy. Bằng cách thông cảm được với con, con thông cảm được với cả thế giới.
Con có thể hỏi: “Suy cho cùng con bé N này có lỗi gì?” Biết biểu diễn thì không còn tôi nữa. Tôi cũng chỉ là một biểu diễn của Biết mà thôi. Con cần một thời gian tập yêu thương chính mình là xong. Khi yêu chính mình thì con yêu cả thế giới vì với cách con yêu chính mình con nhìn thế giới cũng như vậy. Một cách tự nhiên con chấp nhận được bạn ấy nói như thế. Khi đấy con thấy…
Nghe trên Podcasts : Yêu thương chính mình theo kiểu mới
Nếu suy nghĩ không phải của con thì con có trầm cảm không?
Ngay khi vừa tỉnh dậy, lũ giặc suy nghĩ sẽ mò tới tấn công con. “Mình phải dậy đi làm! Ôi chết muộn quá rồi! Còn phải đưa lũ nhỏ đi học!”… Nếu con chánh niệm ngay lập tức sẽ thấy được không có đứa nào hết ngoài sự bịa đặt ngay bây giờ của con, và sẽ không hề bị ảnh hưởng bởi những khái niệm này. Nếu không, đống ruồi nhặng này sẽ bâu chặt lấy mắt và mặt của con. Nếu con suy tưởng về chúng, con sẽ loạng choạng ngã vào vũng bùn tăm tối.
Trầm cảm bắt đầu như thế, từ một niềm tin sai lầm rằng: những suy nghĩ này là của tôi.
Con chỉ có bệnh khi suy nghĩ là của con thôi. Con chỉ bị hoang tưởng nếu các suy nghĩ hoang tưởng ấy là của con. Con chỉ bị trầm cảm nếu cơn trầm cảm đến, xong con bảo đấy là của con, còn nếu không, nó sẽ tự đến và tự cuốn gói đi mất. Con chẳng phải làm gì cả, con chỉ cần biết thôi! Con chẳng cần phải đánh nhau với suy nghĩ, cũng chẳng cần phải làm theo luôn. Con vừa không phải làm theo mà cũng không phải chống lại, suy nghĩ sẽ tự cuốn gói đi. Vì con đang ở trong sự Biết, cái Biết đấy của con là vô địch.
Còn nếu con cho rằng suy nghĩ là của con, con làm theo nó, hoặc con chống lại nó, đời con khổ là cái chắc, vì chống mãi có được đâu! Vậy nên con không cần hết trầm cảm luôn. Phương pháp này dễ dàng đến mức không cần con phải hết trầm cảm. Sư phụ không dạy các con hết trầm cảm mà dạy các con nhận ra sự thật nhờ trầm cảm. Sự thật mình không phải là người đang chịu cơn trầm cảm, thì chính là hết trầm cảm. Hết hẳn, hết xịn! Còn nếu con vẫn tin rằng cơn trầm cảm là của tôi, nó cứ tạm ngưng rồi quay lại thì vẫn là của tôi, con sẽ luôn là người đang chịu cơn trầm cảm khi nó đến, và vì vậy con không thể hết trầm cảm được.
Đời con bắt đầu không sợ trầm cảm nữa, trầm cảm thích hiện ra đến cuối đời cũng được, đó là hết trầm cảm xịn. Hết xịn nghĩa là trầm cảm không còn là của con nữa, thì còn gì mà sợ? Trầm cảm đến giống như các hiện tượng thời tiết, chúng do duyên mà đến. Đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan, chẳng có lý do gì mà phải sợ trầm cảm cả.
Nghe trên Podcasts :Nếu suy nghĩ không phải của con thì con có trầm cảm không?
Biết cái mình đang là – cách chiến thắng trầm cảm
Bây giờ mình sẽ ưu tiên việc biết cái mình đang là chứ không cần phải sửa cái mình đang là. Ví dụ đang bồn chồn, biết là đang bồn chồn, biết là đang có cảm giác bồn chồn. Con có thể đặt câu hỏi: “Mình đang cảm thấy thế nào?” để quay về việc biết mình đang là thế nào.
Ví dụ hỏi: “Bây giờ mình cảm thấy thế nào?”, thì câu trả lời là đang rất bồn chồn, đang rất tức giận, đang rất khó chịu, đang rất muốn thoát ra khỏi cái này, đang rất muốn đập phá cái gì đó… Đấy chính là biết cái mình đang là!
Bồn chồn biết là bồn chồn, không cần biết tại sao bồn chồn, còn tại sao bồn chồn lại là chuyện khác. Con biết cái mình đang là, nghĩa là con biết con đang bồn chồn, chứ không phải là biết tại sao mình bồn chồn, không cần! Còn tại sao bồn chồn là phải nghĩ mất rồi, phải nghĩ rất nhiều mới ra, có một tỷ lý do, có cả những lý do thời tiết nữa, sao con biết hết được? Lý do nào con nghĩ ra thì cũng chỉ là lý do tương đối thôi, hôm nay con nghĩ ra cái này, mai con nghĩ ra cái khác và không bao giờ nghĩ đủ, con chỉ nhớ được đời này, sao nhớ được đời trước, đúng không? Trong khi sự thật rõ ràng nhất là con đang bồn chồn, con biết rõ!
Biết thì chẳng cần phải nghĩ, vì vậy các câu hỏi: “Tại sao mình bị thế này nhỉ, mình phải làm gì bây giờ nhỉ,…” là không cần thiết. Bồn chồn thì biết bồn chồn, bối rối biết bối rối, phân vân biết phân vân… Bình thường con chỉ biết cái mình muốn thế nào thôi chứ không biết cái mình đang là thế nào, lúc nào cũng chỉ biết mình muốn gì, nhưng không bao giờ biết mình đang là như thế nào cả. Bồn chồn chỉ biết mình muốn sửa cái gì đấy, biết mình muốn đi đâu đấy, nhưng lại không biết được là mình đang bồn chồn.
Hoặc “Mình không biết nên làm gì nhỉ” chính là phân vân đấy, thay vì mình phải tập trung vào việc làm cái gì, thì mình biết là đang phân vân. Trước đây, khi băn khoăn thì con chỉ có một câu hỏi là “Làm gì đây?”, còn bây giờ, khi con băn khoăn, con biết thôi thì cái băn khoăn làm sao có sức mạnh uy hiếp được nữa. Con không nhất thiết phải làm gì cả, nếu năm phút sau vẫn băn khoản thì năm phút sau con vẫn biết. Cái này nhấn mạnh vào phần biết hơn chứ không phải là nhấn mạnh vào phần làm. Khi biết rồi thì con sẽ không cần phải làm gì, còn muốn đi làm thì cứ làm.
Khi con biết, băn khoăn, phân vân chỉ là một cơn, làm gì có cái gì trên đời không phải một cơn. Bằng chứng là con rất nhiều lúc điên mà ngồi đây vẫn bình thường, nhiều giây phút trầm cảm ngồi đây vẫn bình thường, đúng không? Như vậy nó chỉ là một cơn thôi, nó không bao giờ là thứ gì mãi mãi cả…..
– Trích buổi nói chuyện “Biết cái mình đang là” 06.01.2019 HN
Nghe trên Podcasts : Biết cái mình đang là – cách chiến thắng trầm cảm
Con trầm cảm hay đang xem bộ phim về trầm cảm?
Một học trò: Trước đây Sư phụ nói là bình thường mình sợ những cái mình không biết. Thì cái biết ở đây có phải là cái biết mà Sư phụ đang nói không ạ?
Thầy Trong Suốt: Hôm nay Sư phụ nói với các con về Biết. Cái biết thông thường là có nội dung mình biết, có nội dung mình không biết, không lường trước được, không hiểu nội dung đấy là cái gì. Ví dụ: Con không biết ngày mai xảy ra chuyện gì, con không biết tại sao mình đang sợ, con không biết nếu sống tiếp thì sẽ xảy ra đau khổ nào thêm nữa, con không biết đây là cảm giác cụ thể gì…
Còn cái Biết Sư phụ đang nói khác với cái biết thông thường, hiểu thì cũng Biết, mà không hiểu thì cũng Biết. Khi con vào căn phòng, con cảm thấy sợ thì con biết con đang sợ. Khi con ngồi đây và con không sợ thì con biết là con đang không sợ. Cái Biết đấy mới là cái làm con thực sự tự tin được.
Trong tiếng Việt, từ “biết” bị trùng với từ “hiểu”. Ví dụ: Con biết bây giờ là mấy giờ không? “biết” ở đây không phải là Biết, mà là hiểu rằng bây giờ là mấy giờ, nghĩ ra bây giờ là mấy giờ. Còn cái Biết mà Sư phụ nói thì lúc nào cũng ở đây.
Không phải lúc nào con cũng biết bây giờ là mấy giờ, không phải lúc nào con cũng biết thân thể này cần vitamin nào để sống, không phải lúc nào con cũng biết phải làm gì để thoát ra khỏi sự khó chịu,… nhưng con luôn biết thân thể cảm thấy thế nào, con đang có suy nghĩ gì, và cảm xúc của con ra sao. Lúc đó, con hãy đặt câu hỏi đơn giản: “Đang có suy nghĩ gì?” hay “Mình đang nghĩ gì?”. Nghe thì phức tạp, nhưng trong cuộc sống, mọi người vẫn thường hỏi: “Bạn đang nghĩ gì?”, “Bạn cảm thấy thế nào?”, đúng không?
Ví dụ: Con đang muốn tự tử, thay vì hỏi: “Tự tử thế nào nhỉ?” thì con hỏi “Mình đang nghĩ gì nhỉ?”. Lập tức xuất hiện các phương án tự tử và các cảm giác. Con không phải làm gì để hết cảm giác muốn tự tử. Không! Không thèm luôn! Con không thèm hết cảm giác muốn tự tử luôn!
Thật ra là suy nghĩ muốn tự tử vẫn còn, nhưng không sao cả. Suy nghĩ đến để mình biết thôi. Con biết suy nghĩ “muốn tự tử” 1, suy nghĩ “muốn tự tử” 2,… thì con còn sợ gì nữa?
Con sẽ ngồi đếm như đếm cừu ấy:
- “Muốn tự tử” 1, xong, vào chuồng đi.
- “Muốn tự tử” 2, xong, vào chuồng đi.
- “Phương án treo cổ” 1, 2, 3…: xong, vào chuồng đi.
Đảm bảo là con hết muốn tự tử luôn!
Trông thì cứ tưởng con đang muốn tự tử, nhưng không ai biết là con đang xem một bộ phim chiếu các phương án tự tự. Trông thì tưởng con trầm cảm, nhưng không ai biết con đang xem bộ phim trầm cảm là gì. Trông thì tưởng tay con đang run cầm cập, nhưng không ai biết con đang xem bộ phim về tay run cầm cập.
Biết là một điều rất kỳ diệu. Trước đây, con phải làm rất nhiều thứ để vượt qua mọi vấn đề. Bây giờ, con không làm gì cả mà con vượt qua mọi vấn đề trên đời này.
– Trích buổi nói chuyện “Biết cái mình đang là” HN 06.01.2019
Nghe trên Podcasts : Con trầm cảm hay đang xem bộ phim về trầm cảm?
Tìm hiểu thêm về Biết: Biết là gì?
Tu sửa và tu dưỡng – Con đường giải thoát của người trầm cảm
Các con bị “ném” vào cuộc đời và phải ganh đua, nhưng rất may đó chỉ là một trong những cách tồn tại ở thế giới này thôi. Nhiều người không ganh đua vẫn sống bình thường. Đấy là sự thật! Tất nhiên, cái bình thường của họ có thể không giống bình thường theo chuẩn xã hội. Ganh đua chỉ tốt khi mà người ta có niềm vui làm điều đó thôi. Những ai có niềm vui khi ganh đua thì đó là việc của họ, tốt với họ, Nhưng nếu con tu theo kiểu phải cố gắng rất nhiều, các con sẽ phải ganh đua, không sớm thì muộn. Cách này không có gì sai hết, chỉ không hợp với những người trầm cảm thôi.
Tu có 2 nghĩa:
- Một là, tu sửa kiểu như trung tu, đại tu, sửa to, sửa nhỏ.
- Hai là, con nuôi dưỡng, trồng trọt một cái gì đó, gọi là tu dưỡng. Con trồng trọt phẩm chất tốt, trồng trọt những cái đúng đắn.
Với những người trầm cảm, sư phụ sẽ dạy kiểu tu dưỡng. Thay vì yêu cầu các con sửa, sư phụ giúp con nuôi dưỡng một cái đúng bên trong các con.
Vậy con cần nuôi dưỡng gì? Con nuôi dưỡng một khả năng đặc biệt bên trong chính con – đó là khả năng biết mọi thứ. Mình nuôi dưỡng một thứ đúng đắn là khả năng biết.
- Mục tiêu của nhóm tu sửa là sửa.
- Mục tiêu của nhóm tu dưỡng là nuôi khả năng biết.
Khả năng biết này không cần phải sửa gì hết. Con đang vui vẻ – nó biết sự vui vẻ, nó không cần sửa sự vui vẻ, nó vẫn biết, đúng không? Con đang buồn – nó biết cái buồn như vậy, không cần sửa cái buồn. Theo các con vì sao? Mình đang buồn – mình có biết mình đang buồn không, hay phải sửa buồn thành vui hoặc tối thiểu là bình thường rồi mình mới biết?
Đấy, Biết có cái hay ở chỗ: Nó không đòi hỏi phải sửa gì cả, nó chỉ cần con biết thôi, rất đơn giản – Đấy là tu dưỡng. Khi con làm quen, làm nhiều lần, nhiều năm, dần dần một sự kỳ diệu sẽ xảy ra, đó là con không cần phải sửa nữa mà con vẫn ổn.
Con đường tu sửa là gì? Con đang bất ổn mà muốn ổn thì con phải sửa. Sửa xong thấy bình thường, không buồn nữa, đúng không? Nhưng khả năng biết kỳ diệu ở chỗ nào? Con không cần sửa mà vẫn ổn. Ở đây ai thực hành rồi sẽ thấy. Nhiều khi buồn chỉ biết là buồn thôi – thế là đủ, đúng không? Kỳ diệu của nó là không đòi hỏi phải sửa mới ổn, mà biết là ổn rồi. Biết cái bất ổn – bản thân nó chính là ổn.
Khi con làm như vậy, dần dần bên trong con bắt đầu có một cái không gian gọi là Không gian của Biết. Trong không gian ấy, dù bão giông xảy ra, nó vẫn không sao cả. Con nuôi dưỡng Không gian của Biết đủ lâu thì nó sẽ ngày càng vững vàng lên, nó bắt đầu không suy chuyển dù buồn, dù khó chịu, dù bực bội xảy đến. Giống như mặt gương, khi có một cơn bão hiện ra, mặt gương không bị sao cả, có đúng không? Nếu con tự trách chính mình, thậm chí trách chính mình gấp 100 lần đi nữa, con chỉ cần biết đang tự trách chính mình thôi. Cái Biết đấy không hề bị suy chuyển. Đấy là cái mà các con cần tu dưỡng, các con cần nuôi dưỡng.
Trích buổi nói chuyện: “Tu dường không gian Biết chứ không phải tu sửa” HN 01.07.202
Nghe trên Podcasts : Tu sửa và tu dưỡng – Con đường giải thoát của người trầm cảm
Cơn nào rồi cũng qua!
Nếu con quan sát đủ lâu thì con thấy mây nào rồi cũng tan. Làm gì có mây nào ở mãi trên bầu trời. Con thử nhìn bầu trời mà xem, có phải mây nào cũng tan không? Thậm chí mây có ở đấy từ sáu giờ sáng đến sáu giờ chiều không? Không có! Khi con quan sát đủ lâu thì con thấy mây nào rồi cũng tan.
Trầm cảm cũng như vậy. Nếu con quan sát đủ lâu thì con thấy trầm cảm hay các cơn cảm xúc đến rồi đi. Các cơn cảm xúc, suy nghĩ đến đi không nằm trong trù định của con. Đầy lúc con không định nghĩ chuyện gì đấy, con không định có cảm xúc đấy mà nó vẫn đến, đúng không? Càng quan sát, con càng thấy rõ suy nghĩ tự đến tự đi, cảm xúc tự đến tự đi. Dần dần con phát triển lòng tự tin rằng: “Cơn trầm cảm nào rồi cũng tan!”.
Trích buổi nói chuyện: “Tu dường không gian Biết chứ không phải tu sửa” HN 01.07.202
Tự do với cảm xúc
Suy cho cùng cái đe dọa cuộc đời con nhất là cảm xúc. Con bị ảnh hưởng mạnh nhất và sợ nhất là cảm xúc. Dù con biết chẳng sao đâu nhưng cảm xúc đấy làm con sợ. Ví dụ: khi xem phim ma con biết thừa là không có ai ở đó nhưng con vẫn sợ. Con sợ vì nó gây ra cảm xúc mà con không thích chứ ai cũng biết làm gì có ma ở đấy. Nên tự do lớn nhất là tự do với cảm xúc.
Khi cảm xúc nổi lên mà con biết là: nó nổi lên trong Biết rồi tan vào Biết, thật ra chẳng có vấn đề gì cả, những điều nó nói không có thật thì con tự do khỏi nó. Khi con biết sự thật càng nhiều thì sự giải thoát của con càng mạnh.
Tự do với cảm xúc không có nghĩa là không có cảm xúc mà sẵn sàng cho phép mọi cảm xúc được xuất hiện. Đó là niềm hạnh phúc của sự tự do. Cuối cùng, nếu con là nô lệ của cảm xúc thì khổ lắm. Tự do với cảm xúc là thứ các con luôn khao khát. Cảm giác sợ nổi lên thì có sao đâu, cảm giác buồn cũng chẳng sao cả. Nó hiện ra trong Biết và tan vào Biết. Nó không gây chuyện gì cả.
Trích: buổi nói chuyện “Cảm giác rất thật nhưng cái nó nói thì không thật”, Sài Gòn 01/01/2022.
Nghe trên Podcasts : Tự do với cảm xúc
Trầm cảm là một món quà
Hoàn cảnh của các con vẫn còn tốt hơn so với rất nhiều người khác vì các con vẫn còn nhận thức được, vẫn còn đủ sức khỏe, đủ sinh mạng, đủ tiền để ăn ba bữa một ngày. Thế là đã quá tốt rồi. Hơn nữa, các con còn gặp được con đường giải thoát, gặp được sư phụ.
Nếu so với những người giàu có mà không có con đường đến với Pháp, hoàn cảnh của các con vẫn còn tốt hơn. Ở ngoài kia còn rất nhiều người khổ mà họ không có con đường nào hết, dù họ giàu có nhưng họ không có con đường thoát khổ nào hết, đó mới là khổ thực sự.
Cái khổ mà dẫn con đến với Pháp, với sự giác ngộ là cái khổ rất đẹp. Một lúc nào đó nhìn lại con sẽ thấy nó thật tuyệt vời. Đó là một sự may mắn, là một sự ban phước bí mật.
Hơn nữa, đó là nguyên liệu để giúp con tăng trưởng chứng ngộ. Thay vì cố gắng tìm cách đẩy những cảm xúc này đi, hãy thực hành pháp để nhận ra Sự thật. Với thái độ thưởng thức cả những cảm xúc tiêu cực, giống như là bầu trời rộng lớn ôm trọn cả những cơn mưa sao băng, con biết rõ rằng sự xuất hiện của chúng không làm hại được con, cũng như những cơn mưa sao băng không làm hại được bầu trời rộng lớn, mà ngược lại, nó sẽ giúp con làm tăng trưởng sự nhận biết Chân Như. Nó sẽ làm con ngày càng tự tin để an yên là chính con – sự nhận biết vốn sẵn có – và hạnh phúc tận hưởng màn trình diễn kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn.
Bây giờ con chưa nhận ra thì hãy tin là như vậy. Hãy tin sự trầm cảm này là một món quà, là một sự ban phước bí mật. Nó là một sự ban phước để dẫn con đến với Pháp, dẫn con đến với niềm hạnh phúc chân chính.
– Trích: buổi nói chuyện với các bạn trầm cảm ngày 20.04.2019 tại Hà Nội
Mời các bạn nghe trên Podcasts : Trầm cảm là một món quà
Vì sao trầm cảm lại dẫn đến giác ngộ?
Trước khi ở đỉnh cao của trầm cảm, con vẫn tin con làm gì đó được với suy nghĩ. Con không thấy nó tự đến tự đi, vì con vẫn tin con làm nó đến, và con làm nó đi.
Xem thêm: Vì sao trầm cảm lại dẫn đến giác ngộ?
Con là không gian ngập tràn sự Nhận Biết
Khi con biết suy nghĩ xảy ra thì con không phải là ai khác ngoài cái không gian nơi nó xảy ra, chứ con không phải là người tạo ra suy nghĩ. Con tưởng mình là người tạo ra và chịu đựng đống suy nghĩ, cảm xúc đấy và con khổ từ giờ đến cuối đời.
Khi nào con thoát khổ?
Ghi chép từ Buổi nói chuyện với 9 bạn trầm cảm tại Hà Nội – 7/2019.
Nghe trên Podcasts : Con là không gian ngập tràn sự Nhận Biết
Thơ – Con là không gian ngập tràn Nhận Biết
Con sẽ chẳng bao giờ hết vấn đề
Như không gian không bao giờ hết gió
Là thân tâm vấn đề luôn luôn có
Không khổ thân thì cũng khổ tâm
Dòng thác nghiệp cứ thế đổ ầm ầm
Khổ đau đến không thể nào ngăn nổi
Chỉ một điều con có thể thay đổi
Chuyện xảy ra, lúc đấy, con là ai?
Con là người gánh vấn đề trên vai
yếu đuối, mong manh sẵn sàng đau khổ
Hay con là không gian Biết rộng mở
Đón nhận mọi điều mà tuyệt đối tự do
Bao suy nghĩ cảm xúc đến giày vò
Chỉ như gió giật trong không gian Biết
Chỉ như sóng cuộn trào trên mặt biển
Hiện rồi tan mà Biết chẳng vấn đề gì
Con nhận ra sự thật diệu kỳ
Con không phải thân tâm này sinh diệt
Con là không gian ngập tràn Nhận Biết
Cả thế giới này sinh diệt trong CON
—
– Bá Lành –
Cảm hứng sáng tác từ bài nói chuyện “Con là không gian ngập tràn Nhận Biết” của Trong Suốt