Tri âm khó kiếm – tri kỷ khó tìm – bạn tốt khó gặp
Quý Vị đã bao giờ nghe qua cụm từ tình bạn «Tri âm, tri kỷ» hay chưa?
Hay những câu thành ngữ về tình bạn tri âm, tri kỷ :
Trăm năm tri kỷ khó tìm, tri âm khó gặp, bạn hiền khó quen
Tình yêu, bạn bè, tiền bạc dễ kiếm nhưng tri kỷ khó tìm
Vật chất dễ vay ân tình khó trả bạn bè dễ kiếm tri kỷ khó tìm…..
Tri âm là gì ?
Tri âm phiên âm từ tiếng Trung là 知音
- Âm là những điều khó thấy, giấu kín, ẩn.
- Tri là biết.
Một người bạn được gọi là bạn tri âm, nghĩa là người bạn ấy có thể hiểu được rất rõ Quý Vị, hiểu luôn những điều mà Quý Vị không nói ra, những điều thầm kín, họ cũng hiểu được luôn.
Tôi nghĩ rằng, tình bạn như vậy, thời nay thật khó tìm ở đời.
Vậy còn tri kỷ thì thế nào?
Kỷ là mình, tự mình, chính mình.
Một người bạn được gọi là bạn tri kỷ, nghĩa là người bạn ấy phải thực sự hiểu, thấu hiểu được chính Quý Vị.
Người bạn ấy luôn hiểu được những tâm tư tình cảm, những vui buồn của chính Quý Vị.
Và nhờ hiểu được, nên người ấy sẽ biết cách để làm cho Quý Vị luôn vui vẻ, và hài lòng.
Quả thật người này cũng khó mà tìm được ở đời, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, thời đại mà con người đặt nặng, xem trọng quá mức cái chữ tiền tài, và sự lợi dưỡng.
Mời các bạn xem Điển tích điển cố về Tình bạn tri âm giữa Bá Nha và Tử Kỳ
Điển tích Bá Nha – Tử Kỳ
Điển tích Bá Nha, Tử Kỳ là câu chuyện đời Xuân Thu Chiến Quốc về tình bạn âm nhạc giữa Bá Nha – một viên quan nước Tấn, và Tử Kỳ – một tiều phu bên Hán Giang. Sự tích này phổ biến ở Trung Quốc cũng như Việt Nam.
Năm ấy hoa nở trăng tròn…
Đêm trung thu trăng sáng vằng vặc, trời trong veo tinh khiết, gió nhẹ thổi xao xác 2 hàng cây phong ven bờ sông dưới chân núi Mã Yên. Quan thượng đại phu Bá Nha, một văn nhân nho nhã nhưng cũng kiêu hãnh bậc nhất trong thiên hạ, cho lệnh quân sĩ cắm thuyền để nghỉ ngơi. Trước khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu, Bá Nha sai lính đốt trầm hương và lấy đàn ra dạo vài khúc (trầm hương là loại gỗ có mùi thơm độc đáo, người giàu Á Đông như Trung Hoa Nhật Bản Ả Rập….thường mua từ Việt Nam để xông cung điện).
Bá Nha vừa đàn vài khúc thì dây đàn bị đứt, biết là có kẻ nghe trộm tiếng đàn thần tiên, liền thảng thốt giật mình, cất tiếng hỏi:
Ai là người trên bờ đang nghe lén?
Trên bờ liền có tiếng đáp lại, đại ý : tôi là tiều phu gánh củi, đang trên đường trên núi về nhà, nghe tiếng đàn hay quá thì dừng lại.
Bá Nha phật lòng, cho rằng tiều phu quê mùa dốt nát, sao dám lén nghe tiếng đàn của bậc tao nhân mặc khách.
Người trên bờ liền đáp, người xưa nói, trong ấp có 10 nhà thì sẽ tìm được 1 nhà tử tế, trong đám đệ tử 10 người thì ắt tìm được 1 đệ tử tuyệt đối trung tín, hễ có người có ngón đàn tuyệt diệu thì cũng sẽ có người có đôi tai tuyệt kỹ trong thiên hạ mà thẩm thấu được.
Bá Nha thấy ân hận vì lỡ lời, bèn mời người tiều phu ấy xuống thuyền, đàm đạo.
Bá Nha vẫn chưa vội hỏi tên tuổi quê quán, chỉ nói chuyện âm nhạc. Ông hỏi gì thì người tiều phu kia đều đáp rành rẽ. Bá Nha đánh 1 đoạn nhạc và trong lòng nghĩ về núi, người kia liền nói, lòng đại phu đang nghĩ về những đỉnh núi cao vời vợi. Bá Nha gảy một khúc khác về sông nước, người kia liền nói, ơ kìa, mênh mông sóng nước…
Bá Nha thấy làm lạ vì cuối cùng cũng tìm được 1 người tri âm, tức hiểu được thanh âm của mình. Ông đi khắp thiên hạ, chỉ có 1 người duy nhất hiểu được tiếng đàn và tiếng lòng của ông. Bèn hỏi rõ, người tiều phu liền thưa mình là Tử Kỳ, nhỏ hơn Bá Nha 10 tuổi, học hành xong nhưng sự nghiệp xin gác lại, vì cha mẹ chàng quen sống nơi sơn cước, cũng đã gần đất xa trời. Tử Kỳ đành phải ở nhà, làm nông chăm sóc cha mẹ, hy sinh ước mơ hành tẩu giang hồ vùng vẫy tứ phương…
Bá Nha mời cơm Tử Kỳ, hai người đối ẩm (uống rượu) với nhau cho tới sáng, nói chuyện tâm đầu ý hợp, người này nói ra nửa lời thì người kia đã hiểu nguyên câu, Bá Nha và Tử Kỳ đàn hương quỳ lạy kết nghĩa anh em.
Trời gần sáng, Tử Kỳ chia tay anh về lại nhà, còn Bá Nha chia tay em về lại kinh đô. Trước khi chia tay, Bá Nha tặng cho Tử Kỳ 2 thỏi vàng, bảo về gửi cho bá mẫu và bá phụ. Tử Kỳ không nỡ từ chối. Hai người hẹn giờ này năm sau, cũng vào dịp Trung Thu, Bá Nha lại đến và hàn huyên.
Một năm sau. Cũng vào đêm Trung Thu, thuyền quan đại phu Bá Nha lại đến bến sông xưa. Bá Nha không thấy Tử Kỳ đến, bèn ngồi đánh đàn chờ sáng mai lên núi hỏi thăm tin tức. Tiếng đàn trở nên ai oán buồn não, Bá Nha giật mình, chắc có điềm gì không lành với người em kết nghĩa.
Sáng sớm, Bá Nha đi theo con đường mòn về phía núi thì gặp một lão già đang chống gậy, bèn hỏi nhà Từ Kỳ. Ai dè ông lão chính là cha của Tử Kỳ và kể rằng Tử Kỳ đã qua đời do lâm trọng bệnh, trước khi ra đi còn dặn cha là chôn cất mình dưới chân núi Mã Yên để trọn tình đạo nghĩa với quan đại phu.
Nghe xong thì Bá Nha khóc to, rồi theo cha đến mộ Tử Kỳ, sau khi xá lạy, Bá Nha gảy 1 khúc tiễn biệt. Bỗng mây đen kéo đến, gió thổi ầm ầm, hoà với tiếng đàn thành một khúc rất bi thương.
Khi Bá Nha đàn xong thì mây cũng vừa tan, gió cũng vừa tạnh. Bá Nha cầm cây đàn quý giá của mình đập vào phiến đá trước mộ, những phím vàng rơi lả tả. Ông lão giật mình, hỏi cớ sự thì Bá Nha đáp, đã không còn người có thể hiểu thấu tiếng đàn của con. Hết người tri âm, thì đàn quý cỡ nào cũng không còn ý nghĩa, vừa rồi là lần cuối đôi tay này so phím dây đàn..
Bá Nha lạy tạ ông lão, bảo bây giờ lên kinh kỳ, làm xong việc vua giao sẽ từ quan, sẽ về đây rước ba mẹ Tử Kỳ đi chăm sóc nuôi dưỡng.
——–
* Tích trên để giải thích từ “tri âm, 知音”. Trong truyện Kiều, nỗi lòng nàng Kiều khi nàng không biết trong thiên hạ, có ai thấu hiểu nàng chăng, thì Nguyễn Du viết:
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai!
** Theo cổ nhân phương Đông, 3 may mắn nhất trong đời 1 người đàn ông tài giỏi, có sự nghiệp lẫy lừng, giúp đỡ muôn người trong thiên hạ :
- (1) Có đạo đức trong sáng, lòng thánh thiện tuyệt đối, được người thầy tài hoa dẫn dắt.
- (2) Có trách nhiệm và tìm được người vợ thiện lương, tức chỉ chuyên tâm chăm lo chuyện gia đình, đứng ngoài vòng danh lợi, chuyện làm ăn, công danh của chồng.
- (3) Có được 1 người bạn tri âm, tri kỷ.
TnBS
Lên tận chân mây có thấy người tri kỷ?
Ngày xưa có một phú ông rất thích thưởng thức trà, mỗi khi có khách đến nhà, dù là người giàu sang hay nghèo hèn thì ông đều mời trà.
Một ngày nọ, có lão ăn mày rách rưới đứng trước cửa nhà phú ông. Lão ăn mày không xin tiền, cũng không xin cơm, mà chỉ đến xin bát nước trà. Ông bèn cho lão vào nhà rồi nhờ gia nhân đun nước pha trà.
Lão ăn mày liếc qua rồi nói: ‘Trà này không ngon.’
Phú ông lấy làm lạ rồi bảo đổi một bát trà ngon khác.
Lão ăn mày ngửi qua, nói: ‘Trà này ngon, nhưng nước vẫn chưa được, phải dùng nước suối trong.’
Nghĩ rằng ông lão cũng có chút hiểu biết thưởng thức, nên gia nhân đi lấy nước suối cất trữ từ sáng sớm ra để pha trà.
Lão ăn mày nhấp thử một ngụm, nói: ‘Nước rất tốt, nhưng củi sao trà không được, củi phải dùng củi sau danh sơn. Bởi vì củi phía trước núi đón nắng nên chất củi xốp, còn sau núi chất củi mới cứng.’
Gia nhân cho rằng ông lão tinh thông trà đạo, liền dùng loại củi tốt pha lại trà, rồi trà được mang lên, mời phú ông và lão ăn mày đối ẩm một bát.
Lão ăn mày nói: ‘Ừm, bát trà lần này, nước, củi, lửa đều tốt, chỉ có ấm pha trà không ổn.’
Phú ông nói: ‘Đây là chiếc ấm pha trà tốt nhất của ta.’
Lão ăn mày lắc đầu rồi cẩn thận lấy từ trong áo ra một chiếc ấm quý làm bằng đất tử sa. Khi trà mới được mang lên, phú ông nhấp thử mùi vị thấy quả nhiên không tầm thường, lập tức chắp tay thi lễ với lão ăn mày: ‘Ta xin mua lại chiếc ấm tử sa này, bao nhiêu cũng được.’
Nhưng lão ăn mày vốn nâng niu chiếc ấm tử sa như báu vật, nhất định không muốn bán: ‘Không được, chiếc ấm này là cuộc sống của ta, ta không thể bán.’ Nói rồi lão ăn mày vội vàng rót trà ra, cất lại chiếc ấm.
Phú ông vội vã ngăn lại, nói: ‘Ta đổi một trăm nén bạc để lấy chiếc ấm của ông.’
Lão ăn mày không tin, vẫn bước tiếp. Phú ông nôn nóng, nói: ‘Ta đổi một ngàn nén bạc để lấy chiếc ấm của ông.’
Lão ăn mày nghe vậy bèn cười lớn rồi nói: ‘Nếu không phải vì tiếc chiếc ấm này thì tôi cũng không phải giữ gìn nó cho đến hôm nay.’ Nói xong lão ăn mày quay người bỏ đi.
Phú ông sốt ruột nói: ‘Như thế này đi, ấm là của ông, nhưng xin ông một điều, ông hãy thường xuyên ghé lại với ta, ta ăn gì thì ông ăn đó. Nhưng có một điều kiện, chính là ta thường uống trà cùng ông và nhìn chiếc ấm, ông thấy thế nào?’ Vì quá yêu thích chiếc ấm nên phú ông bèn nghĩ ra cách đó.
Lão ăn mày cũng vì miếng ăn qua ngày mà vất vả, chuyện tốt như vậy sao lại không đồng ý? Vậy là lão vui vẻ nhận lời phú ông.
Cứ như vậy, lão ăn mày thường hay đến chơi với phú ông, ăn cùng ở cùng phú ông. Hai người ngày ngày nâng niu chiếc ấm trà quý, chia sẻ với nhau những tâm tình, thưởng trà ẩm rượu, vô cùng ăn ý. Cứ thế nhiều năm qua đi, hai người trở thành hai lão niên tri kỷ thấu hiểu nhau.
Một hôm phú ông mới nói với người bạn ăn mày của mình: ‘Ông không có con cháu, không có ai kế thừa chiếc ấm trà, chi bằng sau khi ông đi rồi, hãy để tôi giúp ông bảo quản chiếc ấm này, ông thấy thế nào?’
Lão ăn mày rưng rưng đồng ý. Không lâu sau, lão ăn mày thật sự ra đi, phú ông cũng được như mong muốn, có được chiếc ấm tử sa.
Những ngày đầu phú ông chìm trong cảm giác vui sướng vì chiếc ấm tử sa là của riêng mình. Nhưng rồi cũng đến một ngày, khi đang ngắm nghía chiếc ấm quý này, phú ông đột nhiên cảm thấy trong lòng trống vắng, thiếu vắng thứ gì đó, chén trà đưa lên miệng cũng không còn thơm ngon và đậm đà như trước nữa.
Trước mắt ông hiện lên hình ảnh những tháng ngày vui vẻ cùng người bạn thưởng trà. Hiểu rõ tất cả rồi, phú ông mắt nhòa lệ lạnh lùng thả rơi chiếc ấm xuống đất.
___
Có một câu chuyện về tình tri kỷ như vậy.
Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng đã có lần phải thở dài: ‘Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?’ Khó, đúng là khó lắm.
Người quen trong thiên hạ nhiều vô kể, thử hỏi tri kỷ được mấy người?
Câu chuyện kết thúc, kết cục có lẽ khiến người ta không ngờ được. Theo thời gian, có rất nhiều thứ cũng đổi thay, tình nghĩa giữa phú ông và ông lão ăn mày đã vượt qua cái giá trị ban đầu của ấm trà, thứ dù có tốt đến đâu nếu không có ai thưởng thức cùng và thấu hiểu cùng thì cũng mất đi ý nghĩa của nó, thứ đáng giá đến đâu cũng đâu đáng giá bằng tình tri kỷ.
Hãy nghĩ về cuộc đời mình, những thứ gì quan trọng trong cuộc đời ta? Có lẽ là những thứ tình cảm như là một liều thuốc, có thể xoa dịu và sưởi ấm được tâm hồn mình. Và tri kỷ chính là một liều thuốc quý, nhưng tri kỷ rất khó gặp.
Trong cuộc sống có được người bạn tri kỷ là cũng đủ. Tình tri kỷ, như một thứ ấm áp không lời, một sự đồng hành tĩnh lặng.
Tri kỷ thật sự là hiểu, là thân thiết, là đồng điệu. Giống như một chén trà xanh, vị chát mà thấm vào tận trong tim. Có những khi chỉ cần một cái ôm, một ánh mắt, là hiểu tất cả mà không cần dùng đến lời nói.
Tri kỷ, không cần che đậy, cũng không cần giải thích, tự nó đã hiểu, tự nó cảm nhận. Không cần dốc hết sức, cũng không cần sửa soạn chuẩn bị, tự nó sẽ đem đến niềm vui từ hoà quyện của các thứ tình cảm: tình bạn, tình yêu, tình thân. Nó tuyệt vời và khó diễn tả.
Xin dành tặng cho những ai hiểu được giá trị và trân trọng hai chữ TRI KỶ.
-St-