Trì chú có tiêu được nghiệp xấu không?
Bạn Quy Tài: (hỏi qua mạng) Thưa Thầy con có thắc mắc này nhờ Thầy giải đáp giúp ạ. Con thấy việc trì niệm Phật được phước là đúng, vì khi niệm Phật là mình có lòng tôn kính Phật. Từ đó theo nhân quả, phước mình được tăng, nhưng trong Tịnh độ tông có nói về việc đới nghiệp vãng sanh. Nếu nói như vậy thì những nghiệp trong quá khứ mình không cần trả nữa hay sao? Vì Phật có nói Phật không ban phước hay giáng họa cho ai, họa phước là do mỗi người, nếu được vãng sanh mà không cần trả nghiệp thì mâu thuẫn với lời dạy của Phật? Tương tự, quan điểm trì chú tiêu được nghiệp xấu con thấy nó hơi mâu thuẫn, con xin cảm ơn Thầy.
Thầy Trong Suốt:
Được, câu hỏi rất hay. Bạn ấy đã hiểu nhầm hoặc là một số người đã hiểu lầm rằng lên cõi Phật là không phải trả nghiệp. Hoàn toàn nhầm lẫn! Nếu lên được cõi Phật A Di Đà, cứ cho lên được đi, thì chuyện gì xảy ra? Nếu nghiệp mình rất nặng thì mình sẽ sinh ra ở một bông hoa sen sắt, chứ mình chưa sinh vào hoa sen bình thường được. Trong hoa sen sắt đấy mình phải chịu những cái khổ sở của những nghiệp xấu mình đã tạo, khi nào đủ điều kiện thì bắt đầu mới được ra.
Nhưng chưa hết, ra khỏi một hoa sen sắt rồi thì lên một bông hoa sen khác. Có chín loại hoa sen khác nhau. Gọi là hoa sen thôi, nhưng nhỏ thì nó cũng bằng một cái tòa thành ở đây, loại lớn thì có thể rất lớn như địa cầu này luôn, như là một cõi luôn. Ở trong bông hoa sen đấy thì cảnh tượng của tâm trí mình sẽ tạo ra tất cả. Ví dụ mình rất đau khổ vì nhớ người yêu, rất buồn vì mình đã xa bạn bè họ hàng, rất đau đớn vì bị chồng ngoại tình… Nó vẫn xảy ra ở trên bông hoa sen đấy. Nhưng cái hay là dù những cái đấy nó xảy ra, nhưng cứ đến tám giờ sẽ có người gọi mình ra – “Đi nghe Phật, Bồ Tát giảng Pháp về tu hành đi!”
Nên là mình vẫn vừa chịu khổ ở trong hoa sen vừa tu hành ở ngoài được. Còn ở đây mình không thể chịu khổ để mà tu hành, rất khó. Vì sao ở đây khó hơn? Vì chịu khổ xong mình chẳng muốn đi tu nữa. Còn ở đấy, đến giờ nhất định sẽ có Bồ Tát đến nhắc mình: “Đi tu đi!”. Và khi ra khỏi bông sen thì mình lại thấy bình thường, đến nghe giảng tu hành hiểu được. Khi về bông hoa sen thì tâm mình lại phóng chiếu ra những cảnh đau khổ, cho đến khi nào mình tu thành công thì thôi. Như vậy là mình phải vẫn trả nghiệp như bình thường, nhưng trả nghiệp ở trên bông hoa sen ở cõi Phật.
Mỗi người có một bông hoa sen riêng và ở trong bông hoa sen đấy, tâm mình tưởng tượng cảnh nào thì nó ra cảnh đấy. Ví dụ lúc ở dưới đất chẳng hạn, có cảnh là mình suýt tự tử thì mình sẽ tưởng tượng ra cảnh tự tử và mình ngồi buồn về cảnh đấy. Xong rồi mình lại nhớ về Pháp thực hành. Đấy, cõi Phật kì diệu ở chỗ đấy. Nó vẫn có môi trường để tu là trong bông hoa sen của mình. Chứ không phải là “không phải trả nghiệp”. Mình vẫn phải trả nghiệp ở trên đấy. Nhưng mà cái trả đấy rất thiện xảo ở chỗ là vừa trả vừa tu, trả chỉ là ảo cảnh thôi chứ không phải trả đến mức như ở đây.
Như vậy là không có nghĩa là nghiệp sẽ hết khi mình lên được cõi Phật. Nếu mình làm điều xấu thì trên đó mình vẫn phải trả, trong bông hoa sen của mình, mình tu hành tiến bộ dần dần ở trên đấy, chứ không phải là không phải trả nữa. Nếu được lên cõi Phật thì vẫn trả rất bình thường luôn, nhưng mà trả trong điều kiện tốt để tu hành được.
Thế còn trì chú có tiêu được nghiệp không? Trì chú giống như là xây dựng nghiệp tốt. Xây dựng nghiệp tốt giống như xây một cái tường thành, khi những cơn sóng của bão đánh vào tường thành thì nó yếu đi, thế thôi. Nghĩa là trì chú không thể tiêu được nghiệp, nhưng nó giảm được sức mạnh của nghiệp.
Ví dụ như thế này cho dễ hiểu: mình đã từng giết người trong quá khứ, bây giờ mình thực hành các Pháp môn của nhà Phật, lẽ ra ngày này tháng này mình sẽ bị người ta giết, đúng không? Nhưng nhờ sức mạnh của bức tường ấy nên trong 100 kiếp mình sẽ bị người ta cắt chân thôi. Giảm nghiệp, cắt vào chân, chém vào chân. Mình không phải chịu cái chết để trả cho cái nghiệp giết người nữa, mình chịu 100 kiếp chém vào chân.
Đấy là một việc giảm bớt nghiệp xấu. Nó làm cho nghiệp xấu đến với mình một cách nhẹ nhàng hơn. Giống như cơn bão đánh đến, nhưng gặp bức tường thành thì nó bị yếu đi chứ không thể nào hết cơn bão được. Thế nên trì chú giúp cho mình bảo vệ sinh mạng để mình có thể tu hành được, nhưng không có gì đảm bảo cả!
Em có thể trì chú, nhưng vẫn chết như thường. Trì chú bao nhiêu nhưng rồi gặp đúng oan gia chém một cái chết luôn, chẳng có gì để đảm bảo hết. Nên đừng nghĩ rằng trì chú hay là niệm Phật là sẽ tiêu nghiệp, không có. Ai hiểu “tiêu được nghiệp” là một cái hiểu rất hạn chế về nhân quả. Nghiệp không bao giờ tiêu, nhưng nó có thể biến đổi.
Ví dụ, mình có 100 kg vác trên vai, vác một lần sụn xương, hoặc vác 10 kg trong 10 lần đều được. Trì chú niệm Phật có giá trị đến thế là cùng thôi. Và thế là quá tuyệt vời rồi! Không có giá trị là đốt một phát hết cả nghiệp. Không có đâu! Đấy là cái hiểu biết rất là nhầm lẫn.
Như vậy có nên trì chú niệm Phật không? Vẫn nên! Vì nó tạo cho mình điều kiện, môi trường thuận lợi để tu hành giác ngộ. Còn nếu mình trì chú niệm Phật với tinh thần để trốn nghiệp tránh nghiệp, đấy là mình đang hoàn toàn nhầm, sớm muộn nó cũng đổ đến.
Lí do của trì chú niệm Phật mục tiêu là hướng đến giác ngộ. Mục tiêu của nó không phải trốn tránh nghiệp, đỡ nghiệp. Chư Phật không dạy những cái như vậy cho những người muốn trốn tránh, mà dạy cho những người muốn tiến lên, tu hành và giác ngộ. Trì chú như là phương tiện thiện xảo của nhà Phật để giúp người ta tu hành và tiến bộ. Còn bây giờ nó biến tướng thành cái chỗ để trốn tránh. “Phật là cái ông thần rất to để tôi nương tựa vào tôi tránh được tai họa” – đấy là cái biến tướng do thiếu hiểu biết mà thành, chứ không phải là sự thật.
Phật không phải là ông thần to chỉ cho mình thần chú, chỉ cho mình niệm Phật để trốn tránh nghiệp. Ngược lại, Phật dạy cho mình trí tuệ và phương tiện như là niệm Phật, cõi Phật, trì chú để mình có điều kiện tu hành và phát triển trí tuệ, để mình đối diện với cái nghiệp cũ một cách đầy trí tuệ và sáng suốt, chứ không phải mình trốn tránh khỏi nghiệp cũ. Không trốn được đâu! Nhưng mình hoàn toàn có thể đối diện một cách trí tuệ và sáng suốt. Đời trước tôi giết người ta, đời này người ta đến đòi nợ, tôi đối diện một cách trí tuệ và sáng suốt. Đấy mới là tu hành. Chứ không phải tôi làm gì đó để cuối cùng người ta biến khỏi cõi đời luôn, không bao giờ gặp lại tôi nữa. Không phải, hoàn toàn nhầm lẫn!
Nhà Phật có cả Trí tuệ và Phương tiện. Trí tuệ là những cái thực sự Đạo Phật hướng đến. Còn phương tiện: thần chú, niệm Phật, thậm chí cả cõi Phật đều chỉ là phương tiện mà thôi để nương vào đấy, người ta có một điều kiện tương đối thuận lợi để có thể tu hành giác ngộ được. Hiểu như vậy về thần chú và về niệm Phật mới đúng và nó không mâu thuẫn gì với nhân quả. Còn hiểu không phải như vậy thì là hiểu nhầm. Hiểu nhầm dễ thành tà kiến, không tu hành được.