TRÍ THỨC THUA LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG
Tuần vừa qua có hai Phật tử đã hỏi trùng nhau một câu hỏi, nên tôi sẽ viết bài để trả lời câu hỏi này.
Câu hỏi như sau :
Hai Phật tử này đều là những người học rất giỏi có trình độ tri thức cao, tuy nhiên khi lập gia đình, về quê sống, không xin được việc làm như trình độ đã học, thế là phải xin vào làm công nhân.
Nhưng vào làm công nhân, thì năng suất thua các lao động phổ thông, bị họ cười chê.
Hai Phật tử hỏi như vậy là quá khứ họ đã gieo nghiệp gì, mà rơi vào tình trạng như thế ?
Trả lời :
Ở đây chúng ta cần xét nhiều mặt, chứ không phải nhìn vào một mặt mà thấy hết được.
Thứ nhất :
Trước đây tôi cũng từng đi học nên biết, những bạn học giỏi, ít nhiều gì họ cũng có cái tâm kêu ngạo, nghĩ mình là giỏi hơn người.
Nhưng thực ra cuộc đời không đơn giản như vậy, có phước về mặt học vấn, thì chưa hẳn đã là có phước về mặt vật chất sau này khi trưởng thành.
Nên những người học giỏi lúc nhỏ này khi lớn lên họ bị lận đận về đường công danh là vậy.
Vì chỉ gieo cái phước học tập mà không gieo cái phước vật chất, lại còn nuôi tham vọng là mình sẽ hơn thiên hạ, nên nghèo, lận đận là vậy.
Thứ hai :
Chúng ta cần phải xem lại thế mạnh của mình là gì?
Các vị giỏi về trình độ, nhưng không dùng trình độ ấy để phục vụ cho công việc.
Mà chỉ làm lao động chân tay, thì thua người lao động phổ thông là đúng rồi.
Trước đây tôi có một người bạn học ngành kiến trúc sư.
Nhưng đường công danh của anh bạn này cũng khá lận đận.
Khi vào Bình Dương anh thất nghiệp, thế là để có cơm ăn, anh xin vào làm bốc vác lúa.
Nhưng bốc chỉ được hơn nữa ngày là bỏ chạy, xin nghỉ gấp mà không có nhận tiền công luôn, vì nặng quá, mệt quá vất vả quá không làm nổi.
Lấy ví dụ này để các vị thấy, khả năng của mình không phải giỏi ở tất cả mọi lĩnh vực.
Người kiến trúc sư giỏi, nhưng anh chỉ chuyên về kiến trúc, chứ sao bằng người bốc vác được.
Cũng vậy, hai Phật tử có trình độ ở trên, vì từ nhỏ đến lớn chỉ quen học, mà ít có làm lao động chân tay, nên thua người làm lao động phổ thông là đúng rồi.
Thứ ba :
Trình độ cao thì mình phải xem có môi trường để sử dụng hay không?
Con cá bơi giỏi nhưng nó phải có dòng nước thích hợp, thì mới thể hiện được hết tài năng bơi lội của cá.
Cá bơi giỏi nhưng nếu là cá nước ngọt, lại bơi trong môi trường nước mặn thì chết là cái chắc.
Và ngược lại cũng thế, cá bơi giỏi là cá nước mặn, nhưng lại tìm đến bơi ở dòng nước ngọt.
Thì chết cũng sẽ là cái chắc.
Do đó quý vị phải chọn cho mình môi trường sử dụng trình độ phù hợp.
Mình phải chọn sống ở thành phố phát triển, thì mới sử dụng hết khả năng được.
Còn chọn về quê sống, thì hơi khó thậm chí lãng phí với trình độ đã học của mình.
Nhiều quý vị còn nói là :
Ở quê phải quen biết ông này bà nọ thì mới làm được việc ngon, hay phải là con của những người làm lớn hay phải có tiền thì mới xin được việc.
Khi đề cập đến vấn đề này, mà quý vị không có các yếu tố đó để hỗ trợ cho công việc, nghĩa là phước báu của các vị đang rất kém thua người ta rồi, nên phải vào những môi trường thấp kém nghèo khổ là đúng rồi.
Trước đây khi chưa biết tu, tôi cũng cứ nghĩ rằng phải học thật giỏi thì sau này cuộc sống mới giàu có.
Nhưng điều này chưa chắc.
Nên khi tôi đã hiểu được bản chất nhân quả, các trẻ em con cháu trong nhà, tôi thường khuyên cha mẹ, là vừa khuyến khích các em học tập, nhưng cũng phải tạo cơ hội để các em làm việc nhẹ, nhỏ trong nhà.
Sau đó phải mua cho các em con heo đất để các em bỏ tiền tiết kiệm vào đấy.
Sau mỗi tháng, chúng ta lấy tiền từ con heo đất ra và đi làm phước cho các em, hoặc chở các em đi làm cùng.
Đây chính là quý vị đang giúp cho các trẻ tạo cái phước vật chất ngay từ lúc tuổi còn nhỏ.
Điều này vừa giúp trẻ học cách sẻ chia, tạo thiện nghiệp, lại vừa giúp tăng phước báu tự thân cho trẻ.
Nếu chúng được kết hợp với việc học tập giỏi, trên nền tảng của đạo đức tốt.
Thì tương lai các em chắc chắn sẽ thành công chứ không có bị lận đận, hay nghèo khổ.
Mong rằng khi các vị đọc được bài viết này thì hãy làm thế, để giúp cho các thế hệ trẻ có được một tương lai tốt đẹp, tươi sáng.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa