Đức Khổng Tử với Đạo Cao Đài
Thời Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Khổng Tử là Giáo chủ Nho Giáo. Đồng thời với Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ Phật giáo và Đức Lão Tử Giáo chủ Tiên giáo.
Thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đạo Cao Đài thờ cả ba vì Giáo chủ nầy với ý nghĩa ”Qui Nguyên Tam Giáo “.
Nhờ Đức Khổng Tử mà Nho giáo mới được hưng hạnh, và trở thành một học thuyết triết học nhân sinh có hệ thống chặt chẽ và hoàn hảo, chủ yếu dạy về Nhơn Đạo (Đạo làm Người). Không có một giáo thuyết nào dạy Nhơn Đạo hoàn hảo bằng Nho giáo.
Chính vì vậy, Đức Chí Tôn dùng cái tinh hoa của giáo lý nầy để đưa loài người vào một trật tự xã hội mới, lập đời Thánh Đức. Đó là con đường Nho Tông Chuyển Thế mà đạo Cao Đài chọn làm hướng đi cho thời Hạ ngươn Mạt Pháp, thời kỳ mà nhơn loại đang phải đương đầu với những thảm họa: Chiến tranh, Thiên tai, xã hội Đạo Đức suy đồi, luân thường đạo lý ngữa nghiêng, thế giới đầy bất ổn…
Trên nền tảng căn bản tu tập, người tín đồ Cao Đài trước hết phải chu toàn phần Nhơn Đạo sau đó mới bước lên Thánh Đạo, Tiên Đạo, rồi Phật Đạo… Điều nầy được Đức Chí Tôn khẳng định trong Thi Văn Dạy Đạo (TNHT trang 232) như là:
Buông trôi ví chẳng tròn Nhơn đạo,
Còn có mong chi đến đạo Trời.
Ngoài ra, Đức Khổng Tử còn giáng cơ ngày 17 tháng giêng năm 1932 minh định rằng:
NGÃ dĩ từ chương giáo nghĩa phương,
KHỔNG văn hoằng hóa sự luân thường.
PHU thê, phụ tử, quân thần đạo,
TỬ đệ phùng thời độ thiện lương.
DIỄN DỤ:
Các sĩ cùng chư khanh nghe rõ: Việc Tam giáo hiệp nhứt. Từ khi mới mở mang Trời Đất đã có Đại Đạo. Tam giáo vốn một nhà, đời sau chia làm ba, chớ kỳ trung một bổn, kẻ thế không thông hiểu nên tranh luận giành điều chơn giả với nhau hoài. Những người xưng mình là Minh Sư, thọ truyền cho đồ đệ, thì mỗi người cũng muốn khoe tài mình mà truyền khẩu với chúng sanh rằng, đạo mình chánh, đạo khác tà: Té ra mình là manh sư gạt chúng.
Nếu Đạo Tiên, Đạo Phật mà không dùng văn chương thì lấy chi mà tả kinh diễn kệ. Còn học Nho mà không học Đạo thì ra người cuồng sĩ kiêu căng.
Vậy khuyên mấy sĩ Ba Đạo cũng đồng tìm kiếm gốc cho minh chơn lý., đặng trước độ mình, sau độ chúng. Vậy mới gọi là Chánh kỷ hóa nhơn.
Thi rằng:
Tam giáo từ xưa vốn một nhà,
Người sau lầm tưởng, vọng chia ba.
Minh tâm may hiểu đường chơn giả,
Mẫn tánh mới thông nẻo chánh tà.
Thích, Đạo tỷ như hành bộ khách,
Nền Nho ví tợ chiếc đò qua,
Muôn ngàn kinh kệ do nơi chữ,
Tam giáo từ xưa vốn một nhà.
KHỔNG PHU TỬ
Điều nầy Đạo Cao Đài cũng khẳng định: Tam Giáo đồng do từ một gốc sinh ra như trong bài Khai Kinh cúng Tứ Thời đã nêu rõ:
“Trung dung Khổng Thánh chỉ rành,
Từ Bi Phật dặn lòng thành, lòng nhơn,
Phép Tiên Đạo tu chơn, dưỡng tánh,
Một cội sinh ra ba nhánh in nhau,
Làm người hiểu rõ lý sâu,
Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh.”
Ngày Đại Lễ Vía Đức Khổng Tử
Ngày Đại Lễ Vía Đức Khổng Tử được chọn là ngày giáng sanh của Đức Khổng Tử, đó là ngày 27 tháng 8 âm lịch. Hằng năm, khi đến ngày nầy, tại Tòa Thánh và các Thánh Thất địa phương đều có thiết lễ Đại Đàn cúng Vía Đức Khổng Tử, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại Tiểu sử của Ngài, và nói về sự ích lợi của Nho giáo đối với sự ổn định trật tự trong gia đình và ngoài xã hội.
Nhân ngày 27 tháng 8 Âm Lịch, vía Đức Khổng Phu Tử, ai là người thấy trong ta vẫn còn nguồn Đạo Đức của Ngài, xin hãy dành một phút tưởng nhớ Đức Khổng Tử là Đấng: “Trừng Chơn, Chánh Quang, Bửu Quang, Từ Tế và được Đức Chí Tôn phong phẩm Thiên Tôn.”
Nam Mô Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn
Triết lý Ðạo Khổng
Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
Ðêm 27 tháng 8 năm Nhâm Thìn ( 1952 )
….…..
Ðêm nay là ngày vía của Ðức Khổng Thánh, mỗi năm Bần Ðạo có dịp giảng giải kiếp sanh của Ngài và triết lý Ðạo của Ngài, chúng ta chỉ để ý có một điều trọng hệ nầy là Ðức Chí Tôn đến lấy chơn tướng Nho Tông đặng chuyển thế. Vì cớ cho nên triết lý của Ðạo Cao Ðài là Nho Tông chuyển thế.
Bần Ðạo đã có dịp giảng về kiếp sanh của Ngài rồi, tưởng cũng không cần lập đi lập lại nhưng chúng ta tự tìm hiểu nghĩa, một câu cao siêu của Ðức Chí Tôn đến lập giáo lấy Nho Tông làm căn bản mà đó là triết lý của Ngài ấy là tại căn duyên nào.
Chúng ta đã ngó thấy Ðức Khổng Phu Tử giáng sanh buổi Ðông Châu Liệt Quốc, chúng ta dư hiểu từ thử đến giờ chưa có một quốc gia nào hỗn loạn hơn là Ðông Châu Liệt Quốc buổi nọ. Dầu cho tới ngày hôm nay cũng còn là nước Tàu buổi trước, phân ra là 6 nước tranh quyền lợi với nhau. Một tấn tuồng tương tàn tương sát của Trung Hoa là nòi giống vinh quang của họ, dầu cho họ tầm phương để sống, sống trong một cõi đại đồng tức nhiên họ chưa tạo dựng một cái gì để làm cho ta kinh khủng, họ có cách thí nghiệm sơ sài ngay buổi ấy và khi Ðức Khổng Phu Tử, Ngài đã đến.
Nếu chúng ta lấy theo Nho thì chúng ta có thể nói:
Bao giờ cái quyền Thiêng Liêng có tại mặt thế nầy. Tinh thần của con người tổng số lại làm một xã hội hay cả thiên hạ và hễ khi nào có loạn tức nhiên cả thảy thiên hạ tìm kiếm phương pháp đặng làm chủ lấy mình.
Ðức Khổng Phu Tử đã sanh ra trong cái thời kỳ hỗn loạn ấy, vì cớ nên Ngài mới tìm một phương pháp để cứu nước, cứu toàn sanh mạng của giống dân Trung Hoa của Ngài cho còn tồn tại, chớ không thì tấn tuồng tương tàn tương sát ấy không thế nào dứt được.
Vì cớ cho nên Ðức Chí Tôn đã nói:
Hễ chúng ta sống một ngày thì hay một ngày, chớ chẳng hề khi nào chúng ta cãi đặng khuôn luật thiên nhiên của Tạo Hóa được, ví như muốn cứu vãn, muốn thức tỉnh các nước như Ðông Châu Liệt Quốc buổi nọ, Bần Ðạo xin nói:
Phải giữ gìn phương pháp đạo đức thì mới có thể làm dứt được cái nạn nồi da xáo thịt của nước Trung Hoa buổi nọ. Vì vậy nên đức Khổng Phu Tử mới đem Ðạo Nhơn Luân của con người ra làm căn bản. Bởi cớ cho nên Ngài chỉ tìm một phương pháp là Nhơn Ðạo để cứu vãn tình thế dân Trung Quốc, nhưng Trung Hoa buổi nọ cũng vẫn còn các bậc siêu hình khôn quá, ai cũng cho là giả thuyết.
Ðức Khổng Phu Tử đến nước Châu hỏi Lễ, Ðức Lão Tử nói cùng Ðức Khổng Phu Tử:
‘Người quân tử đức thạnh dung mạo như kẻ ngu’ chúng ta biết rằng cái thuyết Ðạo Giáo của chúng ta là cái thuyết siêu hình, một lời nói ngộ nghĩnh là khi gặp Ðức Lão Tử, rồi các môn đệ của Ngài hỏi Ngài, Ngài trả lời rằng:
‘Rồng biết nương mây nương gió’
Ngài trả lời một câu hay làm sao, can chi họ lại kiếm Ngài mà hỏi nữa:
‘Con cá nó lội dưới nước, dưới bàu bằng vi, con thú nó chạy trên đồng bằng chân và đã biết căn bản của mỗi con rồi duy có con rồng bay trên mây kia ta không thấy được hình, ta đoán không được mà thôi.
Ðức Lão Tử là Rồng đó vậy.’
Cả thảy đều hiểu lời nói đó khéo léo làm sao, mà Ngài không quyết định đặng, chính mình Ngài cũng không tìm hiểu được lẽ sống chết của môn đệ của Ngài. Ngài nói cái sống đương nhiên mà chúng ta đã sống chừng nào chết chúng ta sẽ hay, Ngài nói đơn giản cái thuyết chen lấn của xã hội như thế.
Ấy vậy, cái thuyết bảo vệ Nhơn Luân Chi Ðạo của Ngài đó, chúng ta đã hiểu như thế. Ðức Chí Tôn đến đặng đem Thượng Nguơn Tứ Chuyển và tinh thần đạo đức mà tìm chúng ta để làm căn bản, nhưng hiện giờ đạo đức tinh thần của nhơn loại không còn như thời Thượng Cổ nữa. Chúng ta có thể nói theo Tiên Nho rằng:
Cổ nhơn hình tợ thú, tâm hữu đại Thánh Ðức, kiến nhơn biếu tợ nhơn, thú tâm an khả trắc’
Tất cả nhơn quần xã hội trong thời văn minh nầy họ hay hỏi lắm, họ làm tinh thần trí não của chúng ta thêm rối, ta tiếc có một điều Thánh Ðức của họ không có.
Hại thay! Họ không cần Thánh Ðức thì tức nhiên cái sống của họ không phương nào bảo vệ được Ðạo Nhơn Luân của họ, nếu bảo vệ không được Ðạo Nhơn Luân, tức nhiên họ xu hướng theo vật hình thú tánh mà thôi. Họ sống theo vật hình, theo thú tánh thì ngoài ra không biết gì hết, như thế Thánh Ðức không còn giá trị gì nữa.
Vì cớ cho nên nhơn loại đã ly loạn, Ðạo Nhơn Luân nó đi đảo ngược con đường Thánh Ðức. Bởi cớ cho nên Ðức Chí Tôn đến lấy Nho Tông trước kia làm căn bản, Ðức Khổng Phu Tử đã cứu vãn tình thế nước Trung Hoa thế nào thì ngày nay Ðức Chí Tôn đến cứu vãn nhơn loại với phương pháp ấy.
Trích từ: Lời thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp quyển 5 trang 77
Tam Giới Toàn Thư – 1804468553079039
Văn Minh Khổng Giáo
Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Ðêm 14 tháng 3 năm Giáp Ngọ ( 1954 )
Ðêm nay Bần Ðạo thuyết về tâm hồn của dân tộc Việt Nam trong giờ buổi nầy, cả thảy con cái Ðức Chí Tôn nam nữ cũng như Bần Ðạo, chúng ta đã thọ hưởng đặc ân của tổ phụ lưu truyền một nền văn minh tối cổ là Nho Ðạo. Cả phong hóa văn hiến đều thuộc về Khổng Giáo, từ khi lập quốc thì dân do căn bản tối cổ của nền văn minh Khổng Giáo mà đào tạo nên hình tướng của quốc thể chúng ta. Có lẽ hồi tổ phụ ông bà lập quốc tưởng cho cái nền văn hiến cổ truyền ấy nó phải còn tồn tại mãi mãi.
Do nơi đó mà đào tạo cả tâm hồn của nòi giống, chắc các Ðấng ấy chưa biết sự thay đổi trong giờ phút nầy mà các con cái của họ, máu mủ của họ đã chịu ảnh hưởng, nếu nói phong hóa cổ truyền của tổ phụ chúng ta để lại thì con người của chúng ta về tâm hồn vẫn chơn chất hiền lương đạo đức, nếu nói cái tâm hồn chơn thật của họ thì vẫn là hình tướng Ðạo Giáo tạo cho họ đó vậy.
………
Bây giờ chúng ta nghĩ lại, nếu như một người lịch sự kia, chúng ta để trong óc não của họ, dạy dỗ họ cho có tâm hồn nhơn đức đạo nghĩa, biết giữ khuôn khổ của một người đàn bà, thì đáng giá là người của thiên hạ, đó là vì họ lấy Tam Tùng Tứ Ðức làm căn bản.
Người lịch sự ấy làm y theo lời mình đã dạy thì quí hóa thế nào, tôi tưởng cả thảy trên mặt địa cầu nầy, nếu một người đàn ông nào để ý lập đời thì mơ mộng có một điều là:
Ðược người vợ nhân từ đạo nghĩa mà lại đẹp thì còn hạnh phúc nào hơn nữa. Nếu có tay nào đào tạo được như thế thì dám chắc cả thiên hạ khen tay đó lắm vậy. Ấy vậy tâm hồn của thiên hạ như thế đó, ta thử hỏi có thể nào đào tạo nhơn loại đẹp đẽ như sự mơ ước của chúng ta đó hay chăng?
Bần Ðạo trả lời: Ðạo Cao Ðài sẽ đào tạo họ.
Trích Thuyết Ðạo Quyển VI / trang 205
Ảnh sưu tầm
Triết lý Trời người đồng trị
Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
Ðêm 27 tháng 8 năm Kỷ Sửu (1949).
Hôm nay ngày lễ của Ðức Khổng Phu Tử, tức là Ðức Ðại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương chuyển giáo Ðạo Nho. Ðạo sử của Ngài Bần Ðạo đã thường thuyết lập đi lập lại không ít vì đêm nay là ngày lễ của Ngài, Bần Ðạo thuyết về triết lý Trời Người đồng trị.
Chúng ta đã thấy Ngài là tiền bối của Ðức Chúa Jésus Christ mà Ngài ít đặng hạnh phúc hơn Jésus Christ; Năm trăm (500) năm về trước cái thuyết của Ngài, tâm lý nhơn loại buổi ấy chưa có nạp dụng đặng, lại nữa Ngài đến với cái danh từ một nhà triết lý mà thôi. Ngài không có hân hạnh, không có can đảm đến với danh từ con cái Ðức Chí Tôn cũng như Jésus Christ, vì cớ lý thuyết vẫn có một nhưng Giáo Đạo của Ngài không có hạnh phúc hơn Jésus Christ đó vậy.
Ngài chỉ có làm chứng rằng có một Ðấng thống trị cả càn khôn thế giái, Ðấng ấy Ngài để danh hiệu là ‘Nhứt Ðại’ mà thôi (Trong Hán Tự, Chữ Nhứt và chữ Đại gộp chung lại thành chữ Thiên), tức nhiên là ‘Thiên’ mà Ngài không nói ra như Jésus Christ. Ngài chỉ làm chứng rằng có một Ðấng tối cao mà thôi, thất bại của Ngài là vì lẽ đó. Ðắc thế của Jésus Christ nói quả quyết nhơn loại có Ông Cha mà Ông Cha ấy là chúa tể càn khôn vũ trụ, đắc thế của Jésus Christ là vậy.
Nếu chúng ta biết lấy theo triết học thì chúng ta nên lấy cái gương của một nhà đại gia tư tưởng, nhà đại gia triết lý học là Descartes, người nói: ‘Je pense donc je suis’ (Tôi tư duy nên tôi có vậy) Con người là một động vật ở nơi mặt địa cầu nầy, chúng ta thấy nó hiện hữu phải vận hành phải xao động, bởi nó là động vật, nó phải hoạt động, nếu không hoạt động thì chết. Trong cơn đang hoạt động có hai phần đặc biệt:
- 1./ Hoạt động về thi hài xác thịt, tức nhiên như thân thể chúng ta giờ phút nầy vậy, mỗi ngày chúng ta hoạt động mới có sống, bằng không hoạt động thì chết, luật tạo đoan quả nhiên vậy.
- 2./ Còn cái hoạt động nữa, hoạt động vô hình chúng ta không thể thấy được mà chúng ta nhìn quả quyết có hoạt động về tinh thần trí thức. Vì cớ hai cái hoạt động của con người chia ra hai phần:
- a./ Hoạt động về phần Ðời.
- b./ Hoạt động về phần Ðạo.
Là vì cái thi hài phàm tục nầy nó là con vật, nó phải hoạt động theo con vật, hoạt động theo giác thể của nó, nó chưa có biết hoạt động theo chơn linh. Vì cớ cho nên Ðức Chí Tôn tạo nên hình tướng nó, để tạo nơi mình nó
Ngài còn sắp đặt một kỷ cương để cho tinh thần nó vi chủ hình hài của nó, còn để cho thân thể nó vi chủ tâm hồn của nó, nó sẽ ngây cuồng ngu dại, nó sẽ đi đến chỗ tự diệt nó mà thôi.
Bởi vậy chúng ta ngó thấy hai phần Ðạo đặt biệt ấy, chúng ta buộc phải nhìn về phần đời chúng ta, chúng ta phải chung sống cùng xã hội nhơn quần tức nhiên sống theo khuôn khổ quốc gia dân tộc ấy nên luật khuôn khổ quyết định hơn hết. Nếu trên cái sống ấy, chúng ta thấy, chúng ta phải nhìn có một Ðấng cầm quyền trị về phần tâm hồn, trí não chúng ta. Ðấng ấy đến giờ phút nầy đến ở cùng chúng ta, nhìn chúng ta là con cái của Ngài,
Ngài đến với một danh từ là Thầy của chúng ta, mà chẳng phải làm Thầy mà thôi còn làm cha nữa.
Chúng ta tưởng tượng trở lại, để tinh thần bình tĩnh suy xét từ thử đến giờ coi các sắc dân nào trên mặt địa cầu nầy đặng hạnh phúc dường ấy chăng ?
Hai ngàn năm về trước Ðức Khổng Phu Tử đến tạo Ðạo không đạt được thuyết quí báu cao trọng ấy, cũng do nơi duyên cớ, chúng ta tưởng Ngài đến tình cờ, không có gì là tình cờ trên mặt địa cầu nầy hết, không phải tình cờ mà Ngài đến.
Ngài đến trong đời Chiến Quốc tức nhiên trong buổi ly loạn (không có buổi nào trên mặt địa cầu nầy chịu ly loạn bằng nước trung Hoa buổi nọ) thiên hạ đang chiến đấu với nhau, giành phương sống của mình, lấn quyền thế trong lục quốc phân tranh không ai nhường ai, tranh sống với nhau một cách kịch liệt Ngài mới đến. Ấy vậy Ngài đến không phải tình cờ, nếu chúng ta tưởng tình cờ thì Ðấng cầm cân Thiêng Liêng nơi cõi hư linh hằng sống chẳng có hay sao ?
Bằng cớ hiển nhiên là Chúa Jésus Christ cũng đến lập Ðạo của Ðức Chí Tôn như Ngài trong buổi loạn ly, buổi mà La Mã làm bá chủ, các sắc dân bị chinh phục quật cường chiến đấu để giải ách nô lệ của mình, buổi ấy cũng là chiến quốc vậy.
Hai người đến không phải là tình cờ mà đến đâu, cũng một thuyết với nhau đem đạo lý cứu vãn nhơn loại mỗi phen nhơn loại chịu thống khổ về tâm não dường nào thì có Ðấng Từ Bi độ tận đưa tay ra cứu vớt họ luôn luôn, đặng mà cứu khổ, nhơn loại mãi mãi không bao giờ sơ sót hết, chúng ta quan sát tận tường buổi nào các vị giáo chủ đến giáo đạo đều có lý do hết.
Nếu như không có Ðấng cầm quyền năng trị tâm lý tinh thần nhơn loại thì chưa chắc có ai làm nỗi. Cái thi hài của nhơn loại tức nhiên thân thể còn tồn tại được để quyết định tương lai của nhơn loại đương nhiên, hai cái thuyết duy tâm và duy vật, ngày giờ nào hai thuyết ấy tương hòa đặng thì chúng ta thấy cơ quan giải thoát đặng. Ngày giờ nào Trời Người hiệp một cùng nhau đồng trị với nhau tức nhiên Người trị thế, Trời trị hồn.
Hai Ðấng cầm quyền thế gian nầy cõi hư linh hằng sống hiệp với nhơn loại mới được hạnh phúc, tương lai mới được vững chắc và tồn tại. Bằng chẳng vậy con đường chiến đấu đặng sống của họ sẽ xô đẩy họ đến con đường tự diệt .
Thuyết Ðạo QIII / tr 48
Tam Giới Toàn Thư – 1805038419688719
Tam Giới Toàn Thư –