TRIẾT LÝ VỀ BỆNH TẬT
Với mỗi con người chúng ta từ khi sinh ra trên cuộc đời này, hầu như ai ai cũng đều phải bị bệnh tật, hiếm có ai mà sống cả một cuộc đời không bệnh.
Và khi không may bị bệnh thì cơ thể sẽ như thế nào đây?
Cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau đớn, uể oải, chán chường, thậm chí là bi quan với cuộc sống.
Nếu bệnh nặng quá mà không qua khỏi, thì chúng ta có thể phải lìa đời.
Bao nhiêu giấc mơ, những niềm hy vọng, cùng những thứ ta yêu thương, đều phải để lại với trần gian.
Vậy tại sao con người sống trên đời thì thường hay bị bệnh?
Bởi vì tất cả chúng ta đều đang mang một cái thân vật chất, cái thân này thật nhạy cảm trước môi trường, và rất dễ bị bệnh.
Nó cũng thật là mỏng manh, nhỏ bé trước bao nhiêu sự đe doạ, tác động, ảnh hưởng, … từ môi trường bên ngoài.
Như dịch bệnh truyền nhiễm, thức ăn nhiễm độc tố,….đây là chưa kể đến những tai nạn bất ngờ có thể xảy đến với cơ thể chúng ta.
Và ta cần quán niệm điều gì khi thấy thân thể bị bệnh ?
Phải quán chiếu thấy rằng :
Cuộc sống vốn mong manh vô thường, thân xác là tạm bợ, sống nay chết mai.
Để từ đó ta thực tập tâm buông bỏ, chứ không có nắm giữ mọi thứ, đặc biệt là buông bỏ những sự thù hận, oán ghét, …
Mà thay thế vào đó là tình yêu thương bình đẳng với tất cả mọi người, mọi chúng sinh.
Có như thế, thì dù sống trong vô thường, nhưng chúng ta đã góp phần làm cho cuộc đời trở nên tươi đẹp và đáng sống hơn.
Còn đối với các Phật tử, là những người con Phật biết tu hành.
Thì chúng ta khi đang khỏe mạnh, hãy tranh thủ thời gian quý giá có được để mà tu hành.
Hằng ngày phải tập buông bỏ bớt những tâm tham sân si mạn nghi, tà kiến và ác kiến…
Cố gắng làm tất cả các điều thiện (thông qua thân miệng ý) bằng hết khả năng có thể.
Trước đây, tôi cũng thấy có nhiều vị, lúc họ đã hiểu đạo, muốn tu tập, muốn làm nhiều điều phước lành, nhưng lúc đó bệnh tật lại xuất hiện, khiến họ không thể nào làm gì được nữa.
Khi bị rơi vào hoàn cảnh như thế, lúc đó ta mới chợt nhận ra rằng những năm tháng khi mình còn khỏe, mình đã không biết quý trọng sức khỏe đang có, không biết tận dụng để tu học, và tích nhiều phước thiện.
Để rồi giờ đây, khi thân thể bệnh tật, không làm được gì nhiều nữa, thì có hối tiếc cũng đã là muộn màng rồi.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>>> Tìm hiểu thêm : https://xn—hay-uqa.vn/tam-linh/tu-hoc-moi-ngay/