Trung đạo – Cân bằng giữa tu tập và cuộc sống đời thường
Hỏi đáp thực hành thiền và tâm linh – Trong Suốt (Hà Nội, 04/2018)
Thùy Anh: Dạ, Con chào Thầy, chào các anh chị. Con là Thùy Anh, 39 tuổi, 1 chồng, 2 con, làm truyền thông ạ. Con có một câu hỏi thế này: Gần đây con rất là quyết liệt với con đường mà mình lựa chọn, là quay vào sửa bên trong, mình quyết liệt đi theo con đường đấy. Mình quyết liệt là nghe Trà đàm, cứ có một cái khó chịu nào nổi lên thì mình tìm cách sửa, và không bám chấp vào những kết quả bên ngoài.
Nhưng vô tình theo một cách nào đấy, mình lại gieo một cái nhân xấu là làm cho ông chồng khó chịu, hay làm cho đứa con cảm thấy là mẹ xa cách. Con thì không bám chấp vào việc họ phải chấp nhận con đường con đang theo, nhưng con nhìn thấy họ buồn… Thì con không biết con đường trung đạo phải như thế nào, làm thế nào để cân bằng giữa việc tu tập và cuộc sống ngoài đời?
Thầy Trong Suốt:
Đúng là tu giữa đời là khó hơn nhiều. Bạn Thùy Anh là bạn đã có một quyết tâm rồi đấy. Bạn khác bạn Mai ở chỗ là quyết tâm sửa bên trong. Đấy, bạn ấy hơn bạn Mai ở chỗ là bạn hiểu rằng: sửa bên ngoài chịu rồi, nên sửa bên trong. Nhưng bạn ấy sửa bên trong không phải như những người xuất gia, như những người tu ở trên chùa hay ở trên núi. Bạn vẫn ở trong nhà, vẫn tại gia.
Ở trong nhà thì rõ ràng mình phải có trách nhiệm, bổn phận, đúng không? Có những người, họ bị lệ thuộc vào mình, tối thiểu lệ thuộc vào mặt cảm xúc của mình. Thế thì mình phải sống thế nào? Câu hỏi là: làm thế nào tu ở giữa đời mà mình vẫn tiến bộ nhưng mình không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh?
Đúng là phải trung đạo. Thế trung đạo nghĩa là gì? Trung đạo, nói một cách dễ hiểu, là nó không bị lệch ở đâu hết, không lệch sang phải, sang trái thì gọi là “trung”, “trung” là giữa ấy.
Ví dụ: Mình đi trên một con đường, 2 bên là vực sâu, thế nào là trung đạo? Mình cứ thẳng đường mà đi là trung đạo. Thế nào là bị lệch? Mình rơi xuống vực, lệch phải quá rơi xuống vực, lệch trái quá rơi xuống vực. Đấy, khái niệm trung đạo là đi ở giữa.
Thế thì trong cuộc sống, cái việc trung đạo còn quan trọng hơn là đi lên chùa. Lên chùa thì ít nhất không bị đối diện bổn phận, trách nhiệm. Thế phải làm như thế nào? Mình làm gì thì làm, nhưng đầu tiên phải hiểu một điều như thế này:
Suy cho cùng thì kết quả tu hành không phải là chỉ cho mình. Suy cho cùng thầy tu hành xong, tu một thời gian, chắc là 99% thời gian là dành cho tất cả mọi người như thế này, không nói là 100%, thì như vậy kết quả tu hành cuối cùng không phải cho mình mà cho mọi người nữa. Nên là mình phải giữ cái việc đấy trong lòng mình. Giữ cái việc là “tôi tu hành vì tôi và vì những người này”, đầu tiên là những người gần mình nhất đúng không? Mình còn chả quan tâm đến người gần mình nhất, bảo quan tâm đến thế giới, vũ trụ thế nào được?
Đầu tiên, khi tôi tu hành kết quả đầu tiên là những người này sẽ nhận. Tôi nhận là đương nhiên, tuy nhiên trong lòng của tôi luôn luôn muốn làm cho họ hạnh phúc, tôi không bỏ họ khỏi lòng tôi. Đấy, cái đầu tiên là phải nhớ thế. Tuy nhiên, tôi không bỏ họ ra khỏi lòng tôi cũng không có nghĩa là tôi phải chiều họ mà tôi lại không tu được.
- Nếu mà tôi chiều họ, vì họ mà không tu được thì lệch sang phải.
- Còn tôi chỉ tu thế nào để tôi hạnh phúc, còn họ thế nào cũng được thì lệch sang trái.
Đúng không? Thế nào rồi cũng rơi xuống vực. Không rơi xuống vực là gì? Tôi phải tu hành thế nào để cuối cùng đem lại ích lợi cho họ, cho cả tôi và cho cả họ. Và trên con đường đi, tôi không làm cái gì quá đáng để gây tổn thương và đau đớn cho họ, thế thôi!
Thế thì lúc đấy sẽ biết được giới hạn nào là giới hạn gây tổn thương và giới hạn nào là giới hạn chấp nhận được. Và em phải điều chỉnh, trong cuộc sống là phải điều chỉnh. Ví dụ
- mình đã sẵn làm một việc gây tổn thương rồi thì mình phải tìm cách vỗ về.
- Còn nếu mình chưa làm thì tốt quá, chưa làm thì phải dừng cái đấy lại.
- Thế còn, mình đã làm quá mất rồi thì mình lại quay trở lại.
Ví dụ hôm nay mình nói một câu: “Em chẳng cần anh nữa”, đúng không? Do mình đang tập cái bài Pháp nào đó, buông gì đó; hôm sau lại đến nấu ăn này, vỗ về đúng không? Ôm ấp, thế là ông ấy cảm thấy là “ừ, thế là ổn. Cô này thực ra vẫn chỉ đang dao động quanh mình thôi, chứ cô ấy chưa đi chỗ khác, chưa biến mất”.
Em phải đo mức độ tổn thương của những người xung quanh,
- tối thiểu là không làm họ tổn thương,
- tối đa là làm cho họ hạnh phúc.
Nhưng mà tối thiểu, mình chưa có khả năng thì mình đo mức độ tổn thương của họ rồi đến lúc dừng lại, hoặc lỡ đi quá rồi thì quay lại.
Đấy, rất đơn giản thế thôi. Đừng có gây tổn thương! Nhưng mà mình chiều họ càng không trung đạo.
Chiều họ nghĩa là gì? Hôm nay em đi nghe Trà đàm, chồng bảo: “Không, hôm nay anh thích em ở nhà nấu nướng cho anh” chẳng hạn, thế mình chọn cái gì? Mình chọn ở nhà nấu ăn là mình đã bị lệch sang phía họ rồi. Tại vì nấu ăn trăm buổi thì mình không hạnh phúc được và dài hạn khi mình không hạnh phúc thì họ cũng không hạnh phúc đâu. Mình nấu ăn trong một thái độ cằn nhằn, khó chịu thì làm sao hạnh phúc được?
Hạnh phúc cho mình thực chất là hạnh phúc cho người. Trong gia đình, nếu có một người mẹ hạnh phúc, đương nhiên bố với con sẽ hạnh phúc. Còn trong gia đình có người mẹ chán nản, đau lòng, đương nhiên bố, con cũng sẽ đau lòng. Thế nên, khi mình hiểu một cách sâu sắc, mình thấy rằng hóa ra mình tu hành cho cả mình và họ được hưởng lợi.
Nên việc tu hành của mình ấy, nếu mình giữ họ trong lòng thì không đi ngược lại quyền lợi của họ. Việc mình tu hành mà mình giữ họ trong lòng, cố gắng tốt cho họ thì không đi ngược lại quyền lợi cho họ. Đức Phật, sau khi giác ngộ xong, vẫn quay về dạy giảng Pháp cho con mình, cho bố mình như thường. Đấy, như vậy đâu phải vấn đề gì đâu? Có thể tạm bỏ đi, nhưng mà quay lại cứu.
Như vậy trong lòng của em cần phải có họ. Như vậy nhé, nhớ này:
- Một là: Trong lòng phải có họ. Tu gì thì tu trong lòng phải có họ.
- Hai là: Hiểu rằng ích lợi cho mình, tâm mình tốt lên, vui lên thì dài hạn có ích lợi cho họ, họ sẽ vui lên, tốt lên.
- Ba là: Trung đạo,
- mình không quá chiều họ để ảnh hưởng đến tu hành mình,
- mình không quá vì tu hành gây tổn thương đến họ. Và
- mình sẽ biết đến điểm nào mình dừng để mình không đi quá, hoặc nếu có đi quá rồi thì quay lại.
Khi em nhớ được tất cả những điều đấy thì dù chồng em khó chịu một chút, con em khó chịu một chút, nhưng mà nó sẽ không bao giờ quá giới hạn cả. Còn nếu không, em quên mất điều đấy thì có thể nó sẽ quá giới hạn. Chồng em sẽ lại tìm cô khác đúng không? Đấy có thể, nên là em phải tự tìm điểm cân bằng thôi.
Tất cả học trò của thầy cũng thế thôi. Ai cũng ở trong đời hết cả, đâu có một vài người ở trên chùa, không đáng kể. Vì ở trong đời nên phải trung đạo, nó rất là quan trọng. Mà trung đạo là gì? Là không lệch quá bên này hoặc bên kia, mình phải tìm cái điểm thế, không đi quá hoặc đi quá rồi phải quay trở lại.
Trung đạo. Hôm nay làm chồng khó chịu thì hôm sau nấu ăn. Thêm một chút nữa là, mình đừng hy vọng là mình sẽ không bao giờ làm chồng mình khó chịu, hoặc làm con mình khó chịu – Không có đâu.
Giống như mình đi trên một cái dây hay đi xe đạp cũng thế thôi. Cân bằng không có nghĩa là lúc nào nó cũng thẳng đứng lên, mà nó phải nghiêng phải một chút, hoặc là nghiêng trái một chút, đi trên dây rõ nhất đấy. Nghiêng phải một chút, xong rồi hơi nghiêng quá rồi, mình lại nghiêng trái một chút thì mới cân bằng được. Xe đạp cũng thế thôi, đi xe đạp không phải lúc nào mình cũng thẳng đơ ra là xe đổ ngay. Mà xe hơi nghiêng phải tí, mình lại nghiêng sang trái, xe hơi nghiêng trái thì mình lại nghiêng phải. Lúc đầu mình mới đi xe đạp, mình chưa đạt được trình độ đấy nên là xe hay đổ. Đúng không? Các em bây giờ cũng thế, mới chỉ tu hành thôi chưa đạt được đến trình độ đấy, nên thi thoảng nó hay đổ, gây khó chịu. Nhưng khi mình đi xe đạp đã quen rồi, dần dần nó thành bản năng tự nhiên. Mình tự nghiêng phải, nghiêng trái. Chính mình sẽ không để ý xem nó nghiêng phải hay nghiêng trái nữa. Có đúng không?
Đấy, cái trung đạo là như vậy. Trung đạo giống như em đang đi xe đạp vậy. Lúc đầu em phải cố gắng cân bằng, nghiêng phải nghiêng trái cho nó đều, nhưng dần dần lên trình độ mới thì em tự nghiêng phải, nghiêng trái. Thấy chồng hơi cau mày một tí, mình biết ngay có phương án rồi, quen rồi, không phải lo nữa. Lúc đầu đổ xe thì chấp nhận thôi.
Đấy, lấy hình ảnh như thế làm ví dụ. Bây giờ ví dụ dễ nhất là đi xe đạp, lúc đầu thì tập, tập xong rồi đổ xe, xong đổ vài lần, ngã đau đầu, chóng mặt, xong rồi sau vài lần mình dần dần quen, mình bắt đầu đi một cách rất là bản năng, không cần chú ý mà vẫn nghiêng phải, nghiêng trái.
Thầy nói thế là vì sao? Vì tránh một loại kỳ vọng là gì? Là mình cứ tu để mong mình hạnh phúc ngay từ đầu, không có đâu! Ngay từ đầu mình tu ấy, mọi người không hạnh phúc là chuyện bình thường.
Đấy, nhớ là đường trung đạo không có nghĩa là cứ thẳng đuỗn ra mà đi, có thể sẽ có lúc lệch sang bên này, lúc lệch sang bên kia. Thì lúc đầu có một chút va đập, phải chấp nhận điều đấy, bình thường thôi. Sau này trình độ mình lên dần, và dần dần mình đi xe đạp quen không có chuyện đấy, hoặc quá trình đấy có thể diễn ra vài tháng, thậm chí nửa năm, một năm, càng sớm thì trình độ mình càng giỏi mình càng nhanh, thế thôi.
Nên cũng đừng kỳ vọng chồng con mình phải vỗ tay tán thưởng ngay từ đầu. Nhưng sau khoảng 1, 2 năm… Tại vì học trò thầy có người có vấn đề với gia đình rất là nhiều, sau vài năm thấy không còn vấn đề gì với gia đình nữa. Vì lúc ấy trình độ mình lên rồi, mình nghiêng rất đúng lúc, anh vừa nhăn mặt mình đã có phương án rồi.
Đấy! Thế thôi, thầy nói thêm một chút để em và các bạn đừng kỳ vọng là mình không gây va đập. Mới đi xe kiểu gì cũng ngã, đấy là một điều rất dễ hiểu, đúng không? Nhưng khi mình có trình độ rồi thì yên tâm, không có vấn đề gì cả.
Trongsuot.com